Cảnh sát Campuchia đàn áp công nhân đình công

0:00 / 0:00

Ngày 2/1, cảnh sát Campuchia lại đàn áp các công nhân may mặc biểu tình đòi tăng mức lương nhiều nơi khiến nhiều người bị thương.

Ít nhất 15 người bị bắt giữ, trong đó có lãnh đạo công đoàn, nhà sư và nhiều người khác bị thương trong vụ đụng độ vào lúc 12 giờ ngày 2/1/2014.

Biểu tình đòi tăng lương tối thiểu

Sự việc xảy ra trước nhà máy Yakjin thuộc Quận Porsenchey, ở ngoại ô Phnom Penh khi hàng ngàn công nhân, cùng nhiều nhà sư biểu tình đòi nâng mức lương tối thiểu hàng tháng lên 160$.

Bạo lực xảy ra lúc hàng trăm cảnh sát tìm cách chặn người biểu tình tiến hành phong tỏa đường Quốc lộ 4 và đặc khu kinh tế Phnom Penh. Công nhân xô đẩy và ném đá vào cảnh sát và lực lượng an ninh đã trấn áp người biểu tình bằng gậy và dùi cui làm nhiều người bể đầu và bị thương nặng.

Chúng tôi không hài lòng với cách dùng bạo lực bởi cảnh sát và lực lượng chỉ huy quân sự. Lực lượng này tuyệt đối tuân lệnh cấp trên không tôn trọng luật. Cho nên nhiều người bị đánh gây thương tích nặng

Ông Am Sam Ath

Cảnh sát bắt giữ 15 công nhân, trong đó có ông Vorn Pao, Chủ tịch Hiệp hội Dân chủ độc lập và Kinh tế phi chính phủ (IDEA) và 5 nhà sư khác với cáo buộc kích động bạo lực, phá hoại tài sản nhà máy.

Ông Am Sam Ath, Trưởng nhóm giám sát của tổ chức bảo vệ nhân quyền LICDHO nói với RFA tại nơi đụng độ: "Chúng tôi không hài lòng với cách dùng bạo lực bởi cảnh sát và lực lượng chỉ huy quân sự. Lực lượng này tuyệt đối tuân lệnh cấp trên không tôn trọng luật. Cho nên nhiều người bị đánh gây thương tích nặng. Hiện năm nhà sư bị bắt, cảnh sát đã buộc hoàn tục và đang bị giam giữ."

Công nhân Campuchia biểu tình đòi tăng mức lương tối thiểu 160$ một tháng ngày 30/12/2013. (Photos by: Quốc Việt/RFA).
Công nhân Campuchia biểu tình đòi tăng mức lương tối thiểu 160$ một tháng ngày 30/12/2013. (Photos by: Quốc Việt/RFA). (Photos by: Quốc Việt/RFA)

Người phát ngôn Quân Cảnh Quốc gia Campuchia Kheng Tito nói với chúng tôi rằng lực lượng cảnh sát đàn áp do nhóm biểu tình quấy rối, làm ảnh hưởng đến tinh thần công nhân đang làm việc bên trong.

Theo ông Tito, Cảnh sát bắt giữ 15 người, trong đó có 5 nhà sư. Hiện cảnh sát đang chuẩn bị hồ sơ đưa ra xét xử. Ông Kheng Tito nói: "Tôi cho rằng một số công nhân và lãnh đạo công đoàn đã có hành động quá khích, không tôn trọng luật pháp và vượt qua giới hạn cho nên cảnh sát buộc phải áp dụng pháp luật, nhằm bạo vệ lợi ích công cộng và của cá nhân."

Tôi cho rằng một số công nhân và lãnh đạo công đoàn đã có hành động quá khích, không tôn trọng luật pháp và vượt qua giới hạn cho nên cảnh sát buộc phải áp dụng pháp luật, nhằm bạo vệ lợi ích công cộng và của cá nhân

Ông Kheng Tito, cảnh sát

Cùng ngày, đã có hàng vạn công nhân từ khoảng 300 công ty may mặc và giày da khác xuống đường đình công và biểu tình. Phần đông tập trung ở thủ đô Phom Penh, tỉnh Kampng Speu, Kampong Chhnang và tỉnh Kandal; trong khi hàng ngàn người ủng hộ phe đối lập tập trung tại Quảng trường Tự do biểu tình đòi Thủ tướng Hun Sen từ chức, hoặc tổ chức bầu cử mới.

Các lãnh đạo công đoàn cho biết có nhiều nơi bị cảnh sát đánh đập giải tán đám đông nhưng không tồi tệ như vụ đụng độ ở trước nhà máy Yakjin.

Còn Hiệp hội Các nhà sản xuất may mặc (GMAC) thông báo đến Bộ Lao động Campuchia ngày 2/1 rằng do tình hình cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt liên quan đến an ninh, an toàn lao động và bạo lực có thể xảy ra mọi lúc, hơn 500 nhà máy là thành viên của GMAC tạm thời đóng cửa không giới hạn thời gian.

Trước đó, ngày 31/12, Chính phủ Campuchia quyết định tăng mức lương tối thiểu cho công nhân ngành may mặc, giày da từ 80$ lên 100$/tháng (2 triệu đồng) trong năm 2014, tuy nhiên, các tổ chức công đoàn và công nhân không chấp nhận mức tăng này.