Từ chuyện cưỡng chế đất của dân oan nhân danh pháp luật và chủ trương nhà nước, chuyện người dân khiếu kiện, người dân bày tỏ lòng yêu nước bị trù dập, tội tù, rồi vụ Đan mạch dừng viện trợ 3 vụ án đang thực hiện tại VN vì phát hiện dấu hiệu tham nhũng về phía VN, vụ Vinashine, Vinalines, rồi mấy ông gọi là thương binh tới quậy phá, “tô hô” ở Viện Hán Nôm, vụ cụ bà Lê Hiền Đức lâm nạn…
“Các thế lực thù địch”
Có lẽ lắm cảnh nhiễu nhương ấy đã thôi thúc blogger Thuỳ Linh viết bài tựa đề “Một Phía”, với nhận xét tổng quát rằng:
Nếu chính quyền cứ xác lập "một phía" tốt đẹp cho mình và đẩy nhân dân về phía "gây mất an ninh, trật tự", đẩy bạn bè về phía có "ý đồ xấu, thù địch" thì hệ quả mất an ninh, trật tự, mất bạn bè, mất sự giúp đỡ sẽ là hiện thực. Nhân dân chán nghe một phía rồi. Rất muốn nghe không chỉ hai phía mà nhiều phía. Chân lý không dễ tìm nhưng không vì thế con người đành phải thỏa hiệp với sự lươn lẹo, dối trá. Hãy mở ra nhiều phía để lựa chọn con đường tới tương lai cho đất nước.
Nhắc đền “ý đồ xấu, thù địch”, tác giả Nến Hồng có bài “Điểm mặt ‘các thế lực thù địch’ ”, được Dân Làm Báo và nhiều mạng nhật ký khác phổ biến, qua đó, nêu lên câu hỏi rằng không biết cụm từ “các thế lực thù địch” ra đời từ khi nào? Khái niệm hay định nghĩa về “các thế lực thù địch” sao vẫn cứ mơ hồ?
Và tác giả dựa trên thực tế cho rằng cụm tù “các thế lực thù địch” có thể được hiểu nôm na là một cá nhân hay một nhóm người trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại đảng và Nhà nước, luôn làm cho đảng bất an vì lo sợ bị mất uy tín, bị thất tín, thất nhân tâm trong dân chúng vì đảng
và nhà nước tin rằng họ là giới cầm quyền “của dân, do dân, vì dân” và đại diện cho chế độ “dân chủ gấp vạn lần” bọn “tư bản giãy (…mãi vẫn chưa) chết”. Và tác giả “điểm mặt” các “thế lực thù địch” là những ai. Đó là:
Nếu chính quyền cứ xác lập "một phía" tốt đẹp cho mình và đẩy nhân dân về phía "gây mất an ninh, trật tự", đẩy bạn bè về phía có "ý đồ xấu, thù địch" thì hệ quả mất an ninh, trật tự, mất bạn bè, mất sự giúp đỡ sẽ là hiện thực.
Blogger Thuỳ Linh
"Đám quan lại cấu kết với nhau, từ “cấp cao” đến cấp xã để cướp đất người người dân… không từ một thủ đoạn nào.
Đó là đám công chức làm ở các cơ quan công quyền, quen thói “hành dân” hơn là phục vụ dân.
Đó là “một bộ phận không nhỏ” đám quan lại “chui” sâu vào hệ thống đảng, chính quyền, các cơ quan đoàn thể các cấp… sau khi lên làm quan, chúng giàu lên một cách nhanh chóng và khủng khiếp…
Đó là nhóm những kẻ cầm đầu các tập đoàn kinh tế... chỉ chú trọng vào việc làm suy yếu kinh tế đất nước.
Đó là nhóm những kẻ biên soạn ra các bộ Luật của đất nước,… các thông tư, nghị định, quyết định có những điều khoản rất mơ hồ, có hại cho dân.
Đó là “một bộ phận không nhỏ” đám quan lại trong hệ thống từ cấp tỉnh đến cấp phường… không biết vô tình hay cố ý đã gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh cho đất nước.
Đó là “một bộ phận không nhỏ” các công an chìm và nổi, những kẻ sẵn sàng vùi dập lòng yêu nước chính đáng của người dân, thản nhiên đạp vào mặt người dân…, có thể “biến một người sống thành một xác chết”.
Đó là đám quan lại ngồi trên các pháp đình xử án…có “chiêu” đổi trắng thay đen…
Đó là một bộ phận nhỏ ở “thượng tầng kiến trúc” vẫn kiên định theo một thứ chủ nghĩa đã chết và “thối rữa” hơn 20 năm nay ngay tại nơi nó được sinh ra…
Lỗi tại tôi
Hậu quả, theo tác giả Nến Hồng, là sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ một đất nước có gần 90 triệu dân nhưng không thể “hiên ngang” trước kẻ thù truyền kiếp Trung Quốc.
Qua bài “Nhân dân ơi, lỗi tại chúng tôi”, blogger Ngô Minh dẫn chứng nhiều trường hợp cho thấy “lỗi tại chúng tôi” cả.
Chẳng hạn như nhà thơ Chế Lan Viện khi nghĩ về chiến dịch Tết mậu Thân 1968 và nêu lên câu hỏi rằng ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người trong biến cố ấy. Rồi thi nhân tự trả lời:
"Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong."
Hay chuyện nhà thơ Phùng Quán kể về nạn tham nhũng lộng hành, tệ nạn dối trá “lúc nhúc”, rồi nhà thơ ngậm ngùi sau khi cạn chén:
"Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Tôi đã không có những áng văn chương thật xúc động để bọn tham những, độc ác, bọn dối trá, lẹo lươn, đọc là khóc, là quyết tâm "làm lại cuộc đời ".
Rồi blogger Ngô Minh nhiều lần nhấn mạnh rằng “Vâng, lỗi tại chúng tôi” - những nhà văn, nhà thơ VN - đã không có những tác phẩm thật hay, thật xúc động, thật vĩ đại để làm cho các quan chức Hải Phòng,Tiên Lãng; Hưng Yên, Văn Giang; Nam Định, Vụ Bản… phải khóc, phải thương dân oan – từ Đoàn Văn Vươn bị mất đầm thuỷ sản, nhà tan cửa nát trong oan khiên, tức tưởi cho tới hàng ngàn dân oan chịu cảnh hành hung đẫm máu, thậm chí đầu chít
khăn “địa tang” để bảo vệ bất thành nguồn sửa Đất Mẹ; để làm cho hàng ngàn công an nhân dân phải khóc, phải thương nông dân như bố mẹ, ông bà mình và ném các loại hung khí đàn áp xuống sông để dân oan không phải ăn đòn thù của họ; để các quan quận Cái Răng,
Cần Thơ cùng tư bản đỏ không sai vệ sĩ lôi 2 mẹ con khoả thân cố giữ đất như lôi 2 con vật của thời hồng hoang rừng rú; để cảm hoá những “đại quan-gia” tập đoàn Vinashin, Vinalines biết thương nước đang nghèo, thương người dân “còng lưng đóng thuế”… Và tác giả than rằng:
"Tổ Quốc Việt Nam ơi, ngàn lần tha tội cho chúng tôi , những nhà văn, nhà thơ của nhân dân , ăn cơm uống nước nhân dân, từng no đ ói rét lạnh với nhân dân, từng cầm súng chiến đấu cùng nhân dân, nhưng cả đời chỉ biết viết loại văn chương "phải đạo " … nên không có những tác phẩm chân thật, xúc động để làm cho bọn tham nh ũ ng, bọn "lợi ích nhóm" chuyên ăn cướp đất của dân, đọc phải khóc, phải biết thương nước thương dân, bỏ bút không ký, bỏ tiền không tham …Ôi ! Lỗi tại chúng tôi ."
Trong khi blogger Ngô Minh “ăn năn’ rằng “Lỗi tại chúng tôi”, thì blogger Huỳnh Ngọc Chênh thấy “Thương quá những cụ già VN”, thương từ nhạc sĩ Tô Hải, khôi nguyên chống tham nhũng, cụ Lê Hiền Đức cho tới những người có tâm huyết với vận nước, dân tộc như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tướng Trần Độ, cụ Hoàng Minh Chính…
Thương quá những cụ già...
Khi đến tuổi về già, người ta có khuynh hướng “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn” – gác hết mọi chuyện thế sự để về sống bình an với con cháu, để hoà mình cùng thiên nhiên và tận hưởng cảnh “cúc tùng phong nguyệt mới vui sao” trong tâm thái thanh thản ở quảng đời còn lại. Nhưng, theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh, “đó là những chuyện xảy ra ở xứ sở nào chứ không phải ở VN”.
Để rồi tác giả “Thương quá những cụ già VN”, chẳng hạn như “…thương lắm cụ
nhạc sĩ Tô Hải, đã 85 tuổi, không lúc nào được yên ổn trong lòng cho đến sức cùng lực kiệt trên giường bệnh, không còn cử động được những ngón tay, chỉ mấp máy được đôi môi vẫn cố gắng thì thào ra những lời lẽ nói lên nỗi lo đau đáu về hiện tình đất nước cho con cháu ghi lại”; hay tác giả thương quá cụ bà Lê Hiền Đức, 80 tuổi - ngọn đèn hy vọng của hàng vạn dân oan -
Hồi xưa, bọn ác ôn thực dân phong kiến có cướp đất của dân lành thì cũng chỉ dám, mỗi lần, cướp riêng rẽ của một vài hộ dân. Ngày nay người ta, mỗi lần cướp đất, lại cướp của cả một xã với vài ngàn hộ nông dân
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
“ đã đi theo chế độ nầy từ lúc còn trong núi rừng tăm tối, nay phải lặn lội vào Nam ra Bắc, đi đến tận nơi phát ra những tiếng kêu oan khuất từ dân đen, phải thao thức đêm ngày đọc hàng vạn lá đơn kêu oan... Và mới đây nhất, vì đi theo làm chứng cho một blogger trẻ, cụ còn bị người của chính quyền giữ lại đến rạng sáng hôm sau, sau khi đã gây ra thương tích”.
Rồi tác giả so sánh chuyện “xưa-nay”, từ chuyện ăn cắp vạt tới ăn cắp công quỹ, cướp đất dân lành cho tới việc viết lách:
"Hồi xưa chỉ cần ăn cắp một lon gạo có thể bị đem ra xử bắn. Ngày nay dưới chế độ do các cụ tạo ra, người ta ăn cắp hàng chục ngàn tỉ đồng vẫn cứ cho lên chức cao hơn. Và chuyện nầy lại không cá biệt.
Hồi xưa, bọn ác ôn thực dân phong kiến có cướp đất của dân lành thì cũng chỉ dám, mỗi lần, cướp riêng rẽ của một vài hộ dân. Ngày nay người ta, mỗi lần cướp đất, lại cướp của cả một xã với vài ngàn hộ nông dân.
Người dân mất đất phản ứng lại bị hành hung, bị bắt bỏ tù.
Ngày xưa, thực dân đế quốc tuy áp bức vẫn cho các cụ làm báo, cho các cụ biểu tình, cho các cụ nói lên tiếng nói của mình, các cụ không bị du côn xã hội đen đến hành hung. Ngày nay, ngay những tiếng nói tâm tình trên các trang nhật ký riêng cũng bị cấm đoán, cũng bị gây khó dễ, bị côn đồ hành hung, và thậm chí có những người bị bắt ra tòa..."
Thế còn chuyện “cha truyền con nối”, chuyện bày tỏ lòng yêu nước thì sao ? Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét tiếp:
"Đi biểu tình chống xâm lược cũng bị bắt bớ, cũng bị du côn trá hình đánh đập. Ngày nay ở đâu mà ra bọn côn đồ nhiều thế? Ngày xưa, phong kiến theo cơ chế cha truyền con nối nhưng chúng cũng chỉ cho một đứa con duy nhất kế ngôi. Những đứa con khác của vua cũng như con cháu của quan lại muốn ra làm quan cũng phải học hành thi cử đỗ đạt đến tiến sĩ mới được đề bạt dần lên.
Ngày nay, có quá nhiều hoàng tử, công chúa, công tử, quận chúa... Họ lại chả cần phấn đấu gì cũng đưa ngay ra làm quan lớn. Ngày xưa các cụ hy sinh để chiến đấu đuổi quân ngoại xâm. Ngày nay quân ngoại xâm được rước vào nằm phục sẵn khắp mọi nơi: Rừng đầu nguồn, khu kinh tế đồng bằng, Cao nguyên chiến lược, quân hải cảng chiến lược...Còn nhiều điều ngược ngạo nữa, nhan nhản ra đấy…"
Thanh Quang cảm ơn và xin hẹn gặp lại cũng vào giờ này tuần sau.
Theo dòng thời sự:
- Đánh phóng viên nhà nước, chính quyền Hưng Yên muốn nói gì
- Khỏa thân để giữ đất (phần I)
- Khỏa thân để giữ đất (phần II)
- Bà Lê Hiền Đức sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
- Việt Nam siết chặt việc kiểm soát các blogger
- Tại sao truyền thông lại lệch chuẩn?
- TS Nguyễn Xuân Diện bị bao vây ở Thư viện Hán-Nôm Hà Nội
- Bức xúc với cách trả lời của Đài PT - TH Hà Nội
- Vụ Văn Giang dưới mắt các bloggers
- Hàng ngàn công an, bộ đội được huy động đến cưỡng chế đất ở Hưng Yên
- Căng thẳng ở Hưng Yên: chính quyền tuyên bố cưỡng chế, dân quyết chống lại
- Hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội
- Thêm một vụ cưỡng chế đất gây bất bình
- Từ Tiên Lãng đến Văn Giang
- 3.000 công an, bộ đội đối đầu với 2.000 nông dân Hưng Yên