Cảnh sát Campuchia đã bắt giữ 15 người Việt vượt biên trái phép đến chặt gỗ ở tỉnh Mondulkiri giáp Tây Nguyên của Việt Nam.
Gần 100 người dân từ nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở tỉnh Mondulkiri của Campuchia đã vây bắt 15 người Việt lúc đang khai thác gỗ trái phép tại khu bảo tồn rừng thiên nhiên thuộc huyện Pechr Cheada.
Những người Việt bị bắt nằm cách biên giới Việt Nam khoảng 2 cây số với nhiều tang chứng như súng trường tấn công (M16), 7 chiếc máy cưa cây và chặt gỗ, 4 chiếc xe ô tô tự chế để chở gỗ, 9 xe gắn máy và thu được gỗ đã chặt xong khoảng 4m3.
Ông Ya Narin, Chánh tòa án sơ thẩm tỉnh Mondulkiri nói với RFA ngày 14/3 rằng 15 người Việt nói trên đang bị tạm giam tại tỉnh kể từ ngày Thứ Ba đến nay. Hiện cảnh sát đang điều tra và hoàn tất hồ sơ xử lý vụ vượt biên và chặt gỗ trái phép tại khu bảo tồn rừng thiên nhiên.
Những người Việt bị bắt nằm cách biên giới Việt Nam khoảng 2 cây số với nhiều tang chứng như súng trường tấn công (M16), 7 chiếc máy cưa cây và chặt gỗ, 4 chiếc xe ô tô tự chế để chở gỗ, 9 xe gắn máy và thu được gỗ đã chặt xong khoảng 4m<sup>3</sup>
Theo ông, nay 15 người Việt bị bắt vẫn chưa có luật sư bào chữa. Thẩm phán của tòa sơ thẩm vẫn tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để bắt thêm băng nhóm đưa họ vượt biên.
Ông Ya Narin nói: "Chúng tôi đang điều tra thêm đường dây đưa người Việt sang chặt gỗ trái phép. Họ nói có người Khmer giúp mở đường. Hiện chúng tôi có đầy đủ bằng chứng để cáo buộc họ chặt gỗ trái phép. Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ và sẽ đưa ra xét xử trong vòng một tháng."
Trong khi đó, Sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh vẫn chưa có kế hoạch nào để giúp đỡ hay bảo vệ những người bị bắt.
Ông Trần Văn Thông, Tham tán phụ trách chính trị, đối ngoại và người phát ngôn của Sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh nói rằng: "Tôi nghĩ rằng phía Campuchia sẽ giải quyết theo luật pháp của Campuchia."
Cộng đồng người dân huyện Pechr Chenda và nhà bảo vệ môi trường thuộc tổ chức ADHOC có trụ sở tại tỉnh Mondulkiri cũng cho biết vừa qua đã có rất nhiều vụ người Việt vượt biên chặt gỗ trái phép và vận chuyển gỗ quý sang Việt Nam nhưng không có cơ quan chức năng nào can thiệp.
Đối với những người Việt bị bắt tại Campuchia, sau đó cũng được thả vì lý do quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các tỉnh giáp biên giới của hai nước hoặc là do nhận hối lộ.