Khó khăn trong việc cấp visa khiến kỹ nghệ du lịch Việt Nam thất thu khoảng 200 triệu đô la từ những lượt khách quốc tế, là tính toán của chuyên gia tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam (VBF) hôm thứ Ba vừa qua. Đây chỉ là một tromg những nguyên nhân khiến ngành du lịch Việt khó bắt kịp đà phát triển của các nước bạn trong khu vực.
Lo ngại giảm thu phí thị thực
Tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam giữa kỳ ngày 9 tháng Sáu vừa qua, chuyên gia ngành du lịch Ken Atkinson nhận định rằng Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn song những khó khăn trong việc cấp thị thực khiến khoảng 200 triệu đô la từ khách nước ngoài lọt vào tay những quốc gia có chính sách nhập nội dễ dàng thuận lợi hơn như Thái Lan, Kampuchia, Indonesia, Malaysia.
Vẫn theo lời ông Atkinson, khách quốc tế thường có khuynh hướng kết hợp đi một lúc nhiều nước trong khu vực, khách từ Châu Âu hoặc Châu Mỹ, những thị trường du lịch tiềm năng trước giờ, khi đã đến Thái Lan, Lào, Kampuchia, Malaysia vân vân… thường bỏ ý định sang Việt Nam khi thấy phí visa không những đắt hơn mà thủ tục còn lâu la phiền toái.
Singapore miễn thị thực cho 157 nước, Malaysia 145 nước, Thái Lan cũng sáu mươi mấy nước nhưng Việt Nam chỉ có 45 nước miễn thôi, trong đó chỉ 13 nước là miễn hộ chiếu phổ thông. Tại sao người ta không chịu miễn? <br/> -Ông Nguyễn Văn Mỹ
Trong những trường hợp như vậy, ông Atkinson nhấn mạnh, dù chiến dịch quảng bá có huy hoàng thú vị đến đâu thì khách vẫn từ chối du lịch Việt Nam vì chính sách thị thực nghiêm ngặt đó.
Vẫn theo chuyên gia Ken Atkinson, đại diện Nhóm Công Tác Du Lịch, nguyên nhân việc chậm miễn visa của Việt Nam có thể đến từ nỗi lo ngại về khoản doanh thu phí thị thực bị hao hụt đi.
Nếu con số về lượt du khách đến Việt Nam từ các vùng Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand là khoảng 160.000 người, ông Atkinson cho rằng nếu cứ tính trung bình phí thị thực và phí giải quyết 70 đô la một hồ sơ chẳng hạn, thì ước tính tổng doanh thu là 11 triệu đô la, một con số không nhỏ.
Lập luận này, nếu đúng, ông nói tiếp, là một quan điểm thiển cận bởi nếu mở rộng việc miễn thị thực thì lượng khách đến có thể tăng thành 160.000, tính luôn tiền lưu trú, ăn ở nhiều ngày với mức chi tiêu trung bình 102 đô la một người thì tổng chi tiêu sẽ tăng thêm khoảng 200 triệu đô la. Như vậy, ngành du lịch khách sạn sẽ đóng góp khoảng 20 triệu tiền thuế giá trị gia tăng, 180 triệu còn lại có thể dành cho việc hỗ trợ đầu tư tư nhân hoặc đóng góp cho thị trường lao động.
Dựa trên số liệu đưa ra tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp giữa kỳ, ông Ken Atkinson khuyến nghị Việt Nam nên có cái nhìn tổng thể và thuận lợi hơn cho ngành du lịch, nên cân nhắc việc miễn giảm thị thực cho các quốc gia mà ông nêu tên ở trên.
Về tựa đề du lịch Việt Nam mất hàng trăm đô la vì “tham bát bỏ mâm” trên báo VNExpress, ông Nguyễn Văn Mỹ, thành viên Hội Đồng Quản Trị Công Ty Du Lịch Lửa Việt, nhận định:
“Cái đó không sai, đại để là thấy cái lợi trước mắt mà quên cái lợi lâu dài. Người ta bảo thả con tép bắt con tôm, nhưng chủ trương chẳng thà bắt con tép vì tép mình bắt được liền còn con tôm mình phải nuôi nó lớn, tư duy đó cũng khá phổ biến ở Việt Nam.
Chẳng hạn như Singapore miễn thị thực cho 157 nước, Malaysia 145 nước, Thái Lan cũng sáu mươi mấy nước nhưng Việt Nam chỉ có 45 nước miễn thôi, trong đó chỉ 13 nước là miễn hộ chiếu phổ thông. Tại sao người ta không chịu miễn? Bởi vì thứ nhất một cái visa vào việt Nam hiện nay khoảng 45 đô, nếu mình miễn thì có thể các ngành liên quan như là Công An Biên Phòng, Cục Xuất Nhập Cảnh Bộ Ngoại Giao sẽ mất nguồn thu trước mắt. Nhưng nếu mở của cho họ thì lượng khách du lịch sẽ vào đông hơn và mình sẽ có nguồn thu lớn hơn, Cục Xuất Nhập Cảnh mất 45 đô nhưng nhà nước Việt Nam sẽ được 1.000 đô chẳng hạn. Đó là cái người ta đang gọi là tham bát bỏ mâm.”
Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Mỹ khẳng định, việc thị thực visa khó khăn hay việc chậm bãi miễn visa thực tế không hẳn là rào cản lớn nhất của du lịch Việt Nam:
“Cái đó không sai nhưng tôi nghĩ là chưa chính xác, chuyện gì cũng phải từ hai phía. Vừa rồi Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam có tổ chức hội thảo, đề nghị chính phủ tiếp tục mở rộng visa cho một loạt mười mấy nước. Nhưng tôi muốn nói là kể cả những nước mà mình miễn visa đơn phương cho họ thì khách cũng không tăng.
Xin visa vào Mỹ rất khó mà tại sao người ta vẫn sắp hàng người ta đi? Kể cả Việt Nam muốn đi Hàn Quốc, trước khi bị bệnh dịch vừa rồi đó, thì phải ký quĩ cả trăm triệu và xin rất khó, nhưng người Việt Nam vẫn đi Hàn Quốc rất đông. Thế thì cái visa, cái rào cản visa không hẳn là nguyên nhân chính. Bảo thật Việt Nam mà có cho không thì có nhiều người cũng không chịu đi là bởi vì sao? Vấn đề là môi trường du lịch, đó mới là rào cản chính.”
6 vấn đề du khách rất sợ khi tới VN
Hôm thứ Năm, bản tin trên báo Tiền Phong trích dẫn lời phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói với báo chí rằng có 6 vấn đề mà du khách quốc tế rất sợ khi tới Việt Nam.
Thứ nhất, ông nói, tình trạng làm giá, chặt chém khiến khách du lịch cảm thấy bị xem thường, từ đó mất thiện cảm với người Việt.
Thứ hai, người nước ngoài rất sợ giao thông Việt Nam, nhất là tình trạng xe cô di chuyển không an toàn ở các thành phố lớn.
Thứ ba, tình trạng ăn xin và ăn cắp vặt, có những người giả làm hành khất đeo bám xin xỏ làm khách sợ hãi và có ấn tượng không tốt với Việt Nam.
Thứ tư là tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh các quán hàng ở lề đường hay người bán rong bốc thức ăn mà không có bao tay. Thứ năm là vấn đề vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh công cộng dơ bẩn, cảnh người xả rác bừa bãi . Và nỗi sợ thứ sáu của khách du lịch là cảm nhận được thái độ bất lịch sự của người bán hàng khi khách chỉ hỏi giá mà không mua.
Chúng tôi là những người trong cuộc đã nói cách đây 15 năm rồi, từ lúc bắt đầu làm du lịch tới giờ luôn. Có lẽ vì mình thấp cổ bé miệng, mình nói họ không nghe. Nhưng cũng câu nói đó mà lãnh đạo nói thì có khi nó trở thành thần chú, trở thành ghê gớm chứ còn người dân bình thường nói thì chả ai để ý cả. <br/> -Ông Nguyễn Văn Mỹ
Những chuyện như vậy có thể giải quyết không tốn kém mà còn giúp cho ngành du lịch Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn, phó thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.
Tự đặt câu hỏi Việt Nam có phong cảnh đẹp, con người tốt mà tại sao du lịch lại thua kém các nước, tại sao Thái Lan, Malaysia thu hút 27 đến 30 triệu lượt khách mỗi năm, Singapore 15 hay 16 triệu lượt khách mỗi năm. Mặt khác, về thu nhập thì mỗi năm du lịch Thái Lan đạt 50 đến 60 tỷ đô la trong lúc Việt Nam chỉ được chừng 10 tỷ, lượt khách chỉ được 8 triệu, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu giải quyết được 6 điểm làm du khách nước ngoài sợ thì không cần tốn tiền mà du lịch Việt Nam cũng lên được.
Đây chính là vấn đề mà những người hoạt động trong ngành du lịch lữ hành trăn trở bao năm nay chứ không đợi đến giờ mới lên tiếng. Ông Nguyễn Văn Mỹ của công ty Lửa Việt:
“Ngày hôm nay báo chí đồng loạt đưa tin về những lời phát biểu của phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Lần đầu tiên một quan chức cao cấp trong chính phủ thừa nhận một yếu kém rất thực tế. Còn chúng tôi là những người trong cuộc đã nói cách đây 15 năm rồi, từ lúc bắt đầu làm du lịch tới giờ luôn. Có lẽ vì mình thấp cổ bé miệng, mình nói họ không nghe. Nhưng cũng câu nói đó mà lãnh đạo nói thì có khi nó trở thành thần chú, trở thành ghê gớm chứ còn người dân bình thường nói thì chả ai để ý cả.”
Trở lại chuyện thị thực visa cho ngành du lịch, đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông bày tỏ:
“Nó liên quan đến con người, đến nhóm lợi ích, đến vấn đề tiêu cực, nhưng đây là căn bệnh mà Việt Nam đã nhìn thấy. Tôi được biết chính phủ cũng đã có chủ trương khắc phục việc quản lý visa, đây là tín hiệu đáng phấn khởi. Việt Nam đang tập trung cải cách thủ tục hành chính rườm rà, tránh những điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như niềm tin của người dân cũng như bạn bè quốc tế trong đó có vấn đề cấp thủ tục visa cho khách quốc tế.”
Còn theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cải thiện những điểm xấu và tiêu cực trong ngành du lịch là công việc mà nhiều địa phương, nhiều ngành phải vào cuộc. Theo ông thì không cần thực hiện những thứ cao siêu mà phải bắt đầu sửa đổi từ những chuyện nhỏ.
Ông phó thủ tướng còn nhấn mạnh là hãy để du khách nước ngoài nhìn Việt Nam như một đất nước và một dân tộc có văn hóa.