Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao: Thuyền nhân là nạn nhân chiến tranh

0:00 / 0:00

Trong một phát biểu từ trong nước, ông Thứ trưởng Bộ ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn nói rằng thuyền nhân Việt Nam là nạn nhân của chiến tranh. Ông cũng nói đến sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Sau đây là một số ý kiến về phát biểu của ông Sơn được ghi nhận.

Ngày 30/4, một ngày kỷ niệm có ý nghĩa lớn nhất của lịch sử Việt nam hiện đại lại đang đến. Những ngày đầu tháng tư năm nay, các cụm từ Hòa hợp hòa giải, xóa đi hận thù lại một lần nữa vang lên từ phía nhà cầm quyền Việt nam.

Nạn nhân chiến tranh

Trong một bài đăng trên báo mạng Tuổi trẻ online ngày 5/4/2014, ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam cho biết là sắp tới đây nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức một buổi lễ cầu siêu lớn cho những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Trường Sa năm 1988, những chiến sĩ VNCH đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng sa năm 1974, và cả những nạn nhân là thuyền nhân đã bỏ mình trên biển vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước.

Ông nói thêm rằng những người thuyền nhân đã ra đi là nạn nhân chiến tranh, do bị tuyên truyền một chiều. Ông Sơn cho biết là ông có mời những người từ trước đến giờ chống lại nhà nước Việt nam tham gia lần cầu siêu này. Ông nói rằng phe chiến thắng của ông đã có công thống nhất đất nước, và những hoạt động như lễ cầu siêu này sẽ được tổ chức thường xuyên cho đến khi nào bà con cô bác người Việt trên khắp thế giới qui về một mối, không còn hận thù chia cắt trong lòng dân nữa.

Trước đó, ông Sơn cũng có phát biểu với báo Tiền Phong rằng ông đã thực hiện một chuyến đi dài ngày đến Mỹ và Canada: "nhằm mục đích cảm hóa, tiến tới phân hóa các đối tượng cực đoan, hận thù chống đối đất nước."

Và ông tiên đoán là ngày hòa giải dân tộc không còn xa.

Ông Quốc Việt, một thuyền nhân, làm việc trong ngành truyền thông Úc hơn 20 năm và có thời gian hoạt động thiện nguyện trong các trại tị nạn dành cho người Việt ở vùng Đông Nam Á. Khi đọc được các thông tin về bài nói chuyện của ông Thứ trưởng Việt nam, nói với chúng tôi:

"Thưa anh khi tôi nghe câu tuyên bố của ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ ngoại giao của nhà nước cộng sản Việt nam thì tôi thấy nó chẳng có gì thay đổi so với cách nói của những người cộng sản tại Hà nội cách đây mấy mươi năm và cho đến bây giờ thì vẫn vậy. Họ vẫn bảo rằng những người vượt biển ra đi là do bị tuyên truyền khiến gây ra sự hiểu lầm đối với nhà nước, với chế độ cộng sản. Tôi nghĩ rằng không chỉ cá nhân tôi mà tất cả những ai có một chút hiểu biết, có một chút lương tri thì đều thấy rằng đó là cái cách nói để ông ta nghe mà thôi. Chứ bây giờ nói thế thì ai nghe. Tôi không biết là cái người nói ra họ có hiểu họ nói gì hay không."

Tôi nghĩ rằng không chỉ cá nhân tôi mà tất cả những ai có một chút hiểu biết, có một chút lương tri thì đều thấy rằng đó là cái cách nói để ông ta nghe mà thôi. Tôi không biết là cái người nói ra họ có hiểu họ nói gì hay không.<br/> -Ông Quốc Việt, thuyền nhân

Ông Trần Giao Thủy, hiện đang sống tại thành phố Montreal, Canada, phụ trách trang mạng DCV online cũng có suy nghĩ tương tự như ông Quốc Việt, ông nói:

"Tôi cho rằng thuyền nhân là một phần của nạn nhân cộng sản, cũng như những người bị chết oan trong cải cách ruộng đất, trong vụ nhân văn giai phẩm, trong vụ án xét lại chống Đảng, những người bị giết trong tết Mậu thân,… chứ họ không phải là nạn nhân chiến tranh."

Từ trong nước nhà văn Thùy Linh phát biểu qua mạng xã hội FB về lời phát biểu của ông Sơn rằng bỗng dưng chiến tranh lại được mang ra để giải thích cho mọi nỗi niềm.

Theo số liệu của nhà báo Huy Đức ghi lại thống kê của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc trong quyển sách tư liệu mang tên Bên Thắng Cuộc của ông thì con số những người vượt biển cập bến các quốc gia trên thế giới từ tháng sáu năm 1989 trở về trước là gần một triệu người. Số người mất tích dĩ nhiên là không thể có số liệu được.

Ông Trần Giao Thủy nói tiếp với chúng tôi rằng:

"Ông Sơn nói với báo chí trong nước, trả lời báo chí nước ngoài, ông ấy coi những đối tượng mà ông ấy gọi là Việt kiều đấy, là những người không biết gì. Chẳng lẻ họ là những người ngu dốt hết không biết suy nghĩ hay sao? Nói mà coi người khác không ra gì thì làm sao mà đi đến hòa giải với hòa hợp!"

Hòa hợp hòa giải

Một phụ nữ Việt Nam với hai đứa con nhỏ trong trại tị nạn ở Puerto Princesa, Philippines ngày 11 tháng 1 năm 1996. AFP photo
Một phụ nữ Việt Nam với hai đứa con nhỏ trong trại tị nạn ở Puerto Princesa, Philippines ngày 11 tháng 1 năm 1996. AFP photo (Một phụ nữ Việt Nam với hai đứa con nhỏ trong trại tị nạn ở Puerto Princesa, Philippines ngày 11 tháng 1 năm 1996. AFP photo )

Trong một lần trò chuyện của chúng tôi với các bạn trẻ trong nước về ý nghĩa của hai từ hòa giải, một bạn trẻ nói đùa rằng chính quyền Việt nam chỉ hòa giải với những người hải ngoại mang lại lợi lộc cho họ mà thôi.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về thông điệp hòa giải trong phát biểu của ông Sơn, Ông Trần Giao Thủy nhấn mạnh từ mà Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã dùng trên báo Tuổi trẻ là thành tâm. Ông nói:

"Cái cản trở lớn trong việc những người Việt không theo cộng sản nói chuyện với những người Việt theo cộng sản (tôi vẫn gọi họ là người Việt) là cái sự tuyên truyền chao đảo không trung thực mà thôi. Những người thuyền nhân sau năm 1975 không thể gọi là họ bị tuyên truyền, họ là thành phần ưu tú của miền Nam Việt nam lúc đó. Họ bỏ nước ra đi không phải vì kinh tế khó khăn hay vì bị tuyên truyền, họ không sợ cái chết để ra đi chỉ vì họ không muốn sống với cộng sản thôi."

Họ bỏ nước ra đi không phải vì kinh tế khó khăn hay vì bị tuyên truyền, họ không sợ cái chết để ra đi chỉ vì họ không muốn sống với cộng sản thôi.<br/> - Ông Trần Giao Thủy <br/> <br/>

Ông Quốc Việt thì nhìn sự hòa giải hiện nay là điều cần làm từ những chính sách đàn áp cứng rắn của bộ máy quyền lực của đảng cộng sản đối với người dân trong nước:

"Giữa những người dân Việt nam không có cần một sự hòa giải gì ở đây cả. Hòa giải thực sự nằm ở giữa cơ cấu cầm quyền của đảng cộng sản hiện nay với gần 90 triệu dân trong nước, khoan nói đến người Việt ở hải ngoại."

Thượng nghị sĩ Liên bang Canada gốc Việt là ông Ngô Thanh Hải, trả lời thông tín viên Tường An về tin nói ông sẽ sang Việt Nam theo lời mời của ông Sơn rằng ông chỉ đi Việt Nam khi mà nhà cầm quyền Việt nam thả các tù nhân chính trị trong nước.

Theo ông Thủy thì việc mà chính phủ Việt nam nên làm là ghi nhận một cách trung thực lịch sử, hơn tiếp tục là tuyên truyền bằng lời nói. Theo ông thì dấu vết về sự kiện thuyền nhân có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Và ở thời đại thông tin đa chiều này thì không thể nào xóa bỏ được.