Ngành thú y ngày 13/8 cảnh báo nguy cơ lây lan cúm gia cầm ở đồng bằng sông Cửu Long, sau khi 47.000 con chim cút bị tiêu hủy vì nhiễm vi rút cúm H5N1.
Điều đáng chú ý là người dân đang phát triển đàn cút lên tới hàng chục triệu con và Việt Nam chưa có thuốc chủng đặc hiệu cho các loài chim nuôi như chim cút hay chim yến từng bùng phát dịch mới đây.
Lây lan nhanh trong đàn chim cút
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú Y Việt Nam cho biết, chưa có thống kê đầy đủ về tổng đàn chim cút ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chỉ riêng một tỉnh Tiền Giang có 1,5 triệu con và toàn khu vực này tổng đàn cút có thể là hàng chục triệu con.
Từ đầu thập niên 2000, trong bối cảnh dịch cúm gia cầm bùng phát, người dân đã hạn chế việc nuôi chim cút vì không có thuốc chủng cúm H5N1 cho chim nuôi. Tuy nhiên gần đây người dân đã tái đàn rất mạnh vì lợi ích kinh tế, trong giai đoạn chăn nuôi khó khăn.
Qua các ổ dịch trên chim cút nhưng là phát hiện đầu tiên trên chim cút rồi sau đó mới lây cho gia cầm, chứ không phải từ gia cầm lây cho chim cút. <br/> - TS Văn Đăng Kỳ <br/> <br/>
Đối với nguy cơ cúm gia cầm lây lan từ các ổ dịch từ đàn cút ở Chợ Gạo, Cái Bè, Mỹ Tho và Cai Lậy là các địa phương thuộc tỉnh Tiền Giang. TS Văn Đăng Kỳ ghi nhận một chi tiết khác thường từ các ổ dịch cúm H5N1 trên chim cút ở tỉnh này:
"Qua các ổ dịch trên chim cút nhưng là phát hiện đầu tiên trên chim cút rồi sau đó mới lây cho gia cầm, chứ không phải từ gia cầm lây cho chim cút. Chúng tôi thấy là phương thức lây lan đã có sự khác biệt, không phải chỉ ở trên con vịt rồi lây cho gia cầm mà lại từ con chim cút.
Rõ ràng chúng tôi phải quan tâm vấn đề này, nhất là đối với chăn nuôi có lợi cho kinh tế như chim yến, không thể cấm nuôi chim yến mà phải tháo gỡ bằng cách nào đó phòng chống bệnh cúm để người dân có thể tăng gia sản xuất được. Nuôi cút là việc ngưới dân hướng tới, chúng tôi đang lập số liệu điều tra về qui mô số lượng nuôi để có dịch vụ hay vắc xin cho người nuôi.”
Gấp rút tìm giải pháp
TS Văn Đăng Kỳ cho biết vi rút cúm gia cầm H5N1 lưu hành ở miền Nam là nhánh cũ có khả năng lây từ gà vịt cho người. Còn chim yến, chim trĩ và nay là chim cút đã bị nhiễm virút H5N1 nhánh 2.3.2.1C là nhánh gần đây chỉ phát hiện trên đàn gia cầm ở miền Trung và miền Bắc. TS Văn Đăng Kỳ tiếp lời:
“Nhánh này mới xuất hiện từ 2010 tới nay và chưa có thông tin nào về việc lây cho người. Năm 2012 có bốn trường hợp trong đó có 2 trường hợp tử vong. Năm 2013 có hai trường hợp ở Long An và Đồng Tháp và có một người tử vong, vi rút nhánh này là nhánh cũ 1.1.”
Cục Thú y đã cấp 1 triệu liều vắc xin chống cúm H5N1 để bao vây các ổ dịch trên đàn cút ở tỉnh Tiền Giang tránh lây lan cho đàn gia cầm.
Theo TS Văn Đăng Kỳ, ở Việt Nam chưa bao giờ tiêm vắc xin cúm gia cầm cho chim cút và vắc xin nhập khẩu của Trung Quốc cũng không có chỉ định tiêm cho chim cút. TS Văn Đăng Kỳ cho biết thêm:
"Bây giờ chúng tôi đang thử nghiệm vắc xin của Trung Quốc các loại RE 5, RE 6 và RE 1 là ba loại vắc xin có thể dùng được với lưu hành vi rút ở các tỉnh phía Nam. Cho nên các vắc xin đối với tiêm phòng cho gà vịt là đều có tác dụng. Tuy nhiên đối với chim cút thì chúng tôi đang thử nghiệm xem có đáp ứng miễn dịch hay không và liều lượng thế nào cho hợp lý.
<br/>Bây giờ chúng tôi đang thử nghiệm vắc xin của Trung Quốc các loại RE 5, RE 6 và RE 1 là ba loại vắc xin có thể dùng được với lưu hành vi rút ở các tỉnh phía Nam. <br/> - TS Văn Đăng Kỳ <br/> <br/>
Nếu như có kết quả thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ khuyến cáo người dân, nếu nuôi chim cút thì ngoài vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên khử trùng tiêu độc, giảm mật độ nuôi, có thể tiêm phòng để bảo đảm an toàn cho đàn chim cút.”
Cúm gia cầm từng hoành hành ở Việt Nam trong hơn một thập niên vừa qua, đến nay đã làm thiệt mạng hơn 60 người, hàng chục triệu gia cầm bị tiêu hủy thiệt hại lớn cho kinh tế chăn nuôi.
Sự kiện cúm gia cầm lần đầu tiên bùng phát trên đàn chim cút và lây sang gà vịt ở đồng bằng sông Cửu Long gây quan ngại lớn, trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh ngang qua biên giới như nguy cơ cúm H7N9 từ Trung Quốc và cúm gia cầm H5N1 chết người từ Campuchia.