Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25 tháng 7, lãnh đạo hai nước thống nhất đưa quan hệ hai nước thành đối tác toàn diện. Quan hệ đối tác toàn diện có gì khác với đối tác chiến lược? có gì đằng sau tên gọi quan hệ đối tác mới giữa hai nước?
Đối tác toàn diện với Mỹ là gì?
Hơn 2 năm sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Cliton vào năm 2010 tuyên bố đã có đủ cơ sở để Mỹ và Việt Nam nâng tầm quan hệ chiến lược lên một mức mới, vào ngày 25 tháng 7 vừa qua, lãnh đạo hai nước tuyên bố mối quan hệ Việt Nam và Mỹ là quan hệ hợp tác đối tác toàn diện. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Chủ tịch Trương Tấn Sang vào cùng ngày:
“Tất cả chúng ta đều biết về lịch sử rất phức tạp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng từng bước, chúng ta đã có thể xây dựng được sự tôn trọng và lòng tin để bây giờ cho phép chúng ta công bố một “hợp tác đối tác tòan diện” giữa hai quốc gia để từ đó có sự hợp tác rộng lớn hơn trong tất cả mọi lĩnh vực từ thương mại và mậu dịch cho đến hợp tác giữa hai quân đội và hợp tác song phương trong cứu nạn, cho đến trao đổi khoa học và giáo dục.”
Thuật ngữ đối tác chiến lược là một thuật ngữ chính trị để xác định từng nước mà VN đã phát triển quan hệ song phương toàn diện và VN coi nước đó là đặc biệt quan trọng. <br/> -GS Carl Thayer
Trước chuyến thăm của chủ tịch Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Obama, đã có nhiều dự đoán về khả năng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng tầm quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Trong diễn đàn Shangrila tại Singapore vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng cũng nói đến mong muốn của Việt Nam được thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cho đến lúc này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 11 nước, trong đó có 3 nước thường trự Hội đông bảo an là Trung Quốc, Nga, và Anh. Vẫn còn hai nước lớn mà Việt Nam chưa thể có quan hệ đối tác chiến lược chính là Mỹ và Pháp.
Trong bài viết mới đây trên blog cá nhân, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về châu Á thuộc Công ty tư vấn Thayer Consultancy, giải thích có sự khác biệt giữa quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Về khái niệm đối tác chiến lược, giáo sư Carl Thayer viết:
“Thuật ngữ đối tác chiến lược là một thuật ngữ chính trị để xác định từng nước mà Việt Nam đã phát triển quan hệ song phương toàn diện và Việt Nam coi nước đó là đặc biệt quan trọng trong việc đạt được quyền lợi quốc gia của mình.”
Theo Giáo sư Carl Thayer, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với các nước thường đi cùng với một bản tuyên bố chính thức mà nội dung và hình thức của tuyên bố này có thể khác nhau với từng nước.
Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Việt
Trước khi Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã thiết lập đối tác toàn diện với Úc từ năm 2009. Nguyên nhân được đưa ra là vào lúc đó Thủ tướng Úc, Kevin Rudd đã khước từ chữ chiến lược vì cho rằng mối quan hệ song phương giữa hai nước chưa đạt đến mức thân thiết nếu so với các hợp tác mà Úc có được với các đồng minh và các khác có cùng quan điểm. Tuy nhiên trong đối tác toàn diện với Úc, hai nước có thiết lập kế hoạch hành động từng năm trong thỏa thuận đạt được về đối tác toàn diện giữa hai nước.
Theo phân tích của Giáo sư Carl Thayer, đối tác toàn diện với Mỹ là một việc vẫn đang trong quá trình hoàn tất, dựa chủ yếu vào những cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước trên cả 9 lĩnh vực được đề cập trong tuyên bố chung. Đối tác toàn diện giữa hai nước cũng không đề cập đến một kế hoạch hành động như với Úc và bản tuyên bố chung cũng không nói đến cơ chế cấp cao về hợp tác trên 9 lĩnh vực là chính trị ngoại giao, quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, quốc phòng an ninh, quyền con người, văn hóa, du lịch và thể thao.
Tại sao chỉ là đối tác toàn diện?
Câu hỏi đặt ra là tại sao hai nước Mỹ và Việt Nam chỉ hợp tác đối tác toàn diện mà không phải là đối tác chiến lược, giữa lúc Mỹ đang chuyển trục chiến lược về châu Á, và Việt Nam đang cần quan hệ với Mỹ để tạo thế cân bằng với người láng giềng Trung Quốc? Giáo sư Carl Thayer đưa ra hai giải thích:
“Có hai giải thích có thể về việc Mỹ và Việt Nam chọn đối tác toàn diện thay vì đối tác chiến lược. Thứ nhất, đàm phán về đối tác chiến lược đã bế tắc và hai bên đồng ý là một thỏa thuận ít chính thức hơn vẫn tốt hơn là không có được một thỏa thuận nào. Giải thích thức hai là các nguồn tin ở Việt Nam cho biết các lãnh đạo cấp cao bảo thủ của Đảng Cộng sản không thích dùng chữ đối tác chiến lược để miêu tả quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. Ví dụ, sau khi tuyên bố chung được công bố, Bộ Ngoại giao đã chỉ định cho báo chí không được nói quan hệ đối tác toàn diện là nâng cấp của quan hệ hai nước Việt Nam Hoa Kỳ. Báo chí Việt Nam chỉ được đưa tin là quan hệ đối tác toàn diện mà thôi.”
Về dự đoán khả năng đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược trước chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Giáo sư Nguyễn mạnh Hùng, trường đại học George Mason nói với đài Á Châu Tự do:
Từng bước, chúng ta đã có thể xây dựng được sự tôn trọng và lòng tin để bây giờ cho phép chúng ta công bố một "hợp tác đối tác tòan diện" giữa hai quốc gia để từ đó có sự hợp tác rộng lớn hơn. <br/> -TT Barack Obama
“Việt Nam rất muốn đẩy cao tầm quan hệ chiến lược với Mỹ bởi vì ông tuyên bố ông muốn thiết lập đối tác chiến lược với tất cả 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông đã làm được 3 rồi, chỉ còn Pháp với Mỹ thôi. Ông Mỹ rất quan trọng. Việt Nam rất tha thiết. Nếu Việt Nam có một số nhượng bộ thỏa đáng thì tôi nghĩ trong thông cáo chung sẽ có thể phản ánh được hoặc là một sự tiến bộ, hoặc là một sự nào đó trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam.”
Một trong các nhượng bộ được nói đến nhiều nhất chính là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ngay từ trước chuyến đi, đã có những tổ chức nhân quyền quốc tế, dân biểu Mỹ và các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ phải gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề này trước khi có các đàm phán về hiệp ước xuyên Thái Bình dương (TPP), về dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí và để tiến tới là hợp tác đối tác chiến lược.
Theo HRW, tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua tiếp tục xuống dốc. Chỉ trong nửa đầu năm 2013 số người bất đồng chính kiến, bloggers và lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam bị kết án đã vượt quá con số của năm 2010 và năm 2011 với khoảng gần 50 người.
Vấn đề nhân quyền cũng đã khiến đối thoại nhân quyền thường niên giữa Mỹ và Việt Nam vào cuối năm ngoái bị trì hoãn cho đến tận đầu năm nay.
Nhân quyền cũng có thể coi là rào cản lớn giữa hai nước và được lãnh đạo hai quốc gia nhìn nhận trong phát biểu với báo chí. Tổng thống Obama nhấn mạnh nước Mỹ luôn coi trọng các quyền cơ bản của con người và đề cập đến những thách thức tại Việt Nam.
“Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng rằng tất cả chúng ta đều phải tôn trọng những vấn đề như quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do tôn giáo và tự do lập hội. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn về những tiến bộ Việt Nam đạt được cũng như những thách thức còn tồn tại.”
Còn Chủ tịch Trương Tấn Sang thừa nhận bằng một câu ngắn gọn:
“Về vấn đề quyền con người, hai bên vẫn còn những điểm khác biệt.”
Cũng bởi những cách biệt này mà cho đến lúc này Hoa Kỳ vẫn chưa dỡ bỏ những hạn chế về bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Bất chấp những khác biệt về vấn đề nhân quyền, lãnh đạo hai quốc gia vẫn khẳng định sẽ tiến tới hoàn tất việc đàm phán TPP vào cuối năm nay để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại.
Rõ ràng là tên gọi đối tác toàn diện giữa hai nước chưa thể coi là tương đồng với đối tác chiến lược, nếu xét về tổng thể. Nhưng theo kết luận trong bài viết mới đây của Giáo sư Carl Thayer, các thảo luận mới đây của hai lãnh đạo quốc gia đã đưa hợp tác song phương lên cao trong các lĩnh vực thương mại và kinh tế. Trong khi đó, hợp tác trong các lĩnh vực khác sẽ vẫn tiếp tục ở mức hiện có.