Campuchia: ngày 1 tháng 5, hàng ngàn công nhân biểu tình

0:00 / 0:00

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5, hàng ngàn công nhân Campuchia đã tổ chức biểu tình diễu hành trên đường phố Phnom Penh đòi chính phủ tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc

Tăng lương tối thiểu cho phù hợp với đời sống

Tổng liên đoàn và Công đoàn lao động cùng 12 tổ chức, Hiệp hội đang hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, xây dựng, du lịch, nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông, thực phẩm và viên chức nhà nước đã huy động khoảng 20.000 người biểu tình diễu hành trên đường phố với khẩu hiệu phải đảm bảo mức lương tối thiểu phù hợp cho công nhân, nhân viên và viên chức nhà nước.

Cuộc diễu hành đã xuất phát từ Công viên Tự do ở thủ đô Phnom Penh kéo về trụ sở Quốc hội nhằm kiến nghị thư và bày tỏ sự bất bình về các hợp đồng lao động ngắn hạn, không người chịu trách nhiệm khi các công ty may mặc đóng cửa hay bỏ trốn, đặc biệt đòi chính phủ cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương.

Giám đốc của Tổng liên đoàn lao động Campuchia là ông Ath Thorn, người dẫn đầu đoàn biểu tình nói với RFA rằng điều kiện sống và làm việc của công nhân trong nước chưa được đảm bảo, tiền lương vẫn thấp. Đây là nguyên nhân mà nhiều công nhân tìm cách đi tìm việc làm ở Thái Lan và Hàn Quốc.

Giám đốc của Tổng liên đoàn lao động Campuchia, ông Ath Thorn (người thứ 3, đếm từ trái) cầu nguyện lúc biểu tình.Photos: Quốc Việt/RFA
Giám đốc của Tổng liên đoàn lao động Campuchia, ông Ath Thorn (người thứ 3, đếm từ trái) cầu nguyện lúc biểu tình.Photos: Quốc Việt/RFA (Photos: Quốc Việt/RFA)

Nếu nhìn vào lương tối thiểu của công nhân hiện nay thì rất thấp cho nên điều kiện sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, môi trường làm việc vẫn chưa được cải thiện, tiền bảo hiểm và an toàn trong công việc vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Nhưng các cuộc đình công, biểu tình thường bị chính phủ gây khó dễ

Ông Ath Thorn

Ông Ath Thorn: "Nếu nhìn vào lương tối thiểu của công nhân hiện nay thì rất thấp cho nên điều kiện sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, môi trường làm việc vẫn chưa được cải thiện, tiền bảo hiểm và an toàn trong công việc vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Nhưng các cuộc đình công, biểu tình thường bị chính phủ gây khó dễ.

Mục đích của cuộc biểu tình hôm nay là đòi tăng lương lên 150 USD một tháng một người. Còn viên chức nhà nước như công an, cảnh sát là 1 triệu Real (250 USD). Chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ thúc giục tòa án truy tố Chhouk Bandit, Thị trưởng thị trấn Bavet, người nổ súng gây thương tích cho 3 công nhân vừa qua."

Cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen có bài phát biểu trong buổi gặp mặt với 1.300 công nhân tại tỉnh Sihanuok rằng biểu tình là quyền tự do bày tỏ của công nhân. Chính phủ sẽ xem xét và tiếp tục tăng lương cho công nhân. Bên cạnh đó, ông Hun Sen cũng yêu cầu các chủ xướng máy, Công đoàn tòan quốc và công nhân tôn trọng quyền lao động và luật lao động.

Lĩnh vực sản xuất hàng may mặc của Campuchia có khoảng 500 xưởng máy, thu hút hơn 500.000 công nhân. Năm 2012, kinh tế nước này tăng trưởng 7,3%, với kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đã đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2011. Quý 1/2013, lĩnh vực may mặc hàng xuất khẩu của nước này đạt mức 1,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các cuộc đình công, biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc vẫn thường xuyên xảy ra. Các cuộc đình công, biểu tình vẫn đòi tăng lương tối thiểu 150 USD một tháng mặc dù gần đây chính phủ quyết định tăng mức lương tối thiểu từ 61 USD một tháng một người thành 80 USD.