Di dời Trung Tâm Cứu hộ Gấu vì an ninh quốc phòng ?

Trung Tâm Cứu hộ Gấu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo đang đối diện khả năng phải di dời đi nơi khác.

0:00 / 0:00

Thông báo bất ngờ

Tổ chức Động vật Châu Á ( AAF) cho biết hồi ngày 5 tháng 10 vừa qua đã nhận được thông báo của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn nói rằng Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã có lệnh với nội dung yêu cầu AAF tạm dừng hoạt động Trung Tâm Cứu Hộ Gấu mà tổ chức này đang tiến hành tại khu vực Vườn Quốc Gia Tam Đảo. Lý do vì an ninh quốc phòng.
Thông báo mà AAF nhận được chỉ cho biết tạm dừng, còn chuyển đi nơi khác thì chưa rõ trong khi còn chờ quyết định cuối cùng của thủ tướng chính phủ Việt Nam.

Ngay sau khi nhận được thông báo, AAF trình bày trên trang mạng của tổ chức này rằng Trung tâm Cứu Trợ Gấu của AAF đang đứng trước nguy cơ bị di dời do chiến dịch mạnh mẽ do chính ông Đỗ Đình Tiến, giám đốc Vườn Quốc Gia Tam Đảo, tiến hành.

Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã có lệnh với nội dung yêu cầu AAF tạm dừng hoạt động Trung Tâm Cứu Hộ Gấu mà tổ chức này đang tiến hành tại khu vực Vườn Quốc Gia Tam Đảo. Lý do vì an ninh quốc phòng

Trang mạng của AAF nêu rõ từ tháng tư năm ngoái bản thân ông Đỗ Đình Tiến từng áp lực tổ chức này từ bỏ khu đất Trung Tâm Cứu Hộ Gấu. Theo nhận định của AAF thì ông Đỗ Đình Tiến có dự định giao khu đất đó cho Công ty Cổ Phần Trường Giang Tam Đảo. Đây là đơn vị đã đệ trình dự án phát triển một khu du lịch sinh thái và xây khách sạn tại khu đất đó. Một điểm được nêu rõ là người con gái của ông Đỗ Đình Tiến có cổ phần đầu tư vào. Cụ thể người này là một trong bốn thành viên sáng lập công ty và nắm 10% cổ phần. Tuy nhiên, những thông tin này không được ông Đỗ Đình Tiến công khai.

AAF cho biết chiến dịch ông Đỗ Đình Tiến và Công ty Cổ phần Trường Giang Tam Đảo tiến hành vận động Tổng Cục Lâm Nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông Nghiệp chuẩn thuận dự án phát triển bất động sản như vừa nêu của Công ty Cổ Phần Trường Giang Tam Đảo. Một trong những biện pháp được ông Đỗ Đình Tiến áp dụng để có thể trục xuất Trung Tâm

Các chuyên gia đang chữa bệnh cho gấu tại Trung tâm cứu hộ gấu ở Tam Đảo. Source dantri.com
Các chuyên gia đang chữa bệnh cho gấu tại Trung tâm cứu hộ gấu ở Tam Đảo. Source dantri.com (Source dantri.com)

Cứu hộ Gấu tại khu vườn quốc gia mà ông đang làm giám đốc là loan tin rằng chất thải từ trung tâm này gây ô nhiễm môi trường, làm hại đến sức khỏe của cộng đồng dân chúng địa phương.

Biện pháp nữa của ông Đỗ Đình Tiến sử dụng mà AAF chỉ ra là ông này vận động hành lang với Bộ Quốc Phòng gây áp lực lên Bộ Nông nghiệp-Phát Triển Nông thôn cho ngưng kế hoạch phát triển của Trung tâm Cứu hộ Gấu với lý do quốc phòng. Đây là một lý do mà không ai có thể từ khước tuân thủ.

Phản bác và kêu cứu

AAF cho biết khi cấp phép cho Trung Tâm Cứu Hộ Gấu ra đời và hoạt động hồi năm 2005 thì không hề nói đến lý do quốc phòng như vừa được nêu. Do vậy, theo tổ chức này nay mới đưa ra lý do đó là điều phải đặt nghi vấn.

AAF còn lập luận nếu vì lý do quốc phòng không được tiếp tục cho Trung tâm Cứu hộ Gấu hoạt động tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, thì sao tại thung lũng Chắt Dậu nơi mà trung tâm đang hoạt động cũng từng được mở cửa cho mục đích du lịch và tư nhân khác kể từ năm 1996, khi mà Vườn Quốc gia Tam Đảo mở cửa.

AAF tin rằng sau khi Trung Tâm Cứu Hộ Gấu bị buộc đóng cửa thì khu đất đó sẽ được tuyên bố không có tầm quan trọng cho an ninh quốc phòng và rồi được giao cho Công ty Cổ Phần Trường Giam Tam Đảo nhằm thực hiện những dự án phát triển của công ty tư nhân đó.
AAF nhắc lại kết luận minh oan của Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho Trung tâm Cứu hộ gấu sau khi tiến hành điều tra về những cáo buộc vi phạm xử lý chất thải của Trung tâm mà ông Đỗ Đình Tiến đưa ra.

Ngoài chuyện hơn 100 con gấu phải chịu cảnh di dời đi nơi khác, thì số 77 nhân viên của Trung Tâm Cứu hộ Gấu là những người dân địa phương và một số bác sĩ thú y bị mất việc. Hai triệu đô la của AAF đã đầu tư vào trung tâm này bị phí mất

AAF chỉ rõ rằng biện pháp trục xuất Trung tâm Cứu Hộ Gấu được đưa ra là sự vi phạm trực tiếp thỏa thuận hồi năm 2005 giữa chính phủ Việt Nam với AAF. Theo đó AAF được tài trợ và phát triển cơ sở trên diện tích 12 héc ta trong Vườn Quốc gia để cứu hộ và làm nơi ở cho 200 con gấu có nguy cơ tuyệt chủng. Số gấu này được cứu khỏi ngành nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp.

AAF cho biết rõ hiện có 104 cá thể gấu đang sống tại Trung Tâm Cứu Hộ. Những con gấu này đang phục hồi sau thời gian tổn thương do bị nhốt trong những chuồng chật chội và quá trình lấy mật đau đớn. Chúng lại bị đưa vào chuồng để di dời đi nơi khác. Điều đó sẽ có tác động bất lợi lớn đối với cả tâm thần và thể chất của gấu.

AAF nói rằng cần phải mất ít nhất hai năm để có thể thành lập một trung tâm cứu hộ mới với những cơ sở ngoài trời; và như thế gấu lại phải chịu cảnh sống trong những chuồng trại một thời gian dài nữa.

Ngoài chuyện hơn 100 con gấu phải chịu cảnh di dời đi nơi khác, thì số 77 nhân viên của Trung Tâm Cứu hộ Gấu là những người dân địa phương và một số bác sĩ thú y bị mất việc. Hai triệu đô la của AAF đã đầu tư vào trung tâm này bị phí mất.

Các loài gấu đưa về Trung tâm đều được chăm sóc tốt. Photo vinhphu-tourism
Các loài gấu đưa về Trung tâm đều được chăm sóc tốt. Photo vinhphu-tourism (Photo vinhphu-tourism)

Ảnh hưởng về vật chất đã thế, còn tác động về tai tiếng của chính phủ Việt Nam trong quyết tâm bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là loài gấu, trước nạn nuôi gấu để lấy mật tràn lan như lâu nay cũng không phải ít.

AAF đưa ra chiến dịch ký thỉnh nguyện thư gửi thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, kêu gọi ngưng quyết định đóng cửa Trung Tâm Cứu Hộ Gấu.

Bác bỏ của Giám đốc Vườn Quốc gia

Trước những lên tiếng của phía AAF đối việc làm bị cho là vì tư lợi của ông Đỗ Đình Tiến, giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo, chúng tôi đã gọi điện đến cho ông hồi tối ngày 15 tháng 10.
Bản thân ông này bác bỏ tất cả những cáo giác mà phía AAF đưa ra. Ông cho rằng bản thân chỉ thực hiện những chỉ thị từ cấp trên. Ông nói:

Xin nói với anh thế này: đây là vấn đề lớn, mà chúng tôi chỉ là cơ sở thực hiện theo ý kiến chỉ đạo ở trên thôi. Nếu có gì xin anh hỏi Tổng Cục Lâm Nghiệp hoặc Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, thì sẽ được giải thích kỹ càng hơn, vì có nhiều việc chúng tôi không rõ được đâu.

Đối với cáo giác ‘tư lợi’ mà phía AAF nêu ra thì ông Đỗ Đình Tiến có phản bác:

Tôi cho rằng thông tin không chính xác vì nếu chúng tôi ‘tư lợi’ hoặc làm sai thì chắc chắn Nhà Nước Việt Nam sẽ xử lý tôi, chứ không ai để cho tôi làm việc nữa.

Tôi cho rằng thông tin không chính xác vì nếu chúng tôi 'tư lợi' hoặc làm sai thì chắc chắn Nhà Nước Việt Nam sẽ xử lý tôi, chứ không ai để cho tôi làm việc nữa

ông Đỗ Đình Tiến

Chuyện dài động vật hoang dã tại Việt Nam

Tại Việt Nam, từ lâu mật gấu được cho là phương thuốc quí có thể chữa được một số bệnh, cụ thể là mật gấu có thể xoa làm tan những vết bầm do bị đánh, hay ngã …Nhiều người còn ăn tay gấu hầm để bồi dưỡng sức khỏe… Chính vì những lẽ đó mà trong những năm qua, tại nhiều nơi xuất hiện phong trào nuôi gấu để lấy mật khá rầm rộ. Tình trạng nuôi gấu đó khiến cho các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã phải lên tiếng và chính phủ buộc phải có biện pháp.

Trung tâm Cứu Hộ Gấu ra đời với sự hỗ trợ của AAF như vừa nêu. Bên cạnh đó một số tổ chức và cá nhân yêu quí động vật hoang dã cũng đến Việt Nam thành lập các nơi như Trung tâm Cứu hộ Các loài Linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, rồi Trạm Cứu hộ Động vật Hoang dã tại Củ Chi, Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me, Kiên Giang …

Ông Lê Khắc Côi, một chuyên gia từng hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học làm việc cho WWF cho biết ý kiến về tình hình bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam lâu nay như sau:

Tôi nghĩ còn nhiều trở ngại. Ví dụ rất đáng buồn là con tê giác cuối cùng của Việt Nam đã không còn nữa. Trên thông tin đại chúng luôn có những tin về việc người ta săn bắt động vật hoang dã, và gần đây có thông tin các con linh trưởng bị người ta xẻ thịt, quay phim…

Có thể nói ngành lâm nghiệp và chính phủ về mặt chính sách có quan tâm nhưng việc thực hiện trên thực tế có những khoảng cách so với điều chính phủ mong muốn. Trước đây trong thời gian làm với WWF chúng tôi có chương trình ‘Nói không với thịt thú rừng’; nhưng nay chương trình đó không còn nữa. Nay trong người dân vẫn có thú ăn thịt thú rừng, và không giảm.

Có thể nói ngành lâm nghiệp và chính phủ về mặt chính sách có quan tâm nhưng việc thực hiện trên thực tế có những khoảng cách so với điều chính phủ mong muốn.


Người ta vẫn nghĩ cao hổ, mật gấu, sừng tê giác… tốt. Việt Nam người ta vẫn cho rằng đó là những thần dược cho con người khi mắc những bệnh mà đến nay y học chưa xử lý được.
Giám đốc AAF Việt Nam, ông Tuấn Bendixsen, cũng lên tiếng sau khi tổ chức này nhận được thông báo từ cơ quan chức năng Việt Nam phải ngưng Trung tâm Cứu hộ Gấu để di dời đi nơi khác như sau:

Chúng tôi hy vọng, thủ tướng Việt Nam được đánh động rằng chỉ thị mà ông ta ban hành hồi năm 2008 đang bị phá hoại bởi một vị giám đốc vườn quốc gia, và ảnh hưởng không thích hợp của ông ta đối với Bộ Quốc phòng. Đây không phải là vấn đề quốc phòng mà là vấn đề lợi nhuận. Chúng tôi tin rằng ông Tiến đang tìm cách kiếm lợi từ khu đất mà chính thủ tướng đã hứa cấp cho gấu, những con vật lâu nay phải chịu đựng vì hoạt động thương mại mật gấu tại Việt Nam.
Không nên để cho một người, mà con gái sẽ có lợi trực tiếp từ việc di dời trung tâm cứu hộ gấu, được có quyền đến như thế.

Xin được nhắc lại Trung Tâm Cứu hộ Gấu nằm tại thung lũng Chắc Dậu, thuộc khu vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Trung tâm bắt đầu hoạt động từ tháng tư năm 2008. Khu vực có những công trình như nhà cách ly, cứu hộ, khu nuôi nhốt, khu chế biến thức ăn… Tại đó có hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Theo kế hoạch nếu giai đoạn hai được thực hiện thì đến cuối sang năm, toàn bộ trung tâm sẽ có 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên và hai khu chăm sóc gấu đặc biệt trên diện tích trên 12 héc ta như được giao ban đầu.

Tổ chức Động vật Châu Á, AAF, do tiến sĩ Jill Robinson thành lập hồi năm 1998. Như tên gọi đây là tổ chức hoạt động vì các loài động vật cả hoang dã và động vật nuôi tại khu vực châu Á. Một hướng công tác nữa là bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Trụ sở chính của AAF đặt tại Hong Kong. AAF cũng có văn phòng tại Australia, Trung Quốc, Đức, Italia, Anh Quốc và Hoa Kỳ.

Theo dòng thời sự: