Theo Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 12, 2017, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói với cử tri ở Cần Thơ rằng chủ trương dùng mô hình BOT để thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một chủ trương đúng đắn.
Ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội đồng tình với quan điểm này:
“Vấn đề là nhà nước không có tiền để làm những chương trình cơ sở hạ tầng lớn. Vì vậy phải có sự tham gia của khu vực tư nhân vào. BOT về nguyên tắt không có vấn đề tốt xấu gì cả, nó là bình thường để mình kêu gọi vốn thôi, chuyện quản lý nó mới là vấn đề.”
Thu tiền bất hợp lý và tham nhũng
BOT là tên viết tắt trong tiếng Anh có nghĩa là xây dựng, vận hành, và chuyển giao, có nghĩa là một doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn để xây dựng một công trình, sau đó họ sẽ thu tiền dân chúng sử dụng công trình này trong một thời gian, sau đó sẽ chuyển giao cho nhà nước như là một công trình công cộng.
Tuy vậy việc thực hiện mô hình BOT ở Việt Nam cũng bị một số người phản đối. Một trong những người đó là kỹ sư Nguyễn Văn Đực, người làm chủ một số công ty xây dựng tại Sài Gòn. Ông Đực nói với chúng tôi:
"Những doanh nghiệp mà đầu tư vào BOT có thể gọi là một vốn bốn lời. Thậm chí có khi không cần vốn, họ chỉ cần 15% trong tài khoảng ngân hàng, còn 85% là vốn vay. Mà có khi họ không thi công hết mà chỉ 30, 40, 50% thôi, tức là khi họ nhận xây dựng BOT là họ đã lãi 50% rồi."
Ông lấy ví dụ trạm thu phí BOT ở Cai Lậy. Tại đây con đường quốc lộ 1 không cần phải xây dựng mới, chỉ sửa chữa rồi thu tiền. Việc này dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ của người dân vừa qua. Ông Đực cho là sự bực tức của dân chúng nằm ở chổ công ty tư nhân đã không làm gì cả trên con đường quốc lộ cũ mà lại đứng thu tiền.
Không có một người nào mà không có một mối quan hệ, mà trúng thầu.<br/>-Kỹ sư Nguyễn Văn Đực.
Khi được hỏi rằng chuyện một doanh nghiệp vay vốn để xây dựng BOT sau khi lấy được thầu có gì sai hay không? Ông trả lời là không có gì sai, nhưng mức độ vốn quá thấp của người đầu tư một phần nào chứng minh rằng họ không có năng lực. Ông Bùi Kiến Thành cũng đồng ý với nhận xét này:
“Cái đó nó cũng có cơ sở thôi. Nếu mình muốn đầu tư thì mình phải có thực lực. Nếu mình không có mà phải đi vay ngân hàng đến 80-90% thì đó là vấn đề khả năng tài chính của mình kém. Trong trường hợp đó nếu dự án không có kết quả tốt, nguồn tiền vào không đủ để trả nợ ngân hàng thì nó biến thành nợ xấu.”
Vấn đề nợ xấu, tức là nợ mà ngân hàng không có khả năng đòi lại được gây ra sự lo ngại cho các chuyên gia kinh tế Việt Nam bấy lâu nay. Vào tháng Sáu năm nay, tại một diễn đàn kinh tế tại Hà Nội, thông tin về tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam hiện nay được đưa ra, là 3,44%, cao nhất Đông Nam Á.
Con số 85% vốn của các dự án BOT giao thông là đi vay mà ông Nguyễn Văn Đực đề cập, cũng được nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa nói đến tại Đà Nẵng vào ngày 12 tháng 12, 2017. Theo ông Nghĩa, con số 85% tiền đầu tư BOT là của ngân hàng cho vay là một rủi ro rất lớn, nếu như mà các dự án BOT được đầu tư bằng nguồn vốn vay này không hoạt động tốt.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy các trạm BOT từ Bắc đến Nam đã bị phản đối mạnh, thường xuyên không thu được tiền vì ùn tắc giao thông. Riêng tại Cai Lậy, sau phản kháng mạnh mẽ của giới tài xế, trạm BOT phải ngưng hoạt động từ 1 đến 2 tháng để chờ quyết định mới. Trong thời gian đó toàn bộ nhân viên của trạm đã bị cho nghỉ việc.
Ông Nguyễn Văn Đực là người không đồng ý thực hiện mô hình BOT ở Việt Nam, ngoài lý do chủ đầu tư không bỏ vốn mà thu lời quá nhiều, mà số tiền lời này theo ông là một gánh nặng lên người dân, một điều vô lý, ông còn phê bình cơ chế không minh bạch khi thực hiện các dự án BOT:
“Không có một người nào mà không có một mối quan hệ, mà trúng thầu, từ đó người ta mới thấy rằng tại sao mà không có (công ty) nước ngoài nào trúng thầu BOT.”
Nhận định của ông trùng với những thông tin được báo mạng Nhà đầu tư đưa ra vào ngày 11 tháng 12, theo đó cho tới nay chỉ có duy nhất một công ty Nhật Bản mua lại một dự án BOT mà thôi. Ngoài ra báo này còn dẫn lời người đứng đầu Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam rằng các dự án BOT có quá nhiều tham nhũng nên các công ty Hoa Kỳ không quan tâm đến.
Việc tham nhũng, móc ngoặc giữa các công ty tư nhân với các giới chức chính quyền trong các dự án BOT cũng được ông Trương Quang Nghĩa ám chỉ khi ông nói chuyện tại Đà Nẵng. Tờ Tuổi trẻ trích dẫn nguyên văn lời ông là "Sắp tới khi kiểm toán, Ủy ban kiểm tra trung ương kiểm tra các dự án BOT, thì dự án ấy của ai, của anh của em lộ ra."
Cần đấu thầu BOT
Khi được vặn hỏi rằng nguyên tắc của BOT là huy động vốn để gánh bớt gánh nặng ngân sách của nhà nước là một điều tốt, nhưng tại sao ông Nguyễn Văn Đực lại phản đối, ông nói rằng một mô hình áp dụng ở nước ngoài là tốt nhưng chưa chắc đã vận hành tốt ở Việt Nam. Tuy vậy ông cũng đề nghị những cải cách nếu tiếp tục thực hiện mô hình BOT ở Việt Nam:
"Chia làm hai phần khác nhau, xây dựng là một đơn vị khác, còn đấu thầu nhận điều hành, là một đơn vị khác, tránh tình trạng chủ đầu tư lại được thi công. Mà chúng ta phải qui định là đấu thầu. Do đó tôi đề nghị chấm dứt BOT (hiện nay) và chuyển sang hình thức đấu thầu."
Hành chính của Việt Nam có vấn đề chứ không phải BOT có vấn đề.<br/>-Ông Bùi Kiến Thành.
Hiện nay các dự án BOT giao thông ở Việt Nam không có đấu thầu, và điều này được một quan chức ngành giao thông vận tải giải thích với báo chí trong tháng tám vừa qua là do tính chất cấp bách của các dự án giao thông vận tải. Nhưng điều đó là nguyên nhân, theo nhiều người, đã gây ra nhiều sai phạm. Ông Bùi Kiến Thành hoàn toàn đồng ý với ông Nguyễn Văn Đực là phải tổ chức đấu thầu công khai các dự án BOT. Ông nói tiếp:
"Đường sá giao thông hiện bây giờ phải nói là nó không bình thường. Tại sao những người không có năng lực lại được chỉ định. Vì vậy thanh tra của Chính phủ đang vào cuộc để thanh tra, xem là những dự án BOT đấy nó có tiêu cực tham nhũng hay không. Chỉ định những người làm BOT không có năng lực là cả một vấn đề. Hay là những nơi nào tốt thì cho người này, không tốt thì cho người khác. Hành chính của Việt Nam có vấn đề chứ không phải BOT có vấn đề."
Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi ông Bùi Kiến Thành nói rằng mô hình BOT vẫn phải tiếp tục được thực hiện vì hiện nay chi tiêu công cộng của Việt Nam lấy từ ngân sách quốc gia đã quá cao, nhưng cần xem xét lại những qui định, cũng như việc thực hiện những qui định đó trong những dự án BOT.