Sáng thứ Sáu ngày 22/11, hàng chục công an đã dùng roi điện và máy ủi đến trấn áp sáu hộ dân sống lâu đời trên một khu đất ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, mà chính quyền địa phương muốn giải tỏa nhưng không đền bù thỏa đáng. Tranh cãi thưa kiện hơn hai năm từ địa phương lên tỉnh rồi từ tỉnh xuống thị trấn mà không nơi nào chịu giải quyết cho dân.
Đàn áp dân
Đó là khu đất Ba Cống ở huyện Việt Yên, giáp ranh thị trấn Lếnh, nơi có 6 hộ gia đình sinh sống đời này qua đời khác, điển hình như cụ ông Đỗ Văn Tuyển và ông Bùi Huy Đại, 56 tuổi:
“Tôi là Đỗ Văn Tuyển, ở Việt Yên, Bắc Giang, gia đình tôi nói riêng có một miếng đất 1 sào 12 thước ở khu Ba Cống giáp ranh thị trấn Lếnh. Trong lịch sử gia đình tôi để lại là 4 đời, được đảng, chính quyền, dân làng, các đoàn thể chứng nhận là nguồn gốc của gia tộc tôi.
Hôm qua chúng tôi ra trụ sở tiếp dân, chúng tôi mang công văn về, đưa cho anh Hùng là phó công an huyện Việt Yên, đề nghị các anh hãy tạm dừng để giải quyết cho chúng tôi nhưng mà các anh không nghe. Mà ngày hôm nay họ cho máy ủi và khoảng trên dưới 50 công an kể cả công an huyện, kể cả công an xã. Lực lượng vũ trang ô tô máy ủi rồi thì công an đè dân ra, không nghe là dí dùi cui điện.
Tôi là Bùi Huy Đại, chỉ có độc 240 mét vuông đất nằm trong khu Ba Cống thuộc thôn Sen Hồ,thị trấn Lếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tôi đang cấy rau muống thì họ ra quyết định thu hồi đất của tôi. Tôi không nghe, thế là ngày hôm nay họ đến họ đàn áp họ ra họ lấp từ sáng.”
Họ cho máy ủi và khoảng trên dưới 50 công an kể cả công an huyện, kể cả công an xã. Lực lượng vũ trang ô tô máy ủi rồi thì công an đè dân ra, không nghe là dí dùi cui điện. <br/> -Đỗ Văn Tuyển
Tại buổi bố ráp để san lấp mặt bằng hôm thứ Sáu 22, anh Thơm, công nhân lao động từ Tiệp Khắc về thăm nhà, bị đánh rất nặng bằng roi điện và bị bắt đi vì đứng ra phản đối việc làm của công an trên phần đất của gia đình anh:
“Họ bắt anh Nguyễn Văn Thơm là nhà anh cũng có đất trong đó, họ đè xuống họ bóp cổ rồi họ dí dùi cui rồi họ vứt lên thùng xe ô tô bịt kín chở về công an huyện Việt Yên. Việc làm thế này là bức xúc lắm, chúng tôi tức lên tới cổ và không chịu được.”
Quá bức xúc vì thấy mình cùng bà con bị xử ép, ông Bùi Huy Đại toan tự thiêu như dự tính nhưng con cái va hàng xóm kịp thời ngăn lại:
“Tối hôm qua tôi chuẩn bị 3 cái bật lửa, tôi bảo con tôi “mua cho bố cái bình ga 12 cân, bây giờ bố chẳng còn gỉ nữa, chỉ còn 240 mét vuông đất này là số tài sản mà bố mẹ nuôi các con ăn học hàng chục năm trời mới có được”. Lắm lúc tôi cay cực lắm, mà cái quyết định đó ra hai năm nay rồi, bảo đất này là đất tập thể, qui hoạch để xây dựng khu cư dân tây Hồ nhưng thực tế là không đúng.”
Tức nước vỡ bờ
Sự việc bắt đầu từ tháng Sáu năm 2012, khi phó chủ tịch huyện Việt Yên, ông Trần Vũ Thông, gởi một quyết định cho biết không công nhận đất của gia đình ông Đỗ Văn Tuyển, ông Bùi Huy Đại và bốn hộ bạn, đồng thời cho phép bên thị trấn Lếnh được quyền san lấp mặt bằng này:
“Chúng tôi làm đơn khiếu nại lên Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Giang,đến ngày 7 tháng Hai 2013 thì chủ tịch tỉnh Bắc Giang, ông Lại Thanh Sơn, ra quyết định yêu cầu Ủy Ban Nhân dân huyện Việt Yên hủy bỏ quyết định 3189 ngày mùng 3 tháng Sáu và đền bù cho gia đình chúng tôi. Thế nhưng không hiểu vì sao đến tháng Mười 2013 thì Ủy Ban Nhân Dân huyện Việt Yên lại ra quyết định 3119 và lại cũng không công nhân đất của chúng tôi.”
Qui hoạch là đưa lên thành lập khu dân cư Thôn Sen Hồ nhưng thực tế là không thế, họ san lấp mặt bằng họ phân lô bán nền, bán cho bất cứ người nào, kể cả người buôn đất. <br/> -Bùi Huy Đại
Vẫn theo cụ Đỗ Văn Tuyển, đất xen canh là lý do mà chính quyền địa phương huyện Việt Yên đưa ra để không công nhận quyền sở hữu của 6 hộ dân trên miếng đất Ba Cống này:
“Vì địa giới là địa giới xen canh, xen canh là giữa đồng Sen Hồ và đồng Phúc Lâm chúng tôi. Đồng Sen Hồ là thị trấn Lếnh, chúng tôi là thôn Phúc Long, thế nên họ cứ bảo đấy là địa giới của thị trấn Lếnh. Vì thế cho nên họ không công nhận, họ cứ đổ đất vào mà không đền bù, không họp bàn và không công văn cho nên là chúng tôi rất bức xúc.”
Còn theo ông Bùi Huy Đại, chính quyền địa phương huyện Việt Yên muốn qui hoạch miếng đất Ba Cống của 6 hộ dân là vì:
“Qui hoạch là đưa lên thành lập khu dân cư Thôn Sen Hồ nhưng thực tế là không thế, họ san lấp mặt bằng họ phân lô bán nền, bán cho bất cứ người nào, kể cả người buôn đất. Thế còn nếu người dân Sen Hồ thì chúng tôi làm gì có tiền bỏ ra một tỉ đồng để mua. Người nông dân thôn Sen Hồ chúng tôi phần đông bán mặt cho đất bán lưng cho trời, suốt ngày ở đồng lấy đâu tiền một tỉ mà trong đấy 240 mét vuông của tôi là 3 lô đất nó bán lấy 3 tỉ, nó trả tôi có 38 triệu 400 nghìn đồng, còn 5 ông kia thí nó không trả đồng nào. Ba mươi tám triệu bốn trăm nghìn đồng là mỗi mét đất chỉ bằng 3 bát phở thôi, nó cướp trắng của tôi. Ức quá nên hôm qua tôi liều chết nhưng mà con nó bảo tôi thôi bố hãy từ từ, mình vẫn còn phải nhiều bước đi nữa, chứ không hôm qua là tôi chiến đấu với chúng nó đến cùng.”
Cho đến cuối ngày thứ Sáu 22, người bị bắt là anh Nguyễn Văn Thơm được cho về từ trại giam công an huyện Việt Yên trong tình trạng tơi tả và không nói được.
Đây là tình cảnh tức nước vỡ bờ của 6 hộ dân ở khu đất Ba Cống, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, ông Đỗ Văn Tuyển và ông Bùi Huy Đại cho biết như thế. Bất chấp đe dọa, đánh đập và bắt bớ, 6 hộ dân trên mãnh đất này vẫn chuẩn bị kéo nhau ra phòng tiếp dân huyện vào ngày hôm sau để đòi lại công lý cho gia đình của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc để tường trình đến quí vị.