Chủ nợ của Mỹ
Trong khi đó, Trung Quốc lại là quốc gia nắm giữ nhiều nhất những khoản nợ của chính phủ Mỹ. Và gần đây nhất, nước Mỹ trở nên yếu thế hơn, khi chỉ số tín dụng của họ bị S&P đánh tụt hạng. Liệu đây có phải là lúc Trung Quốc sẽ sử dụng “đòn bẩy” nợ nần như một thứ vũ khí đòi hỏi Hoa Kỳ phải có những nhượng bộ khác không liên quan đến tài chính.
Ngay sau khi tổ chức đánh giá tín dụng S&P hạ điểm tín dụng Hoa Kỳ, hàng loạt các tờ báo lớn hay cơ quan truyền thông tại Trung Quốc mạnh miệng lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ là đất nước “nghiện nợ” hay “thiển cận” và rằng chính phủ Hoa Kỳ tắc trách trong vai trò đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, những khoản tiền mà Chính phủ Trung Quốc mua công trái Hoa Kỳ lên tới 2/3 trong số 3,2 ngàn tỉ đô la tiền dự trữ của Trung Quốc, nghĩa là Trung Quốc nắm giữ khoảng 1,1 ngàn tỉ Mỹ kim, tiền nợ của Hoa Kỳ và là quốc gia cho Hoa Kỳ vay nhiều nhất trên thế giới.
Người ta đang đặt ra một câu hỏi, liệu rằng những khoản nợ mà Trung Quốc cho Hoa Kỳ vay có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ nhiều mặt của hai nước này, vượt ra khỏi cả vấn đề kinh tế, tài chính thuần túy sang cả lĩnh vực ngoại giao và chính trị. Liệu Trung Quốc sẽ sử dụng “vũ khí tài chính” này để yêu cầu chính quyền Obama có những bước nhân nhượng khác, chẳng hạn như vấn đề chủ quyền Tây Tạng hay bán vũ khí sang Đài Loan.
Chủ trương của Trung Quốc
Theo Reuters ra ngày 9/8 trích dẫn ý kiến của một số nhà phân tích cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Chính quyền Trung Quốc gặp áp lực từ người dân đòi hỏi Chính phủ phải định hình lại chính sách ngoại giao. Người ta cho rằng Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất vẫn tiếp tục phát triển, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008. Hiện nay, khi khủng hoảng nợ tại Hoa Kỳ đang làm xói mòn sức mạnh tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đây là lúc để Trung Quốc trỗi dậy, giành lấy vị trí bá chủ và là lúc để Trung Quốc gây áp lực lên Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, để hiểu về nguồn cội vì sao một nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc lại có thể cho một nước tư bản, lớn mạnh hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ vay tiền, với một khoản tiền hàng ngàn tỉ đô la. Trao đổi với chúng tôi, nhà tư vấn tài chính Ngô Nhân Dụng cho biết:
"Đây gọi là hiện tượng mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới, mà hiện tượng này là do Chính phủ Trung Quốc đã chủ trương, chứ không phải các nước khác chủ trương. Hiện tượng đó là dân Trung Quốc sản xuất thật là nhiều, thật là rẻ, vì họ trả lương nhân công của họ rất là thấp, hàng đó được tiêu thụ khắp thế giới và nước Mỹ là nước tiêu thụ hạng nhất.
Người tiêu thụ ở Mỹ thì ngược lại, cứ thấy hàng gì rẻ là mua, thành ra trên thế giới bây giờ có hiện tượng là người Trung Quốc cứ sản xuất, người Mỹ cứ tiêu thụ. Tiền của người Mỹ tiêu thụ được trả sang Trung Quốc còn chính phủ Trung Quốc thì không muốn đồng tiền Mỹ vào đó được tự do luân chuyển, vì nếu nó tự do luân chuyển, thì tiền của Mỹ càng vào thì đồng tiền của Trung Quốc càng tăng giá lên. Vì Trung Quốc muốn đồng tiền của họ rẻ, thì họ phải tìm cách mua đồng tiền Mỹ, cất vào ngân hàng Trung Ương của họ."
Theo nhà tư vấn Ngô Nhân Dụng giải thích, dù rằng lãi suất của công trái Mỹ không cao nhưng an toàn thì đó vẫn là điểm trú chân của tiền đầu tư Trung Quốc.
Đây gọi là hiện tượng mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới, mà hiện tượng này là do Chính phủ Trung Quốc đã chủ trương, chứ không phải các nước khác chủ trương.
Ông Ngô Nhân Dụng
Thực ra thì không phải là Trung Quốc không thể đầu tư dự trữ ngoại hối của mình ở chỗ khác. Theo tờ Nhà Ngoại Giao hôm 5/8 trích đăng, Trung Quốc cũng đã đầu tư tiền vào thu mua tài nguyên thiên nhiên của nhiều quốc gia khác, nhưng họ gặp phải sự chống đối của các quốc gia này; hay Trung Quốc cũng bỏ tiền đầu tư vào các quỹ đầu tư nước ngoài, nhưng kết quả không được khả quan như họ mong đợi. Vì thế, công trái Mỹ là lựa chọn tối ưu.
Quan hệ chính trị - kinh tế
Quay trở lại với câu hỏi, liệu đây có phải là lúc để Trung Quốc sử dụng sức mạnh tài chính của mình gây áp lực lên Hoa Kỳ, đòi hỏi chính quyền Obama phải có những thay đổi về mặt ngoại giao hay chính trị có lợi cho Trung Quốc. Nhà tư vấn tài chính Ngô Nhân Dụng một lần nữa nhận xét:
"Đối với cả hai nước Trung Quốc với Mỹ thì vấn đề Đài Loan là vấn đề mà 2 bên đã đồng ý với nhau từ lâu rồi, là họ giữ thế cân bằng hiện nay giữa Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan. Chính sách của CP Mỹ từ lâu nay vẫn là bảo vệ Đài Loan và chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, và mỗi khi CP Mỹ bán vũ khí là CP Trung Quốc lại lên tiếng phản đối, nhưng sau đó CP Mỹ vẫn bán như thường.
Đối với vấn đề Tây Tạng, Trung quốc vẫn muốn là không nước nào được can thiệp vào chuyện Trung Quốc đối đãi với Tây Tạng, nhưng gần như cả thế giới đều đồng ý rằng Tây Tạng là thuộc Trung Quốc, không ai muốn thúc đẩy chuyện Tây Tạng độc lập. Những chuyện mà Trung Quốc làm rùm beng chỉ là vấn đề thể diện, họ phải lên tiếng. Nếu như họ có thể sử dụng được áp lực khối tiền là hơn 1,100 tỷ đô la để buộc Chính phủ Mỹ nhượng bộ họ về Đài Loan và Tây Tạng, thì họ đã làm từ chục năm nay rồi chứ không phải bây giờ. Có thể nói rằng, không bao giờ họ có thể sử dụng khoản vay nợ đó làm áp lực về vấn đề Đài Loan, Tây Tạng hay cả vấn đề Biển Đông của Việt Nam vậy."
Mặc cho những ngày gần đây, báo chí Trung Quốc không ngớt lời doạ nạt Hoa Kỳ rằng Trung Quốc sẽ bán tháo những khoản công trái Hoa Kỳ mà họ đang nắm giữ và rằng việc bán tháo này sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Ngày 9/8, CNN có một phóng sự ngắn mang tên “Những điều bí mật ẩn chứa đằng sau các khoản nợ” trong đó, bài phóng sự có nêu câu chuyện về khoản nợ 1,1 ngàn tỉ đô la và cho biết khoản nợ này chỉ bằng 8% tổng khoản nợ của nước Mỹ. Chủ nợ chính chi phối nước Mỹ là người dân Mỹ, các công ty Mỹ chứ không phải Trung Quốc.
Ngoài ra, bài phóng sự cũng cho thấy, nếu Trung Quốc có cố tình gây phương hại, bán tháo trái phiếu Mỹ thì người gánh chịu hậu quả cũng chính là nền kinh tế của Trung Quốc, vì hiện nay nền kinh tế của xứ này lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ và xuất khẩu vào thị trường Mỹ quá nhiều.
Có thể nói rằng, không bao giờ họ có thể sử dụng khoản vay nợ đó làm áp lực về vấn đề Đài Loan, Tây Tạng hay cả vấn đề Biển Đông của Việt Nam vậy.
Ông Ngô Nhân Dụng
Có lẽ tiên liệu được hậu quả của những lời doạ dẫm, hôm 9/8, Thủ tướng Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mặc dù lần đầu tiên lên tiếng, nhưng với những ngôn từ kiềm chế hơn nhiều, chỉ kêu gọi các “quốc gia có liên quan” nên thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ một cách cụ thể và có trách nhiệm nhằm khôi phục niềm tin cho các nhà đầu tư toàn cầu.
Việt Nam có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nhưng có lẽ trong bối cảnh này, dù rằng báo chí rất “bạo miệng” nhưng dường như Chính phủ Trung Quốc cũng biết đâu là điều thiệt hơn, và vì nhờ vào lợi ích kinh tế với Hoa Kỳ mà chính phủ Trung Quốc có thể sẽ vượt qua được những lời chỉ trích quá khích của báo giới nước nhà để tiếp tục là chủ nợ của Hoa Kỳ mà không một lời ca thán.