Sản xuất tấm lợp từ vỏ hộp sữa

0:00 / 0:00

Tận dụng vỏ hộp sữa sau khi sử dụng để chế thành loại tấm lợp tiện dụng vừa được đưa vào sử dụng tại Việt Nam hồi tháng ba vừa qua.

Vậy loại tấm lợp được gọi là ‘sinh thái’ như thế được sản xuất ra sao? Có những tính năng ‘thân thiện môi trường’ thế nào?

Tận dụng

Một trong những hoạt động của chiến dịch Giờ Trái Đất năm nay tại khu vực phía nam, Việt Nam là khởi công dự án ‘Mái nhà sinh thái’. Dự án này được triển khai tại trường mầm non Hoa Phượng tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, thành phố Sài Gòn.

Những mái tôn cũ lâu nay và là loại làm bằng kim loại gây nóng bức mỗi khi trời nắng cũng như nghe rõ tiếng mưa lúc trời đổ mưa được thay thế bằng loại tấm lợp mới.

Đây là một tấm lợp được làm từ các vỏ hộp sữa giấy tận dụng.

Hiệu trưởng của đơn vị thụ hưởng là trường mầm non Hoa Phương, cô Thanh Xuân cho biết một số những cảm nhận sau khi toàn bộ mái nhà của trường được thay thế bằng loại tấm lợp mới như vừa nêu:

Bên chúng tôi nhận được tài trợ mái che cho sáu phòng học. Nói chung trước mắt thấy phần nào đó cũng cải thiện được nhiệt độ trong phòng. Trước kia trường xài mái tôn kia nóng; nhưng nay thay mái này vì nó giải nhiệt, cách nhiệt nên nhiệt độ đỡ hơn. Trường chúng tôi không có sử dụng máy lạnh.

Khi người ta bàn giao, mình cũng đè thử và thấy cứng. Độ nặng cũng không như tôn cũ. Khi lợp lên thấy sáng hơn. Mùa này mưa không to lắm, nhưng hôm rồi có cơn mưa đầu mùa lớn đổ xuống, thì nghe không ồn lắm.

Một người tham gia trong dự án tấm lợp sinh thái là cô Trần thị Hạnh Dung từ công ty Tetra Pak cho biết thêm về dự án mà đơn vị này tham gia tài trợ:

Trong hộp sữa, 75% là giấy, 25% nhôm nhựa. Các nhà máy giấy từ lâu đã tái chế hộp sữa lấy bột giấy ra, nhưng nhôm nhựa còn lại phải đem đi chôn lấp vì chưa có giải pháp tái chế 100%. Tetra Pak cách đây hai năm đã làm việc với Nhà máy giấy và bao bì của Đồng Tiến, hổ trợ họ về mặt kỹ thuật và một số tài chính lúc ban đầu để họ làm mái lợp sinh thái từ 25% nhôm nhựa của vỏ hộp sữa đó. Mái lợp đó có tính năng ưu việt hơn các mái lợp khác: thứ nhất do làm từ các vật liệu hoàn toàn tái chế được; thứ hai do hoàn toàn làm từ nhôm nhựa nên rất bền, xe chạy qua không bể vỡ; hoặc cách nhiệt rất tốt, đốt không cháy… Đó là những tính năng phù hợp với những nhà xưởng mà độ acid cao; hoặc những trang trại gần biển, gió biển…

Sản xuất

Thông tin cho biết loại tấm lợp sinh thái được chính thức sử dụng tại trường Hoa Phượng kể từ hồi trung tuần tháng ba vừa qua do Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến sản xuất. Công ty Tetra Pak là nhà tài trợ cho dự án này.

Chúng tôi tiếp xúc với giám đốc Công ty TNHH Giấy Bao bì Đồng Tiến, ông Hoàng Trung Sơn, để hỏi thăm về việc sản xuất loại sản phẩm được cho là mới đó tại thị trường Việt Nam.

Trước hết ông này cho biết việc học hỏi để tiến đến sản xuất loại tấm lợp tận dụng các vỏ hộp sữa đã qua sử dụng như là một hình thức giúp giảm rác thải gây ô nhiễm môi trường, và làm ra một sản phẩm tiện dụng cho môi trường ẩm, nóng như tại Việt Nam.

Ông Hoàng Trung Sơn cho biết:

Chương trình này hợp tác với Tetra Pak từ cuối năm 2010. Trong năm 2011, tôi cùng với Tetra Pak đi tham quan ở Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia để xem người ta làm thế nào rồi mình học hỏi. Khi đi như thế, Tetra Pak thu xếp để đến những nơi mà Tetra Pak có mối quan hệ, người ta thu xếp chương trình làm việc để mình đến trao đổi kinh nghiệm với bên kia.

Khi về Việt Nam, phần xử lý bột do chúng tôi chuyên về sản xuất giấy nên có kinh nghiệm rồi. Còn công nghệ làm tấm lợp, mình rút kinh nghiệm từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Khi về chúng tôi trao đổi với một số anh em cơ khí ở Việt Nam, rồi chế tạo máy sản xuất tấm lợp hoàn toàn tại Việt Nam.

Chương trình đó bắt đầu từ đầu năm 2012 có sản phẩm tấm lợp sinh thái đầu tiên sản xuất ra. Nhưng quá trình để thử nghiệm, kiểm chứng cũng như đưa đi Trung Tâm Kiểm nghiệm Đo Lường để xác định tiêu chuẩn kéo dài cũng mất gần một năm. Đến đầu năm vừa rồi, chúng tôi mới chính thức đưa ra thị trường.

Khi khởi sự hoạt động sản xuất ra một loại vật liệu mới như tấm lợp sinh thái, công ty Giấy bao Bì Đồng Tiến cũng gặp một số trở ngại như trình bày sau đây của ông Hoàng Trung Sơn:

Trở ngại đầu tiên chính là việc thu mua vỏ hộp sữa.Ở Việt Nam, người dân chưa có thói quen phân loại tại nguồn, hay để riêng ra cho mình thu mua. Thành ra bây giờ thu mua qua hệ thống của những người thu mua ve chai, một số người lựa lại từ bãi rác. Sản lượng hiện còn thấp, hiện mỗi tháng chúng tôi chỉ thu mua được từ 150-200 tấn thôi. Trong khi dây chuyền sản xuất của nhà máy dự kiến cỡ 1000 tấn một tháng. Như thế nguyên liệu thu gom hộp sữa đã qua sử dụng trong nước mới đáp ứng được 20% nhu cầu thôi.

Qua hỏi những nước như Thái Lan, Indonesia, họ cũng cho biết trong một hai năm đầu thu gom loại này sản lượng cũng thấp. Tại Thái Lan, trong hai ba năm đầu cũng chỉ được hai- ba ngàn tấn một năm thôi. Thế nhưng sau 5-6 năm thì người ta thu gom được 17-18 ngàn tấn một năm. Chúng tôi hy vọng sau ba bốn năm cũng thu đủ sản lượng để sản xuất.

Tính năng

Một cửa hàng bán sữa các loại tại TPHCM. AFP photo
Một cửa hàng bán sữa các loại tại TPHCM. AFP photo (Một cửa hàng bán sữa các loại tại TPHCM. AFP photo )

Theo như trình bày của cô Thanh Xuân, hiệu trưởng trường Hoa Phượng, sau khi các phòng ốc của trường được thay bằng tấm lợp sinh thái, độ nóng có giảm đi, ông Hoàng Trung Sơn cũng cho biết những tính năng được cho là ‘thân thiện môi trường’ của loại tấm lợp sinh thái so với những loại tấm lợp lâu nay như tôn hay fibro ximang:

Nếu so với fibro ximang thì tấm lợp của chúng tôi có đắt hơn, nhưng fibro ximang có nhiều nhược điểm: giòn, sau một thời gian có thể tự nứt vỡ, cũng như khi thấm nước làm nặng mái do đó gia cố vì kèo nhà phải tốn kém hơn.

Nếu so với tôn, thì tấm lợp (sinh thái) của chúng tôi giá cũng ngang ngang với tôn. Nhưng tấm lợp này có những tính năng khác hẳn: cách nhiệt, cách âm, và độ bền đối với những môi trường khắc nghiệp như đối với những môi trường ven biển, môi trường có hóa chất ăn mòn kim loại. Như thế tấm này phù hợp để lợp những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cũng như cho một số nhà máy tại Việt Nam, đặc biệt một số nhà máy vẫn còn dùng lò hơi đốt than đá. Khi đốt than đá mà có lưu huỳnh sẽ tạo thành khí H2S. Khí này khi gặp nước tạo nên acid sulfuric nhẹ sẽ ăn mòn tôn kim loại rất dữ. Tấm lợp này khắc phục hoàn toàn điều đó. Chúng tôi đã lợp xưởng của công ty hơn một năm nay. Trước đây cứ hai năm phải thay một lần vì môi trường Việt Nam. Lợp tấm này thì giữa trưa nhiệt độ giảm đến hai ba độ khiến công nhân rất thích.

Đối với một công ty sản xuất ra sản phẩm giấy và bao bì phải sử dụng nguyên liệu bột gỗ, tái chế các loại giấy- bao bì đã qua sử dụng như Đồng Tiến, việc xả thải ra môi trường là một vấn đề mà cộng đồng đặt ra với họ lâu nay. Nhiều đơn vị trong ngành này bị cho là thủ phạm xả những hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.

Ông Hoàng Trung Sơn có một số giải thích về thông tin đó như sau:

Nói chung ô nhiễm trong ngành giấy, đặc biệt giấy tái chế, chỉ là nước thải ra trong quá trình sản xuất thôi. Thế mà sản xuất giấy tái chế nước sản xuất ra chủ yếu lẫn những tạp chất hữu cơ ví dụ những tơ sợi ngắn trong quá trình nghiền giấy để tái sinh, tái chế lại bị lọt qua lưới. Những hóa chất sử dụng cũng đều là những hóa chất hữu cơ, tức những hóa chất không phải có nguồn gốc từ những kim loại hiếm là những loại gây nên ảnh hưởng cho sức khỏe con người.

Hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy tái chế ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta cũng chỉ sử dụng hệ thống vi sinh yếm khí, hiếu khí thôi.

Chúng tôi đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải 3000 m3 một ngày, giá 1 triệu đô. Với hệ thống này, chúng tôi hoàn toàn tách và tuần hoàn nước trong quá trình sản xuất 100%: không xả thải ra môi trường đồng thời tiết kiệm tài nguyên nước.

Theo quan điểm của tôi, sản phẩm tái chế giấy và tái chế vỏ hộp sữa của chúng tôi hy vọng sẽ đăng ký đạt tiêu chuẩn sản phẩm xanh.

Sản phẩm giấy sản xuất từ gỗ, từ rừng; tức nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được, có thể trồng lại rừng. Sản phẩm giấy sau khi tiêu dùng có thể tái chế 100%.Bây giờ chúng tôi đã áp dụng được qui trình sản xuất không phát thải ra môi trường, như vậy hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí xanh, phát triển bền vững đối với môi trường.

Tận dụng vỏ hộp sữa đã qua sử dụng như dự án sản xuất tấm lợp sinh thái mà Công ty TNHH Giấy- Bao bì Đồng Tiến đang thực hiện, cũng như một số công việc tận dụng, tái chế những sản phẩm khác như nhựa, nylon, lon bia… vừa giúp một số người có khoản thu nhập sinh sống đồng thời giúp giảm bớt những loại rác thải gây ô nhiễm môi trường.