Từ những nhân vật thời xa xưa do trong truyện sách ghi lại, mà người ta hình dung ra cách họ ăn mặc rườm rà, cờ quạt mang đầy mình, cùng binh khí đánh trận để dựng lên sân khấu như: Vua chúa, hoàng hậu, thứ phi, nguyên soái, văn võ báo quan... đã một thời làm say mê khán giả hát bội, và cải lương hồ quảng. Rồi đến khi diễn tuồng xã hội thời cận đại thì sân khấu có Quan Huyện, Quan Tòa, Hội Đồng, phú hộ, nông dân tá điền…, và dĩ nhiên nhân vật “nhà sư” cũng lên sân khấu luôn, bởi các thầy cũng là một thành phần trong xã hội.
Trong Quan Âm Thị Kính
Nhà sư trong cải lương trước tiên có lẽ là vị sư ở chùa Vân trong tuồng Quan Âm Thị Kính. Lúc chú tiểu Kỉnh Tâm, tức bà Thị Kính bị Thị Mầu vu oan giá họa, nên bị nhà Làng tra khảo. Dù chưa biết oan hay ưng, cũng như không biết Kỉnh Tâm là bà Thị Kính giả trai, nhưng thấy cảnh đánh đập khảo tra ấy, nhà sư đau lòng, ông đã lãnh Kỉnh Tâm về chùa.
Cũng vai vị sư ở chùa Vân này, mà nghệ sĩ lão thành Bảy Nhiêu kiếm được món tiền khá lớn, dù rằng ông đã nghỉ hát từ lâu. Năm 1956 nghệ sĩ Năm Châu hợp tác với hãng phim Mỹ Vân quay cuốn phim Quan Âm Thị Kính. Cuốn phim có tựa đề dễ ăn khách này Năm Châu chủ trương “gia đình trị”. Nói rõ hơn là gia đình ông đảm trách hầu hết các vai quan trọng:
Đào Kim Lan (cô em vợ trẻ đẹp của Năm Châu) đóng vai Thị Kính; bà xã Kim Cúc của ông đóng vai Thị Mầu; ông già vợ là nghệ sĩ Bảy Nhiêu vai sư cụ; con gái của Năm Châu tức đào Nguyệt Thu năm đó mới 9 tuổi đóng vai Đạo Đồng (Đạo Đồng là con của Thị Mầu nhưng lại là con nuôi của bà Thị Kính); và bản thân Năm Châu thì đóng vai Thầy Hương Giáo. Như vậy gia đình Năm Châu nắm hầu hết vai trò quan trọng trong phim.
Đóng cuốn phim ấy “nhà sư” Bảy Nhiêu hy sinh bộ tóc mây đẹp để nhận 10 ngàn đồng. Mười ngàn thời điểm đó Bảy Nhiêu mua được chiếc Mobylette mới tinh và 2 lượng vàng y.
Trong Lan và Điệp
Kế tiếp là vị sư trong vở hát Lan và Điệp của soạn giả Tư Trang, tức Trần Hữu Trang, phóng tác theo tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” của Nguyễn Công Hoan. Tình tiết vở hát Lan và Điệp hầu như khán giả cải lương ai cũng biết qua, do bởi tuồng hát đi hát lại không biết bao nhiêu lần rồi, các gánh lớn, nhỏ đều có diễn qua tuồng này, bởi có hát là có khán giả; 7 thập niên qua rồi vở tuồng vẫn còn giá trị (riêng tôi coi tuồng Lan và Điệp trên cả chục lần).
Nhà sư, tức vị hòa thượng trong Lan và Điệp đã gây xúc động cho khán giả, lúc ông trao chiếc áo cà sa cho Điệp, để Điệp giả dạng hòa thượng vào chốn hậu liêu chứng minh cho Lan trao gởi nỗi niềm tâm sự.
Hai chú tiểu dẫn Điệp vào. Lan mệt nhọc trăn trối một lúc thì hấp hối... Điệp vội vàng cởi chiếc áo cà sa trao nhanh cho chú tiểu rồi chạy tới ôm Lan, và Lan thở hơi cuối cùng trên tay Điệp. Soạn giả Tư Trang đã làm cho hàng vạn khán giả rơi lệ ở cảnh này.
Nhà sư Giác Minh
Ngoài 2 nhà sư trong 2 tuồng nói trên, thời kỳ trước 1975 thỉnh thoảng cũng có tuồng mà soạn giả cho nhà sư xuất hiện, nhưng với vai trò khiêm nhường, vai phụ không gây được ấn tượng cho người xem nên người ta rất khó nhớ hình ảnh cũng như hành động của các sư, trừ vai trò chính yếu của nhà sư Giác Minh.
Số là, một đoàn hát nhỏ dạng “C” hát tại một xã thuộc tỉnh Phú Yên ở ngoài Trung. Đêm ra mắt vở tuồng mới “Bí Ẩn Thiếu Lâm Tự”, khán giả rủ nhau đi xem hát thật đông, trong đó có nhiều vị sư ở các chùa cũng đi coi.
Câu chuyện trong kịch bản tập trung vào nhân vật chính là một vị hòa thượng pháp danh Giác Minh do kép Thanh Hậu đóng. Giác Minh xuất thân từ một ngư phủ... Đêm ấy, ông và một người bạn thân rủ nhau xuôi thuyền ra biển đánh cá. Giữa đường người bạn của Giác Minh có chuyện phải quay về, Giác Minh đành đi một mình. Trời bỗng nổi giông gió, Giác Minh phải quay thuyền cập bến. Ông về nhà lúc nửa đêm chợt thấy một chuyện động trời:
Người bạn thân cùng đánh cá với ông hằng ngày và vợ ông đang ngoại tình. Giác Minh giận quá chỉ vào mặt đôi gian phu dâm phụ chửi mắng thậm tệ. Quá hổ thẹn, cả hai người này đều tự sát. Lòng ông cảm thấy ăn năn nên quay đầu quy y cửa Phật, hòng quên chuyện hồng trần.
Mười mấy năm trôi qua ông trở thành một cao tăng, võ công thâm hậu nhưng vẫn không màng lợi danh. Trái lại ông hết lòng hướng thiện, cứu giúp đời. Nhưng oan gia vẫn không tha sư Giác Minh. Hai người con của bạn ông vẫn tìm ông để trả thù. Do nóng nảy thù chưa trả được mà một người đã bị nạn tai đến mù đôi mắt. Nhà sư Giác Minh đã ra tay cứu giúp bằng sự hy sinh đôi mắt của mình. Thế rồi từ chỗ bị xem là kẻ tử thù, giờ đây Giác Minh đã trở thành người ân của họ.
Nhân vật sư Giác Minh đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, nên khi tuồng hát đã vãn mà nhiều người vẫn không chịu về. Ai nấy đều lấy tay hoặc vạt áo để lau nước mắt. Dưới khán giả bỗng có tiếng nói to:
“A Di Đà Phật, lành thay, lành thay!”
Hầu hết mọi người đều hướng mắt về nơi phát ra âm thanh đó. Rất nhiều nhà sư mặc áo vàng đi chân đất, dẫn đầu là một vị sư đã có tuổi tay chống thiền gậy đang tiến lên sân khấu. Trên tay vị sư nào cũng có một bó hoa. Vị cao tăng bước tới trước mặt sư Giác Minh (do Thanh Hậu đóng) tặng hoa rồi ông vỗ lên đầu Thanh Hậu:
“Con hát vai này đạt lắm, hay lắm. Các sư đây ai cũng khóc cả.”
Sau đó vị cao tăng mời Thanh Hậu cùng toàn thể anh chị em trong đoàn đến viếng chùa của mình và thiết đãi cơm chay. Nhiều đồng nghiệp trong đoàn thấy vậy mới trêu ghẹo Thanh Hậu: “Sư giả mà được sư thật khen ngợi thì hên lắm đó! Mai nhớ đãi tụi này một chầu ăn sáng nghen hôn!”
Cải lương cũng có những tuồng mà người nghệ sĩ phải chấp nhận xuống tóc mới được đảm trách vai trò, có nghĩa là phải bằng lòng thí phát cạo đầu như qui y thật sự vậy.
Nhà sư "Quốc Kiệt"
Về câu chuyện “nghệ sĩ nhà sư” thì có lần quay video cảnh ở chùa Trúc Lâm mà nghe qua ai cũng buồn cười. Hôm bữa đó trời mưa nên cả đoàn đứng bên hiên chùa chờ cơn mưa tạnh để quay tiếp. Khách đến lễ chùa thấy nghệ sĩ Quốc Kiệt trong bộ áo nhà sư nên hỏi:
“Chào thầy, thưa ở đây có sư phụ (hỏi vị sư nào đó).”
Quốc Kiệt chắp hai tay đáp lễ:
“Bạch thí chủ, tui mới tới đây chưa quen, thí chủ cứ vào thẳng bên trong sẽ gặp sư phụ.”
“Cám ơn.”
Đợi khách đi khuất cả đoàn làm phim cười rần lên vì lớp “diễn” ngoài vở tuồng của Kiệt.
Hết cảnh quay, Quốc Kiệt đi vòng vòng rồi lọt vô một nơi cây cảnh thật đẹp. Đang thả hồn lơ mơ, bỗng có bốn cô sư nữ xuất hiện. Một cô khoảng gần 40 và ba cô trẻ hơn, mặt trắng hồng xinh đẹp (nói vậy chớ người ta đi tu rồi, Quốc Kiệt không có cảm giác gì đâu).
Vị sư nữ lớn tuổi đầy vẻ nghiêm chỉnh khuyên Kiệt:
“Số cậu không tu trước cũng tu sau, nên tu trước tốt hơn.”
“Không được đâu! Con còn nặng nợ hồng trần, chưa dứt được.”
“Nãy nghe nói cậu là nghệ sĩ? Trong chùa có ông Thần Hộ Pháp chấm cậu rồi đó. Sau này cậu khó ra khỏi chỗ nầy, chẳng đi đâu lâu được đâu...”
Quốc Kiệt hoảng hồn, nhớ tới mẹ. Hồi Kiệt mới cạo đầu thấy mẹ lo, vì có lần mẹ đi chùa có vị sư tiên đoán số mạng của Kiệt sau này theo đường tu...
Bỏ đi, mà Kiệt cứ ngoái đầu nhìn lại. Thấy họ ngó theo, cười. Kiệt tự hỏi: Có phải mấy sư nữ tinh nghịch chọc ghẹo mình chăng? Hay thực sự mình có duyên với nhà Phật? Trời ơi! Con còn nhiều việc chưa làm…
Bộ dĩa Quan Âm Thị Kính được hãng Asia thu thanh phát hành vào thập niên 1930, những người đóng vai đều qua đời, nhưng tiếng ca còn lưu lại.