Thân nhân các thanh niên công giáo bị tù kêu cứu

Việc đấu tranh kêu oan cho những người thân bị kết án trong phiên tòa diễn ra hai ngày 8 và 9 tháng 1 vừa qua tại Nghệ An được chính các thân nhân của 14 người đưa ra trong văn bản có tên Bản lên tiếng phản đối phiên tòa phi pháp tại Vinh ngày 8 và 9 tháng 1 năm 2013. Bản lên tiếng đó được công khai trên mạng Internet từ ngày 27 tháng giêng vừa qua.

Tự thân kêu gọi

Căn cứ vào những điểm bị cho là phi pháp, đại diện của 14 thanh niên Công giáo và Tin lành trong vụ việc đó kêu gọi chính quyền Việt Nam hiện nay phải trả tự do cho người thân của họ.

Ngòai ra những người thân của 14 người đang bị tù còn mang Bản Lên tiếng đến với người khác để trình bày vấn đề và lấy chữ ký của họ. Tính đến những ngày cuối tháng hai này, số chữ ký đồng thuận với việc kêu gọi chính quyền trả tự do cho 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành vừa nói đã lên đến con số cả chục ngàn người.

Anh Hồ Văn Lực, em trai của anh Hồ Đức Hòa, một trong ba người bị kết án 13 năm tù, nặng nhất tại phiên xử ở Vinh hồi hai ngày 8 và 9 tháng giêng,2013 trình bày lại cách thức làm việc thu thập chữ ký cho Bản lên tiếng mà thân nhân của những người bị kết án đưa ra:

“Chúng tôi không lấy danh nghĩa của một tổ chức nào cả mà là vì gia đình thấy việc làm của chính quyền đối xử sai trái, việc làm không đúng của chính quyền để có tiếng nói nói lên sai trái đó của chính quyền. Người ta sẵn sàng ký và rất mừng khi có đại diện gia đình đến.”

Ủng hộ rộng rãi

Thông tin cho biết chính hai vị giám mục Cao Đình Thuyên và Ngô Quang Kiệt đã ký tên vào Bản Lên tiếng đó. Ngòai ra có những vị lãnh đạo tinh thần một số tôn giáo khác cũng ký tên ủng hộ kêu gọi trả tự do cho 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành mà họ cho là bị kết án tù một cách phi lý.

Thượng tọa Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cho biết lý do vì sao ông tham gia ký tên vào Bản Lên tiếng đó:

Chúng tôi không lấy danh nghĩa của một tổ chức nào cả mà là vì gia đình thấy việc làm của chính quyền đối xử sai trái, việc làm không đúng của chính quyền để có tiếng nói nói lên sai trái đó của chính quyền.<br/>Anh Hồ Văn Lực

“Việc chúng tôi ký vào đơn đề nghị chế độ trả tự do cho 14 anh em ở Vinh vì tinh thần yêu nước, họ đòi hỏi những vấn đề công bằng, công lý và những vấn đề cho đất nước. Không chỉ riêng những anh em này mà trong hằng chục năm qua, nhiều nhà dân chủ, nhiều tôn giáo cũng bị đàn áp. Nhiều người dấn thân cho đất nước như chúng tôi đều có lên tiếng và mong cầu chế độ thức tỉnh, cũng như thức tỉnh lương tâm thế giới- các tổ chức và các quốc gia tiến bộ có tấm lòng chung trong tình nhân lọai lên tiếng can thiệp phần nào cho tình cảnh nhân quyền, tự do dân chủ, cũng như tự do tôn giáo ở quê nhà đang bị đàn áp một cách rất nặng nề.”

Chuyện nhà ra chuyện nước

Được biết những thân nhân của 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành đưa ra Bản Lên tiếng phản đối phiên tòa phi pháp và kêu gọi trả tự do cho người thân của họ đã tổ chức thành hai nhóm đi theo hai hướng: một ra phía Bắc và một vào phía Nam để thực hiện công việc của họ.

Anh Hồ Văn Lực cho biết trong khi trình bày lại sự việc của người thân họ, những người trong cuộc còn bàn bạc những vấn đề đất nước liên quan đến mọi người dân như việc góp ý sửa đổi hiến pháp năm 1992.

Anh Lực cho biết và nhận định về ý thức của những người dân dù ở những nơi xa thành phố mà anh này gặp được:

“Họ cũng rất san sẻ, vì là những nguời dân chưa bao giờ đuợc nói giờ họ ký vào bản lên tiếng đó thay cho lời nói về một chuyện nhỏ. Họ có nhiều tâm tư muốn nói, và nay thấy việc này cần làm nên họ sẵn sàng ký; không ai từ chối hay bắt bẻ điều cả. Đó là điều mà tôi thấy tinh thần càng ngày càng mạnh và qua việc đi vận động này còn là việc truyền bá cho nhau. Tức có nhiều giáo dân, từ ngày các anh em bị bắt họ chỉ nghe mang máng và không biết những người đó làm những gì. Qua việc này có các đức cha Kiệt, đức cha giáo phận ký rồi các cha- những người mà lời nói của họ có trọng lượng- ký vào, thì nhiều người mới thực sự biết những anh em đó làm những điều đúng pháp luật, đúng với những điều mà giáo hội hay xã hội cho phép. Có những người ở những vùng nông thôn, ở vùng xa họ không có điều kiện, thời gian để nghe.”

Từ cái ít lan dần và khi mà tất cả chúng ta đều thức tỉnh, cảm thấy có trách nhiệm lương tâm đối với quê hương, đất nước; như thế lần hồi phong trào dân chủ sẽ có đóng góp rất nhiều cho tương lai đất nước Việt Nam."<br/>Thượng tọa Thích Không Tánh <br/>

Thượng tọa Thích Không Tánh có ý kiến về tác dụng của việc làm từng cá nhân, nhóm người đối với các vấn đề xã hội, đất nước:

“Từ cái ít lan dần và khi mà tất cả chúng ta đều thức tỉnh, cảm thấy có trách nhiệm lương tâm đối với quê hương, đất nước; như thế lần hồi phong trào dân chủ sẽ có đóng góp rất nhiều cho tương lai đất nước Việt Nam.”

Xin được nhắc lại nhóm 14 thanh niên bị đưa ra xét xử tại Vinh hồi hai ngày 8 và 9 tháng giêng vừa qua nằm trong nhóm 17 người bị bắt từ tháng 8 đến cuối năm 2011. Họ là những thanh niên Công giáo và Tin Lành tích cực tham gia các họat động xã hội như chôn cất các thai nhi bị bỏ rơi, tham gia các lớp huấn luyện về kỹ năng Internet, truyền thông công dân, cũng như tỏ rõ quan điểm về việc đất nước bị Trung Quốc gây hấn, ủng hộ cho các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong nước.