Bản gốc của thư lên tiếng ghi ngày 15 tháng 1 năm 2013, hơn một tuần sau khi phiên tòa dành cho các thanh niên Nghệ An khép lại. Bản lên tiếng được công bố hôm nay, 27 tháng 1 cùng với chữ ký của đại diện các gia đình bị can và chữ ký của những người khác có quan tâm. Ông Trần Khắc Chín, cha của anh Trần Minh Nhật, cho biết gia đình sẽ làm những gì có thể để lên tiếng cho thân nhân đang chịu cảnh lao tù:
“Quyền kháng cáo là quyền của người đang bị giam. Nhưng vấn đề kêu gọi trả tự do cho họ thì đó là một việc tốt lành. Tất cả đều đồng lòng vì công lý. Trong trại giam, con tôi kháng án hay không là do nó nhưng đây là việc làm riêng của những người bên ngoài”.
Trần Minh Nhật bị mức án 4 năm tù giam, ba năm quản chế, một mức tương đối thấp so với một số nhân vật khác, lên đến 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Phản đối bản án
Bản lên tiếng phản đối và phủ nhận bản án mà họ gọi là áp đặt đối với 14 thanh niên Nghệ An, cũng như phản đối những bản án kết tội những người yêu nước khác. Anh Hồ Văn Lực, em trai Hồ Đức Hòa, một trong những bị can nhận mức án cao nhất, nói với đài RFA rằng gia đình anh phản đối bản án của anh Hòa:
“Hy vọng đòi lại công bằng cho tất cả các anh em, đặc biệt là các anh em Công Giáo bị xử ngày 8 và 9 vừa qua với những bản án nặng nề và những oan sai từ phía chính quyền. Những người dân cùng một tiếng nói nhằm phản đối việc đó”.
Anh Hồ Văn Lực
Hồ Đức Hòa là một trong số nhiều người lên tiếng nói rằng mình vô tội tại phiên tòa vừa qua. Phiên tòa hôm 8 và 9 tháng 1 xét xử các thanh niên Nghệ An theo tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” bị các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ và Pháp cùng các tổ chức bênh vực nhân quyền lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Họ cho rằng những người bị kết tội chỉ đơn giản là thực hiện quyền tự do ngôn luận được luật pháp quốc tế và các công ước mà Việt Nam là thành viên bảo đảm. Bản lên tiếng cũng kêu gọi Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như hiến pháp Việt Nam và chấm dứt việc bắt bớ tùy tiện.
Trong chuyến viếng thăm Châu Âu vừa qua của Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, một lần nữa phiên tòa xử các thanh niên tại Nghệ An bị mang ra nhắc nhở.
Trong số các gia đình ký tên vào bản lên tiếng, không có chữ ký của gia đình Nông Hùng Anh, người nhận mức án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế. Người vận động ký tên vào bản lên tiếng này cho biết gia đình anh Nông Hùng Anh “đang chịu áp lực” từ phía chính quyền. Riêng ông Nguyễn Văn Lợi ký tên kêu gọi cho vợ và các con của mình là bà Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, và Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc. Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc là người duy nhất được nhận án treo.
Không chỉ gia đình
Ngoài chữ ký của gia đình các thanh niên Nghệ An, còn có chữ ký của các Linh mục giáo phận Vinh, các tu sĩ tôn giáo khác và những người quan tâm. LM Antôn Nguyễn Văn Đính - Quản Hạt Thuận Nghĩa - Quỳnh Lưu, Nghệ An, Giáo Phận Vinh cho biết lý do mình ký tên vào bản lên tiếng:
“Cũng có một số con em ở giáo xứ Yên Hòa, giáo hạt Thuận Nghĩa nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là tôi thấy các em bị mức án oan ức quá nên kiến nghị để họ (chính quyền) suy nghĩ lại”.
Vị LM trên cho biết thêm, ông không e ngại nếu phải gặp rắc rối vì cho rằng đây là việc làm đúng. Ông nói:
Bà Dương Thị Tân
“Bởi vì tôi thấy việc này hợp tình hợp lý mà lại công khai. Kiến nghị trả tự do cho 14 thanh niên trên thôi chứ có gì mà ngại”.
Bản lên tiếng kêu gọi trả tự do cho những người ở Nghệ An cũng nhận được sự quan tâm của các nhân vật đấu tranh dân chủ và thân nhân của những người từng bị xét xử vi phạm điều 88 và 79 BLHS Việt Nam. Bà Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày, người bị kêu án 12 năm tù giam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" cũng ký tên vào bản lên tiếng trên. Bà nói:
“Chúng tôi ký tên vào bản lên tiếng này cũng không hẳn vì cái riêng. Trong cái riêng có cả cái chung. Đây là những người nói lên tiếng nói bất công, những tiếng nói mà người dân đang bức xúc. Họ bị kết án bởi những điều rất mơ hồ khi bất đồng chính kiến hoặc không đồng ý với chính phủ. Tôi là một người Việt Nam và thấy đây là một sự bất công. Tôi không làm được như họ thì lên tiếng trả tự do cho họ”.
Cần thiết
Thân nhân các thanh niên Nghệ An ngoài kêu gọi trả tự do cho người thân của mình, còn chỉ trích điều 79 và 88 BLHS Việt Nam đồng thời bày tỏ sự đồng cảm với những người bị kết tội oan sai. Ông Trần Khắc Chín, cha Trần Minh Nhật chia sẻ:
“Những người bị oan uổng khác thì mình cũng kêu oan dùm người ta. Nhiều khi họ bị cáo buộc như vậy nhưng chưa chắc là vi phạm”.
Anh Hồ Văn Lực
Trước khi phiên tòa diễn ra, cũng từng có bản lên tiếng kêu gọi sự quan tâm của quốc tế. Nhưng kết quả phiên tòa vẫn là những bản án nặng nề. Mặc dù vậy, thân nhân các bị can vẫn tin rằng việc lên tiếng là cần thiết. Anh Hồ Văn Lực nói:
“Đây là một bản án bỏ túi, dù có lên tiếng thì bản án cũng được ấn định như vậy. Nhưng phải có một cái gì đó để lên án việc làm sai trái của chính quyền. Lên tiếng để có một tiếng nói chứng minh rằng những người này vô tội, rằng việc làm của họ không sai và nên làm để những người khác làm theo”.
Được biết, bản lên tiếng đang trong thời gian thu thập chữ ký. Khi đạt đến một số lượng chữ ký nhất định, bản lên tiếng sẽ được gởi cho các cơ quan chức năng có liên quan.
Các thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị kết án vừa qua là những người hoạt động năng nổ trong công tác xã hội và tôn giáo. Họ tham gia viết blog để bày tỏ quan điểm của mình, tham gia biểu tình chống Trung Quốc, và tham gia các lớp huấn luyện bất bạo động. Trong khi Nhà nước Việt Nam cáo buộc họ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền thì các cơ quan quốc tế cho rằng đây chỉ là cách thực hiện quyền được bày tỏ của con người.
Theo dòng thời sự:
- Kết quả phiên xử các thanh niên Công giáo và Tin lành
- Tường thuật phiên toà xử các thanh niên Công giáo
- 12 tổ chức NGO kêu gọi VN trả tự do cho các thanh niên Công giáo
- Việt Nam xét xử 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành
- Tin mới nhất về blogger Paulus Lê Sơn
- Gia đình các thanh niên Công giáo kêu gọi dư luận quan tâm
- Tòa đại sứ Mỹ quan ngại trước việc VN kết án tù các thanh niên Công giáo