Bitcoin không được công nhận ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Chỉ gõ một chữ bitcoin vào google, với 0,26 giây, quý vị có đến 58 triệu kết quả tìm kiếm, điều đó cho thấy thông tin về loại tiền ảo này nhiều đến như thế nào, nhưng với rất nhiều người, thì đồng bitcoin lại quá xa lạ, mới mẻ và thậm chí là không tin vào sự hiện hữu của nó vì gọi là “tiền” mà mắt “không thấy” tai “không nghe” được.

Không giao dịch qua ngân hàng

Theo định nghĩa trên website của CNN, bitcoin là một loại tiền mới, được tạo ra từ năm 2009 bởi một nhân vật lấy bí danh là Satoshi Nakamoto. Các giao dịch được thực hiện không thông qua một ngân hàng nào cả vì thế người trao đổi không mất phí giao dịch và tên thật của người giao dịch cũng không bị tiết lộ. Người ta có thể sử dụng bitcoin vào việc mua các tên miền website, bánh pizza và thậm chí sử dụng chúng để trả tiền cho dịch vụ làm móng tay, móng chân.

Theo cách hiểu đơn giản, bitcoin là một loại tiền ảo được tạo ra từ các thuật toán, không do một chính phủ hay một tổ chức tài chính nào phát hành, bitcoin được quản lý bởi một mạng lưới các máy tính có vai trò như nhau và các giao dịch được tiến hành trực tiếp giữa các máy tính.

Bởi bitcoin được tạo ra từ nền tảng máy tính ngang hàng P2P (peer to peer), do đó, tất cả các máy tính có cài phần mềm sử dụng bitcoin đều đóng vai trò là máy chủ.

Nhiều tài liệu cho biết để sở hữu bitcoin, người ta có thể dựa trên 3 phương cách: Thứ nhất là mua bán bitcoin trên thị trường giao dịch ảo bằng các đơn vị tiền tệ thật khác nhau, mà lớn nhất là thị trường Mt.Gox. Thứ hai là chuyển nhượng từ các người sử dụng bitcoin với nhau và thứ ba là “đào” bitcoin. Cách thức thứ 3 này nghe có vẻ lạ lẫm là “đào” bởi “đào” ở đây được hiểu là “đào mỏ” (tiếng Anh là mine) nghĩa rằng người ta phải cạnh tranh “đào” bitcoin bằng việc sử dụng máy tính có cấu hình mạnh để giải những thuật toán hết sức phức tạp, mỗi người thắng sẽ được trao 25 bitcoins.

Hiện tại, cứ 10 phút thì có 25 bitcoin được cấp phát ra, mức tối đa là 21 triệu bitcoins sẽ đạt đến vào năm 2140. Con số 21 triệu là nhằm tránh bitcoin được phát hành ồ ạt và giảm giá trị của những đồng bitcoin đang lưu hành.

Ở Việt Nam, đồng bitcoin là không chính thống...nên nó khó có thể thâm nhập vào trong cuộc sống bình thường. <br/> - TS. Đặng Phong

Vì là “tiền ảo” nên ví chứa bitcoin cũng là “ví ảo” đó là một tài khoản có mật khẩu bảo mật, nếu người ta đánh mất mật khẩu hoặc bị hack trộm hoặc thậm chí là virus máy tính hay đơn giản là xóa nhầm “ví ảo” thì coi như họ cũng bị mất luôn tiền bitcoin trong đó.

Điểm đáng lưu ý là việc sử dụng bitcoin chỉ diễn ra trong những giao dịch khi cả người bán và người mua đồng ý sử dụng đồng tiền ảo này, vì thế bitcoin không thể dùng để mua mọi vật dụng hay dịch vụ được, người ta chỉ có thể mua được hàng hóa khi người bán hàng chấp nhận loại tiền này.

Mặc dù bitcoin mới góp mặt trong hệ thống thanh toán gần đây, nhưng ít nhiều nó đã được một bộ phận tiêu dùng tại Việt Nam thử nghiệm và theo báo chí trong nước thì cũng đã xuất hiện những hệ thống máy đào bitcoin khủng tập trung ở khu vực Bình Dương, TP HCM, thậm chí có người "đào" được cả ngàn bitcoin khi đồng này mới xuất hiện và dễ đào.

Theo giới chuyên gia nhìn nhận thì bitcoin tồn tại cả hai mặt thuận lợi và tiêu cực.

Thuận lợi và rủi ro

Biểu tượng Bitcoin tại lễ khai mạc cửa hàng bán lẻ Bitcoin đầu tiên tại Hồng Kông vào ngày 28 tháng 2 năm 2014. AFP photo
Biểu tượng Bitcoin tại lễ khai mạc cửa hàng bán lẻ Bitcoin đầu tiên tại Hồng Kông vào ngày 28 tháng 2 năm 2014. AFP photo (Biểu tượng Bitcoin tại lễ khai mạc cửa hàng bán lẻ Bitcoin đầu tiên tại Hồng Kông vào ngày 28 tháng 2 năm 2014. AFP photo )

Về mặt tích cực, vì bitcoin không liên quan đến các hoạt động của ngân hàng, nên không có phí giao dịch vì thế nó sẽ tạo ra sự thuận tiện và tiết kiệm cho thương mại điện tử, bitcoin có thể chuyển đổi khá dễ dàng thành vàng hoặc các loại tiền thông thường, giá trị của bitcoin không cố định, chúng biến đổi và người ta có thể đầu cơ giống như ngoại tệ hay chứng khoán, đồng thời vì bitcoin có số lượng hạn chế 21 triệu đơn vị, nên về lâu dài, nó không tạo ra lạm phát hay những phát sinh khác đi kèm.

Nhưng bên cạnh những ưu điểm trên, giao dịch bitcoin lại chứa đựng rất nhiều rủi ro, mà lớn nhất là vì tính ẩn danh cao nên bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thế cũng như giao dịch và thanh toán các tài sản phi pháp. Đồng thời, giá trị đồng bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong một thời gian ngắn, nên hoạt động đầu tư vào bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, gây thiệt hại cho người đầu tư. Thậm chí, nguyên Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Greenspan còn cho biết ông không hiểu giá trị đích thực của đồng bitcoin là gì.

Cũng bởi tính rủi ro cao của đồng bitcoin, cuối tháng 2 vừa rồi, Ngân hàng NN Việt Nam đã có quyết định chính thức yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được phép sử dụng bitcoin và các tiền ảo khác như một loại tiền tệ hay phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Chúng tôi trao đổi với thạc sĩ Đặng Phong, cộng tác viên giảng dạy môn thương mại quốc tế ở một trường Đại học ở HN và được ông nhận xét về tình hình bitcoin ở Việt Nam:

“Ở Việt Nam, đồng bitcoin là không chính thống, có thể nói là underground “ngoài luồng” và cách tiếp cận thông tin cũng như khái niệm và công nghệ đủ để “đào” được bitcoin này, theo thuật ngữ, là chưa thể tiếp cận được với đại đa số đông, nên nó khó có thể thâm nhập vào trong cuộc sống bình thường. Thứ hai, về mặt truyền thống, dân Việt Nam có nếp sử dụng tiền mặt tích trữ từ rất lâu đời rồi, đến thời buổi bây giờ mới chỉ tiếp cận thêm các hình thức thanh toán dạng online, thẻ… mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu nên để cho bitcoin phổ biến và thông dụng với mọi người lại càng khó khăn hơn. Chưa kể, ngoài ra còn những kỹ thuật phần cứng, phần mềm… vì thế để hiểu về bitcoin là một rào cản lớn.”

Ngoài ra, theo ông Đặng Phong, bởi quy định mới đây mà NHNN đưa ra không cho phép sử dụng tiền bitcoin thì chuyện dùng bitcoin vào các giao dịch mua bán ảo là khó chấp nhận, đặc biệt là những rủi ro đi kèm vì cả người bán và mua đều không được luật pháp đứng ra bảo vệ:

Khả năng thâm nhập của bitcoin vào thị trường Việt Nam là không chính thống, vì vậy, nó không được sự bảo hộ của pháp luật cũng như được các cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra bảo vệ. <br/> - TS. Đặng Phong

“Khả năng thâm nhập của bitcoin vào thị trường Việt Nam là không chính thống, vì vậy, nó không được sự bảo hộ của pháp luật cũng như được các cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra bảo vệ. Do đó, trong trường hợp có những tranh chấp xảy ra hay các rủi ro thí dụ: hackers, mất nguồn điện, nguồn cung cấp năng lượng thì thiệt hại cho nhà đầu tư chơi bitcoin với những mất mát rất lớn, không có những người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.”

Với câu hỏi bạn nghĩ gì về bitcoin tại Việt Nam, bạn Việt Tùng, một cán bộ trẻ ngành I.T cho biết suy nghĩ:

“Ở Việt Nam mình, bitcoin không được cấp phép, không được sử dụng… và ở Việt Nam mình không được chấp nhận, nên đồng tiền ấy bị vô hiệu hóa, nó chỉ có ở Singapore, còn về đến Việt Nam thì không được chấp nhận mà.”

Được biết, giá trị của đồng bitcoin đã có lúc lên đỉnh điểm trên $1,100 ăn một bitcoin hồi đầu năm nay, nhưng đến giờ đã sụt giá mạnh bởi hàng loạt những vụ bê bối. Cụ thể, mới đây, sàn giao dịch lớn nhất đồng bitcoin Mt.Gox tại Nhật Bản đã bị đóng cửa ngay sau khi vụ mất trộm hơn 744,000 bitcoin tương đương gần 400 triệu đô la. Chưa kể cách đó không lâu, 2 ông trùm bitcoin cũng bị bắt giữ ở Mỹ vì nghi ngờ giao dịch mua bán ma túy, vũ khí và rửa tiền.

Hiện tại, không chỉ Việt Nam không công nhận giao dịch đồng bitcoin mà nhiều quốc gia cũng có những biện pháp tương tự như: Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Malaysia, Indonesia...