Biển thủ đất đai của nhân dân
Song hành với hàng chục triệu mét vuông đất của nhân dân bị các chủ đầu tư giải tỏa đền bù không thỏa đáng dẫn đến nhiều oan sai, tầng lớp dân oan ra đời là những mảnh đất bị biển thủ theo cách riêng của các cơ quan nhà nước.
Nổi cộm trong vụ biển thủ quĩ đất nhân dân này là vụ đài truyền hình Bình Phước bán đất trong khuôn viên đài truyền hình cho tư nhân xây dựng nhà ở và đưa ra mục đích là mua đất xây dựng phim trường. Điều này làm cho nhiều hộ dân chung quanh bức xúc, lắc đầu.
Ông Trần Trung, một cư dân ngụ ở Đồng Xoài, Bình Phước, gần đài truyền hình Bình Phước, than thở với chúng tôi rằng ông thấy thật vô lý vì nếu như với cách làm việc vô căn cớ như vậy, không bao lâu, những diện tích đất toàn dân do một cơ quan nhà nước nào đó quản lý sẽ dần dần biến thành tiền của cơ quan đó, mà sâu xa hơn là số tiền đó sẽ bị hợp thức hóa bằng nhiều cách để vào túi cá nhân lãnh đạo cơ quan, đó là chuyện khó tránh khỏi trong tình hình tham nhũng, cửa quyền và hách dịch tràn lan như hiện nay.
Khi xây dựng đài truyền hình, nhà nước sẽ giải tỏa đền bù một số hộ dân rớt vào diện tích liên đới. Mà những hộ dân này sẽ nhận đền bù ở mức rất thấp vì đó là cơ quan hành chính sự nghiệp, là công trình trọng điểm, có tính phúc lợi xã hội...Nhưng đến khi đài TH mọc lên, mọi chuyện khác đi, diện tích chung quanh đài TH Bình Phước được đấu thầu với giá sàn tương đối cao
Hơn nữa, đài truyền hình vốn là cơ quan hành chính sự nghiệp, khi xây dựng đài truyền hình, nhà nước sẽ giải tỏa đền bù một số hộ dân rớt vào diện tích liên đới. Mà những hộ dân này sẽ nhận đền bù ở mức rất thấp vì đó là cơ quan hành chính sự nghiệp, là công trình trọng điểm, có tính phúc lợi xã hội. Trong trường hợp có những vườn cao su rớt vào công trình, mức đền bù chỉ mang tính tượng trưng. Nhưng đến khi đài truyền hình mọc lên, mọi chuyện khác đi, diện tích chung quanh đài truyền hình Bình Phước được đấu thầu với giá sàn tương đối cao và không có người dân nào trúng thầu trong khu đất của đài truyền hình bán xây nhà.
Ông Hùng, một cư dân khác ở gần nhà ông Trung, cùng ngồi uống cà phê với ông Trung cho chúng tôi biết thêm rằng đài truyền hình Bình Phước nói với dân là bán đất để gây quĩ mua đất xây dựng phim trường ở Phước Long, và tổ chức đấu giá để các hộ dân cùng tham gia mua. Nhưng trên thực tế, không có hộ dân nào bên ngoài mua được đất để lọt vào khu vực này. Toàn bộ quĩ đất của đài bán đều dành cho những người có họ hàng bà con với cán bộ, công chức của đài hoặc những gia đình cán bộ có quyền thế trong tỉnh.
Ông Hùng cũng bày tỏ sự hoài nghi của mình về giá bán đất, có thể là mức giá mà người dân biết được không đúng với thực thu của đài truyền hình. Ông cho rằng vấn đề cơ quan nhà nước bán quĩ đất của quốc gia, của nhân dân đang ngày càng nở rộ, nó giúp các cơ quan này giải quyết một số khủng hoảng về tài chính bởi nạn tham nhũng, móc ngoặc, cửa quyền là làm ngân sách bị rỗng ruột, và đó cũng là cơ hội chấm mút của những quan chức đầu ngành. Và chuyện bán đất ở đài truyền hình Bình Phước chỉ là một chuyện tương đối lộ liễu, thách thức nhân dân trong hàng trăm câu chuyện biển thủ đất đai của nhân dân trên cả nước.
Ngân sách thâm thủng, cơ quan nhà nước bán đất vô tội vạ
Một người khác tên Thủy, cùng ngồi chung bàn cà phê với chúng tôi và ông Trung, ông Hùng, bày tỏ sự lo lắng của bà rằng trong tình hình hiện nay, ngân sách nhà nước khủng hoảng vì những tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động không có hiệu quả, gây thua lỗ, tổn thất, nợ nần quốc gia dâng ngập đầu, các cơ quan sự nghiệp hành chính cũng hết sức khó khăn về vấn đề tài chính bởi thu không bù nổi chi, các doanh nghiệp tư nhân thì thi nhau phá sản, chính vì thế, nguy cơ bán đất trá hình sẽ là rất cao.
Đây là đất của toàn dân, do nhà nước quản lý, nên mọi vấn đề liên quan đến tài sản của toàn dân phải để nhân dân giải quyết, có ý kiến và góp ý bằng trưng cầu dân ý, họp bàn chứ không thể một ông giám đốc lên làm việc với ủy ban nhân dân xong là về tùy hứng mà bán, tổ chức đấu giá
Tuy đài truyền hình Bình Phước bán một diện tích đất không nhiều lắm, chỉ tương đương với hai ngàn mét vuông dọc theo phía hông của đài, ước chừng trên ba chục lô đất xây nhà, và số nhà xây xong đã lên đến hai mươi mốt căn nhà cấp một, số chưa xây chiếm chừng 30% diện tích toàn bộ đất bán. Nhưng có một điều thật vô lý là cách quản lý đất quá lỏng lẽo, vì đây là đất của toàn dân, do nhà nước quản lý, nên mọi vấn đề liên quan đến tài sản của toàn dân phải để nhân dân giải quyết, có ý kiến và góp ý bằng trưng cầu dân ý, họp bàn chứ không thể một ông giám đốc lên làm việc với ủy ban nhân dân xong là về tùy hứng mà bán, tổ chức đấu giá.
Bà Thủy nói thêm rằng bất kỳ chủ tịch, giám đốc hay lãnh đạo nào cũng chỉ làm việc cao nhất vài nhiệm kỳ hoặc làm việc vài chục năm cho đến khi về hưu. Trong quá trình làm việc, vấn đề chính được đặt ra là ông ta thực hiện công tác của mình như thế nào để góp phần xây dựng đất nước và tuyệt đối không được làm tổn thất đến tài sản nhân dân. Trọng trách của một cán bộ lãnh đạo là cống hiến cho sự nghiệp phát triển chung của quốc gia và giữ gìn tài sản nhân dân.
Nhưng ở đây, các ông chủ tịch các cấp ở địa phương, những ông giám đốc các cơ quan trực thuộc nhà nước lại không thực hiện đúng chức năng này mà thường làm cho ngân sách cơ quan thâm thủng bằng nhiều kiểu, trong đó, đáng sợ nhất là tự tiện bán đất của nhân dân. Ông ta chỉ làm việc đến năm mươi lăm tuổi hoặc sáu mươi tuổi thì về hưu nhưng quyết định bán đất của ông ta sẽ để hậu quả kéo dài mãi đến nhiều thế hệ, thế kỷ sau. Đó là một vấn nạn mà nhà nước đang để phát triển tràn lan, chưa có biện pháp khắc phục.
Một người dân ở gần đài truyền hình Bình Phước nói thêm rằng với mức giá xấp xỉ một tỉ đồng trên mỗi lô đất, với số lượng ba chục lô bán ra, số tiền sẽ tương đương ba chục tỉ đồng, trong khi đó, nói là xây dựng phim trường, nhưng phim trường thì có dự án riêng của phim trường, có tài chính tích lũy từ quảng cáo, ngân sách hỗ trợ của trung ương và thậm chí đất của nhà nước cấp cho đài hoặc bán hỗ trợ với giá thấp.
Có thể số tiền ba chục tỉ đồng đã trôi theo hướng khác, chưa chắc đã dùng vào việc xây phim trường. Bà tỏ ra lo ngại trước tình hình cơ quan nhà nước đua nhau bán đất của nhân dân và mục đích bán đất của nó rất mơ hồ, nhân dân không được góp ý và không được tham gia bất kỳ một kiến nghị nào.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.