Thương những blogger trong tù
Khi bước chân ra đường phố thấy những chiếc lá xanh bình thản nép vào lề đường hay thong thả giỡn chơi trên vỉa hè khập khiễng từng viên gạch, lá vàng ung dung ngả mình trên thảm cỏ xanh; những chùm hoa buông mình rực rỡ trong vòm lá xanh tinh khôi, rạo rực một màu xanh làm mềm cả cái gay gắt nắng trưa, để rồi xế chiều, nền trời như được phủ một vòm lụa vàng dịu mát.
Blogger Hiệu Minh thì thúc giục “Lo đón Xuân đi, bà con ơi”, mà nhỡ trong nước hãy còn bề bộn quốc sự đáng lo – như chuyện sửa đổi Hiến Pháp – thì cũng tạm gác lại trong mấy ngày Xuân, để “Lên Nhật Tân mua đào, mua quất, chọn cây nào thật đẹp và chụp đưa lên mạng cho cả nhà xem. Thừa tiền vào quán thịt chó Trần Mục làm vài cút rượu trắng, giải đen năm cũ, đón năm mới cho vui”. Viết tới đây, blogger Hiệu Minh bỗng nhớ lại trước kia khi “Đảng đã cho ta một mùa Xuân” ra rả trên loa phường:
Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng
Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi
Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non
Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời
Nhưng rồi blogger Hiệu Minh thắc mắc “Nếu đảng lãnh đạo theo đường lối hiện nay thì cái mùa Xuân năm nao chẳng còn, mà có khi dân lại ‘ước vọng’ mùa xuân khác, thì hỏi rằng lúc đó đảng tự bỏ điều 4 trong Hiến pháp có muộn (lắm) không ? ”.
Qua bài “Năm Tỵ đừng quên lời nhắc của Phu-xích” – nhà văn Tiệp Khắc từng kêu gọi “Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác!”, tác giả Nguyễn Khắc Phê lưu ý:
Năm Tỵ, với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, hẳn là phải cảnh giác trước hết với bọn CÕNG RẮN CẮN GÀ NHÀ qua những con đường "tiểu ngạch" đưa rau quả, thực phẩm, quần áo, thuốc men… bị tẩm độc tố liên tiếp tràn qua biên giới … Thứ hai là cảnh giác trước những kẻ KHẨU PHẬT TÂM XÀ. Bởi đằng sau không ít các cuộc giao tiếp với cảnh bắt tay thân thiết như anh em một nhà là tàu chiến, súng đạn đã sẵn sàng bủa vây tứ phía. Và còn bao nhiêu người nhẹ dạ … rồi trắng tay đều vì mất cảnh giác trước bọn "tâm xà"!
Blogger Nguyễn Khắc Phê nhận thấy dân ta không ít người cả tin đến phải “tháo cả móng trâu, nuôi đỉa để bán”, trong khi các quan thì “vui vẻ” nhường cả biển, rừng đắc địa cho ngoại bang. Tác giả báo động:
Có bao nhiêu người con trai, con gái của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay, đang đón Tết mới bằng tuổi thanh xuân của mình ở trong chốn lao tù... <br/>Blogger Người Buôn Gió <br/>
Có một điều ít ai ngờ là có khi NỌC NGƯỜI BẰNG MƯỜI NỌC RẮN! Không hẳn là lối nói phóng đại. Nọc rắn còn có cách chế ngự, chứ “nọc người” nhiều khi vô phương cứu chữa, làm nạn nhân tê liệt suốt đời, thậm chí di họa đến cả đời con cháu.
Blogger Người Buôn Gió nhân Tân niên Quý Tỵ không quên mô tả “bức tranh Tết” đầm ấm, thân thương, rằng vào dịp “Tết, mọi nhà sum họp, những đứa con đi làm xa đã trở về mái nhà với quà Tết, cành đào, những bà mẹ túi bụi bên món măng nấu, nồi bánh chưng, thái thịt thủ gói giò xào, ngâm miến, mộc nhĩ, nấm hương, rang hạt tiêu, cắm hoa….Những chàng trai, cô gái soạn quần áo, thử bộ cánh mới. Những em bé hí hửng mừng rỡ trước đủ thứ hấp dẫn mà anh chị, bố mẹ mang về”. Nhưng blogger Người Buôn Gió không khỏi bùi ngùi khi ở nơi nào đó xa xôi:
Có bao nhiêu người con trai, con gái của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay, đang đón Tết mới bằng tuổi thanh xuân của mình ở trong chốn lao tù, vì những tội đòi tự do báo chí, tư tưởng, tự do lập hội, t ự do cư trú và tự do đi ra nước ngoài. Ngoại trừ điều thứ 8, còn 7 điều trước đó đều là những điều mà những người tù nhân này đòi hỏi y như gần một thế kỷ trước Nguyễn Ái Quốc đã đòi hỏi với chế độc thực dân cai trị. Chế độ hiện hành trả lời họ bằng những bản án tù dài đến mười mấy năm bởi chế độ cho đó là " âm mưu lật đổ chế độ".
Blogger Người Buôn Gió nhân tiện nhắc lại chuyện xưa khi ông chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm hang Pắc Pó, rồi hứng khởi làm thơ:
Hai mươi năm trước ở nơi này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu
Non song gấm vóc có ngày nay
“Ngày nay” ấy của ông Hồ với “Non sông gấm vóc”, blogger Người Buôn gió nhắc lại, là hồi năm 1961, mà tính cho tới Tết Quý Tỵ này cũng hơn nửa thế kỷ rồi, thì cái giang sơn gấm vóc ấy hiện như nhà văn người Hải Phòng Nguyễn Xuân Nghĩa mô tả:
Tổ quốc tôi như miếng da lừa
Mỗi lần ước mất đi một góc
Ước phồn vinh rừng mất cây, biển mất cá
Ước vẹn toàn mất biển đảo, cao nguyên….
"Mừng Đảng rồi mới mừng Xuân"
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa hiện ngồi tù cho bản án 6 năm ở trại Thanh Chương đèo heo hút gió thuộc tỉnh Nghệ An, với tội danh mơ hồ “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Người Buôn Gió lưu ý rằng người dân thường rất khó có thể thấy được hiện tình Tổ Quốc lâm nguy, bởi chế độ hiện hành ra rả tô vẽ màu hồng về đất nước, cuộc sống của người dân – tình trạng từng diễn ra tương tự cách nay hơn 90 năm khi VN còn dưới ách thống trị của thực dân Pháp, khiến dân đen cũng không thấy Tổ Quốc lâm nguy. Nhưng “nếu như nhiều người bị bắt tù vì yêu sách với chế độ hiện hành, ấy là lúc tổ quốc lâm nguy”. Người Buôn Gió lưu ý tiếp:
Chưa có con số thống kê về những người yêu sách ngày xưa với chế độ thực dân và số người yêu sách với chế độ bây giờ. Con số nào bị bắt tù nhiều hơn. Áng chừng có khi cũng bằng nhau rồi cũng nên. Chẳng biết là vui hay buồn, vì dù ở chế độ nào thì đó cũng là những người Việt Nam, cùng dân tộc, màu da, huyết thống với chúng ta. Nếu chúng ta đang hân hoan đón năm mới, xin một phút lắng lòng nhớ tới những người ở trong tù ở chế độ thực dân tàn ác trước kia cũng như đang ở trong tù của chế độ mới CNXH tươi đẹp này.
Nhân dịp Tân Niên Quý Tỵ, nhà thơ Trần Đức Thạch “Khai bút đón Xuân”:
Câu thơ mang tinh thần tranh đấu
Đón xuân về khí thế mới thêm hăng
Lửa khát vọng Tự Do nung nấu
Cho ngày mai Dân chủ Công bằng.
Xin chào cháu! Phương Uyên nơi ngục thất
Vẫn xinh tươi như đóa mai vàng
Xin chào anh !Lê quốc Quân bất khuất
Thắm sắc đào trong giá lạnh hiên ngang.
Chào năm mới! Chào những người yêu nước
Chào non sông chào dân tộc Tiên Rồng!
Bừng hào khí Đông A thuở trước
Khắp năm châu người Việt một lòng.
Đất nước đang “Ngàn cân treo sợi tóc”
Cả thù trong cấu kết với giặc ngoài
Hãy chặn đứng những âm mưu thâm độc
Trách nhiệm này không phải của riêng ai...
Nào! Rầm rập đi vào mùa xuân mới
Già trẻ gái trai hừng hực xuống đường
Niềm vinh dự phía tương lai đang đợi
Những trái tim nhiệt huyết với quê hương.
Blogger Nguyễn Quốc Sơn trong những ngày cận Tết Quý Tỵ kể lại câu chuyện mà tác giả quả quyết là “thật 100%”, là hôm 27 Tết, ông dắt cái xe đạp ra ngõ, đi lòng vòng trong khu phố để cảm nhận không khí đón Xuân mới của quê hương, thấy đường làng, ngõ phố rực rỡ kết hoa chăng đèn, nom khá đẹp mắt. Khi tác giả đi qua một ngã tư đường thì thấy ông chủ tịch phường cùng với mấy người đang giăng ngang trên đường một khẩu hiệu lớn, dòng chữ vàng cắt vi tính nổi bật trên nền vải đỏ: “ Mừng Đảng – Mừng Xuân – Mừng đất nước đổi mới”. Tác giả thắc mắc thì liền bị ông X, trước công tác ở phòng văn hoá-thông tin huyện, nay chuyển sang công tác bên cơ quan thanh tra huyện, chặn lời:
Ai dám cãi Bác Hồ ? Bác Hồ nói: "Mừng Đảng rồi mới mừng Xuân". Không ai to bằng bác Hồ cả. Đảng phải là nhất. Nếu không có Đảng thì làm gì có Việt Nam.<br/>Một NV thanh tra huyện <br/>
Ai dám cãi Bác Hồ ? Bác Hồ nói: "Mừng Đảng rồi mới mừng Xuân". Không ai to bằng bác Hồ cả. Đảng phải là nhất. Nếu không có Đảng thì làm gì có Việt Nam.
Tác giả giật mình vì lời khẳng định trên, nên phản ứng: “Ông nói thế là quá sai rồi! Đảng ta mới có 83 tuổi. Đất nước đã bốn ngàn năm. Nói như ông thì Vua Hùng Vương, bà Trưng bà Triệu, Thời Đinh, Lý, Trần, Lê… đã có Đảng đâu!?…Thì ông X. tỏ ra quá vững vàng với lập luận của mình, cự lại tức thì:
Có các ông không hiểu gì thì có! Bây giờ ai còn nói đến bốn ngàn năm nữa!
Tác giả sợ quá, bèn dắt xe chạy vội, vừa đi vừa nói với lại: “Là dân đen không dám cãi với cán bộ về chính trị. Em xin bó tay chấm com!”
Nhân đầu Tân Niên Quý Tỵ, Thanh Quang kính chúc quý vị cùng người thân dồi dào sức khoẻ và mọi điều an lành.
Theo dòng thời sự:
- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dựa trên nền tảng nguyên lý nào?
- Sở hữu đất đai: nguyện vọng hay vô vọng
- Dự thảo hiến pháp: Thử thách sự sống còn của chế độ
- Hàng trăm trí thức kiến nghị đa đảng
- Gần 800 trí thức VN kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng
- Kiểm soát quyền lực chỉ hiệu quả khi có các cơ quan độc lập
- Kiến nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
- Sửa đổi hiến pháp và vấn đề luật đất đai
- Bình mới rượu cũ
- Sở hữu đất đai: tử huyệt của chế độ