Tòa Campuchia cáo buộc 68 gia đình Khmer Krom chiếm đất?

0:00 / 0:00

Chiều ngày 27/3, một người Khmer Krom đã phải ra hầu tòa để trả lời những câu hỏi liên quan đến cáo buộc nói rằng họ và 68 gia đình Khmer Krom đến từ Việt Nam chiếm đất khu bảo tồn rừng ngập nước giáp biên giới với Việt Nam để canh tác.

Nhận tội vì sợ bị bắt?

Tòa sơ thẩm tỉnh Takeo vừa chất vấn một người Khmer Krom về những cáo buộc kích động 68 gia đình người Campuchia gốc Việt chiếm đất tại khu rừng ngập nước thuộc xã Kampong Krasang, huyện Bourei Cholsar giáp huyện An Phú thuộc tỉnh An Giang của Việt Nam.

Ông Vann Senvisoth, thẩm phán điều tra của tòa sơ thẩm tỉnh Takeo hỏi ông Vi May, 41 tuổi, một trong những đại diện của 68 gia đình Khmer Krom bị cáo về tội chiếm đất tại khu rừng ngập nước. Theo thẩm phán Senvisoth, tòa cáo buộc ông này chiếm đất công của Nhà nước và khai hoang rừng bảo tồn bất hợp pháp.

Trước tòa, Vi May ăn năn hối cải và hứa sẽ trả lại đất 4 mẫu đang canh tác cho nhà nước.

Phiên tòa đối chất không được công khai, gia đình và người dân không được dự phiên tòa, đồng thời không có luật sư bào chữa cho Vi May. Bên ngoài tòa án, hàng chục gia đình người Khmer Krom có liên quan đến tranh chấp đất đã tụ tập trước tòa án, đòi công lý và ủng hộ người đại diện của họ.

Việc này chúng tôi thấy chính quyền đã trấn áp chúng tôi quá mức. Nguyên nhân chính vì chính quyền bám đất này để bán cho Đại gia trong địa phương. <br/> -Ô. Vi Chanh

Ra khỏi tòa, ông Vi May, người gốc Cần Thơ đã bác bỏ tất cả những cáo buộc của tòa nhưng ông nói do sợ bị bắt giam nên không dám phủ nhận mọi cáo buộc của cơ quan điều tra.

Ông May cho biết 68 gia đình Khmer Krom đã sang sống tại khu rừng ngập nước giáp biên giới Việt Nam từ năm 1997. Chính quyền xã đã cho phép cộng đồng Khmer Krom khai hoang rừng ngập nước để lấy đất canh tác tuy nhiên từ chối cấp sổ đỏ cho đất được khai hoang.

Đến năm 2004, chính quyền đã buộc cộng đồng người Khmer Krom ra khỏi khu vực đất họ đang canh tác, đòi thu hồi để bán cho một Đại gia, có quyền lực trong địa phương.

Ông Vi May nói, đến năm 2007 chính quyền tỉnh tuyên bố quy hoạch khu vực đất nói trên để làm khu bảo tồn rừng ngập nước. Ông cho biết thêm: "Đầu năm 2014, chính quyền đã cắm cọc rào, thu hồi đất nhưng chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi nhổ bỏ các cọc rào vì chúng tôi là người khai hoang."

Hầu hết 68 gia đình là những người Khmer đến từ tỉnh Cần Thơ. Một số người sang Campuchia vào thập niên 80, nhiều gia đình khác lặn lội sang Campuchia và bắt đất vào đầu năm 1997 vì lý do nghèo, thất nhiệp và không đất canh tác ở Việt Nam.

Người Việt buôn bán trên xuồng theo sông thuộc xã Sangkum Meanchey, huyện Borei Cholsar, Takeo ngày 23/3/2014. RFA PHOTO/Quốc Việt.
Người Việt buôn bán trên xuồng theo sông thuộc xã Sangkum Meanchey, huyện Borei Cholsar, Takeo ngày 23/3/2014. RFA PHOTO/Quốc Việt.

Hiện mỗi gia đình đang canh tác ruộng đất từ 1 đến 5 mẫu giáp biên giới của Việt Nam. Ngoài ông Vi May, tòa còn triệu tập hai người Khmer Krom khác. Bên cạnh đó, cũng có một người đại diện Khmer Krom khác đang bị tòa bắt tạm giam từ đầu năm 2014 lúc ra hầu tòa theo lệnh triệu tập.

Ông Vi Chanh, 55 tuổi, bị tòa triệu tập phải hầu tòa vào ngày 10/4 chia sẻ với chúng tôi: "Năm 1997 chúng tôi được thông qua các Ủy ban huyện, xã ở trên đất này. Còn Chủ tịch xã nói đất này nằm trong bổn phận của lô nên ông không dám giải quyết. Ông nói, anh em làm [khai hoang rừng, canh tác] được thì làm nhưng ông không nói tiếng cho hay không cho. Cho nên anh em xúm nhau đi khai phá, đào bờ. Còn chuyện xảy ra này là do chính quyền thủy sản thưa kiện bởi vì khu vực đất này hồi trước bên thủy sản quản lý. Bên thủy sản, kiểm lâm nói chúng tôi bắt đất này trái phép mới họ làm đơn thưa lên tòa.

Việc này chúng tôi thấy chính quyền đã trấn áp chúng tôi quá mức. Nguyên nhân chính vì chính quyền bám đất này để bán cho Đại gia trong địa phương. Hiện tại, những người có chuyện với tòa không làm ăn gì được ngoài làm mướn, bóc cua, đào bờ. Nay ở trên bờ sông, nên không biết đi ở đâu.”

Kích động dân khai hoang?

Trong khi đó, Phó Chi cục Quản lý Thủy sản tỉnh Takeo là ông Sao Kosal cho RFA biết rằng Chi cục Quản lý Thủy sản kiện bốn người này do kích động dân khai hoang khu bảo tồn rừng ngập nước và chống lại chính quyền thi hành công việc.

Theo ông, trước đó chính quyền địa phương đã cấp đất cho họ canh tác giáp với biên giới Việt Nam nhưng nhiều gia đình lại đem đất đó đi bán và cho người Việt thuê đất làm ruộng.

Chúng tôi đã cân nhắc nhiều lần cho họ ra khỏi khu đất hơn 100 ha này nhưng họ chống đối, thậm chí còn kéo nhau lên khiếu nại. Rõ ràng họ vi phạm luật thủy sản, kiểm lâm. <br/> -Ô. Sao Kosal

Ông Sao Kosal nói: "Thủ tướng chính phủ đã ký sắc lệnh quy hoạch khu bảo tồn rừng ngập nước trong năm 2012. Chúng tôi đã cân nhắc nhiều lần cho họ ra khỏi khu đất hơn 100 ha này nhưng họ chống đối, thậm chí còn kéo nhau lên khiếu nại. Rõ ràng họ vi phạm luật thủy sản, kiểm lâm."

Ông Trần Văn Thông, Tham tán phụ trách chính trị đối ngoại và phát ngôn viên của Sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh nhận định: "Khmer Nam bộ và người Việt sang định cư ở nước ngoài vì có nhiều lý do khác nhau, có người thì có bà con đang ở nước ngoài, có những người cho là họ không phù hợp mưu sinh ở vùng quê đó, cuộc sống làm ăn gặp những khó khăn riêng…; họ không kiên trì làm nên họ muốn tìm đi để tìm một cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra, còn có trường hợp do nhận thức, thông tin không đầy đủ nên họ nghĩ đi ra nước ngoài có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nhà nước Việt Nam khuyến khích bà con ổn định cuộc sống làm ăn.

Nhất là người Khmer Nam bộ, họ là một trong những dân tộc ít người được nhà nước Việt Nam quan tâm. Nếu địa phương đó còn đất còn ruộng thì người ta vẫn xem xét để cấp và người Khmer Nam bộ được quyền ưu tiên.”

Các luật gia Campuchia cho biết công tác quản lý đất đai của Campuchia vẫn còn rất hạn chế, chưa phát triển theo quy hoạch và thiếu chính sách đất đai phù hợp.

Theo Luật Đất đai của Campuchia năm 2001, bất kể người dân quản lý đất đai nhiều thập niên, hay tự khai hoang, bắt đất trước Luật Đất đai năm 2001 có hiệu lực thì phải chuyển lại thành tài sản Nhà nước theo một thuật quy phạm pháp luật mới được giới thiệu là đất công của Nhà nước vì người khai hoang hoặc chủ quản lý không được chính phủ công nhận và cấp sở hữu.