Xuất khẩu gạo: cấm đoán nảy sinh buôn lậu

0:00 / 0:00

Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp không đủ mức lời 30% cho nông dân. Trong khi đó Việt Nam trúng thầu bán 187.000 tấn gạo cho Philippines, song hành với sự kiện 600.000 bao gạo nhập lậu từ Việt Nam bị nước bạn phát hiện. Có những ý kiến cho rằng, chính sách điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam đã lạc hậu không còn phù hợp.

Phụ thuộc hợp đồng chính phủ

Vụ trúng thầu bán cho Philippines 187.000 tấn gạo với giá thấp được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) loan báo từ ngày 11/4. Nhưng đến ngày 30/4, Cơ quan lương thực Quốc gia Philippines (NFA) mới chính thức công bố việc này. Cùng thời gian này Hải quan Philippines hôm 25/4 loan báo bắt giữ 600.000 bao gạo xuất xứ Việt Nam nhập khẩu lậu vào Cảng Cebu. Lô gạo trị giá 1,2 tỷ peso tương đương 29 triệu USD. Theo tin này có 8 doanh nghiệp lớn dính líu tới thương vụ nhập gạo lậu.

VFA thường ngăn cản các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thương mại bán gạo vào các nước có đấu thầu nhập khẩu gạo theo hợp đồng chính phủ khối lượng lớn. Mỗi khi bí đầu ra VFA mới khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm hợp đồng thương mại. Ngày 26/4 Phát biểu trên báo mạng Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nói rằng, việc nhập khẩu lậu là hoạt động của thương nhân Philippines và thương nhân Việt Nam nhưng sẽ làm giảm sản lượng xuất khẩu gạo qua đường chính ngạch.

Tại cuộc Hội thảo lúa gạo tổ chức ngày 26/4 tại An Giang, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm ăn theo kiểu bán chuyến ký xong hợp đồng mới quay về mua gạo, hoàn toàn mua đi bán lại hưởng chênh lệch.

Tình trạng hiện giờ thì ngành gạo Việt Nam còn thiệt thòi lớn lắm, nếu các công ty đầu ra này không cải sửa được, nông dân còn thiệt thòi kéo dài hoài. <br/> -TS Võ Hùng Dũng

Nhận định về hoạt động xuất khẩu gạo do VFA cầm trịch, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ phát biểu:

“Đa số doanh nghiệp gạo là từ công ty nhà nước, họ phụ thuộc rất nhiều vào hợp đồng chính phủ xưa nay. Khi kinh doanh họ không chủ động lắm về vấn đề giá vì có giá sàn của Hiệp hội Lương thực; cho nên các công ty không tự chủ lắm trong cạnh tranh đồng thời phụ thuộc vào hợp đồng tập trung. Do có hàng rào che chắn của Hiệp hội Lương thực nên họ không phấn đấu lắm với cạnh tranh và nỗ lực riêng để xây dựng năng lự cho chính họ. Bởi vậy khi thị trường thăng hoa, phát triển theo nhu cầu quốc tế tăng lên thì họ dễ dàng bán được gạo, còn khi thị trường suy yếu thì họ gặp bế tắc. Tình trạng này lặp đi lặp lại rất nhiều năm cho tới bây giờ cũng không thay đổi, nếu vậy ngành gạo suy yếu kéo dài và nông dân càng thêm khó khăn. Chỉ tiêu thụ gạo mà đã như vậy và họ cũng không thể nào phát triển chuỗi giá trị của ngành gạo để tạo ra được giá trị gia tăng mới. Tình trạng hiện giờ thì ngành gạo Việt Nam còn thiệt thòi lớn lắm, nếu các công ty đầu ra này không cải sửa được, nông dân còn thiệt thòi kéo dài hoài. Vấn đề đang phụ thuộc rất là lớn vào các nhà xuất khẩu mà họ lại đang bị căn bệnh rất trầm kha, cần phải có một cuộc giải phẫu toàn diện.”

Giá rẻ nhất thế giới

Công nhân đang vô bao gạo nhập khẩu từ Việt Nam ở Manila, Philippines. AFP
Công nhân đang vô bao gạo nhập khẩu từ Việt Nam ở Manila, Philippines. AFP (AFP)

Trở lại tin vui VFA thắng thầu 187.000 tấn gạo cung cấp cho Philippines. Các chuyên gia cho rằng lượng gạo này là quá nhỏ, so với những gì nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới này thực hiện trong quá khứ. Năm 2010 Philippines nhập khẩu 2,45 triệu tấn gạo phần lớn từ Việt Nam. Thắng thầu cũng dễ hiểu vì giá gạo của á vương Việt Nam đang rẻ nhất thế giới, thí dụ gạo 25% tấm rẻ hơn gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 170 USD/tấn và thấp hơn Ấn Độ 30 USD/tấn. Trên thực tế Việt Nam đã thắng thầu bán gạo 25% tấm với giá CIF 459,75 USD/tấn tức gồm luôn cước phí vận chuyển và bảo hiểm so với giá chào của Thái Lan là CIF 568 USD/tấn. Hiện nay Vinafood II đang bán gạo 25% giao hàng lên tàu ở cảng TP.HCM trong khoảng 360-370 USD tấn.

Tin thắng thầu không vực dậy giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi một số tỉnh đã có thu hoạch vụ hè thu sớm, còn phần lớn diện tích rộng lớn cây lúa đã trổ đòng. Một nông dân Cần Thơ than phiền ngành nông nghiệp khuyến cáo sai trong việc trồng loại lúa gì dễ tiêu thụ, ngoài ra lợi nhuận vụ đông xuân thấp không đủ sống.

“Ông nhà nước kêu mình trồng lúa thơm, lúa chất lưọng cao, cuối cùng bây giờ không có đầu ra. Lúa chất lượng cao còn lại của vụ đông xuân, lúc đầu vụ được 6.200-6.300đ/kg hiện nay còn 5.700-5.800/kg lúa khô. Còn ba giống lúa ngang hạt dài hay hạt tròn 50404 kém giá không bao nhiêu chỉ vài trăm. Người ta quá bức xúc nhiều địa phương xạ lại 50404.

Lợi nhuận không đủ 30% ảnh hưởng đời sống, nông dân chỉ biết có lúa đâu biết gì khác. Mong mấy ông chính quyền làm sao cho lúa có giá lại. <br/> -Một nông dân

Lợi nhuận không đủ 30% ảnh hưởng đời sống, nông dân chỉ biết có lúa đâu biết gì khác. Mong mấy ông chính quyền làm sao cho lúa có giá lại, nước mình là nước nông nghiệp thì phải phát triển lên hàng đầu chứ thụt lùi như thế này chết nông dân.”

Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tối đa 8 triệu tấn gạo trong năm 2013. Thông tin về vụ buôn lậu 600.000 bao gạo từ Việt Nam qua Philippines có vẻ chưa thể hiện đúng tầm quan trọng của nó, một trong các nguyên nhân là kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Việc gạo lậu từ Việt Nam qua Philippines không phải chuyện mới lạ, nhưng qui mô 600.000 bao gạo bị phát hiện hôm 25/4 là một vấn đề cần phải xem xét cẩn trọng. Nhắc lại hồi tháng 9 năm 2012, tàu MV Minh Tuấn 68 đã bị bắt giữ ở Cảng Legazi Philippines. Lúc đó con tàu mang cờ Việt Nam chở theo 94.000 tấn gạo mà không có giấy tờ hợp lệ.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phù phép được 600.000 bao gạo trị giá 29 triệu USD ra khỏi Việt Nam mà hải quan lại không phát hiện. Tuy vậy các chuyên gia cho rằng, thương nhân quốc tế bắt tay nhau buôn lậu gạo Việt Nam, tất phải có những nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách cơ chế điều hành xuất khẩu gạo.