Y đức thời nay

Sự việc Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ bệnh viện công Bạch Mai, giám đốc Viện thẩm Mỹ tư Cát Tường, giải phẫu làm chết bệnh nhân rồi mang xác vứt xuống sông Hồng, đã làm xôn xao dư luận.

Báo động đạo đức ngành y

Tối 22/10, bà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký văn bản thay mặt ngành y tế xin lỗi toàn thể nhân dân.

Câu chuyện tràn vào cả hành lang quốc hội khoá 13 đang họp. Sáng 24/10 bà Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến, tham gia buổi thảo luận tổ của đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã nói: "Vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong thời gian qua phải nói là một sự báo động rất lớn. Chúng tôi cũng hết sức đau đớn, xót xa trong chuyện này thời gian vừa rồi. Với trách nhiệm trong ngành, tôi cảm thấy rất nặng nề".

Ngành Y tế Hà Nội, sau khi mất bò mới lo làm chuồng, mở chiến dịch kiểm tra toàn bộ các thẩm mỹ viện trên địa bàn thủ đô.

Tại Hà Nội có 33 cơ sở thẩm mỹ viện được cấp phép hoạt động, trong đó, có 3 bệnh viện tư nhân, còn rất nhiều cơ sở làm chui không thể kiểm soát hết (!?). Lỗi được đá đi như quả bóng.

Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nói rằng: “Hành vi của bác sỹ ném xác nhằm phi tang khi gây chết người là không thể tha thứ, nhưng tại sao lại để cho cơ sở này mọc lên mà buông lỏng khâu thanh tra, kiểm soát. Để xảy ra việc này trách nhiệm thuộc về Sở Y tế Hà Nội, cụ thể là Thanh tra Sở Y tế Hà Nội”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội nói:

"Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ, đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế. Chính vì vậy, Bộ trưởng mới phải trực tiếp đứng ra nhận lỗi".

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã được Bộ Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Ngoại-Phẫu thuật tạo hình số 00372/BYT-CCHN ngày 21/06/2012. Nhưng về kinh nghiệm, Nguyễn Mạnh Tường chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ngoại khoa mà cụ thể là chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật cột sống, nội soi khớp gối, thay khớp gối. Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường hoạt động hoàn toàn chui, không được cấp phép theo quy định của Luật khám chữa bệnh.

Thế nhưng trên các báo mạng, thẩm mỹ viện Cát Tường quảng cáo rất ầm ĩ về hoạt động nâng ngực, hút mỡ bụng,

Thông tin tại trang web của Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường giới thiệu ông Tường là bác sỹ giỏi của Bệnh viện Bạch Mai, là thành viên Hiệp hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Hiệp hội thẩm mỹ Hà Nội, thành viên Hiệp hội thẩm mỹ TP.HCM…, nhiều năm công tác tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM...

Thẩm mỹ viện Cát Tường nằm đối diện Bệnh viện Bạch Mai chứ chẳng phải ở nơi nào xa xăm, hẻo lánh gì và vẫn kinh doanh tưng bừng từ hơn nửa năm nay, cho đến lúc xảy ra sự cố chết người.

Điều này chứng minh cho sự thả nổi của ngành y tế, việc kiểm tra, phát hiện thực chất chỉ làm cho có, và chắc chắn tình trạng "bôi trơn", "hối lộ" đã giúp họ nhắm mắt làm ngơ.

Tuy nhiên đáng nói nhất vẫn là sự suy đồi đạo đức trong ngành y tế Việt Nam. Chạy theo đồng tiền, bất chấp tất cả, dường như là mục tiêu của họ. Ở Trung Quốc đã có thuật ngữ "mammonism", nhắm vào thứ chủ nghĩa này. Ở Việt Nam cũng không khác. Xã hội băng hoại đạo đức, dối trá, lừa gạt nhau, vô cảm với thời cuộc và người xung quanh, có lẽ đã trở thành bản chất. Bởi vì sự bất lương đã len lỏi vào tới bệnh viện, nơi mà con người cần một tấm lòng nhân ái, cao thượng và sự dấn thân của nhân viên y tế. Các hiện tượng xấu xa, tệ hại đã thành hiện tượng thường xuyên, phổ biến.

Lợi nhuận trên y đức

Thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội.
Thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội. (Thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội. )

Hàng loạt trẻ tử vong sau khi được tiêm vác-xin, vụ ăn gian nhân bản xét nghiệm bệnh viện Hoài Đức, vụ tráo phim X-quang tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, TPHCM, vụ đánh tráo thủy tinh thể tại Viện Mắt Hà Nội, vụ tham nhũng tại Bệnh viện Răng hàm mặt TPHCM... là những sự kiện làm náo động xã hội vừa qua.

Thái độ tắc trách, nghiệp vụ kém, làm chết người gây phẫn nộ cho dân chúng đã quen thuộc như cơm bữa.

Mới đây thôi, ggày 18/10, hàng chục người dân đã kéo đến Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) để yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Xuân (40 tuổi) và khiêng quan tài đi qua các đường phố biểu tình. Ngày 25/10, dân chúng bao vây Bệnh viện khu vực Thị xã Thái Hoà (Nghệ An) đòi hỏi lãnh đạo phải trả lời vì sao sản phụ sau khi sinh xong thì bị chết?

Tại Hưng Yên, anh Nguyễn Văn Thụy bị điện giật, nhiều lần gia đình đưa đi cấp cứu nhưng bị các bác sĩ từ chối, khuyên đưa về nhà chờ chết. Tuy nhiên, đến nay anh Thụy đã dần khỏe lại và nói rất đau lòng “sao bác sĩ lại muốn em chết?”.

Ngày 1/10, nhân viên bệnh viện đa khoa Bình Phước quát “Mày mập như heo mà không biết rặn hả?” với chị Đặng Thị Xuân Lộc (sinh năm 1988) và đứa con của chị Lộc đã tử vong do không được hỗ trợ kịp thời, chỉ vì không có "phong bì"!

Ông Lê Văn Cuông, đại biểu quốc hội, đã nói:

"Những vụ người nhà bệnh nhân vây bệnh viện, hành hung bác sĩ xảy ra trong thời gian qua đang khiến cho dư luận rất quan tâm và tạo ra sự bức xúc trong nhân dân. Về nguyên nhân dẫn đến những vụ việc này thì có nhiều nhưng, theo tôi, nguyên nhân chính, sâu xa là do y đức của một bộ phận y, bác sỹ ở các bệnh viện hiện nay giảm sút nghiêm trọng so với trước".

"Họ đặt mục tiêu lợi nhuận, thu nhập lên trên, bất chấp tất cả... Ở đâu có tiền, đối xử tốt thì họ quan tâm còn ở đâu ít tiền hoặc không được chu đáo thì họ xao nhãng, thậm chí là vô cảm trước nỗi đau của bệnh nhân, sự lo lắng của người nhà bệnh nhân".

"Một nguyên nhân nữa là do vấn đề thiếu nhân lực và trình độ của một bộ phận cán bộ ở các cơ sở y tế hiện nay còn yếu. Không ít người giỏi, có trình độ nhưng do không có tiền phải đi ra ngoài làm hoặc làm trái ngành nghề còn một số tuy trình độ thấp nhưng có tiền, có quan hệ lại được vào bệnh viện".

"Vì mất tiền để được vào bệnh viện nên khi vào người ta tìm cách thu lại khoản tiền đó bằng cách móc túi bệnh nhân chứ không lo trau dồi kiến thức, lấy y đức phục vụ bệnh nhân. Tình cảm, trách nhiệm lúc này vì đồng tiền mà bị tha hoá đi. Cho nên trình độ đã yếu lại cộng thêm phẩm chất đạo đức lại kém, trách nhiệm kém nữa khiến cho lòng tin của bệnh nhân đối với bệnh viện giảm sút".

Ông Lê Văn Cuông cũng nhấn mạnh "nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì hiện tượng xã hội này sẽ gây ra sự mất ổn định xã hội, niềm tin của người dân" và "Bộ Y tế cần vào cuộc".

"Vào cuộc" sao nổi khi văn hoá phong bì là phổ cập trong bệnh viện, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến lấp lửng chấp nhận “việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh”. Còn người trong ngành, ông Nguyến Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng “việc cảm ơn bác sĩ là văn hóa của người Việt”. Thật không còn điều gì để nói nữa!

Định nghĩa về bác sĩ, trong wikipedia viết, "Bác sĩ là người có trình độ chuyên môn thích hợp, được xác nhận bằng các giấy tờ cần thiết, cung cấp các xác nhận y tế, đặc biệt là: nghiên cứu tình trạng sức khoẻ, chẩn đoán bệnh và phòng tránh, điều trị và phục hồi chức năng của bệnh nhân, cung cấp các tư vấn y tế, cũng như đưa ra các ý kiến và quyết định y tế trong chuyên ngành của mình".

Từ xa xưa, Leonardo da Vinci đã nói "Bác sĩ, người chăm sóc bệnh nhân, nhất thiết phải hiểu con người là gì, cuộc sống là gì và sức khỏe là gì, và làm thế nào để giữ cân bằng và hài hòa của các yếu tố này".

Nhưng giờ đây, ý nghĩa "bác sĩ" trong lương tri và y đức Việt Nam đã không còn như ngày nào nữa. Bác sĩ đã bị một xã hội vật chất lưu manh hoá. Với họ trước hết là lợi nhuận, là tiền, dù đồng tiền ấy móc ra từ sự khổ đau vì bệnh tật, sức khỏe của bệnh nhân.

Lần đầu tiên trong làng báo chính thống Việt Nam, tờ PetroTimes với bài "Ai phải chịu trách nhiệm đây?", kêu gọi bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến từ chức. Tác giả Như Thổ, nhân vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người rồi ném xác nạn nhân xuống sông, viết: “Lãnh đạo Bộ Y tế đã “trút” tội này cho Sở Y tế Hà Nội, rồi sở lại đổ cho quận... Và rồi, có lẽ sẽ chẳng ai phải chịu trách nhiệm về việc này cả” và cho rằng: “Nếu như bà Bộ trưởng Bộ Y tế có tự trọng hơn nữa thì nên từ chức”.

Nếu trong một xã hội dân chủ bình thường, thì không cần tới báo chí kêu gọi, bà Nguyễn Kim Tiến đã tự động từ chức, ít nhất từ trách nhiệm đạo đức.

Nhưng trong hệ thống chính trị độc quyền, thối nát vì tham nhũng, các tiêu chuẩn đạo đức bị lệch loạn, không có văn hoá từ chức. Và nếu có từ chức cũng sẽ chẳng giải quyết được điều gì. Thay bà Tiến sẽ là một bộ trưởng khác, có khi còn tệ hơn.

Hệ thống này đã hết khả năng chữa trị. Nó là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề trong đó có việc làm suy tàn đạo đức xã hội, đặt giá trị tiền lên cung bậc cao nhất, cao hơn cả mạng sống con người.

*Bài viết trích từ trang blog Lê Diễn Đức. Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA