Ngày 13/5/2014 bạo động bùng phát tại khu công nghiệp Bình Dương với hàng chục ngàn người biểu tình chống Trung Quốc, sau đó chuyển thành bạo động cướp phá các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan. Bạo động sau đó lan ra khu công nghiệp Đồng Nai, rồi Vũng Áng, Hà Tĩnh. Bạo động đã được dập tắt nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn với ít nhất 15 nhà máy bị thiêu hủy, nhiều người thiệt mạng và bị thương với những con số khác nhau từ những nguồn tin khác nhau. Bạo động đã đưa căng thẳng giữa hai quốc gia cộng sản là Trung Quốc và Việt Nam thêm nặng nề hơn. Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã được đưa về nước.
Người Hoa tại Chợ Lớn TP HCM đã đón nhận sự kiện này với khá nhiều quan ngại. Anh Vương Phát nói với chúng tôi:
“Nói bề mặt nó yên ổn vậy chớ cho nhiều cái tiềm ẩn. Sợ chớ, nhiều người cũng sợ chớ. Đó là dạng chống đối người Hoa mà, dạng kích động đó. Người ta không biết tình hình làm sao. Ở đây mấy cái cửa hàng người ta che chữ tiếng Hoa lại hết.”
Anh Quách Lưu cũng chứng kiến sự việc các chủ hiệu người Hoa che lại các bảng hiệu, anh còn cho biết thêm:
Việc xảy ra em không có nói là Việt Nam sai hay Trung Quốc sai về cái giàn khoan gì đó, nhưng mà người dân làm như vậy thì cũng y chang Trung Quốc thôi.<br/> - Chị Phối Liên <br/>
“Nghe nói mấy người bán hàng ở chợ An Đông cũng sợ, vì ở đó có người Hoa nhiều. Ở quận 7 bữa hổm có triển lãm của Trung Quốc Triết Giang, họ treo cái bảng lên có mấy chữ tiếng Hoa thì mấy người kia biểu tháo. Người ta tháo xong rồi đóng cửa, không dám triển lãm luôn.”
Chị Phối Liên một người Việt gốc Hoa hiện định cư ở bang Maryland, Hoa Kỳ thì vô cùng lo sợ cho gia đình hiện vẫn sống ở Việt Nam:
“Em đọc báo thấy sợ quá mới điện thoại về kiếm mẹ, kiếm người nhà, nói họ cẩn thận vì em cảm thấy sợ quá, lo quá, không biết người Việt Nam đối xử với người Hoa như thế nào. Sau đó mẹ em gọi qua nói là ổn rồi thì em mới yên tâm thôi.”
Tình hình xã hội trở lại trật tự cũng được những người mà chúng tôi tiếp xúc đề cập đến. Anh Vương Phát cho biết thêm là chính quyền có trấn an người dân khu vực Chợ Lớn yên tâm, và lực lượng công an hiện có mặt nhiều ở khu vực quận 11 nơi có nhiều cơ sở sản xuất với vốn đầu tư từ Đài Loan.
Anh Vưu Cẩm thì lại không có lo sợ gì và có đề cập đến nguyên nhân của vụ bạo loạn:
“Chẳng qua là ở khu công nghiệp của mấy ông Đài Loan, Trung Quốc, nó thấy chữ Tàu là nó vô. Thì mấy cái người này chẳng qua là công nhân thôi, nhưng mà ở dưới quê mà, rồi giận hờn gì đó để trong lòng rồi được dịp bùng phát đốt phá tùm lum.”
Nhưng hai người khác là anh Quách Lưu và chị Phối Liên lại cảm thấy phiền lòng hơn về sự xung đột giữa hai quốc gia đã gây ra những vụ lộn xộn.
“Cái này là lịch sử không biết là của ai, nhưng tốt nhất là hòa giải chứ đừng xích mích đánh qua đánh lại.”
“Việc xảy ra em không có nói là Việt Nam sai hay Trung Quốc sai về cái giàn khoan gì đó, nhưng mà người dân làm như vậy thì cũng y chang Trung Quốc thôi.”
Chị Phối Liên cũng nhắc lại chuyện hồi năm ngoái có một nhà hàng ở Bắc Kinh cấm không cho người Việt, người Nhật và người Phi vào, và chị gọi đó là một hành vi sai trái.
Anh Vưu Cẩm làm việc trong ngành du lịch nên lo lắng lớn nhất của anh bây giờ là toàn bộ các tour từ Trung Quốc đã bị hủy, khách Việt cũng không đi du lịch Trung quốc nữa. Các thị trường du lịch Singapore, Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng. Anh cho biết là các điểm tham quan ở TP HCM, Chợ lớn trở nên vắng vẻ.
Tin tức về việc người Trung Quốc rời khỏi Việt nam được những người Việt gốc Hoa mà chúng tôi trao đổi nhìn nhận giống nhau. Họ nhìn nhận rằng những người đó là những người nước ngoài. Thậm chí họ không biết tin về những người Trung quốc chạy sang Cam Pu chia sau khi bạo động xảy ra.
Nói về chuyện về nước thì nước thì nước mình là nước Việt Nam rồi, mình chạy đi đâu bây giờ. Còn những người người ta về nước là những người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam.<br/>- Anh Lưu Cường <br/> <br/>
“Mình khác nhau vì mình là người Việt Nam còn mấy người Trung Quốc là người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư.”
Anh Vưu Cẩm cho biết thêm như thế.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về khả năng rời Việt Nam, anh Lưu Cường nói:
“Nói về chuyện về nước thì nước thì nước mình là nước Việt Nam rồi, mình chạy đi đâu bây giờ. Còn những người người ta về nước là những người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam.”
Chị Phối Liên hiện sống ở Mỹ còn nhận diện căn cước Việt nam của mình rõ hơn nữa.
“Sống ở Việt Nam bao nhiêu năm, em vẫn coi mình là người Việt Nam. Đến bây giờ mà ai hỏi em là người gì thì em nói em là người Việt Nam.”
Bình thường không có phân biệt người Hoa người Việt gì cả. Nhiều khi chỉ có cái giọng nói của em là người Hoa làm người ta cười cười vậy thôi. Mình cũng được đối xử như là người Việt gốc Hoa thôi, nhưng mà không có kỳ thị hay cái gì hết.”
Khi chúng tôi thực hiện cuộc thăm dò này thì căng thẳng xung quanh giàn khoan Trung Quốc vẫn đang leo thang. Trên các trang mạng xã hội và ngay cả những bình luận được người dân Việt Nam gửi đến các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước nói rằng nguyên nhân đằng sau các vụ bạo động vẫn che phủ bởi những nghi ngờ đồn đoán.