Niên vụ buồn của người trồng cà phê

Đối với phần lớn người trồng cà phê ở Tây Nguyên, mùa lễ Tết này sẽ kém vui vì sản lượng giảm đến 1/3, giá cả thì chưa đến mức mong đợi.

0:00 / 0:00

Một cái Tết kém vui

Ông Nguyễn Vịnh vừa là người trồng cà phê vừa là nhà tư vấn cho nông dân cà phê ở Buôn Ma Thuột nói với chúng tôi:

“Một năm mất mùa thấp kém, Tết sẽ tiết kiệm hơn, kém vui hơn. Đặc biệt năm nay lại thu hoạch sớm cho nên cái Tết này chắc người ta sẽ ra đồng nhiều hơn. Giá phải 42.000đ đến 43.000đ/kg thì mới tạm ổn cho cho cuộc sống nông dân có thể huề vốn so với trượt giá. Đối với người trồng cà phê người ta có một cách tính rất đơn giản, 1 tạ cà phê tương đương với 1 chỉ vàng, 1 tấn cà phê tương đương với giá trị của 1 cây vàng, có khi bên này bên kia nhỉnh hơn 1 tí. Chứ hiện nay vàng 47-48 trong khi đó cà phê 37-38 thì rõ ràng là người nông dân thua lỗ quá nhiều.”

Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam VICOFA được các báo đưa tin, sản lượng cà phê niên vụ 2012-2013 của Việt Nam có khả năng giảm tới 30% so với mức giảm 15%-20% đã dự báo trước đó.

Kinh tế Thời báo Việt Nam bản tin trên mạng ngày 13/12 trích tin Bloomberg ghi nhận thu hoạch ở Tây

Công nhân thâu hoạch cà phê. Source giacaphe
Công nhân thâu hoạch cà phê. Source giacaphe (Source giacaphe)

Nguyên đã xong đến 75% tương đương 1,1 triệu tấn. Theo tin này mức bán ra mới chỉ khoảng 360.000 tấn, điều này cho thấy nông dân trồng cà phê đang giữ hàng lại để chờ giá tốt hơn mới bán.

Một năm mất mùa thấp kém, Tết sẽ tiết kiệm hơn, kém vui hơn. Đặc biệt năm nay lại thu hoạch sớm cho nên cái Tết này chắc người ta sẽ ra đồng nhiều hơn.

Ô. Nguyễn Vịnh

Doanh nhân Vân Thành Huy, nguyên Chủ tịch VICOFA xác nhận tình hình thị trường. Ông nói:

“Vụ mùa năm nay tại Đăk lak nông dân thu hoạch bị mất 30% tới 40%, có vùng được có vùng mất. Bình quân năm nay mất cũng phải đến 30%. Nông dân thì muốn bán bằng với giá năm ngoái tức 40.000 tới 42.000đ một kí lô giá bình quân cả năm. Riêng năm nay vô vụ thì giá bình quân 38.000đ-38.500đ thấp hơn năm ngoái, nông dân chưa muốn bán, giá lý tưởng của người ta là phải trên 40.000đ/kg. Đến giờ này người ta bán chưa bao nhiêu, nếu bán ồ ạt thì giá sẽ rớt.”

Nhà tư vấn cho nông dân cà phê Nguyễn Vịnh ghi nhận tình hình cập nhật thực tế ở vựa cà phê xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, nơi ông Vịnh có mối liên lạc với nhiều hộ nông dân trồng cà phê. Ông nói:

"Đến thời điểm này (13/12/2012) nông dân Tây Nguyên có thể thu hoạch trên 80% đến 90%, có một số vùng thu hoạch sớm hơn bình thường gần nửa tháng. Lý do là không có cà phê để hái, điều này có nghĩa là năng suất năm nay rất thảm hại. Nguyên nhân thì đã được báo chí phân tích rồi, do những trận mưa hồi năm ngoái và một số nơi hạn hán cục bộ trong mùa mưa năm nay, cộng với diện tích cà phê ở Tây Nguyên già cỗi chiếm trên 30%, cho nên năng suất năm nay theo tôi có lẽ còn thê thảm hơn những năm mất mùa trước kia nữa....

Cà phê được chuẫn bị phơi trước khi vô bao.
Cà phê được chuẫn bị phơi trước khi vô bao. (Courtesy Duc Thanh/dautu-dientu)

Người nông dân cà phê biết chắc chắn rằng sản lượng năm nay quá thấp, vì vậy họ càng không thể bán ra ở khu giá thấp vì họ sẽ bị lỗ vốn đầu tư nếu bán với giá ở thời điểm hiện tại. Họ sẽ cố níu kéo bằng cách trữ hàng lại, chờ đợi mức gia lên như thế nào đó phải chăng hơn, để thu hồi vốn đầu tư bỏ ra, chứ còn năm nay theo tôi đa số người trồng cà phê đều bị thua lỗ.”

Theo bản tin của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), biến động thời tiết thất thường đã ảnh hưởng sản lượng toàn vùng. Mưa đầu mùa đến sớm khiến cây cà phê đơm hoa sớm, đợt ra hoa này bị rụng không đậu quả, không những thế còn làm suy yếu cây cà phê làm hoa ra nhiều đợt, những cành đậu quả thì quả nhỏ chùm thưa. Theo VICOFA ngay cả những vườn trồng theo mô hình cà phê sạch, bền vững cũng thất thu. Hồi tháng 7 tháng 8 vừa qua, vào thời kỳ quả cà phê đang phát triển, nhiều nơi hạn hán cây cà phê không đủ nước tưới cũng chịu ảnh hưởng xấu. Đó là chưa kể tới dịch bệnh hại cây cà phê diễn ra vào đầu vụ giữa lúc mùa mưa.

Cạnh tranh không cân sức

Theo đánh giá của VICOFA, giá thành sản xuất cà phê niên vụ 2012-2013 tăng cao vì chi phí đầu vào tăng, bao gồm giá xăng dầu phân bón, thuốc trừ sâu, giá nhân công tất cả đều tăng. Nay lại bị mất mùa giảm sản lượng 30% thì rõ ràng người trồng cà phê đối diện một niên vụ đầy khó khăn. Ông Lương Văn Tự, chủ tịch VICOFA cho báo chí biết là nông dân trồng cà phê có thể vay ngân hàng ít nhất 50 triệu đồng mà không cần thế chấp.

Tử chủ trương tới thực tế có thể là một khoảng cách không nhỏ, nhà tư vấn cho nông dân Nguyễn Vịnh nhận định:

Khách hàng đang xem các mẫu cà phê robusta. Courtesy giacaphe.com
Khách hàng đang xem các mẫu cà phê robusta. Courtesy giacaphe.com (Courtesy giacaphe.com)

“Chỉ thị của Nhà nước yêu cầu hỗ trợ cho nông dân vay là đúng và hợp lý, nhưng bản thân ngân hàng cho vay thì họ cũng đang tìm cách xem xét nông hộ xin vay có thực sự có khả năng hoàn trả hay không. Hay là đối với nông dân tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Đưa cho nông dân họ tiêu hết rồi ngân hàng bị mất vốn. Tuy là tín chấp nhưng tín chấp đối với hộ nông dân siêng ăn siêng làm, tích lũy và có hướng hoàn trả.”

Mất mùa là một thực tế đau lòng, nhưng thị trường cà phê Việt Nam còn gặp những khó khăn khác, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang nhường dần sân chơi cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong một cuộc cạnh tranh không cân sức. Ông Vân Thành Huy cho biết:

“Lãi suất ở Việt Nam cũng vẫn còn cao so với lãi suất cho vay của nước ngoài. Lãi suất ngân hàng Việt nam hiện nay cho vay 14%-15%, nhưng rất hạn chế , ngân hàng vẫn thắt chặt tiền tệ ngại rủi ro không dám cho vay nhiều. Về nguồn vốn thì đã có nghị quyết 13 của chính phủ để gỡ khó cho doanh nghiệp trong tình hình ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng vấn đề tháo gỡ khó khăn cũng chưa được nhiều.”

...

Lãi suất ngân hàng Việt nam hiện nay cho vay 14%-15%, nhưng rất hạn chế, ngân hàng vẫn thắt chặt tiền tệ ngại rủi ro không dám cho vay nhiều

Ô. Vân Thành Huy

Theo các nguồn tin chúng tôi ghi nhận, vài năm gần đây doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã tiến tới chỗ chiếm lĩnh 60% thị phần xuất khẩu cà phê Việt Nam. Mức độ có giảm bớt trong năm nay do tình hình khủng hoảng nợ ở Châu Âu, nhưng cũng chi phối sản lượng không dưới 50% .

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Ngọc Báu viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhận định rằng, hình ảnh hiện nay không sáng sủa lắm cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, nguồn vốn ngân hàng khó khăn bị siết chặt, hiệu quả kinh doanh không cao, nợ nần chồng chất đi đến chỗ phá sản. Theo lời TS Báu, trong giai đoạn này, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa còn trụ vững và doanh nghiệp nước ngoài đem lại lợi ích cho nông dân.

“Cái yếu nhất là các nhà xuất khẩu doanh nghiệp nội địa chỉ thu mua thôi mà không chú ý tới vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân. Trong khi đó mấy công ty nước ngoài họ tham gia chương trình sản xuất có chứng nhận như Utz certified, 4C common code for coffee community, Rainforest…họ liên kết chặt chẽ với nông dân…

Trong tương lai các doanh nghiệp Việt Nam càng khó khăn hơn vì công ty nước ngoài mạnh về kinh tế, họ chuyên nghiệp hơn, khi liên kết với nông dân họ giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật tăng sản lượng bán ra tăng thêm mấy trăm ngàn, nông dân cũng được tập huấn nâng cao kỹ năng, đồng thời cũng ghi chép lại. Tôi cho rằng trong tương lai các công ty nước ngoài họ sẽ nắm được số lượng, chất lượng cà phê. Ngay cả nông dân ghi nhật ký nông hộ thì họ cũng nắm được giá thành sản xuất và lúc đó họ sẽ là người quyết định giá.”

Mặc dù niên vụ cà phê 2012-2013 khởi sự tháng 10 vừa qua kết thúc vào cuối tháng 9 sang năm được dự báo giảm 30% so với vụ trước tức chỉ còn trên dưới 1,2 triệu tấn. Nhưng nông dân cà phê Việt Nam ngày nay đã có đủ nguồn lực để điều tiết thị trường giữ vững giá, tránh bị thiệt hại nhiều hơn dù trong một năm thu hoạch thất bát.

Theo dòng thời sự: