Trở lại vấn đề mà các blogger bạn bè đã bàn khá nhiều, bức xúc cũng không ít, chuyện chôn thuốc rầy làm tổn hại đời sống và sức khỏe của những người dân khu vực chung quanh công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái và thái độ chạy tội, chối tội cũng như tính vô cảm trong hành vi của họ. Ở đây, vấn đề cần nhấn mạnh là sự vô cảm cộng với bản tính "theo đóm ăn tàn, ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa" của nhà cầm quyền địa phương và trung ương.
Câu chuyện ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa trở nên thời sự, nóng hổi chỉ diễn ra trong vòng một tháng trở lại đây, khi mà người dân ở đây quyết định lật tẩy sự việc, sẵn sàng đối mặt với những lời đe dọa từ phía công ty, ma cô và công an huyện Cẩm Thủy. Người dân quyết định làm lều trại ngoài trời, túc trực 24/24 để chặn chiếc xe chở các thùng phuy thuốc độc quá hạn (vốn đã chôn dưới lòng đất nhưng vì bị lộ nên đào đi để xóa dấu vết) tẩu tán.
Và đây cũng là lúc nhân dân vào cuộc, họ vào thẳng khu vực công ty để quật lên những phuy thuốc độc đã chôn lâu năm dưới lòng đất và chứng minh rằng công ty Nicotex Thanh Thái đã vi phạm pháp luật, đã làm ô nhiễm môi trường, đã vô trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân, vì lợi nhuận, đã đạp lên trên sức khỏe cũng như sự sống của bà con trong khu vực dân cư chung quanh nhà máy.
Sau một hồi công ty chối tội nhưng không được, sau một hồi công an cũng như nhà cầm quyền bao che nhưng không được, cuối cùng, trước ánh sáng công lý nhân dân, họ đã nhận ra là không thể lấp liếm vào đâu, bèn giở trò mị dân khác: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định xử phạt hành chính công ty Nicotex Thanh Thái 421 triệu đồng.
Chuyện nói ra nghe đơn giản không thể tưởng tượng được! Có hai vấn đề, tiền phạt này sẽ về đâu? Và nhân dân được gì?
Đương nhiên, theo qui định hiện hành trong nhà nước Cộng sản xã hội chủ nghĩa, số tiền phạt sẽ được sung vào công quĩ thông qua con số được nộp vào kho bạc nhà nước. Và khi về đến kho bạc nhà nước, số tiền này tiếp tục đi về đâu, có lẽ chỉ có mấy quan mới biết, dân hoàn toàn mù tịt. Không chừng, may lắm thì có thêm cái toilet mới ở cơ quan nhà nước nào đó được xây theo tiêu chuẩn quốc tế, không may thì tiền đi vào nhà thổ. Tiền xương máu nhân dân được các quan cho vào nhà thổ không phải là ít.
Cái quyết định xử phạt hành chính một công ty đã chôn chất độc hại xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước, làm tổn hại sức khỏe nhân dân và không ít người dân bị chết do nguyên nhân này nghe ra nhẹ hều, như đang chơi đùa vậy! Ở một nước dân chủ, tiến bộ, việc đầu tiên sau khi vụ việc được phát giác sẽ là đình chỉ, niêm phong, giữ hiện trường điều tra công ty gây hại, tiếp tục điều tra mức tổn hại của nhân dân, có chính sách về sức khỏe cấp thời cho nhân dân, thậm chí, nếu thấy khu vực dân cư không đảm bảo an toàn, sẽ có kế hoạch di dân chứ không có chuyện theo đóm ăn tàn kiểu này.
Có thể nói là không còn cách nói nào khác cho đám quan chức vừa ngu dốt lại vừa vô trách nhiệm, ăn bẩn thỉu ở Thanh Hóa ngoài câu “một lũ theo đóm ăn tàn”. Thay vì nghĩ đến nhân dân, chúng lại nhân cơ hội nhân dân bị khổ nạn, tìm cách móc túi doanh nghiệp, mặc dù chúng thừa sức biết rằng làm như thế là trái với lương tâm, đạo đức, nhưng chúng vẫn cứ làm!
Vì đâu? Vì thứ cơ chế độc tài, độc đảng đã cho chúng quá nhiều quyền lực và lòng vị kỷ, chúng được phép ăn trên ngồi trốc, được làm ông vua địa phương, được phép uống máu dân một cách danh chính ngôn thuận. Chính vì những cái ‘được’ này vô hình trung làm cho chúng nghĩ rằng mình có quyền hưởng thụ và nhân dân sinh ra là để phục vụ cho một lũ “thông minh, đỉnh cao trí tuệ” như chúng. Kết quả là nhân dân càng kêu khổ, bụng của chúng càng phệ ra, da trơn, mặt láng càng thêm trơn láng.
Và kết cục, sự bức xúc của nhân dân trước cái ác, trước sự gian manh đã thành miếng mồi ngon để đám quan lại tiếp tục kiếm ăn, tiếp tục nhận đút lót, hối lộ và tạo ra khoản thu bất minh để tham nhũng.
Trong khi đó, nhân dân không được gì cả.
Vì nếu nhân dân được gì, thì đã có một hội đồng giám định tổng hợp từ môi trường đến y tế, văn hóa, kinh tế của tỉnh, của trung ương cử xuống xã Cẩm Vân để điều tra, để đưa ra kết luận về thiệt hại của nhân dân và đưa ra mức đền bù thỏa đáng cho nhân dân, và rất có thể là kế hoạch di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nhưng hoàn toàn không có đoàn nào về điều tra theo hướng này. Phần lớn là về Cẩm Vân để nhận phong bì, từ huyện đến tỉnh, từ tỉnh đến trung ương đều ba bả nói về nguy hiểm, ba bả tuyên bố sẽ phạt nhưng đến nơi, cầm phong bì, họp hành rồi nhậu nhẹt… Nhân dân sống chết mặc bay!
Khi mà sự khốn nạn đã nhiễm trong từng tế bào của chế độ, e rằng, nhân dân chỉ còn một trong hai cơ hội duy nhất: Chết thay cho những kẻ lừa bịp, để chúng được phè phỡn trên sân khấu vô cảm của chúng, sân khấu của một lũ theo đám ăn tàn hay là nổi dậy lật thuyền!
*Bài viết trích từ blog Viết Từ Sài Gòn. Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA