Chỉ sau 24h đồng hồ, cái tên Đặng Ngọc Viết đã trở thành nổi tiếng. Điều mà trước đấy khó ai có thể nghĩ cái tên của người đàn ông 38 tuổi trú tại phường Kỳ Bá, TP.Thái Bình đã được ghi tiếp theo cái tên anh em nhà họ Đoàn ở Tiên lãng - Hải phòng. Những người này có những cái chung, họ đều là những người phản kháng chính quyền ở vùng Duyên hải đồng bằng Bắc bộ và cùng là nạn nhân của việc thu hồi đất từ chính quyền.
Tức nước vỡ bờ
Sau vụ ông Đoàn Văn Vươn cùng anh em trong gia đình dùng vũ khí thô sơ để chống lại việc làm sai pháp luật của các viên chức nhà nước, khi sử dụng lực lượng công an, quân đội trấn áp để thu hồi diện tích đất và đầm nuôi cá mà họ, những người nông dân đã đổ biết bao mồ hôi công sức để khai phá. Khi ấy có lẽ nhiều người trong đó có tôi đã liên tưởng đến cảnh những con người hiền lành đó, một khi do uất ức khi bị cướp đất cướp nhà và bị dồn đến bước đường cùng thì việc họ cầm vũ khí đứng lên đáp trả. Bởi nó cũng là điều tất nhiên sẽ phải xảy ra đối với những con người bị dồn tới thế cùng đường. Vấn đề chỉ còn là lúc nào, sớm hay muộn mà thôi.
Chỉ có điều không ai ngờ một người đàn ông hiền lành, thật thà, chăm chỉ và rất yêu thương con cái ấy lại có thể manh động gây ra vụ xả súng kinh hoàng tại trụ sở UBND TP Thái Bình làm 2 cán bộ chết và 3 cán bộ khác bị thương. Có thể khẳng định vụ 5 cán bộ bị bắn nói trên thể hiện độ phức tạp của việc thu hồi đất đai phục vụ cho các công trình dưới danh nghĩa phát triển kinh tế và xã hội. Nguyên nhân chính là sự chênh lệch giá quá lớn giữa giá đền bù cho người sử dụng đất và giá trị thực của nó. Và nó cũng là lời giải thích vì sao ông Đặng Ngọc Viết sau khi nhận số tiền 500 triệu đồng (trả dần) đền bù cho 200 m2 đất mà vẫn không đủ chi phí để tái định cư. Người Việt có câu "An cư lập nghiệp" là thế, nghĩa là chỗ ở phải ổn định thì người ta mới có thể sinh sống làm ăn. Không hiểu các nhà quản lý, các nhà làm luật có biết điều đó hay không?
Câu trả lời là họ có biết, không những thế họ còn biết rất rõ và cũng rất lo. Bằng chứng là tại phiên họp UBTVQH chiều 12.9.2013, trong buổi thảo luận về dự luật Đất đai sửa đổi sau lần chỉnh sửa mới nhất, khi nhắc đến vụ nổ súng làm thương vong 5 cán bộ địa chính tại UBND tỉnh Thái Bình vừa xảy ra, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ lại vụ chống đối cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn để khẳng định công tác thu hồi đất thực sự phức tạp. Như vụ ở Tiên Lãng, ông Phúc nhắc lại bài học khi thu hồi đất của người dân cần phải tính tới công sức quai đê lấn biển để hạn chế bớt những bức xúc của người dân. Đồng thời cảnh báo“Khi thu hồi đất, dù chưa đủ giấy tờ, thủ tục vẫn cần có hình thức đền bù nào đó cho người dân, dù là thấp hơn các trường hợp “danh chính ngôn thuận”, nếu không người dân dễ bức xúc dẫn tới hành vi chống đối giống như những vụ việc vừa qua”.
Đằng sau của việc thu hồi đất đai phục vụ cho các công trình dưới danh nghĩa phát triển kinh tế và xã hội hiện nay mà ai cũng biết là sự núp bóng của các nhóm lợi ích. Bằng cách thông qua sự câu kết giữa các quan chức nhà nước ở mọi cấp với các doanh nghiệp tư nhân để xà xẻo tài nguyên quốc gia và mồ hôi, xương máu của nhân dân. Mà mục đích là trục lợi cho cá nhân họ thông qua sự chênh lệch giá đất giữa giá thị trường và giá đền bù. Lỗ hổng này thì ai ai cũng biết, xong chính quyền nhà nước cứ làm ngơ hòng dung túng cho sự làm giàu của các quan chức nhà nước. Đó chính là lý do vì sao Luật đất đai (sửa đổi) còn cứ duy trí nguyên tắc đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý một cách bất di bất dịch. Thử hỏi rằng, nếu chấp nhận một phần đất đai thuộc quyền sở hữu của người dân theo thực trạng hiện tại, khi nhà nước hoặc các tổ chức muốn sử dụng thì thỏa thuận giá đền bù theo cách thuận mua, vừa bán. Điều này sẽ giải quyết triệt để việc ép dân trong việc thu hồi đất của các cấp chính quyền. Nhưng một điều trớ trêu là nếu làm như thế tuy có lợi cho nhân dân, nhưng thì làm sao quan có thể làm giàu được?
Theo GS. Tương Lai cho biết, năm 1997 trong dịp báo cáo với ông Phạm Văn Đồng về tình hình bạo động và nổi dậy của nông dân Thái Bình, khi đó ông Phạm Văn Đồng nói rằng "Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những nhà cầm quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất, đè nén áp bức khiến dân không chịu được; và bên kia là dân không chịu được nên đã nổi dậy đấu tranh.". Chắc hẳn đến hôm nay những điều ông Phạm Văn Đồng phát biểu vẫn còn nguyên giá trị.
Tấc đất tấc vàng
Thời nào cũng thế, tấc đất luôn là tấc vàng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhất là ở cái buổi kim tiền ngự trị xã hội thì đất đai dường như hớp hết hồn của con người, đặc biệt là các đối tượng quan chức. Hơn nữa bây giờ ở Vietj nam không có gì tham nhũng để kiếm lợi lại ngon lành như ở trong lĩnh vực đất đai. Chỉ cần tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng đất một lần là có thể đổi đời con người. Thử hỏi bao nhiêu tỷ phú đô la người Việt mới giàu có ai không giàu lên từ kinh doanh hoặc liên quan đến đất đất đai? Một điều mà ai cũng biết, là tiền bạc cũng như vật chất không tự nhiên sinh ra, mà nó chỉ chạy từ túi người này sang túi người khác. Ở đây thì tiền bạc của hàng nghìn, hàng vạn những người dân oan, mất nhà, mất đất do sự bát cập của Luật đất đai lại chạy vào túi của một số ít người là quan chức và những kẻ thuộc các nhóm lợi ích. Lý do làm cho một số người giàu lên là như thế, đồng thời cũng chính là lý do để họ lobby để các kẻ có chức có quyền không chấp nhận để cho phép sở hữu đất tư nhân. Xin đừng mang cái lý luận cho rằng nguyên tắc đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý là biểu hiện của Chủ nghĩa Cộng sản để che dấu việc đem đất của người cày chia cho các nhà tư bản để trục lợi.
Từ xưa tới nay bất cứ nhà cầm quyền nào cũng phải lấy việc an dân làm trọng, bởi để bảo vệ được chế độ của mình thì buộc các chính quyền nhà nước phải có những việc nhân nghĩa mới có thể an dân. Mà chuyện đất đai thời nay đã từng được cảnh báo là tử huyệt của chế độ, chính vì thế lẽ ra nhà nước cần phải nghí̃ làm thế nào để vấn đề đất đai không trở thành mâu thuẫn đối kháng. Vì khi đó nó sẽ trở thành vấn đề nguyên nhân của sự đối đầu một mất một còn bùng nổ, mà hiện tượng ông Đặng Ngọc Viết là một điển hình trong việc một cá nhân người dân bị dồn vào đường cùng khi hết lối thoát. Khi ấy họ phải mang mạng sống của mình để đánh đổi với mạng sống của nhiều người khác để giải thoát. Nhưng ngược lại hình như chính quyền hiện nay quá tự tin, họ vẫn nghĩ rằng không thể có bất cứ thế lực nào có thể đảo ngược những gì họ muốn làm trong việc cai trị. Kể cả việc xâm phạm lợi ích của nhân dân lao động nói chung và những người nông dân một trong những thành phần luôn được coi là nền tảng của đảng CSVN từ trước tới nay.
Mọi vấn đề then chốt là ở Luật đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét thông qua. Đã đến lúc cần phải có sự thay đổi trong việc chấp nhận việc đa thành phần sở hữu đất đai. Không thể tiếp tục việc duy trì nguyên tắc đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý một cách mơ hồ, Mà thực chát là để duy trì một lỗ hổng của luật pháp, tạo điều kiện cho một nhóm nhỏ các quan chức lãnh đạo có thể thao túng và trục lợi. Còn nếu không thì những vụ việc phản kháng của người dân đối với chính quyền khi bất lực và hết lối thoát trong việc thu hồi đất đai. Mà điển hình như các vụ án Đoàn Văn Vươn trước kia và Đặng Ngọc Viết gần đây là những bài học lớn, cần phải ghi nhớ.
Cho dù cái tên Đặng Ngọc Viết sẽ ghi vào lịch sử của những người dân oan, nhưng dù sao đi chăng nữa thì sự mất mát cũng nghiêng về phía người dân lành. Điều đó có lẽ không ai muốn nó xảy ra cả.
Ngày 12 tháng 09 năm 2013.
*Bài viết trích từ trang blog Kami. Nội dung không thể hiện quan điểm của RFA