Vỡ nợ giúp ngành cà phê tự sàng lọc

Nghe bài nàyOpens in new window ]

Nợ xấu nợ khó đòi của ngành cà phê Việt Nam được chính thức nhìn nhận khoảng 8.000 tỉ đồng, chiếm 60% tổng dư nợ của ngành cà phê. Nông dân và doanh nhân nói gì về việc hàng loạt doanh nghiệp cà phê phá sản, nhường sân chơi cho doanh nghiệp nước ngoài.

Rủi ro cao trong kinh doanh cà phê

Năm 2012 Việt Nam là nước xuất khẩu mặt hàng cà phê nhân robusta đứng đầu thế giới với 1,7 triệu tấn trị giá hơn 3,6 tỷ đô la. Nhưng khó thể tin là hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang nợ đầm đìa, mất khả năng chi trả, tài sản bị phong tỏa.

Theo ông Nguyễn Vịnh, một người trồng cà phê ở Đắc Lak cũng là nhà tư vấn cho nông dân thì doanh nghiệp cà phê chết hàng loạt không ảnh hưởng tới nông dân. Ông nói:

“Thực tế doanh nghiệp cà phê phá sản, với tư cách người nông dân họ cũng chẳng quan tâm. Bởi vì xưa nay họ là lực lượng đối trọng với doanh nghiệp, chứ không phải cùng hợp tác với nhau để tìm kiếm lợi nhuận. Nông dân chỉ quan tâm làm sao thị trường có mua bán có cạnh tranh để nông dân được hưởng lợi. Chắc chắn có cạnh tranh thì giá cả sẽ khá hơn khi không có cạnh tranh và nông dân chỉ mong như vậy.”

Doanh nghiệp mua cà phê trực tiếp từ nông dân. Xaluan.com
Doanh nghiệp mua cà phê trực tiếp từ nông dân. Xaluan.com (Xaluan.com)

Mặc dù có nhiều thông tin cho là doanh nghiệp cà phê Việt Nam chết vì đầu tư dàn trải ngoài ngành. Nhưng theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam, thì nguyên nhân chính bắt nguồn từ phương thức kinh doanh. Từ Tây nguyên, ông Đỗ Hà Nam nhận định:

“Kinh doanh cà phê rủi ro cao lắm, các doanh nghiệp thực sự cũng chẳng có tiền để đầu tư lãnh vực khác. Do họ tham gia vào sàn kỳ hạn mà khi mua cà phê thì có tình trạng rất kém, thường họ theo một nguyên tắc kinh doanh là muốn đầu cơ khi giá lên để chờ lên cao hơn nữa mới chốt, nhưng trên thực tế khi chúng ta nghĩ nó lên thì nó lại xuống. Khi giá xuống các doanh nghiệp ôm lượng hàng rất lớn, có doanh nghiệp đến vài chục ngàn tấn. Cho nên chỉ cần một đêm mà giá xuống từ 100 đến 200 đô/tấn thôi thì rủi ro đã rất cao. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chết là vì nội dung này.”

Doanh nhân Đỗ Hà Nam từng có năm chiếm lĩnh tới 25% thị phần cà phê nguyên liệu của Việt Nam nói rằng, những doanh nghiệp trong nước còn tồn tại, là nhờ tuân thủ nguyên tắc mua đứt bán đoạn chấp nhận một mức lời khiêm tốn, nhưng an toàn thay vì theo thể thức trừ lùi chốt giá sau theo giá thị trường Luân Đôn đầy rủi ro.

Ngày 29/7/2013, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ để vực dậy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang trên bờ vực phá sản. Trong đó có việc gia hạn thời gian vay vốn tối đa lên 36 tháng hoặc tái cơ cấu nợ vay trước đây lên thời hạn 5 năm. Nhận định về việc này, ông Đỗ Hà Nam trình bày ý kiến cá nhân:

Theo quan điểm của tôi thì chẳng thể cứu được đâu, chẳng qua đây chỉ là giải quyết việc cơ cấu lại kinh tế, cổ phần hóa hay là bán lại cho các doanh nghiệp khác thôi...tôi nghĩ việc đó hiện nay chỉ là đảm bảo cho việc trấn an dư luận, giảm bớt căng thẳng rủi ro giữa các doanh nghiệp với các ngân hàng thôi

Ô. Đỗ Hà Nam

“Theo quan điểm của tôi thì chẳng thể cứu được đâu, chẳng qua đây chỉ là giải quyết việc cơ cấu lại kinh tế, cổ phần hóa hay là bán lại cho các doanh nghiệp khác thôi, chứ còn các doanh nghiệp đó chúng tôi nghĩ là việc phục hồi là rất khó. Kinh nghiệm rất nhiều năm nay rồi đó là bài toán lời giải không đơn giản, tôi nghĩ việc đó hiện nay chỉ là đảm bảo cho việc trấn an dư luận, giảm bớt căng thẳng rủi ro giữa các doanh nghiệp với các ngân hàng thôi…”

Lợi thế của doanh nghiệp nước ngoài

Khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam ngừng hoạt động phá sản, thị phần tất nhiên được chuyển qua các doanh nghiệp nước ngoài. Từ vài năm nay, 60% thị phần cà phê Việt Nam nằm trong tay 12 đại công ty nước ngoài. Những công ty này có nguồn vốn lớn và lãi vay rất rẻ chỉ vài phần trăm, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chịu lãi vay 17% tới 20% nay dù có hạ xuống 12% thì cũng chưa thấm vào đâu chưa kể nợ cũ lãi cũ vẫn còn đó. Ông Đỗ Hà Nam nhận định:

“Nguồn tài chính bây giờ rất khó khăn, các ngân hàng họ sợ các doanh nghiệp nông sản quá rồi, đặc biệt là doanh nghiệp cà phê cho nên nguồn vốn cho các doanh nghiệp này rất là hạn chế họ bị quản lý rất chặt. Khả năng các doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong thị trường sẽ rất là khó.”

Theo ông Đỗ Hà Nam thị phần chia 70% FDI, 30% doanh nghiệp Việt Nam hay ngược lại cũng đều không tốt, tối ưu là 50-50. Như vậy việc giữ cho được cân bằng này thì sẽ tạo ra được sự cạnh tranh của những người xuất khẩu, lúc đó ai mua giá tốt hơn thì nông dân sẽ bán cho người đó. Việc này giúp thị trường giá sẽ ổn định hơn, còn nếu bán cho một phía thôi, thì giá nào cũng phải bán. Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn làm giàu mua rẻ của nông dân bán giá cao thì đó cũng là sự bất công đối với người nông dân. Ngược lại doanh nghiệp nước ngoài cũng cần lợi nhuận họ cũng sẽ ép giá nếu như người nông dân không biết bán cho ai.

Theo tôi nên để cho cơ chế thị trường vận hành, bây giờ các công ty hàng đầu trên thế giới như Nestlé hay Louis Dreyfus…người ta kinh doanh tầm quốc tế, đa quốc gia chứ không nằm trong phạm vi nước nào. Nếu anh sợ nước anh bị người ta 'bóp' thì nước khác người ta cũng 'bóp'được

ông Vịnh, người trồng cà phê

Cho nên, bắt buộc phải có hai hệ thống doanh nghiệp cùng tồn tại để cùng phát triển. Theo ông Đỗ Hà Nam ở Indonesia, Brazil, các doanh nghiệp trong nước nắm giữ một thị phần tương đối lớn và họ có khả năng điều tiết. Thực tế là khoản chênh lệch lợi nhuận giữa người nông dân với các doanh nghiệp ở các nước đó tốt hơn rất nhiều nếu so sánh với trường hợp tương tự ở Việt Nam.

Ý kiến người trồng cà phê có gì khác biệt, ông Nguyễn Vịnh từ Đắc Lak phát biểu:

“Theo tôi nên để cho cơ chế thị trường vận hành, bây giờ các công ty kinh doanh hàng đầu trên thế giới ví dụ như Nestlé hay Louis Dreyfus…người ta kinh doanh tầm quốc tế, đa quốc gia chứ không nằm trong phạm vi nước nào. Nếu anh sợ nước anh bị người ta ‘bóp’ thì nước khác người ta cũng ‘bóp’được. Tại sao nước khác người ta không sợ, vấn đề là ở chỗ này.”

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, doanh nhân Đỗ Hà Nam và nhà tư vấn cho nông dân Nguyễn Vịnh có cùng chung nhận định, niên vụ cà phê 2012-2013 khởi sự tháng 10 năm ngoái kết thúc vào cuối tháng 9 năm nay, thu nhập của người nông dân cà phê là ổn định. Theo đó mức giá trung bình 40.000 đ/kg là có thể chấp nhận được.

Cà phê là ngành hàng mà Việt Nam mở cửa thị trường sớm nhất, sự có mặt của các đại công ty cà phê quốc tế cho đến nay tạo ra cạnh tranh giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn. Cho dù Hiệp hội Cà phê Việt Nam VICOFA luôn tìm cách vận động lập rào cản, như việc cấm công ty nước ngoài không được trực tiếp mua cà phê của nông dân mà phải qua trung gian doanh nghiệp Việt nam.