Là một trong 10 người được mệnh danh là "nữ ca sĩ có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam", danh ca Bạch Yến sau hơn 50 đứng trên ánh đèn sân khấu, vẫn với chất giọng trầm thuở nào, bà đã đang và sẽ còn làm mê hoặc nhiều thế hệ người nghe nhạc.
Một tuổi thơ đầy cơ cực
Âm nhạc đã đến với bà từ rất sớm, năm 7 tuổi, bà bắt đầu hát tại rạp Norodome Phnom Penh của Campuchia, đến khi 11 tuổi bà được giải nhất, huy chương vàng của đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Và bà chính thức bước vào con đường ca hát năm 14 tuổi.
Có một lần ngang qua phòng trà, liều nhảy lên xin hát đại, lúc đó 14 tuổi, người ta thấy mình hát được vì mình cũng dạn dĩ, chắc mình cũng có duyên gì đó với âm nhạc, thành ra, anh Mạnh Phát và Ngọc Bích thấy mình hát như vậy cũng đồng ý, nói ngày mai quay trở lại và cho hát và như vậy là có chỗ hát là phòng trà Trúc Lâm.
Thế nhưng ít ai biết được bà đã trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực, khi cha bà muốn đưa gia đình về sống ở Nam Vang trong khi mẹ của bà lại muốn ở lại Việt Nam để các con không bị mất gốc. Cha mẹ chia tay, bà phải gồng vai phụ giúp mẹ bằng việc gia nhập một gánh xiếc với vai trò người lái mô tô bay.
Rất may mắn là có một người cậu dạy cho đi moto bay, điều này chỉ cần can đảm và chịu khó luyện tập là mình có thể trở thành một nghệ làm xiếc mô tô bay. Nhưng rồi sau khi trình diễn mô tô bay hơn 2 năm, gần 3 năm, lần chót cùng biểu diễn ở Hội chợ Thị Nghè bị té xuống...
Bạch Yến
Hồi mà đi mô tô bay cũng là định mệnh khiến cho mình phải đổi nghề vì lúc đó nhà cửa bị cháy hết, người cha thì đi xa, mẹ thì không muốn trở lại, sống rất eo hẹp, khi mình bị đói, mình làm bất cứ một điều gì để sống. Rất may mắn là có một người cậu dạy cho đi moto bay, điều này chỉ cần can đảm và chịu khó luyện tập là mình có thể trở thành một nghệ làm xiếc mô tô bay. Nhưng rồi sau khi trình diễn mô tô bay hơn 2 năm, gần 3 năm, lần chót cùng biểu diễn ở Hội chợ Thị Nghè bị té xuống, bầm bên màng tang, rồi dập vài cái xương sườn, không ngờ ngày nay, khi mình có tuổi, mắt mình có vết nứt, nên hơi khó khăn một chút, không được thấy rõ một bên.
Thành công
Sau nhiều thăng trầm của cuộc sống, cộng với niềm đam mê ca hát và sự học hỏi trong nghề cầm ca, bà đã có những bước tiến dài trên con đường nghệ thuật. Bà cùng mẹ sang Pháp năm 1961 để học phương pháp hát nhạc Tây Phương, sau khi trở về nước, đến năm 1965, bà được chương trình Ed Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ mời để góp mặt khi muốn giới thiệu tiếng hát đặc biệt của bà đến khán giả Hoa Kỳ.
Thế nhưng chuyến đi 12 ngày ấy của bà đã biến thành một quãng đời dài 12 năm mà bà gắn liền với xứ sở Cờ Hoa sau đó. Trong suốt quãng thời gian từ 1965 đến 1978, bà là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất có cơ hội đứng chung cùng sân khấu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Joey Bishop, Mike Douglas… bà cũng hát được 5 thứ tiếng khác nhau: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý hoặc Do Thái cùng với những điệu twist vô cùng độc đáo.
Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, năm 1978, cơ duyên đến với bà, khi bà gặp giáo sư nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Quang Hải, chỉ vẻn vẹn trong một thời gian ngắn, 2 người đã nên nghĩa vợ chồng. Sau bao hào quang của một nghệ sĩ lừng danh tên tuổi, bà đã đánh đổi dòng tân nhạc để chuyển sang hát dòng nhạc dân ca:
Thời gian từ 1965 đến 1978, bà là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất có cơ hội đứng chung cùng sân khấu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Joey Bishop, Mike Douglas… bà cũng hát được 5 thứ tiếng khác nhau: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý hoặc Do Thái
Bạch Yến
Điều thứ nhất là cô rất thích được hát nhạc dân ca từ xưa tới nay, mà chưa có cơ hội và kế đó, khi đi diễn với chú thì có vợ, có chồng, chứ nếu cô tiếp tục hát tân nhạc, thì 3 tháng mới được gặp chú một lần, bởi cô làm việc bên Mỹ, còn chú Hải làm việc bên Pháp, dường như lúc nào người phụ nữ cũng phải hi sinh. Ngoài chuyện hi sinh, thì cũng có một phần sở thích trong đó. Nếu nói về tài chính, cô hi sinh rất nhiều, vì đi làm tân nhạc kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng cô nghĩ rằng, làm tân nhạc chỉ vui một thời, còn làm nhạc dân ca thì sẽ sống mãi, cuộc sống của tân nhạc rất phù du, không phải tồn tại hoài.
Bà kể rằng, để thay đổi cả một dòng nhạc mà bà vốn theo đuổi bao năm, giờ bắt đầu lại từ đầu, có quá nhiều thách thức:
Rất là khó, rất là khó, cô chỉ hát được những bài thường thôi vì cô quen với tân nhạc rồi, thành ra muốn trở qua làm nhạc dân ca rất khó bởi cách trình bày cũng như cách dùng giọng của mình, rồi những luyến láy đòi hỏi mình phải hát rất Việt Nam, mà cô lại đi từ Tây phương quay trở về, thành ra khó hơn người nào chưa từng hát, nếu ai chưa từng hát, mà đi hát thẳng nhạc dân ca, thì sẽ dễ hơn nhiều lắm.
Cô đi với chú tính đến nay cũng đã hơn 30 năm rồi. Cô không hát những tác phẩm của chú vì khi làm nhạc dân ca là hát nhạc dân gian, bây giờ cô chuyên hát những bài hát ru, thí dụ như hát bài ầu ơ ví dầu, một điệu hát ru miền Nam thì như thế này…
Cô nghĩ rằng, khán giả đã bỏ thì giờ đến, mua vé đi vô coi mà mình không đáp ứng được sự chờ đợi của khán giả thì điều đó rất bậy, nếu có lỡ đau ốm, cô cũng ra hát đàng hoàng, rồi sau đó, ngã ra chết cũng được...đó là điều mình rất chú trọng…
Bạch Yến
Ngao du vòng quanh thế giới
Sau hơn 30 năm ngao du, biểu diễn trên hơn 70 quốc gia, cùng hàng ngàn xuất diễn, ông đàn bà hát, hai nghệ sĩ đã mang âm nhạc dân tộc Việt Nam đến giới thiệu với bạn bè khắp năm châu bốn bể:
Khi biểu diễn, trình bày nhạc dân ca cho người ngoại quốc nghe, thì (sự góp mặt của cô) cũng là thêm một bóng hồng trong chương trình, cho nó có màu sắc hơn. Khi chú trình bày và biểu diễn những cây đàn, nghe một lúc cũng sẽ hơi nhàm, khi cô xuất hiện, trình bày những bài hát ru xen kẽ, điểm đặc biệt đó là những bài hát không đệm đàn, kiểu acapella nên khán giả rất thích, để trình bày những bài hát ru đúng theo truyền thống, rất mộc mạc.
Giờ đây, khi đã “thất thập cổ lai hi” nhưng nghệ sĩ Bạch Yến vẫn giữ cho mình một thần thái và sắc vóc không tuổi. Bà gìn giữ sức khỏe bằng cách đi bộ 4 cây số mỗi ngày, uống nhiều nước và dù bận thế nào thì bà cũng bỏ ra 30 phút mỗi ngày để tập thanh nhạc. Bà có một niềm đam mê nho nhỏ là hết mực yêu thương chiếc áo dài Việt Nam và đó là trang phục biểu diễn mà bà thường sử dụng khi giới thiệu về văn hóa và âm nhạc dân tộc Việt.
Trước khi chia tay, danh ca Bạch Yến muốn được một lần nữa gửi tới những khán thính giả đã luôn sát cánh bên bà trong hơn nửa thế kỷ qua:
Lúc nào cũng thích gần gũi khán giả và luôn luôn kính trọng khán giả, mỗi lần ra diễn là diễn bằng cả con tim với tất cả hình dáng, vẻ người, vì khi diễn tả một bài hát là mình diễn tả cả tâm hồn, mình muốn khán giả đừng thất vọng. Nhất là bây giờ, khi mình đã đi hát trên 50 năm rồi, lúc nào khán giả đi coi mình cũng chờ đợi lắm, thành ra lúc nào mình cũng muốn để những người tới nghe mình vui lòng. Cô nghĩ rằng, khán giả đã bỏ thì giờ đến, mua vé đi vô coi mà mình không đáp ứng được sự chờ đợi của khán giả thì điều đó rất bậy, nếu có lỡ đau ốm, cô cũng ra hát đàng hoàng, rồi sau đó, ngã ra chết cũng được, mình yêu nghề, mình thích làm cho khán giả được thỏa mãn, được vui, đó là điều mình rất chú trọng…