Các tổ chức nhân quyền kêu gọi ngưng thảo luận TPP với VN

Chiều thứ Tư 24 vừa qua, một ngày trước khi tổng thống Mỹ gặp chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng, một tập hợp các tổ chức lao động và nhân quyền của Mỹ tại thủ đô Washington lên tiếng báo kêu gọi hành pháp Hoa Kỳ ngưng lại vòng thảo luận TPP Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương cho đến khi nào Việt Nam chứng tỏ được sự tuân thủ các nguyên tắc chuẩn mực về lao động, môi trường và nhân quyền.

Không xứng với qui chế TPP

Mục đích của buổi họp báo xế chiều thứ Tư, qui tụ ba tổ chức ở Hoa Kỳ là Công Đoàn Huynh Đệ Quốc Tế International Brotherhood Of Teamster, Hiệp Hội Quyền Công Nhân Worker Rights Consortium và Giám Sát Nhân Quyền Human Rights Watch, thảo luận về bản phúc trình có tên Made In Vietnam do Hiệp Hội Quyền Công Nhân soạn thảo, qua đó trình bày chi tiết về sự lạm dụng quyền lao động và quyền con người trong lãnh vực sản xuất ở Việt Nam.

Tổng thư ký Công Đoàn Huynh Đệ Quốc Tế, ông James P. Hoffa, mang bối cảnh lao động kém tiêu chuẩn ở Việt Nam ra so sánh với Bangladesh, bị thế giới lên án liên quan đến vụ một cơ xưởng lao động cũ kỹ bất thần đỗ sập khiến cả mấy trăm công nhân chết thảm:

“Tại Việt Nam cưỡng bách lao động, bắt trẻ nhỏ đi làm việc, kỳ thị giới tính trong công việc, tiền lương không xứng đáng, không có chính sách bảo hộ lao động… là những sự vi phạm quyền lao động cực kỳ nghiêm trọng.”

Việt Nam không xứng đáng nhận lãnh qui chế TPP vì những vi phạm trong lãnh vực lao động. Tổng thống Obama và quốc hội Hoa Kỳ cần áp lực Việt nam. <br/> -Ông James Hoffa

Để gia nhập Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, ông James Hoffa nói, Việt Nam phải chứng tỏ thiện chí bằng cách cho người dân quyền tự do hội họp, tự do phát biểu và tự do thành lập công đoàn độc lập, là những tiêu chuẩn mà các quốc gia trong TPP phải theo đuổi và tuân thủ.

“Thế nhưng Việt Nam không xứng đáng nhận lãnh qui chế TPP vì những vi phạm trong lãnh vực lao động. Tổng thống Obama và quốc hội Hoa Kỳ cần áp lực Việt nam cho tới khi nào họ chứng tỏ được trách nhiệm tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về lao động đối với nhân dân của họ.”

Tiếp lời tổng giám đốc Công Đoàn Huynh Đệ Quốc Tế James Hoffa, đến lượt ông Scott Nova, giám đốc điều hành Hiệp Hội Quyền Công Nhân, cũng là tổ chức đã hoàn tất bản báo cáo Made In Việt Nam với những chi tiết cụ thể về tình trạng lao động tồi tệ nhiều mặt tại Việt Nam mà chính phủ xứ này không thể giải quyết.

Khẳng định rằng những hình thức lạm dụng lao động và vi phạm quyền lợi công nhân lao động ở Việt Nam không phải là những điều khó thấy, trong lúc những người dám lên tiếng đòi hỏi hoặc bảo vệ nhân quyền cho công nhân thì lại bị bắt và bị giam giữ, ông Scott Nova khẳng định Hoa Kỳ nên ngưng lại vòng thảo luận để Việt Nam được tham gia TPP

Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương:

Chủ tịch Trương Tấn Sang gặp gỡ các Thượng Nghị Sĩ thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 24/07/2013 tại Washington DC. RFA PHOTO.
Chủ tịch Trương Tấn Sang gặp gỡ các Thượng Nghị Sĩ thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 24/07/2013 tại Washington DC. RFA PHOTO.

“Vì nếu đồng ý cho Việt Nam tham gia TPP Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương thì chẳng khác nào bật đèn xanh cho chính phủ xứ này là cứ tiếp tục vi phạm nhân quyền và quyền lao động như họ đã vi phạm từ trước tới giờ.”

Ông John Sifton, giám đốc đặc trách Châu Á trong Human Rights Watch:

“Tôi muốn nhắc lại một số vấn đề mà chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ mang ra bàn bạc với phía Việt Nam trong mục đích muốn Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền trong đó có thành tích kém cỏi về tình trạng lao động.

Hồ sơ về tình trạng lao động của Việt Nam dễ khiến người ta bất bình vì sự tồi tệ của nó, thế nhưng nhìn tổng quát thì những vi phạm về mặt gọi là quyền con người đối với công dân Việt Nam còn đáng sợ hơn.”

Kể từ khi Nhà Trắng đón tiếp lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ năm 2008, ông Jihn Sifton nói, đây là lần thứ nhì một cuộc gặp gỡ tương tự sắp diễn ra. Thế nhưng, vẫn theo lời ông, Việt Nam càng ngày càng chà đạp quyền con người, ngang nhiên bắt giữ mọi thành phần họ cho là có ý tưởng hay lời nói chống đối, viện dẫn những điều khoản mơ hồ trong Bộ Luật Hình Sự để buộc những người bất đồng chính kiến vào tội âm mưu lật đổ chính phủ, phá hoại tình đoàn kết và trật tự an ninh xã hội:

“Trong tinh thần cuộc gặp giữa tổng thống Obama và ông chủ tịch Sang vào ngày mai ở Nhà Trắng tôi nghĩ đương nhiên ông Obama biết tất cả những điều chúng tôi vừa trình bày, câu hỏi tôi muốn nêu ra là liệu tổng thống sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền với ông Sang trong mức độ nào như hành pháp Mỹ từng cam kết và từng hứa hẹn, cũng như Đại Sứ Quan Mỹ tại Việt nam từng hứa hẹn, là luôn cố gắng giúp đỡ Việt Nam cải thiện và thăng tiến nhân quyền như một điều kiện ưu tiên trước khi tính đến những chuyện khác.”

Đó là nội dung buổi họp báo của các tổ chức quan tâm về quyền lao động đang bị vi phạm nghiêm trọng ở Việt Nam.

Cũng trong chiều thứ Tư, song song với buổi họp báo của ba tổ chức lao động và nhân quyền nói trên, một cuộc họp báo khác do các dân biểu chuyên quan tâm đến Việt Nam như ông Chris Smith, bà Ross Lehtinen cũng đã diễn ra tại quốc hội, kếu gọi tổng thống Obama yêu cầu chủ tịch nước Trương Tấn Sang chú ý đến việc trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm như Blogger Điều cày, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, nhà báo tự do Tạ Phong Tần, sinh viên Phương Uyên và nhiều tù nhân chính trị khác nữa.