Bôi nhọ lãnh đạo, một điều luật thời phong kiến

Vào ngày 24 tháng 5, năm 2017, tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu tỉnh Dak Lak đề nghị bổ sung vào hai điều luật số 155 và 156 của bộ Luật Hình sự Việt Nam tội danh bôi nhọ cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam.

Sau đây là bình luận của một số luật sư, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam về lời đề nghị vừa nêu.

Điều 155 và 156

Trong Bộ luật hình sự Việt Nam được Quốc hội chuẩn thuận vào năm 2015 có điều 155 về tội làm nhục người khác, qui định rằng người nào xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt từ 10 triệu đồng đến 3 năm tù giam.

Cũng trong bộ luật này, điều 156 về tội vu khống qui định những người phạm tội này có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 1 năm tù giam. Trong điều luật này những hành động được gọi là vu khống là bịa đặt về người khác, tố cáo sai sự thật người khác.

Theo tôi hiểu thì cái chuyện bôi nhọ ấy nó cũng giống như vu khống thôi, thì nó đã có cái tội vu khống rồi. Theo tôi cái đề xuất thêm tội bôi nhọ cán bộ đảng với nhà nước thì nó trùng lặp, nó hơi bị thừa.<br/>-LS Hà Huy Sơn

Bình luận về lời đề nghị của bà đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân, Luật sư Hà Huy Sơn, sống tại Hà Nội, đề cập đến tội vu khống đã có trong luật hình sự Việt Nam:

“Theo tôi hiểu thì cái chuyện bôi nhọ ấy nó cũng giống như vu khống thôi, thì nó đã có cái tội vu khống rồi. Theo tôi cái đề xuất thêm tội bôi nhọ cán bộ đảng với nhà nước thì nó trùng lặp, nó hơi bị thừa. Mà cái nguyên tắc của pháp luật thì mọi người đều bình đẳng như nhau. Cán bộ đảng với nhà nước thì cũng là công dân thôi. Nên tôi nghĩ đặt cái điều khoản ấy thì nó hơi bị thừa và vi phạm nguyên tắc bình đẳng.”

Nhà hoạt động xã hội dân sự, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hiện sống ở Hà Nội, làm rõ thêm điều mà Luật sư Hà Huy Sơn nói về nguyên tắc bình đẳng của pháp luật:

“Luật pháp phải bình đẳng không có chuyện phân biệt lãnh đạo cấp cao của đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam với một người dân bình thường. Trước pháp luật thì một người lao động bình thường, một bà buôn thúng bán mẹt ở ngoài đường, với ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, hay ông Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là phải ngang nhau trước pháp luật.”

Theo lý lẽ của bà Nguyễn Thị Xuân trình bày trước Quốc hội vào ngày 24 tháng năm, bà nói rằng việc xúc phạm danh dự của các lãnh đạo đảng và nhà nước không những làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào các vị lãnh đạo ấy, mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện đường lối chủ trương của đảng và nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A không đồng ý như vậy, ông nói rằng nguyên tắc vẫn phải là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật:

“Vậy thì vô hình chung cái bà này bà ấy nghĩ rằng có những người cao quí hơn, là những người lãnh đạo của bà ấy, phải được hưởng thêm quyền được bảo vệ chống lại sự bôi nhọ. Đấy là một điều không thể chấp nhận được.”

Điều 258

Tuy nhiên có ý kiến lại cho rằng nội dung mà bà Nguyễn Thị Xuân đề nghị lại liên quan đến điều luật 258 của Bộ luật hình sự ban hành năm 1999.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam nói về lời đề nghị của bà Nguyễn Thị Xuân:

“Trước diễn đàn Quốc hội thì người ta cũng có quyền phát biểu nhiều ý kiến. Nhưng mà đúng ra khi đại biểu Quốc hội cho rằng cần có một điều để xử những người bôi nhọ lãnh đạo, thì cái câu đó, trong bộ luật hình sự hiện giờ cũng có cái tội là lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, của cá nhân, và tổ chức.”

Điều luật 258 này thường bị giới bất đồng chính kiến, và các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế chỉ trích là có nội dung mù mờ dễ tạo điều kiện cho công an Việt Nam bắt giữ những nhà hoạt động xã hội dân sự.

Trong lời đề nghị của bà Nguyễn Thị Xuân, cũng có nhắc đến những thời điểm mà bà gọi là chính trị nhạy cảm, như là trước các kỳ bầu cử Quốc hội, đại hội đảng cộng sản Việt Nam, có những thông tin tạo dư luận xấu.

Theo dõi dòng thời sự Việt Nam trong mấy năm qua, vào những lúc sắp sửa diễn ra các sự kiện quan trọng như hội nghị trung ương đảng, hay là đại hội đảng toàn quốc, đã xuất hiện các trang web như là Quan làm báo, Chân dung quyền lực… trong đó có những câu chuyện đời tư của các quan chức cao cấp của đảng cộng sản, cũng như những tố giác tham nhũng lớn.

Bình luận về chuyện này, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:

“Trước đây trong các trang Quan làm báo, Dân làm báo, rồi Chân dung quyền lực… thì cũng có nhiều người có ý kiến đề nghị là đóng cửa các trang mạng đó đi, nhưng các cơ quan chức năng cũng nói là các trang mạng này có server ở nước ngoài nên không làm được. Dĩ nhiên người ta nói trên những trang mạng nước ngoài, thì đó là thông tin trên thế giới ảo, thì hơi sức nào mà đi chiến đấu với thế giới ảo.”

Trở lại thời phong kiến

Trên trang web của Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân hiện đang có chức vụ đại tá công an, Phó giám đốc công an tỉnh Dak Lak, Ủy viên Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Việt Nam. Tiểu sử chính thức của bà cũng có ghi rằng bà là thạc sĩ an ninh nhân dân chuyên ngành an ninh điều tra, và có trình độ cao cấp lý luận chính trị cho rằng với chức vụ và trình độ như vậy, thì ông không hiểu tại sao bà Nguyễn Thị Xuân lại có lời đề nghị mà ông cho rằng đi ngược lại với chủ trương của đảng cộng sản:

Cái điều này chẳng khác gì cái tội khi quân thời xa xưa của chế độ phong kiến, mà mục tiêu của đảng cộng sản Việt Nam là phải xóa bỏ cái chế độ phong kiến ấy.-LS Hà Huy Sơn

"Cái điều này chẳng khác gì cái tội khi quân thời xa xưa của chế độ phong kiến, mà mục tiêu của đảng cộng sản Việt Nam là phải xóa bỏ cái chế độ phong kiến ấy. Thế thì hỏi rằng cái bà đại tá công an, đại biểu quốc hội, không biết là ai bầu bà ấy lên, và chắc chắn bà ấy phải là đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam, thì bà ấy lại đi ngược dòng lịch sử, muốn đi ngược những cái giáo điều mà đảng cộng sản Việt Nam đã rao giảng suốt bảy tám chục năm nay về cái chuyện xóa bỏ những cái chuyện của chế độ phong kiến hay sao?"

Theo Luật sư Hà Huy Sơn thì cũng có thể do nghề nghiệp là công an nên bà Nguyễn Thị Xuân có cái nhìn phân biệt dân và lãnh đạo giống như dân và vua quan ngày xưa như vậy, nhưng trên hết, ông cho là bà Xuân thiếu kiến thức luật pháp:

“Theo quan điểm của tôi thì các vị đại biểu Quốc hội hiện nay thiếu kiến thức cơ bản về pháp luật, để làm cái vai trò đại biểu Quốc hội của mình. Đó là một điều cơ bản mà họ thiếu.”

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, vào ngày 24 tháng 5, có hai đại biểu là Nguyễn Chiến của Hà Nội, và Trương Trọng Nghĩa của thành phố Hồ Chí Minh đề nghị rằng cần miễn trừ cho các luật sư trách nhiệm tố giác thân chủ của mình trong những trường hợp nghi án xâm phạm lợi ích quốc gia, vì hai ông cho rằng nếu bắt buộc luật sư tố giác thân chủ của họ thì điều đó làm đảo lộn giá trị nghề nghiệp của luật sư.

Một đại biểu của tỉnh Bắc Cạn là bà Nguyễn Thị Thủy không đồng ý vì bà nói rằng ở thời phong kiến của Việt Nam các tội như vậy là bất trung và đại nghịch, cho nên Việt Nam không thể bảo vệ những người phạm tội đó được.

Khi được hỏi là liệu điều đề nghị của bà Nguyễn Thị Xuân có được Quốc hội thông qua hay không, Luật sư Trần Quốc Thuận trả lời:

“Theo ý kiến của cá nhân tôi thì không có cơ sở để thông qua. Nhưng cũng không biết là họ có chủ trương gì để thông qua hay không, mà nếu thông qua thì cũng khó giải thích. Nếu nói là nói xấu cán bộ thì là ông nào, cán bộ nào? Mà ông nào thì đảng cũng đã nói là một bộ phận không nhỏ, tức là lớn đấy, suy thoái biến chất, tham ô tham nhũng, mà bây giờ không có quyền nói tới cái ông đó thì đấu tranh với ai.”

Luật sư Hà Huy Sơn cũng đồng ý là Quốc hội sẽ không thông qua lời đề nghị của bà Xuân, bởi vì nếu như muốn truy tố những tội danh mang tính chính trị thì đã có điều luật 258, mà ông gọi là khá mơ hồ rồi.