Cúm gia cầm trở lại Việt Nam

Cúm gia cầm đã trở lại Việt Nam là một cảnh báo được đưa ra trong những ngày qua. Thực tế tình hình dịch cúm gia cầm hiện ra sao? Công tác đối phó, phòng ngừa dịch bệnh này thế nào?

0:00 / 0:00

Trong tầm kiểm soát

Trong tháng giêng năm 2012, cơ quan chức năng Việt Nam xác nhận có hai ca tử vong vì cúm gia cầm ở người trong nước. Nạn nhân thứ nhất là một thanh niên 18 tuổi làm nghề chăn vịt, gốc Kiên Giang nhưng có đi làm nghề tận Cần Thơ. Nạn nhân thứ hai là một sản phụ 26 tuổi tại tỉnh Sóc Trăng.

Hai vụ tử vong vì cúm A/H5N1 chỉ trong vòng một tháng, rồi dịch cúm bùng phát tại 4 xã của ba tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng, và nhiều nơi khác có gia cầm chết vì nghi cúm A/H5N1 như Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Kiên Giang, Bạc Liêu khiến Bộ trưởng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam, vào ngày 6 tháng 2, ông Cao Đức Phát phải ra công điện khẩn gửi các địa phương về việc phòng chống cúm gia cầm trên cả nước.

Truyền thông trong nước đến ngày 10 tháng 2 tiếp tục loan tin về một số địa phương mới có dịch cúm gia cầm như tại Hải Dương và Hà Nam.

Tuy nhiên vào chiều ngày 13 tháng 2 vừa qua, chúng tôi liên lạc với ông Văn Đăng Kỳ, trưởng Phòng Dịch tễ Thú Y, Cục Thú Y Việt Nam, thì ông này cho biết Việt Nam vẫn đang có khả năng kiểm soát dịch cúm gia cầm, và theo ông những ổ dịch bùng phát tại các địa phương chỉ là nhỏ lẻ và nguy cơ không cao. Ông cho biết về tình trạng đó và đưa ra giải thích:

"Vấn đề cúm gia cầm theo nhận định của chúng tôi là vẫn đang kiểm soát được, chưa có vấn đề lớn. Thế nhưng rất tiếc, gần đây vì vấn đề khí hậu và sau dịp tết nguyên đán, đàn gia cầm không còn miễn dịch khiến xảy ra một số ổ dịch nhỏ. Nói là tỉnh có dịch nhưng cũng chỉ là những ổ dịch nhỏ của một, hai hộ gia đình.

Vấn đề cúm gia cầm theo nhận định của chúng tôi là vẫn đang kiểm soát được, chưa có vấn đề lớn. Nói là tỉnh có dịch nhưng cũng chỉ là những ổ dịch nhỏ của một, hai hộ gia đình.

Ô. Văn Đăng Kỳ

Về tín hiệu dịch bệnh, chúng tôi thấy không đáng lo ngại dù trong thời gian ngắn đã có 6 tỉnh có dịch, nhưng đó cũng là những ổ dịch nhỏ lẻ. Dù nguy cơ không cao nhưng chúng tôi vẫn sử dụng những biện pháp tối ưu, tăng cường công tác giám sát và thực hiện 4 nội dung đưa ra để triển khai.Tất cả các ổ dịch đều có hệ thống thú y kiểm soát, và áp dụng các biện pháp tiếp theo."

Tiến sĩ y khoa Nguyễn Đình Nguyên từ Australia có lý giải về dịch cúm gia cầm nói chung như sau:

"Chúng ta được báo cáo về một số ca tử vong H5N1, và tỉ lệ đó được cho là cao trên 50%; tuy nhiên phải so sánh trên bình diện con số tuyệt đối.

Xin nhắc lại 3 lý do vì sao AH5N1 nguy hiểm: thứ nhất cúm A có ba điều kiện để có thể gây nguy hiểm, trước hết nó phải xuất phát từ động vật; thứ đến lây từ động vật sang người và tiếp đến là từ người sang người trong quá trình tiến hóa của nó. Thứ hai nó phải gây trên bình diện rộng, và có khả năng phát thành qui mô tầm vóc xuyên quốc gia hơn là quốc gia. Thứ ba gây nên tử vong hàng loạt. Khi hội đủ ba yếu tố đó, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tuyên bố đại dịch cúm toàn cầu.

Còn A/H5N1 là virus xuất phát từ gia cầm. Nó đã vượt chủng loại từ gia cầm và gây sang người. Nhưng may mắn từ sau năm 2001-2003, cúm A/H5N1 đã tồn tại trên người nhưng chưa có bằng chứng lây lan từ người sang người. Điều này khiến giới chuyên môn rất lo lắng vì khi đã lây được từ người sang người, thì nguy cơ lây lan sẽ rất nhanh. Mỗi lần từ vật sang người, virus H5N1 rất mới, và khả năng miễn nhiễm của con người rất yếu, trong khi đó độc lực của H5N1 rất cao. Do đó con người khi mắc sẽ bị nặng hơn so với các loại virus khác."

Công tác phòng chống

ga-250.jpg
Một trại nuôi gà ở Hà Nội chụp hôm 10/2/2012. RFA photo (Một trại nuôi gà ở Hà Nội chụp hôm 10/2/2012. RFA photo)

Cũng trong thời gian qua, Bộ Y tế Việt Nam và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xác nhận về sự xâm nhập của một chủng virus cúm A/H3N2. Theo hai cơ quan này thì đó là một chủng cúm được tái tổ hợp giữa cúm A/H1N1 gây ra đại dịch hồi năm 2009, mà thường được gọi là cúm heo, và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ heo.
Về thông tin này từ Bộ Y tế và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, thì ông Văn Đăng Kỳ cho là chưa được chứng thực:

"Điều này chúng tôi có biết nhưng không phải thông tin chính thức. Bản thân ngành thú y chúng tôi là cơ quan cung cấp thông tin về gia súc, gia cầm. Còn bên Y tế cho ý kiến chỉ là tham khảo. Hiện chúng tôi có các chuyên gia FAO làm việc nhưng chưa đưa ra kết luận về điều thông báo."

Tiêm vắc xin cho gia cầm là một trong những biện pháp mà Việt Nam thực hiện nhằm phòng chống cúm cho đàn gia cầm mà theo ông Văn Đăng Kỳ hiện lên đến gần 300 triệu con, trong đó vịt chừng 70 triệu con mà một phần được thả cho ăn trên các đồng ruộng. Tuy nhiên gần đây có thông tin cho rằng số vắc xin nhập từ Trung Quốc về không còn hiệu lực đối với chủng virus cúm gia cầm tại khu vực miền bắc nữa. Ông Văn Đăng Kỳ có giải thích về điều này:

"Vấn đề vắc xin hiện virus có biến đổi. Tại miền bắc và miền trung vắc xin chỉ có tác dụng từ 10 -30%. Trong năm 2011, chúng tôi xin chính phủ tiêm cho miền nam với loại vắc xin mua từ Trung Quốc, triển khai giai đoạn 4 tiêm phòng cho 13 tỉnh miền nam. Chúng tôi đang chờ một loại vắc xin mới có thể thử nghiệm trong nước hay mua sớm từ nước ngoài để tiêm phòng."

Ở đây cũng có thông báo dập dịch nhưng làm chưa mạnh lắm. Gà vịt dịch thì dân tự xử, tự chôn. Khử trùng thì chưa thấy phun tại các chuồng gà, vịt bị dịch…

Một thanh niên Sóc Trăng

Trong khi đó theo nhận xét của một thanh niên hiện đang làm việc trong ngành sinh hóa ở Sóc Trăng thì thực tế công tác phòng chống cúm gia cầm không như thông tin trên các phương tiện truyền thông đưa ra:

"Ở đây cũng có thông báo dập dịch nhưng làm chưa mạnh lắm. Gà vịt dịch thì dân tự xử, tự chôn. Khử trùng thì chưa thấy phun tại các chuồng gà, vịt bị dịch…"

Dập dịch được xem cũng khẩn cấp như chữa cháy. Điều quan trọng là phải dập tắt nguồn gây cháy, cũng như không để còn lại tro tàn âm ỉ vì còn khả năng phát cháy trở lại.

Lâu nay người dân chăn nuôi nhỏ lẻ thường bị trách cứ không theo đúng những qui định phòng dịch. Rồi người dân lơ là, mất cảnh giác và ‘tiếc của’ sử dụng các vật nuôi bị bệnh…Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn của vấn đề, phần gốc nằm ở chỗ cơ quan chức năng trước hết phải triệt để thực thi những gì đề ra.

Theo dòng thời sự: