Đời thương thuyền trên chợ nổi Cái Răng

0:00 / 0:00

Chợ nổi Cái Răng thuộc huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, là khu chợ đặc biệt nhất Việt Nam, tính trực quan trong cách bày bán hàng hóa cũng như sự chân chất, thật thà của người bán hàng miền Tây, có lẽ, hiếm nơi nào có được. Sáu giờ sáng, chúng tôi có mặt ở khu chợ, lúc này, mặt trời chỉ mới ló dạng phía đằng đông, nhưng âm thanh í ới người mua kẻ bán, tiếng xuồng máy nổ vang cả một khúc sông dài, ước chừng 2 kilomet.

Thủ phủ hàng nông sản

Chợ nổi Cái Răng bán các loại hàng nông sản như khoai mì, mía, đậu, dứa, dưa hấu, sắn dây, thơm, khóm và các loại trái cây miệt vườn là chính. Lẫn trong những người bán hàng nông sản, thi thoảng, xuất hiện vài chiếc xuồng bán cà phê, bán trái cây hoặc các món ăn điểm tâm, họ lái một chiếc xuồng máy chở đầy nồi niêu, xoong, chảo, chén bát và các món ăn như hủ tiếu Nam Vang, chè khoai môn, thạch dừa, bánh xèo… Một người bán dứa tên Thắm, đến từ Vĩnh Long, cách Cái Răng hơn tám giờ đồng hồ chạy xuồng máy, theo ước đoán, tương đương với 200km, cũng giống nhiều nhà thuyền khác, chị này không có nhà, quanh năm sống trên chiếc thuyền gắn máy 5 mã lực, cứ đến mùa trái cây, chị lại vào các miệt vườn, mua trái cây chất đầy thuyền rồi xuôi về Cái Răng bán, mươi ngày, nửa tháng, hết trái cây, chị trở lại Vĩnh Long mua tiếp.

Bé Hưng, con trai của chị Thắm, năm nay 13 tuổi, đã lênh đênh theo chị suốt nửa tháng nay trên các bến sông, kể với chúng tôi rằng nhiều khi cả hai tháng trời, em và mẹ cứ quanh quẩn trong khoang thuyền ra mũi thuyền rồi lại trở vào, nhiều khi nhìn các bạn đi bộ cùng cha mẹ, em thèm vào trong bờ, thèm lội bộ trên đất đến muốn khóc. Nhưng không thể được, vì em phải lo vuốt gạo, nấu cơm và phụ mẹ đi chợ, nói là đi chợ nhưng thực tế là ngồi trên thuyền, đợi những thuyền khác có treo thịt heo, mắm, muối trên sào đi ngang qua, mình gọi họ đến bán.

Nói về cây sào có treo các thứ cần bán, Hưng kể chuyện linh hoạt, khí thế hẳn lên, em nói rằng ở chợ nổi Cái Răng có điểm đặc biệt nhất mà không có chợ nào có được, đó là bất kỳ thứ hàng hóa nào cũng được trình bày trên cây sào cao chừng 5 mét ở đầu mỗi thuyền, ví dụ như thuyền bán bắp thì sẽ thấy một chùm bắp treo trên đầu sào, thuyền bán thịt heo cũng thế, em thích nhất là thuyền bán dưa hấu, cách treo quả dưa hấu to lớn lên đầu cây sào nhỏ xíu nhìn rất thú vị và thân phận, nó chông chênh chẳng khác mấy so với đời sống lênh đênh trên sông nước của gia đình em và các gia đình vạn chài khác.

Một người bán nước giải khát tại Chợ nổi Cái Răng thuộc huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ hôm 08 tháng 6 năm 2013. RFA PHOTO.
Một người bán nước giải khát tại Chợ nổi Cái Răng thuộc huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ hôm 08 tháng 6 năm 2013. RFA PHOTO.

Hưng nói thêm rằng em còn có một người anh trai, năm nay 18 tuổi, đang học trung học phổ thông trong bờ, còn em thì học vừa xong tiểu học, em định sẽ học tiếp chương trình bổ túc văn hóa ở cấp 2, vì học như vậy, ít tốn kém học phí hơn và có thể tranh thủ đi học ban đêm, hơn nữa, cũng giống như bao bạn cùng lứa từ nhỏ sống lênh đênh trên sông nước, em đến trường rất muộn. Riêng người anh trai của em vì là cháu đức tôn của ông bà nội em nên được sống với ông bà nội trên bờ, được đi học đúng tuổi. Kể đến đây, gương mặt của Hưng đượm buồn.

Chúng tôi tiếp tục xuôi đò sang những thuyền bán trái cây, rau, đậu, dầu, mè, mắm, muối khác. Mỗi thuyền đều có một cây sào cao 5 hoặc 6 mét treo thức hàng cần bán thay cho bảng hiệu. Một người dân huyện Cái Răng, Cần Thơ, tên Bé Hai, đi bán cà phê và thức ăn sáng trên thuyền, chia sẻ với chúng tôi rằng việc kiếm cơm bây giờ rất vất vả, nếu như trên bờ vất vả một thì dưới nước vất vả mười.

Kinh đô của những cô dâu Việt

Anh Bé Hai nói rằng những năm trước đây, tình hình kinh tế ít khó khăn hơn bây giờ, làm một người lái thuyền xuôi ngược bán thức ăn trên các bến sông, trải qua đủ chuyện vui buồn, bây giờ, đến tuổi 50, anh mới thấm thía nỗi buồn của một kiếp người lênh đênh theo sông nước, đến khi về già, muốn tìm một mảnh đất cắm dùi cũng không tìm được, vì đất đai bây giờ đắt đỏ hết sức, có nằm mơ cũng không mua nổi miếng đất làm nhà.

Anh cho biết thêm, phần lớn những người trôi sông lạc chợ trên các dòng sông miền Tây đều có hoàn cảnh na ná giống anh, nghĩa là con cái không được học hành, sống rày đây mai đó, không có nhà cửa ổn định và làm được ngày nào ăn ngày đó, tài sản duy nhất là chiếc ghe và cũng là cái để che mưa che nắng, trú thân qua mùa, thậm chí, với nhiều người, đó còn là chiếc áo quan khi nhắm mắt xuôi tay.

Với mức thu nhập bình quân mỗi ngày từ ba mươi đến một trăm năm mươi ngàn đồng, ngày nào khách du lịch đi nhiều thì kiếm được kha khá từ các khoản bán nước dừa, cà phê, ngày nào không có tàu thuyền du lịch ghé qua, cả gia đình đều dựa vào nồi bánh canh của chị Ba, vợ anh. Nghề bán trên sông nước bây giờ cũng gặp nhiều khó khăn vì giá xăng dầu tăng, giá các loại thực phẩm tăng, nói chung là vật giá leo thang, trong khi chuyện kiếm tiền ngày càng trở nên eo hẹp, chật vật.

Trước đây, anh chị ít bận tâm chuyện nào khác ngoài vấn đề nấu thức ăn cho ngon, pha cà phê cho thơm để bán, còn bây giờ, mối bận tâm mỗi sáng lại là chạy tuyến đường như thế nào cho đỡ hao phí xăng dầu, bán như thế nào để có đủ lãi mà mua thức ăn và mua xăng dầu chạy tiếp cho ngày mai.

Sau một hồi trò chuyện, giải bày, anh Bé Hai thú thật là anh vừa gả hai đứa con gái lớn cho người Đài Loan, ở trên chợ nổi Cái Răng này người ta gả con cho nước ngoài nhiều vô kể, vì chỉ có cách này mới cứu vớt được đứa con và nếu may mắn hơn thì cứu luôn gia đình thoát kiếp lênh đênh sông nước. Anh vẫn biết là gả con cho người nước ngoài rất nguy hiểm, có thể mất con, nhưng trong tình thế của anh cũng như bao người vạn đò khác, nếu không gả như thế, không chừng đứa con gái đến tuổi, tự lên bờ, tự tìm công việc nào đó, và cái gọi là công việc nào đó ấy lại là bi kịch cho tương lai của nó. Thôi thì gả liều, nhắm mắt xuôi chân vậy!

Chợ nổi Cái Răng vào những lúc đông chợ có thể lên đến cả ngàn thương thuyền, vạn đò, nhất là dịp Tết và các dịp lễ, khu vực tập trung chợ cũng là nơi có dòng chảy xiết, độ sâu từ 15m đến 45m. Nhưng, dường như độ sâu và dòng chảy cuồn cuộn của con sông chẳng thấm gì so với dòng xoáy cuộc đời của những số phận, những con người đang neo đậu bên trên nó.

Nhóm phóng viên tường trình từ Cần Thơ, Việt Nam.