Phân hóa giàu nghèo ở VN có xu hướng gia tăng

0:00 / 0:00

Trong cuộc thảo luận về thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 tại kỳ họp Quốc hội thứ 7-khóa XIII, hôm mùng 7 tháng 6, được đánh giá đạt được những kết quả ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều lực cản trong mục tiêu giảm nghèo bền vững.

TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Viện Xã hội học VN có cuộc trao đổi với Hòa Ái để tìm hiểu thêm về hiệu quả của chính sách giảm nghèo ở VN hiện nay.

Chuẩn nghèo

Trước tiên, TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận xét về ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng do “bội thực chính sách” nên dẫn đến tình trạng xóa đói giảm nghèo chưa đồng đều và thiếu bền vững:

Nguyên nhân gọi là có đại biểu bình luận đưa ra rằng là có quá nhiều chính sách dẫn đến “bội thực” thì không phải là không có. Tuy nhiên đó không được xem là nguyên nhân chính, không phải là nguyên nhân quan trọng nhất của công cuộc giảm nghèo ở VN không vững chắc. Quan trọng hơn là do xuất phát điểm, do kết cấu hạ tầng, nói chung có cả những vấn đề thuộc về bất bình đẳng xã hội vẫn chưa giải quyết được. Thêm một điều nữa, cũng có thể nói là cơ chế để củng cố việc giảm nghèo đó không được thực thi một cách đầy đủ, đàng hoàng. Thêm nữa vấn đề về chuẩn nghèo ở VN chúng tôi cũng thay đổi theo thời gian.

Và thực ra mức giới hạn dưới của chuẩn thoát nghèo không ổn định cho nên ngay trong phiên họp vừa rồi và trong thực tiễn của giới nghiên cứu cũng như nhà quan sát thì chỉ cần nâng mức nghèo có tính chất phổ quát lên theo như thế giới thì ngay lập tức một tỉ lệ lớn hơn trong cộng đồng cư dân sẽ rơi ngay vào tầm nghèo, thậm chí nếu không gọi là mức đói, bởi vì ở VN có khái niệm nghèo đói. Có những đại biểu đề nghị mức chuẩn nghèo đặt lên ngang tầm với khu vực, với thế giới chẳng hạn. Như vậy chúng tôi cho rằng chỉ cần thay đổi chuẩn nghèo đó thì sẽ khác hẳn.

Hòa Ái: Qua chia sẻ của TS cho thấy có thể hiểu chính sách giảm nghèo hiện nay không đi sát với đời sống thực tiễn và có vẻ như không phát huy được hiệu quả, thưa TS?

Có những đại biểu đề nghị mức chuẩn nghèo đặt lên ngang tầm với khu vực, với thế giới chẳng hạn. Như vậy chúng tôi cho rằng chỉ cần thay đổi chuẩn nghèo đó thì sẽ khác hẳn. <br/> - TS Trịnh Hòa Bình

TS Trịnh Hòa Bình: Quốc tế cũng nhìn nhận việc sử dụng đồng vốn dành cho sự nghiệp giảm nghèo thì cũng phát huy được hiệu quả. Ở đây tôi không muốn nói đến bệnh thành tích nhưng mà thường có hiệu ứng từ nhiều hoạt động khác nhau và đồng vốn được đầu tư cho cơ sở hạ tầng rồi dành cho giao thông, dành cho khả năng tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe v.v của cộng đồng dân cư thì khi người ta tính dành cho dân nghèo thấy rằng bình quân đầu người hay con số tuyệt đối lớn.

Tuy nhiên kỳ thực con số đó dành cho đầu tư cho sự phát triển nói chung của cộng đồng các địa phương. Cho nên một khi bóc tách một cách nghiêm cẩn thì người nghèo thực ra chưa được hưởng nhiều lắm. Người nghèo khi được lên ngưỡng xấp xỉ giữa hết nghèo, tức là trên cận nghèo một chút, gọi là trung bình nhưng không vững chắc ở chỗ chỉ chực chờ một rủi ro, một thiên tai hay một tai nạn nào đó thì ngay lập tức bị rơi xuống vì thực ra vẫn chỉ là đầu tư để nâng đỡ họ phần nào thôi chứ không phải thay đổi một cách căn bản.

Giảm nghèo bền vững

Một người thu lượm ve chai ngủ trong công viên gần một bức chân dung Hồ Chí Minh trong Dinh Thống Nhất tại TPHCM hôm 30/11/2013. AFP photo
Một người thu lượm ve chai ngủ trong công viên gần một bức chân dung Hồ Chí Minh trong Dinh Thống Nhất tại TPHCM hôm 30/11/2013. AFP photo (Một người thu lượm ve chai ngủ trong công viên gần một bức chân dung Hồ Chí Minh trong Dinh Thống Nhất tại TPHCM hôm 30/11/2013. AFP photo)

Hòa Ái: Dưới góc độ một chuyên gia nghiên cứu về xã hội, TS có đồng ý với những ý kiến cho rằng chính sách giảm nghèo hiện không ổn định cũng như còn tồn đọng nhiều yếu tố gây trở ngại cho mục tiêu giảm nghèo bền vững hay không?

TS Trịnh Hòa Bình: Đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi cũng có những đại biểu không thật sự đồng thuận rằng người ta mong có một sự đầu tư lớn hơn với tính cách bảo hiểm cho việc thoát nghèo thì vẫn tiếp tục tái đầu tư cho người ta một thời gian nữa với tính cách là trợ giúp thay vì cứ đưa họ lên thoát ngưỡng đó rồi xoa tay hớn hở báo cáo rằng đã đưa được một tỉ lệ đáng kể thoát nghèo.

Thoát nghèo như vậy mới chỉ mang tính chất rất cập nhật và thời cơ chứ không ổn định và không vững chắc. Bởi vì ổn định và vững chắc hay không tùy thuộc vào một hệ thống bền vững hơn bao gồm công nghệ, năng lực canh tác dựa trên cơ sở của nền dân trí được cải thiện một cách căn bản. Ở đây đã thấy rõ có đầy đủ những lực cản, tất cả những thách thức liên quan từ dân trí đến sức mạnh, chiều sâu của nguồn lực cũng như việc phân phối, chia sẻ các nguồn lực tài chính đến nơi một cách minh bạch, công bằng và thật sự có hiệu quả.

Hòa Ái: Và nhận xét của TS như thế nào về nhận định của Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội rằng chênh lệch giàu nghèo ở VN đang có xu hướng gia tăng?

TS Trịnh Hòa Bình: Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội-Trương Thị Mai đã có báo cáo đánh giá và đưa ra nhận định rằng là chênh lệch giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng. Đấy là một nhận định chuẩn xác, nhận xét thận trọng có cơ sở khoa học do dựa trên toàn bộ chương trình giảm nghèo ở VN thực hiện trong thời gian vừa qua qua ý kiến của các chuyên gia cũng như bộ máy đã rà soát và đánh giá. Và nhận định đó cũng có sự nhận thức của giới nghiên cứu ở VN chúng tôi.

Hòa Ái: Thưa TS, chính sách giảm nghèo với mục tiêu cuối cùng hướng tới một xã hội dân sinh thịnh vượng và công bằng. Như vậy, giai đoạn phân hóa giàu nghèo đang trong xu hướng gia tăng này sẽ được điều chỉnh ra sao và trong thời gian bao lâu?

Ở đây có nhận định nói rằng VN đang đứng trước thực tiễn độ giãn ra giữa nhóm giàu và nhóm nghèo đang tăng lên, tôi cho rằng không phải tăng lên một cách tuyệt đối. <br/> - TS Trịnh Hòa Bình

TS Trịnh Hòa Bình: Ở đây có nhận định nói rằng VN đang đứng trước thực tiễn độ giãn ra giữa nhóm giàu và nhóm nghèo đang tăng lên, tôi cho rằng không phải tăng lên một cách tuyệt đối. Nhưng thời gian điều chỉnh với tinh thần theo nghĩa nỗ lực cao nhất để làm giảm bớt sự chênh lệch giữa giàu và nghèo chỉ là phương châm, chỉ là lý tưởng hành động, không dễ gì thực hiện và chắc chắn phải trong một thời gian khá dài. Bởi vì chúng tôi thực hiện công cuộc giảm nghèo trong bối cảnh đối diện rất nhiều thách thức: những đình đốn, sa sút về đời sống kinh tế và những cú sốc về mặt tài chính của khu vực cũng như thế giới và VN cũng không phải không gánh những hệ lụy như vậy.

Còn việc đưa ra những nỗ lực giảm nghèo thì hầu như vẫn chỉ mang tính cách rất cơ học, không đến nỗi tự phát nhưng chỉ thuộc kiểu loại bao cấp của thời mới mặc dù chúng tôi thoát ly khỏi chế độ tập trung quan liêu bao cấp tính đến nay đã 25 năm. Cung cách dành cho sự nghiệp giảm nghèo không khác điều đó bao nhiêu. Và chúng ta cũng thấy được rõ về năng lực quản lý, tổ chức thực hiện không phải là không có những vấn đề mặc dù động cơ, phương châm rất tốt, rất tích cực, rất lành mạnh nhưng triển khai thực hiện thì không phải không ít những hạn chế.

Hòa Ái : Chân thành cảm ơn TS Trịnh Hòa Bình dành thời gian cho cuộc phỏng vấn với đài RFA.