Dân Campuchia có xu hướng tẩy chay hàng Việt Nam?

0:00 / 0:00

Campuchia là một trong những thị trường quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam đã từng chiếm tới 70% trên thị trường này, tuy nhiên kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, các nhà kinh doanh, siêu thị hàng hóa Việt Nam đã bắt đầu gặp khó. Liệu người Campuchia đang có xu hướng tẩy chay hàng Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng sang thị trường Campuchia nhiều nhất. Ngoại trừ một số mặt hàng như đường, gạo, sữa là chưa cạnh tranh với hàng hóa Thái Lan, còn lại khoảng 70% doanh số bán hàng tiêu dùng như thuốc trừ sâu, phân bón, máy móc, thiết bị điện, da giày, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, sản phẩm trong ngành lâm ngư nghiệp, dược phẩm, và hàng thủ công mỹ nghệ…là của Việt Nam.

Trong năm 2012, theo đánh giá của các đại lý bán hàng Việt Nam và tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia, sản phẩm Việt Nam đã chiếm thị trường xứ này 70%, 25% là của Thái Lan và 5% còn lại là hàng của Maylaysia, Trung Quốc và các nước khác.

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, ngày 28/7 vừa qua, các nhà kinh doanh, siêu thị Việt Nam than thở rằng họ đang gặp khó khăn trên thị trường xứ chùa Tháp. Các công ty nhập khẩu đã ngưng mua hàng từ công ty VN. Còn hình ảnh tấp nập người ra vào mua bán, không khí sôi động ở các cửa hàng Việt Nam, Hội chợ thương mại Việt Nam chỉ còn mang tiếng hữu nghị, hợp tác và để giữ quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Cụ thể, Hội chợ thương mại Việt Nam-Campuchia năm 2013 do Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng Campuchia tổ chức tại đảo Koh Pech thuộc thủ đô Phnom Penh, từ ngày 14-18/11 đã chứng minh điều đó.

An ninh và cảnh sát Campuchia dùng máy quét để kiểm tra khách hàng trước vào trong thăm quan hàng Việt Nam tại Hội chợ, ngày 17/11/2013....Photos: Quốc Việt/RFA
An ninh và cảnh sát Campuchia dùng máy quét để kiểm tra khách hàng trước vào trong thăm quan hàng Việt Nam tại Hội chợ, ngày 17/11/2013....Photos: Quốc Việt/RFA (RFA)

Hiện tượng kỳ thị sau bầu cử

Phần lớn người dân Campuchia mà RFA được phỏng vấn tỏ ra thái độ phẫn nộ với Việt Nam sau những tác động từ cuộc vận động tranh cử mang đầy tính kích động, phân biệt và chia rẽ của phe đối lập như Việt Nam đang quản lý kinh tế của Campuchia, Việt Nam đã và đang lấn cột mốc biên giới…v.v.

Kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, ngày 28/7 vừa qua, các nhà kinh doanh, siêu thị Việt Nam than thở rằng họ đang gặp khó khăn trên thị trường xứ chùa Tháp. Các công ty nhập khẩu đã ngưng mua hàng từ công ty VN

Họ trả lời giống nhau rằng hàng Việt Nam kém chất lượng, hàng giả, dễ hư hỏng, hàng Việt Nam chỉ để bán cho người Việt sống tại Campuchia. Nhiều người dân còn nói thẳng thắn họ không thích người Việt vì chính phủ Việt Nam là người giật dây cho chính phủ Phnom Penh phá hoại đất nước.

Ông Sokha, một người dân Campuchia sống tại Phnom Penh cho biết: "Gia đình và anh em tôi không dùng hàng Việt Nam. Vì phần lớn hàng Việt Nam có chất hóa học, đặc biệt là rau cải. Ngoài ra, còn có nhiều hàng giả.

Chúng tôi chỉ dùng hàng hóa địa phương. Nếu có tiền thì mua hàng của Thái hoặc Trung Quốc. Theo tôi, hàng Việt Nam chỉ để bán cho người Việt sống ở Campuchia mặc dù Hội chợ có tuyên truyền thông tin rộng rãi.”

Có lẽ chính phủ Việt Nam và Campuchia cũng nhận ra điều đó vì Hội chợ thương mại lần này phía Campuchia đã chỉ đạo hàng chục cảnh sát đến bảo vệ, giữ an ninh tại cửa ra vào. Ngoài sự xuất hiện của cảnh sát, anh ninh chìm nổi của Campuchia, chính phủ còn đặt máy quét hiện đại để quét và kiểm tra khách hàng trước khi bước vào trong tham quan các gian hàng Việt Nam tại Hội chợ.

Chủ Công ty TNHH Một Thành Viên Dịch vụ-Thương mại Xuất nhập khẩu Duy Minh, là một trong những doanh nghiệp lớn tham gia Hội chợ chia sẻ: "Một năm Công ty chị tham gia hơn 10 phiên chợ nhưng do năm nay tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng bão, sức mua không có nên doanh thu năm nay giảm khoảng 70%. Vấn đề chính trị không ảnh hưởng gì vì Campuchia vẫn tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp.

Khách hàng năm nay ít hơn 70%, doanh thu của doanh nghiệp đạt được là kém năm ngoái 70%. Tất nhiên doanh thu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều lỗ.

Khách hàng năm nay ít hơn 70%, doanh thu của doanh nghiệp đạt được là kém năm ngoái 70%. Tất nhiên doanh thu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều lỗ.

Tình hình chính trị do phía đối lập kích động, dân Campuchia có xu hướng tẩy chảy cũng là một áp lực lớn. Trong các Hội chợ trước, hàng Việt Nam nhập vào Campuchia được người Campuchia ủng hộ dữ lắm. Nhưng bây giờ như có cái gì đó làm họ phân biệt, họ so sánh hàng Việt Nam và hàng Thái. Đó cũng là một hàng rào cản trở các doanh nghiệp Việt Nam qua đây làm ăn.”

Ngoài những chiến dịch tẩy chay không tuyên bố, khó khăn theo tình hình chính trị bất ổn tại Campuchia, thậm chí hàng Việt Nam còn gặp khó khăn trong quá trình đầu tư như cạnh tranh với các nước trong khu vực, chính sách đất đai chưa rõ ràng, thủ tục xuất nhập khẩu hải quan chưa thật thông thoáng, một số doanh nghiệp chưa hiểu về thủ tục pháp lý, đặc biệt chính quyền địa phương còn đặt ra nhiều loại thuế, khoản phí phải đóng hết sức chóng mặt.

Tiến sĩ Kem Ley, nhà phân tích chính trị độc lập xứ chùa Tháp phát biểu với RFA sau cuộc khảo sát tại Hội chợ rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến hàng Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường Campuchia hiện nay. Nó bao gồm nhiều yếu tố như xu hướng chính trị ủng hộ phe đối lập; người dân quay trở lại dùng hàng Thái; ảnh hưởng do công ty Việt Nam nhận đất tô nhượng trồng cao su chặt phá rừng; cuộc vận động tranh cử kích động phân biệt người Việt; hàng Việt Nam kém chất lượng mà giá bằng hàng hóa địa phương.

Tình hình chính trị do phía đối lập kích động, dân Campuchia có xu hướng tẩy chảy cũng là một áp lực lớn vì đây là thực tế. Cách đây Hội chợ trước, hàng Việt Nam xâm nhập Campuchia và được người Campuchia ủng hộ dữ lắm. Nhưng thật sự bây giờ như có cái gì đó họ phân biệt...

Theo Tiến sĩ, vấn đề chính phủ Việt Nam áp bức sư sãi và cộng đồng Khmer sống ở Đồng Bằng Sông Cửu Long; rồi sự phát động phong trào đấu tranh đòi lại đất miền Nam của Việt Nam và đảo Phú Quốc của phe đối lập, và phong trao căm hờn người Việt trên mạng xã hội (Facebook) cũng là những nguyên nhân chính làm dân chúng tự tẩy chay hàng Việt Nam.

Tiến sĩ Kem Ley: "Campuchia vẫn chưa thoát khỏi hàng Việt Nam vì đời sống kinh tế còn nghèo. Tầng lớp nghèo không quan tâm nhiều về chất lượng mà họ thích mua sắm với giá rẻ. Tuy nhiên, hầu hết người đến mua sắm ở Hội chợ là người Việt sống tại Campuchia. Việc tổ chức Hội chợ như vậy là để quảng bá văn hóa, truyền thống Việt Nam với các chương trình văn nghệ có lẽ đúng hơn là giúp tìm thị trường thật sự cho các doanh nghiệp."

Còn ông Trương Minh Châu, Giám đốc Công ty LILICO chuyên bán đồ lau nhà, chổi quét chia sẻ rằng các doanh nghiệp cần hiểu rõ đặc thù chính trị, văn hóa và thị trường Campuchia. Với chiến lược đầu tư lâu dài, nghiêm túc như LILICO, các doanh nghiệp sẽ chinh phục người tiêu dùng Campuchia.

Ông Trương Minh Châu: "Sản phẩm mình luôn cải tiến thì bán tốt hơn, người dân mua nhiều. Nói chung, thị trường Campuchia dễ làm ăn so với một số người mà cũng khó đối với một số người. Người nào thân thiện, bền chí thì sẽ thành công. Còn người nào chưa gì đã nản chí thì rất khó làm ăn…"

Các nhà kinh doanh trên đất Campuchia cũng bộc bạch về thái độ kỳ thị, mua bán, giao thiệp giữa người Việt và Campuchia gần đây trở nên căng thẳng. Hầu như các hoạt động ngoại giao mang tính hữu nghị và hợp tác chỉ còn ưu ái giữa lãnh đạo Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo đảng Nhân dân Campuchia. Vì hiện, khách Campuchia giống như đang rỉ tai nhau không vào các cửa hàng Việt Nam nữa.

Thời gian qua, quan hệ thương mại Campuchia-Việt Nam được cải thiện đáng kể. Trong 9 tháng của năm 2013, lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Campuchia đạt 2,294 tỷ USD, trong lúc hàng hóa Campuchia xuất sang thị trường Việt Nam đạt trên 403 triệu USD.

Nhưng để kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 5 tỷ USD trong năm 2015 như giới lãnh đạo hai nước nhiều lần khẳng định, vẫn là một câu hỏi lớn khi hàng Việt Nam bắt đầu đối mặt với xu hướng tẩy chay trên đất Campuchia.