Để có câu trả lời từ nhiều thành phần xã hội, tầng lớp, khuynh hướng, vị trí, kiến thức khác nhau, RFA chúng tôi liên lạc với Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động dân chủ ở Hà Nội từng bị giam cầm nhiều năm để hỏi ý kiến ông về câu nói được lưu truyền lâu nay ở Việt Nam, nói rằng “Cán bộ thực sự phải là công bộc của dân”, ông Đài đáp:
“Câu nói này đã được rất nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam, trải qua rất nhiều thế hệ, thường xuyên tuyên bố như vậy. Nhưng khi nhìn vào việc làm thực tiễn của cán bộ, công chức Việt Nam thì thấy ngược lại họ chẳng bao giờ là công bộc của dân cả. Họ luôn đóng vai trò là người chủ của đất nước, của nhân dân, chứ không phải là công bộc của dân.
Người dân Việt Nam chưa bao giờ được hỏi là họ cần gì? Để được đáp ứng, trái lại, họ đưa ra những văn bản, kế hoạch bắt buộc dân phải thực hiện, như người ta thấy qua vụ Tiên Lãng hay bao nhiêu vụ việc khác, mà người dân khắp nơi đi khiếu kiện thì thấy họ chưa bao giờ là công bộc mà chính là người chủ của nhân dân”
Kế đó, từ Đồng Nai, Mục sư Thân Văn Trường, cựu bộ đội miền Bắc, người thường lên tiếng cho dân oan, khắp mọi miền, trình bày những suy tư của mình để trả lời cùng câu hỏi đó, ông so sánh như sau :
“Tôi nhớ đến di chúc của Bác Hồ nói rằng “phải giữ gìn Đảng ta thật là trong sạch, phải xứng đáng là lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Những điều phát biểu từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Chủ tịch Trương Tấn Sang, đều đúng cả. Nhưng qua những lời nói đó, tôi chợt nhớ lại lời nói của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rằng “đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy theo dõi những gì họ làm” đại ý tôi nhớ cái tinh thần, chứ không nắm rõ nguyên văn, tức là hãy xem những công việc mà họ thực hiện.
Lời nói lịch sử từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các lãnh đạo về sau, nhưng trên thực tế thì không phải như vậy, mà theo tôi, tất cả đều là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản thôi, tức là dối trá, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mang về Việt Nam, rồi những người thực hiện cũng lợi dụng đó mà cướp đất của dân, làm những điều gây bao nhiêu tình trạng lộn xộn ở đất nước này.
Cũng vì sự dối trá, tôi nghĩ rằng, tuyên truyền của cộng sản rất tốt, rất thành công, vì cho đến ngày nay, họ cướp bóc của dân như vậy, mà nhiều người vẫn còn cho rằng đường lối của đảng là tuyệt đối đúng, chỉ những cấp dưới thừa hành mới làm sai.
Theo quan điểm của tôi thì nó sai từ cái học thuyết cộng sản và nó sai từ khi ông Hồ Chí Minh đem về áp dụng cho đất nước Việt Nam cái chủ thuyết dối trá, cho nên mới để lại cái thực trạng như bây giờ.”
Qua thông tin và hình ảnh gởi đi từ Sài Gòn, RFA được biết là sáng ngày thứ 5, 16 tháng 2 vừa qua, gần 200 dân oan, từ các tỉnh Miền Tây, như Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Vũng Tàu, tập trung về văn phòng khiếu kiện tại 210 Võ Thị Sáu, để đòi công bằng, dân chủ, nhân quyền, sau đó trên 150 người bị công an ép buộc quay về nguyên quán.
Một trong những phụ nữ dân oan thuật lại hoàn cảnh đau xót của chị:
“Ý kiến của tôi bây giờ là 9 năm trời rồi, nhà cửa không có, phải đi lang thang, ở trọ đầu này, đầu kia, quá khổ nên chỉ mong nhà nước giải quyết, tôi phải đi lượm bọc để kiếm tiền đi khiếu kiện. Mong Thủ tướng và nước ngoài có lòng từ thiện, bác ái nghỉ tới người dân chúng tôi, mau sớm có nhà ở. Tại sao ổng không ngó ngàng, quan tâm gì đến dân, họ phải ngồi đầu đường, xó chợ, đi toilet cũng không cho đi, mà lại xua đuổi, chúng tôi phải đi tưới ngoài đường luôn, tham nhũng mới làm khổ dân chúng như vậy”
Chị cho biết tên thật và kể thêm về những gì mắt thấy tai nghe trong suốt bao nhiêu năm ròng rã cùng bà con khác đi khiếu kiện đòi công
bằng, lẽ phải:
“Tôi tha thiết yêu cầu và mong các ổng xem xét cho người dân chúng tôi, đau bệnh mà không có tiền uống thuốc, bao lâu nay nằm mưa, dãi nắng, trời mưa cũng không cho mình vô bên trong mà đóng cửa lại, nên chúng tôi phải ngồi ngoài trời, đội mưa, nắng vậy.
Tôi tên Trương Thị Dung. 11 hộ chúng tôi trong khu công nghiệp bị cưỡng chế hết, không còn nhà cửa, kẻ thì bị tai biến mạch máu não, kẻ bị bệnh sơ gan, cũng có trường hợp dân oan chết.
Hồi xưa tôi đi làm mướn. Nếu hỏi có tin mấy ổng không, tin thì có tin nhưng 8, 9 năm nay rồi, không ông nào quan tâm, chiếu cố cho người dân chúng tôi.
Có khi họ đem giấu chúng tôi trong chốn hẻo lánh, địa phương không tiếp mà còn cho công an lại, đe dọa chúng tôi. Nay chỉ ăn bọc cơm 4 ngàn với muối ớt, ăn để sống lâu dài, đi khiếu kiện để đòi lại tài sản đất đai của mình.”
Dư luận trong nước cho rằng nếu đảng, nhà nước và chánh phủ luôn thực thi nghiêm chỉnh tôn chỉ “Cán bộ thực sự phải là công bộc của dân” được nêu lên từ năm 1945 đến giờ thì bao nhiêu hiện tượng tiêu cực như một phụ nữ dân oan vừa mới bày tỏ đã và sẽ không xảy ra tại Việt Nam và không còn kéo dài bất tận.