Tăng cân sau cai thuốc không gây nguy hiểm

0:00 / 0:00

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 1 tỷ người hút thuốc lá trên toàn cầu. Mỗi năm thuốc lá khiến khoảng 6 triệu người chết vì các bệnh có liên quan. Đã có nhiều người hút thuốc tìm cách bỏ thuốc, có người thành công, cũng có người chưa thành công. Có nhiều người thậm chí lo ngại việc bỏ thuốc lá sẽ dẫn đến hậu quả tăng cân và kéo theo nhiều bệnh khác. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, một nghiên cứu mới đây cho thấy các lợi ích của cai thuốc lá áp đảo những rủi ro có thể có với sức khỏe từ tăng cân. Việt Hà có bài tìm hiểu trong trang tạp chí sức khỏe đời sống tuần này.

Thuốc lá và nguy cơ bệnh tim mạch

Đối với nhiều người hút thuốc đã từng cai thuốc, một trong những mối lo lớn nhất sau cai thuốc là bị tăng cân, kéo theo đó là một loạt các nguy cơ về bệnh tim mạch. Tuy nhiên một nghiên cứu mới được công bố gần đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, tăng cân không đáng phải bận tâm đối với những người bỏ thuốc lá.

Bác sĩ Caroline Fox, người tham gia nghiên cứu, thuộc Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cho biết:

Những người bỏ hút thuốc sẽ tăng một ít cân trong một thời gian ngắn nhưng số cân tăng đó không làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. <br/> -BS Caroline Fox

“Bác sĩ và những người làm y tế từ lâu vẫn khuyên các bệnh nhân của mình nên bỏ thuốc nhưng luôn có lo ngại rằng một số người bị tiểu đường mà ngừng hút thuốc thì có có thể bị tăng cân, mà tăng cân là một yếu tố nguy hiểm đối với tiểu đường. Điều quan trọng của nghiên cứu này là chúng tôi tập trung vào vấn đề này, và kết quả cho thấy những người bỏ hút thuốc sẽ tăng một ít cân trong một thời gian ngắn nhưng số cân tăng đó không làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Đó là một điều quan trọng, nó cho thấy rằng bỏ hút thuốc là điều quan trọng và những ích lợi của bỏ thuốc quan trọng hơn tăng cân.”

Theo kết quả của nghiên cứu, số cân tăng của những người bỏ thuốc trong thời gian dài không đáng kể. Bác sĩ Fox nói tiếp:

“Trong nghiên cứu chúng tôi tìm hiểu những người vừa bỏ thuốc gần đây, tức là trong vòng 4 năm và so sánh với những người đã bỏ thuốc hơn 4 năm, và chúng tôi thấy với những người vừa bỏ thuốc mà không bị tiểu đường thì trung bình họ tăng khoảng 2,7 kg trong 4 năm, còn người bị tiểu đường là 2,8 kg. Còn những người đã bỏ thuốc từ lâu thì số cân tăng ít hơn. Người không bị tiểu đường tăng khoảng 0,9 kg, còn người bị tiểu đường là 0,1 kg. Nếu so với những người đang hút thuốc, người không tiểu đường tăng khoảng 1.2 kg trong cùng thời gian, còn người tiểu đường thì không tăng chút nào.”

Một thanh niên đang hút thuốc, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.
Một thanh niên đang hút thuốc, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO. (AFP Photo)

Việc tăng cân do bỏ hút thuốc được lý giải là do nguyên nhân nicotine trong thuốc lá có tác dụng kích thích. Ngay sau khi hút nicotine vào, chất adrenaline tăng lên khiến gan tiết ra glycogen (tức đường), làm tăng lượng đường trong máu lên chút ít. Khi bỏ nicotine, cơ thể sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất (metabolism). Nếu người bỏ thuốc ăn cùng với lượng ăn như trước khi bỏ thuốc thì cơ thể sẽ sử dụng ít năng lượng đi, trong khi lại tích lũy thêm chất béo. Ngoài ra nicotine cũng có tác dụng làm giảm sự ngon miệng. Vì vậy một thời gian ngắn sau khi hút thuốc, người ta thường không cảm thấy đói.

Đây là nghiên cứu đầu tiên nhìn vào yếu tố tăng cân và ảnh hưởng đến bệnh tim mạch trong những người bỏ thuốc. Bác sĩ Fox cho biết về sự đặc biệt trong nghiên cứu này như sau:

“Nghiên cứu thuộc nghiên cứu về tim của Framingham, đây một nghiên cứu lâu dài nhất về bệnh tim mạch và các yếu tố liên quan, được bắt đầu tư năm 1948 và đã được hơn 60 năm, với 3 thế hệ. Nghiên cứu mà chúng ta đang nói tới về hút thuốc dựa vào số liệu thống kê của Framingham, những số liệu của những người tham gia nghiên cứu được thu thập từ năm 1984 đến 2011. Tổng số người tham gia là 3251. Đây là nghiên cứu đầu tiên nhìn vào những người đã bỏ thuốc, và xem xét về khả năng tăng cân của họ cũng như rủi ro mắc các bệnh tim mạch về lâu dài. Đây là nghiên cứu đầu tiên nhìn vào các ca bệnh tim mạch hoặc đứt mạnh máu não theo sau hút thuốc. Các nghiên cứu khác không nhìn trực tiếp vào bệnh tim mạnh có liên quan đến hút thuốc. điều này làm cho nghiên cứu này đặc biệt hơn.”

Bỏ thuốc, dễ hay khó

Ngoài chuyện tăng cân là điều khó tránh khỏi làm nản lòng nhiều người muốn bỏ thuốc, còn rất nhiều các nguyên nhân khác khiến việc cai thuốc lá trở nên khó khăn.

Ông Bình, một người Việt, năm nay 48 tuổi hiện sống ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, cho biết ông đã 3 lần thử bỏ thuốc nhưng đều không thành công.

“Tôi đã từng bỏ 3 lần, mỗi lần khoảng được 8 tháng tới 1 năm thì sau đó đi tiệc tùng quen tay thì hút và bắt đầu lại. Hai tuần đầu thì rất ư là khó khăn, cơn thèm cứ 20 đến 30 lại có cơn thèm thuốc. Khi bỏ thuốc thì tôi lên cân. Hai lần trước thì tại vì đi ăn đám cưới, bạn bè mời thì mình hút, nghĩ là mình đã bỏ cả năm nay thì không có gì nhưng không ngờ 1 vài ngày sau nó lại thèm lại. Có một lần thì công ăn việc làm khó khăn, bị stress, thì tôi hút lại.”

Ông Bình đã hút thuốc được khoảng 30 năm nay, trung bình mỗi ngày hút khoảng 10 điếu.

Quyết tâm thôi, cái đầu mình thôi. Người không quyết tâm là không bỏ được. Cái nicotine hay nhai kẹo là không ăn thua, chỉ tạm thời lúc đó, hết rồi thì nó quay trở lại. <br/> -Ông Nhương

Thế nhưng cũng có những người đã bỏ thuốc thành công. Đó là trường hợp của ông Nhượng, 66 tuổi, hiện sống ở tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. Ông Nhương đã hút thuốc 40 năm trước khi bỏ hẳn vào năm 2000. Ông cho biết nguyên nhân dẫn đến quyết tâm bỏ thuốc lá của mình.

“Trước đó tôi bị tiểu đường với lại bị cholesterol cao. Bác sĩ Mỹ cứ bảo mình bỏ hút thuốc mà mình không bỏ được. Người ta nói hoài trong đầu mình thì không thích. Nên họ chỉ bảo 1, 2 lần thôi. Sau một thời gian thì thấy trong người không khỏe. Một phần thấy người mệt nhiều thì tôi biết là do hút thuốc… Tôi định bỏ từ năm 1998 những mãi đến năm 2000 mới bỏ được, tại vì cái đầu mình chưa chuẩn bị, muốn bỏ mà chưa bỏ được.”

Ông Nhượng cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình bỏ thuốc, nhất là trong khoảng thời gian 3 năm đầu tiên. Ông nói:

“Khi mà bỏ thì nếu người không dễ nghiện dễ bỏ hơn. Còn tôi phải mất 3 năm mới không suy nghĩ đến chuyện thèm thuốc. Trong vòng 3 năm thèm hoài. Tháng đầu tiên thì ảnh hưởng, không làm được việc. Nhưng qua tháng thứ 2 hay tháng thứ 3 thì làm việc được nhưng cứ làm 2 hay 3 tiếng thì phải đứng dậy đi một vòng chỗ khác mới quay lại làm tiếp được, không tập trung lâu.

Bỏ thuốc cách nào?

Hình minh họa hút thuốc lá. AFP Photo/ Indranil Mukherjee.
Hình minh họa hút thuốc lá. AFP Photo/ Indranil Mukherjee.

Mỗi người có một cách riêng để cai thuốc. Đối với ông Bình, ông chọn cách uống thuốc cai. Việc uống thuốc đã giúp ông mất cơn thèm thuốc ngay lập tức.

“Có một lần bỏ ngang thì không dùng thuốc, có hai lần tôi đi bác sĩ gia đình thì ông cho thuốc uống, uống vào trong vòng 3 ngày là không có cơn thèm. Bác sĩ khuyên uống 90 ngày, tôi uống 20 ngày thì tôi bỏ cả thuốc lá lẫn thuốc uống.”

Ông Bình sử dụng thuốc Zyban để cai thuốc lá.

Hiện tại trên thị trường phổ biến hai loại thuốc dùng cho người cai thuốc lá là Zyban và Chantix. Zyban là loại không có chứa nicotine và được cho là có tác dụng về mặt hóa học lên não có liên quan đến cơn thèm nicotine. Đây là thuốc có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với liệu pháp nicotin thay thế. Nhiều nghiên cứu cho thấy Zyban có tỷ lệ thành công khoảng 30% trong vòng 3 tháng và 15% trong vòng 1 năm. Tuy nhiên về dài hạn, tỷ lệ thành công không cao vì có nhiều người tái nghiện.

Loại thuốc mới Chantix được cho là có tác dụng gấp đôi so với thuốc giả dược để cai thuốc. Một số nghiên cứu còn cho thấy trong vòng 3 tháng, 44% người dùng Chantix có thể bỏ thuốc lá.

Tuy nhiên một nghiên cứu khác gần đây của viện an toàn thuốc và trường đại học Wake Forest lại cho thấy những phản ứng phụ của Chantix với các trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng, bị ngã, nhịp tim bất thường có thể gây tử vong, phản ứng mạnh trên da, bị co giật, tiểu đường, tính tình chở nên hung hãn, muốn tự tử.

Cũng có một cách bỏ thuốc lá khác cũng khá phổ biến là sử dụng liệu pháp nicotine thay thế. Người bỏ thuốc có thể dùng kẹo nicotine, hoặc sử dụng miếng dán nicotine trên da. Người sử dụng các sản phẩm nicotin thay thế này sẽ ít bị tiếp xúc với các chất độc hại khác có trong thuôc lá. Đây là cách làm để giúp người cai thuốc quen dần với việc không có thuốc lá.

Tuy nhiên theo ông Nhượng, việc sử dụng các liệu pháp này không có hiệu quả cao bằng chính quyết tâm của người bỏ thuốc. Ông nói:

“Cái đó vô ích, mấy người bạn Mỹ cũng bỏ cùng đợt với tôi, cũng xài cái đó nhưng rồi nghiện lại hết. Quyết tâm thôi, cái đầu mình thôi. Người không quyết tâm là không bỏ được. Cái nicotine hay nhai kẹo là không ăn thua, chỉ tạm thời lúc đó, hết rồi thì nó quay trở lại.”

Còn với ông Bình, rõ ràng việc bỏ thuốc lá là rất khó khăn. Lần cuối cùng ông tìm cách bỏ thuốc cách đây đã 4 năm. Khi được hỏi liệu ông sẽ tìm cách bỏ lần nữa. Ông nói nửa đùa nửa thật:

“Nếu bác sĩ bảo tôi là tôi bị viêm phổi hay ung thư phổi là tôi bỏ ngay, nhưng mình chưa có nên mình chưa sợ.”

Theo bác sĩ Caroline Fox, mặc dù việc bỏ thuốc lá hết sức khó khăn với nhiều người, nhưng nếu cân nhắc giữa việc bị mắc các bệnh về tim mạch gây tử vong cao với những lợi ích từ việc bỏ thuốc lá, chắc chắn mọi người sẽ phải chọn cuộc sống nhiều hơn.

Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Việt Hà thân mến tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị kỳ tới.