Một vụ tự thiêu ngay trước cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày hôm qua. Người tự thiêu được khẳng định là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Một trong các lý do tự thiêu được cho biết là để phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.
Bức xúc do bị cấm biểu tình?
Theo báo Thanh Niên phát hành ngày thứ Sáu 23, người tự thiêu trước cổng chính dinh Độc Lập vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày và coi như đã chết là bà Lê Thị Tuyết Mai 67 tuổi, cư dân quận Bình Thạnh, vốn là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử.
Tin nói theo ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận Một thành phố Hồ Chí Minh thì kết quả điều tra sơ khởi cũng cho thấy bà Lê Thị Tuyết Mai tự tiêu để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ngay trên thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Vẫn theo tin trên báo Thanh Niên, trích dẫn lời anh Hoàng Văn Dũng là một thành viên trong Con Đường Việt Nam thì có vẻ như hiện trường đã được nhanh chóng dọn dẹp tẩy rửa, người chết đúng là bà Lê Thị Tuyết Mai, khi tự thiêu có mang trên mình bảy tấm biểu ngữ nội dung chống Trung Quốc.
Đây là việc đáng buồn. Tự thiêu làm gì, mạng con người quan trọng lắm, phải sống mà làm việc chứ. Tôi sợ rằng việc này có nhiều nguyên nhân lắm. <br/> -Nhà giáo Phạm Toàn
Trước hành động tự thiêu của bà Lê Thị Tuyết Mai, những người được hỏi đến đều bày tỏ lòng xót xa thương cảm. Từ Hà Nội, nhà giáo Vũ Mạnh Hùng:
“Bức xúc trước chuyện Trung Quốc nó làm như thế mà tự thiêu là nó tùy thuộc vào cái suy nghĩ, tất nhiên tấm lòng là đáng quí rồi, nhưng về cách thức đấu tranh thì mỗi người mỗi kiểu cho nên tôi cũng không dám có ý kiến gì về trường hợp này. Điều này theo tôi cũng có thể một phần là do bức xúc trước sự trấn áp biểu tình, trấn áp lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam cho nên nó xảy ra cái chuyện đó.”
Ở trong Nam, một trong những vị chánh trị sự đạo Cao Đài là bà Nguyễn Bạch Phụng, nói rằng khi lòng dân quá bức xúc mà đi biểu tình phản đối không được thì có người nghĩ đến chuyện tự thiêu, nhưng:
“Chúng ta cần phải sống để đấu tranh, góp phần với toàn dân tộc để đòi lại chủ quyền thì nó hay hơn, chứ còn bây giờ tự thiêu thì thấy nó uổng.
Người dân biểu tình để nói lên lòng yêu nước của mình mà công an lại bắt rồi đánh đập tàn nhẫn, dồn người dân vào thế bí. Cho nên việc tự thiêu trước Dinh Độc Lập là thể hiện một cách mạnh mẽ tinh thần của người dân bây giờ là quá bức xúc rồi.”
Dưới mắt luật sư Trần Đình Triển, việc tự thiêu của bà Lê Thị Tuyết Mai là đáng khâm phục đáng kính trọng song e rằng không được sự đồng tình của nhiều người:
“Tinh thần đó rất đáng ca ngợi và đáng tự hào, tuy nhiên khi thể hiện thái độ và tấm lòng của mình trước tổ quốc và trước dân tộc thì cũng cần phải thể hiện một cach đúng pháp luật và có hiệu quả.
Uất ức trước sự xâm lăng của Trung Quốc dẫn đến tự thiêu phản đối thì tấm lòng đó là tốt nhưng cái phương pháp thì lại không được tốt. Không thiếu gì hành động thể hiện tấm lòng yêu tổ quốc, thậm chí có vật chất thì đóng góp vất chất, có tinh thần thì đóng góp tinh thần để tăng thêm sức mạnh cho dân tộc. Nhiều khi bức xúc không kềm chế nỗi trước sự xâm lấn của Trung Quốc dẫn đến việc tự thiêu thì chúng ta thông cảm được nhưng không đồng tình với phương pháp tự thiêu mà đặc biệt là trước một quảng trường mà nó mang cái trật tự xã hội dẫn đến cái không hay. Tôi cũng đồng tình với chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ là chúng ta không nên để bị kích động. Tôi cho rằng cần cảnh giác vì Trung Quốc có rất nhiều thủ đoạn, tự họ kích lên để làm xáo trộn tình hình kinh tế xã hội trong nước.”
Đối với anh Nguyễn Trọng Thắng, cư dân Hà Nội, tình hình lúc này ở Việt Nam thì bất kỳ trường hợp tự thiêu phản đối nào cũng là điều không nên cả:
“Nếu trường hợp có xâm lược thì vấn đề đầu tiên là người ta phải đánh xâm lược chứ không phải tự thiêu để phản đối xâm lược. Nếu mà tự thiêu thì người ta càng nghĩ là tạo ra cái sự yếu thế của mình, mình không làm cách nào khác được mình phải tự thiêu. Hành động tự thiêu này trong đạo Phật không khuyến khích mà trong đời thường người ta cũng không khuyến khích, chỉ có thể nói đấy là cách nghĩ của người muốn tự thiêu để phản đối mà thôi.
Còn vấn đề thứ hai có phải là do bức xúc quá hy sinh vì cái gì quá hay không? Bà ấy là tham gia hội đoàn nào? Thì khi mà thông tin không đủ mình rất khó đưa ra kết luận.
Cảm thông
Dù xót xa trước cái chết của bà Lê Thị Tuyết Mai, bạn Nguyễn Hoàng Vi, nhóm No U, vẫn nói rằng có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước mà không nhất thiết phải tự thiêu như vậy:
Em nghĩ đó là sự phản kháng mà gần như bất lực, còn về tuổi tác của bà cũng 67 rồi, chuyện cầm súng ra chiến trường không còn phù hợp nữa, em nghĩ em phần nào cảm thông được với bà. <br/> -Nguyễn Hoàng Vi
“Việc này mang lại sự xót xa cho nhiều người hơn vì ở vị trí là một người dân mà lúc nào cũng ở thế thụ động, không được bày tỏ lòng yêu nước của mình. Thậm chí xuống đường biểu tình ôn hòa mà cũng bị ngăn chận bị bắt bớ thì cái sự dồn nén cái sự uất ức cảm thấy mình bất lực dẫn tới ý nghĩ nếu sống mà không cống hiến không thể nào đấu tranh vì quê hương vì tổ quốc của mình thì chi bằng chết đi chứ mai đây nếu sống kiếp nô lệ dưới sự cai trị của Trung Quốc thì nó còn không bằng chết nữa.
Em nghĩ đó là sự phản kháng mà gần như bất lực, còn về tuổi tác của bà cũng 67 rồi, chuyện cầm súng ra chiến trường không còn phù hợp nữa, em nghĩ em phần nào cảm thông được với bà.”
Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn thì không dấu được nỗi ngậm ngùi trước vụ tự thiêu của bà Lê Thị Tuyết Mai mà ông nghe như một điều gì rất tuyệt vọng:
“Đây là việc đáng buồn. Tự thiêu làm gì, mạng con người quan trọng lắm, phải sống mà làm việc chứ. Tôi sợ rằng việc này có nhiều nguyên nhân lắm, không biết bà ấy có để lại thơ từ gì không. Có lẽ tin này phải để xem thực hư thế nào đã, tại làm sao có mỗi việc như thế mà ông phó chủ tịch phải dính vào, chắc còn nhiều việc nữa. Bây giờ thông tin báo chí ở Việt Nam có tin được đâu. Chả tờ báo nào tin được cả.
Chết anh hùng dễ lắm, sống nhọc nhằn, nhục nhã nhưng phải sống để làm việc cái đó mới quan trọng. Sống nhiều lúc là rất nhục, thế nhưng chịu đựng được cái nhục để mà thắng lợi và thành công thì cái đó quan trọng hơn nhiều. Nhưng mà con người lắm lúc nó tuyệt vọng thì nó như thế. Tôi thấy cũng phải chia buồn với gia đình nhưng mà tôi thì tôi cho rằng không nên tuyệt vọng như thế. Nếu mà tuyệt vọng thì tôi cũng phải chết từ lâu rồi.”
Sau cùng, ông Nguyễn Khắc Mai, thành viên của chương trình Minh Triết Làm Chủ Biển Đông, lý giải vụ việc huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Lê Thị Tuyết Mai với cái nhìn khác hơn:
“Tôi hết sức khâm phục và kính trọng chị Tuyết Mai pháp danh là Đồng Xuân, lấy cái chết của mình để nói tiếng nói phản đối Trung Quốc. Cá nhân tôi nghĩ hành động tự thiêu có thể là tùy theo từng cách suy nghĩ của từng người. Đấy là một.
Cái thứ hai, tự thiêu là phản ứng, là muốn được một sự giải thoát cho Giáo Hội Phật Giáo mà chị theo đuổi, tức là Giáo Hội Phật Giáo mà Đức Tăng Thống Quảng Độ đang trụ trì, kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Đức Tăng Thống Quảng Độ và đối xử bình đẳng với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi cho rằng cái chết ấy nói lên điều mong ước là trong tình hình hiện nay thì càng phải đoàn kết tất cả người Việt Nam bất phân biệt chính kiến tôn giáo. Tôi cũng mong những người lãnh đạo Việt Nam mở rộng vòng tay đoàn kết để mình cùng chống lại hiểm họa bá quyền xâm lược của Bắc Kinh.”
Sau khi được tin bà Lê Thị Tuyết Mai qua đời vì tự thiêu, Văn Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế ở Paris cũng ra thông cáo báo chí xác nhận bà Lê Thị Tuyết Mai, pháp danh Đồng Xuân, là phó trưởng ban hướng dẫn Gia Đình Phật Tử miền Quảng Đức.
Gia Đình Phật Tử Việt Nam là tổ chức trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà nhà nước Việt Nam không công nhận.