Trước phiên xử Blogger Trương Duy Nhất

0:00 / 0:00

Blogger Trương Duy Nhất sẽ được xử vào ngày 4/3 tới đây tại Đà Nẵng. Kính Hòa ghi nhận một vài thông tin cũng như suy đoán chung quanh vụ án này.

Ngày 4/3 tới đây nhà báo Trương Duy Nhất sẽ được đưa ra xử tại toà án TP Đà Nẵng. Ông Nhất có một trang blog cá nhân nổi tiếng ở Việt nam trước khi ông bị bắt hồi tháng năm năm 2013, đó là trang “Một góc nhìn khác”. Trang này trình bày nhiều ý kiến phê phán các chính sách của nhà nước Vệt Nam cũng như chỉ trích một vài lãnh đạo quốc gia.

Lợi dụng quyền tự do dân chủ?

Ông Nhất có lần nói với chúng tôi rằng ông là người cổ vũ cho tự do thông tin, cho tự do báo chí. Ông cũng nói rằng các trang blog như trang Blog “Góc nhìn khác” của ông thực sự là một tờ báo tư nhân ở dạng điện tử.

Bên cạnh đó, ông Nhất còn được cho là người có nhiều nguồn thông tin chính trị xã hội ở cấp cao. Nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu nói nhận xét của ông sau khi ông Nhất bị bắt như sau:

"Chúng tôi biết ông Nhất người có liên quan chặt chẽ với các hoạt động chính trị trong nước ông hay tháp tùng các đoàn rất cao cấp để đi ra hải ngoại, ông ấy phải là người có liên hệ với các tổ chức chính trị cấp cao mới có vai trò như vậy."

Đọc cáo trạng thì cũng thấy giống như kết luận điều tra, chẳng thấy có tội gì cả, ngoài cái vụ bôi nhọ lãnh đạo gì đó. Nếu ở một đất nước tự do dân chủ thì chuyện đó nó tầm phào. <br/> -Huỳnh Ngọc Chênh

Có lẽ vì lý do đó mà khi ông Nhất bị bắt, đã có lời đồn đoán là ông bị kẹt giữa những cuộc tranh chấp cung đình. Cũng vào thời gian ấy một nhân vật đồng hương với ông Nhất là ông Nguyễn Bá Thanh được đảng cộng sản giao chức vụ Trưởng ban nội chính trung ương, cơ quan có nhiệm vụ thanh trừng tham nhũng của đảng. Mà ông Nhất lại được cho là thân cận với ông Thanh. Phát biểu về lời đồn đoán này, ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng nhà báo lâu năm của báo Thanh Niên, và cũng là một người đồng hương của ông Nhất nói:

“Thực ra cái tin đồn là anh Nhất thân cận với anh Bá Thanh cũng không có gì bằng chứng gì để xác nhận. Nhưng mà theo một số bài viết thì anh Nhất có khen ngợi một số công việc của ông Thanh làm. Mà ông Thanh thì cũng được nhiều người khen ngợi, một số blogger khen ngợi ổng. Ngay như tôi đây, tôi cũng có bài khen ngợi một số công việc của ông ấy.”

Theo phỏng đoán của một số người, trong đó có nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì vụ bắt bớ có thể là do nhà cầm quyền muốn tìm ra những nguồn tin mà ông Nhất thường xuyên nắm được liên quan đến những quyết định chính trị và nhân sự cao cấp.

Tuy nhiên, trong bài viết mang tựa đề Kết luận điều tra về sai phạm của Trương Duy Nhất đăng trên báo Người lao động hồi cuối năm ngoái, lại chỉ nêu rằng ông bị luận tội theo điều luật hình sự 258 về việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Bài viết thêm rằng ông Nhất đã viết trên 1.000 bài với nội dung xuyên tạc đường lối chính sách của đảng và nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo đảng và nhà nước.

Một điều khá thú vị là trong bài viết này việc đề cập đến việc cơ quan an ninh tiến hành điều tra sau khi được báo cáo từ công ty viễn thông nơi ông Nhất lập trang blog, vào tháng năm năm 2013. Tuy nhiên bài viết cũng nói rằng trong thời gian 2011-2012 công an Đà Nẵng đã nhắc nhở đến bốn lần rằng ông Nhất không được viết bài trên trang blog của mình.

Với chi tiết được đưa ra về nội dung 1.000 bài viết này thì không phải chỉ có blogger Trương Duy Nhất phạm phải, nhưng hồi năm ngoái chỉ có ông và ông Phạm Viết Đào bị bắt.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng:

“Đọc cáo trạng thì cũng thấy giống như kết luận điều tra, chẳng thấy có tội gì cả, ngoài cái vụ bôi nhọ lãnh đạo gì đó. Nếu ở một đất nước tự do dân chủ thì chuyện đó nó tầm phào. Bởi vì các lãnh đạo là được dân bầu lên để phục vụ cho dân. Nếu lãnh đạo làm không tốt thì dân sẽ có ý kiến, sẽ chê bai. Mà chê bai lại đâm ra là bôi nhọ lãnh đạo. Tội vạ thì chẳng có gì nhưng mà đã lỡ bắt rồi thì phải làm cho ra tội.”

Ông Huỳnh Ngọc Chênh cũng cho biết là có tin đồn rằng sẽ có án nhẹ, cùng với số ngày mà Ông Nhất bị giam trong thời gian qua, thì có khả năng sẽ được thả tại tòa, chứ ông cũng không tin gì khả năng tranh tụng của luật sư hay khả năng tự bào chữa của ông Nhất có thể ảnh hưởng gì đến phiên tòa mà ông gọi là những bản án bỏ túi.

Xin nhắc lại rằng điều luật 258 được đề cập tới trong bản cáo trạng dành cho ông Trương Duy Nhất cũng đã làm xôn xao dư luận trong năm vừa qua, với một nhóm đông đảo các bloggers làm một cuộc vận động mang tính quốc tế để đòi loại bỏ nó, vì họ cho rằng điều 258 tạo điều kiện cho sự bắt bớ vô cớ, lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền.