Nhiều vùng chịu tác động bởi thảm họa môi trường khiến cá, hải sản chết hằng loạt trong thời gian cả tháng qua là thuộc giáo phận Vinh. Vào ngày 3 tháng 5 vừa qua, bảy linh mục và hơn 18 ngàn giáo dân hạt Kỳ Anh, Hà Tĩnh gửi thư đến thủ tướng, các cấp cao nhất của chính quyền Hà Nội cũng như Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về thực trạng mà họ phải gánh chịu, cũng như đưa ra 5 đề nghị về thảm họa môi trường gây cá, hải sản chết hằng loạt tại địa phương.
“Giọt nước tràn ly”
Gia Minh phỏng vấn Đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của Giáo phận Công giáo Vinh. Trước hết ông đưa ra nhận định về thảm họa môi trường biển bị ô nhiễm chất độc làm cá, hải sản chết hằng loạt dọc bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng…
Trước tình cảnh đó thì dân phải băn khoăn: bây giờ muối cũng không được, cá thì sao? Rồi những độc tố đó ngấm vào đất thì trong tương lai cây lúa, muối… tất cả thế nào, độc hại đến đâu? <br/> -GM Nguyễn Thái Hợp
GM Nguyễn Thái Hợp: Câu chuyện cá chết ở Kỳ Anh là 'giọt nước tràn ly'. Qua giọt nước đó bây giờ người ta mới 'tá hỏa tam tinh' la rầm lên. Nhưng chuyện đó đã xảy ra trong đời thường, trên những bàn ăn Việt Nam từ khá lâu nay rồi.
Gia Minh: Như Đức Giám mục vừa mới nói đây là giọt nước tràn ly và đến lúc này sự lên tiếng như ở giáo phận Vinh đã có qua tuyên bố của Tòa Giám mục và thư của các linh mục ở Hạt Kỳ Anh, lần này đức giám mục có tin tưởng tiếng nói đó được lắng nghe và được thực thi một cách đến nơi đến chốn không?
GM Nguyễn Thái Hợp: Vâng, tôi cũng hy vọng bây giờ qua giọt nước tràn ly này, vấn đề trở thành bị quốc tế hóa. Và như vậy vấn đề có tầm cỡ lớn xưa nay chưa từng xảy ra thì có lẽ người ta bắt đầu suy nghĩ. Và chính vì vậy tôi thấy hình như có một âm mưu hay dự định để kéo dài vấn đề, rồi hạ nhiệt vấn đề.
Thực sự vấn đề xảy ra cách đây cả tháng rồi, sau đó cá mới chết. Thế mà bây giờ mới bắt đầu nghiên cứu, mới bắt đầu suy nghĩ. Tôi một số lần cũng nói thẳng với nhà cầm quyền làm sao lãnh đạo mà lại như vậy! Làm sao mà bây giờ các nhà khoa học mới nghỉ đến chuyện đó. Làm sao có thể nghĩ đến giả thuyết như là ‘thủy triều đỏ’! Nếu có thủy triều đỏ thì chuyện đó xảy ra hơn một tháng rồi, và cá mới chết. Phải chăng đưa ra giả thuyết đó để có ý biện minh hay để ‘kéo dài’ vấn đề? Tôi vẫn băn khoăn về chuyện đó.
Và chính tôi trong bối cảnh đó tôi cũng hiểu nỗi lòng, tâm sự của các linh mục Hạt Kỳ Anh. Vì họ là những người sống sát với dân; mà dân ở đó đa số sống về nghề biển. Trước tình cảnh đó thì dân phải băn khoăn: bây giờ muối cũng không được, cá thì sao? Rồi những độc tố đó ngấm vào đất thì trong tương lai cây lúa, muối… tất cả thế nào, độc hại đến đâu? Đó là vấn đề nên tôi cũng hiểu được cái thao thức, băn khoăn của các anh em linh mục ở đó.
Gia Minh: Thông thường lâu nay một truyền thống tốt đẹp của giáo hội là giáo dân, bà con gặp hoạn nạn thì giúp liền, hiện nay giáo phận đang có những hỗ trợ gì cho giáo dân và đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng?
GM Nguyễn Thái Hợp: Chuyện này có khó hơn. Đúng như anh nói thông thường khi có bão lụt, chúng tôi luôn luôn đưa mì, đưa chăn mền, thực phẩm đến. Nhưng đây là ảnh hưởng đến môi trường, môi trường sống và tác hại không phải chỉ bây giờ mà là tác hại về lâu về dài. Chính vì vậy chúng tôi rất thao thức, băn khoăn và chúng tôi muốn nhà cầm quyền phải rõ hơn, phải nói rõ rệt hơn với dân. Và không vì lợi nhuận, không vì ký kết với công ty nước ngoài quên mất người dân của mình, quên mất tiền đồ và tương lai thế hệ trẻ mình!
Tại sao lại chọn những công ty như vậy, tại sao lại chọn những đối tác như vậy? Tại sao chọn Formosa và giờ họ liên kết với người Tàu trong nước của họ. Đó là vấn đề phải suy nghĩ.
Thành ra chúng tôi cùng lắm có thể đưa đến ít gạo, ít mì. Đối với những trận lụt lội thì được, nhưng đối với thảm họa môi sinh, con người làm được gì, chúng tôi làm được gì? Đó là vấn đề mà tôi băn khoăn.
Làm sao tìm được nguồn gốc độc tố?
Gia Minh: Đức giám mục nói có những cơ hội gặp phía chính quyền và có những đề đạt, những ý kiến lâu nay rồi. Qua sự việc này có ý nói có nhiều vấn đề, đặc biệt cơ chế là lúc thay đổi. Đức giám mục có nhìn ra điều này không?
GM Nguyễn Thái Hợp: Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề để suy nghĩ: cái cơ chế chậm chạp như vậy, cái khả năng của người lãnh đạo như vậy thì có thể đáp ứng được yêu cầu của dân hay không?
Chúng tôi chỉ khuyên người dân làm sao yêu thương nhau, làm sao chống lại điều mà người ta đang làm bây giờ là vì lợi nhuận nho nhỏ mà quên mất đi chân-thiện-mỹ, quên mất đi đạo đức; đừng làm trái lương tâm vì lợi nhuận. <br/> -GM Nguyễn Thái Hợp
Có một vài đề nghị mà chúng tôi đưa ra và cơ quan hữu trách họ tiếp thu, chẳng hạn như sau những ngày thảm họa đó thì người dân không thể biết cá nào là cá sạch, cá nào có thể ăn được, cá nào không nên ăn, rồi cá đánh bắt xa bờ đưa về rồi cũng không ai dám mua và cũng không có giấy tờ gì chứng thực đó là cá có thể ăn được thành ra người ta phải đổ ra đường và như vậy trở thành một cuộc biểu tình. Cũng rất may cơ quan chính quyền có những trạm để thu cá đó. Và có giấy chứng nhận cá nào là cá sạch và cá nào không sạch. Đó là bước đầu, nhưng bước đó là bước nhỏ. Vấn đề lớn hơn là bây giờ làm sao tìm được nguồn gốc của độc tố đó ở đâu. Thế nhưng bây giờ không có lý do tìm vì nước sạch rồi, chất độc đó thải ra cách đây một tháng rồi, cho nên phải tìm ở trầm tích phía dưới.
Tôi nghĩ rằng nên chân thành với dân hơn, và nên thẳng thắn hơn để giải quyết vấn đề này trên cơ sở tinh thần khoa học và tôn trọng sự thật!
Gia Minh: Trong những ngày này khi đi tiếp xúc giáo dân và đồng bào ở những khu vực bị tác động, đức giám mục sẽ có những chia sẻ thế nào với họ?
GM Nguyễn Thái Hợp: Tôi chia sẻ với người giáo dân có lẽ bây giờ là lúc thực thiện giới răn yêu thương của Chúa theo một dạng thức mới. Làm sao bây giờ chúng ta là đồng bào với nhau không sản xuất thực phẩm bẩn. Người trồng rau không đưa độc tố vào rau, người trồng lúa cũng vậy, rồi người bán cá cũng vậy: cá có độc tố cho chó ăn chó chết thì không phải vì vậy mà đưa đi bán lậu khiến người khác trở thành người dung cá đó để làm nước mắm. Nếu làm nước mắm thì sau này ít năm nữa, ít tháng nữa lại có người bị ngộ độc vì chuyện đó.
Chúng tôi chỉ khuyên người dân làm sao yêu thương nhau, làm sao chống lại điều mà người ta đang làm bây giờ là vì lợi nhuận nho nhỏ mà quên mất đi chân-thiện-mỹ, quên mất đi đạo đức; đừng làm trái lương tâm vì lợi nhuận.
Mong rằng làm sao bây giờ người dân Việt Nam sản xuất lương thực sạch, sạch thực sự để có thể nuôi sống nhau.
Còn có lẽ người dân Việt Nam làm sao bầu những người đại diện của mình để xứng đáng làm việc dân, việc nước nữa.
Gia Minh: Xin thay mặt quí khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do cám ơn giám mục giáo phận Vinh đã dành cho cuộc nói chuyện hôm nay.