Tại Campuchia, hôm nay, ngày 20 tháng 5, tòa án Phnom Penh tiếp tục xét xử 23 công nhân và nhà hoạt động lao động bị bắt trong các cuộc bạo động, đình công của công nhân ngành may.
Vào lúc 6 giờ sáng, cảnh sát đã mang 23 nhà hoạt động lao động ra xét xử. Các bị cáo bị cảnh sát còng tay và lấy khăn bịt miệng không cho phát biểu với báo giới.
Kết tội kích động bạo lực
Thẩm phán của tòa Phnom Penh cho 23 người này vào hai phòng. Phòng xử thứ nhất gồm 10 người công nhân và công đoàn bị bắt bên ngoài nhà máy Yak Jin vào ngày 2 tháng 1. Phòng xử thứ hai gồm 13 người công nhân bị bắt trong vụ bạo động trên đường Veng Sreng làm ít nhất 6 người thiệt mạng, 40 người khác bị thương hồi ngày 3/1 và tại Stung Meanchey.
Tại phòng xử thứ nhất, bị cáo Chan Puthisak, lãnh đạo công đoàn và là hoạt động đất đai Campuchia trả lời thẩm phán và công tố viên rằng ông không tham gia các cuộc biểu tình bạo lực. Ông có mặt tại nơi xảy ra bạo lực vì để can thiệp cho cảnh sát thả 3 công nhân bị bắt trước đó.
Có khoảng 10 cảnh sát đã dùng súng, dùng ống tuýp sắt và đá để tấn công tôi. Cảnh sát còn cướp tiền và điện thoại di động…
Bị cáo Puthisak nói đến đây bị phó công tố viên Lý Sophanna ngắt lời, đồng thời cho biết bị cáo này bị cáo buộc về các tội liên quan đến kích động bạo lực.
Còn lãnh đạo công đoàn Vorn Pao nói trong phiên xử rằng ông không kích động bạo lực, chỉ kêu gọi cảnh sát không dùng bạo lực, không đàn áp công nhân vì Khmer giống nhau.
Ông Vorn Pao trả lời khi được thẩm phán hỏi:
Tôi đến đó để theo dõi tình hình. Tôi không thể đứng nhìn lực lượng đặc nhiệm 911 tấn công công nhân. Tôi muốn có công lý nhưng cuối cùng tôi bị cảnh sát đánh dã man, đang đối mặt với sự bất công.

Biểu tình va chạm với cảnh sát
Lúc phiên xử đang diễn ra, bên ngoài tòa án có khoảng 400 nhà sư, công nhân, công đoàn và các tổ chức dân sự biểu tình phản đối và yêu cầu phóng thích các bị cáo trong khi ước tính có khoảng 1000 cảnh sát chống bạo động, nhân viện an ninh được triển khai xung quanh tòa, và dựng hàng rào chắn đường không để người biểu tình đến gần tòa.
Khi người biểu tình xô đẩy hàng rào và dùng lời lẽ khiêu khích, chỉ trích các nhân viên an ninh, cảnh sát là người Việt Nam đã làm nhiều nhân viên an ninh tức giận, vượt rào đuổi đánh người biểu tình trong đó có nhiều nhà sư.
Ít nhất có hai nhà sư bị đánh đập, dùng chân đá vào đầu. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi nhóm người biểu tình ném đá và chai nước vào cảnh sát và nhân viên an ninh.
Sư Nguyệt Quang, một nhà sư thường xuyên tham gia đấu tranh cho tự do dân chủ ở Campuchia nói với RFA sau khi bị tấn công:
Các sư đến trước Tòa nhưng bị nhân viên an ninh, công an, quân lực của chính phủ Hun Sen đã nhảy lên hàng rào đánh các sư đến ủng hộ 23 người đã bị tòa án kết tội liên quan bạo lực ở đường Veng Sreng. Công an, quân đội nhảy lên đánh các sư vì thấy các sư đến đây ủng hộ tinh thần cho những người đấu tranh bất bạo động. Chúng ta đến đây một cách ôn hòa, không bạo lực nhưng công an, cảnh sát họ không được vui. Họ muốn giải tán không để chúng tôi đứng tại đây.
Công an, quân đội nhảy lên đánh các sư vì thấy các sư đến đây ủng hộ tinh thần cho những người đấu tranh bất bạo động. Chúng ta đến đây một cách ôn hòa, không bạo lực nhưng công an, cảnh sát họ không được vui
Sư Nguyệt Quang
Trong khi đó, người phát ngôn Tòa thị chính Phnom Penh là ông Long Dimanche cho biết có ít nhất 4 nhân viên an ninh bị thương nặng, trong đó có người bị gãy tay, vỡ đầu, và bị vỡ mắt.
Ông Long Dimanche nói: Chính quyền có nhiệm vụ bảo vệ trật tự, chắn đường, giải tán, và chấm dứt biểu tình bạo loạn. Chúng tôi không thể chấp nhận hành động bạo lực của các nhà sư và người biểu tình tấn công vào chính quyền.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhân quyền trong nước và quốc tế đến theo dõi phiên xử cho rằng phiên xử 23 nhà hoạt động lao động Campuchia đã có động cơ chính trị. Các thẩm phán và công tố viên thường xuyên cắt ngang những câu trả lời của các bị cáo liên quan đến hành động cảnh sát chống bạo động, lực lượng đặc biệt 911 nổ súng tấn công vào công nhân.
Ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói rằng các nhà chức trách Campuchia nên được truy tố về tội danh nổ súng giết chết nhiều công nhân, nhưng đến nay lực lượng gây bạo lực vẫn không bị trừng phạt.
Phiên xử đã kết thúc vào lúc 4 giờ chiều. Tòa án sẽ tiếp tục vào lúc 8 giờ sáng ngày 21/5.