Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia vừa ra thông cáo báo chí phản biện những quan tâm của các tổ chức nhân quyền quốc tế và trong nước liên quan vụ án ông Mam Sonando, Giám đốc Đài phát thanh Tổ Ong, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dân chủ, người bị tòa án Phnom Penh phạt 20 năm tù về tội danh đứng đầu phong trào ly khai.
Thiếu thông tin xác đáng
Theo thông cáo đề ngày 5/10, vụ án ông Mam Sonando và đồng bọn không liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận hoặc tòa án Campuchia thiếu độc lập và minh bạch. Vụ án này cũng không có động cơ chính trị như một số tổ chức nhân quyền cáo buộc.
Thông cáo nhấn mạnh ông Mam Sonando là kẻ chủ mưu của phong trào ly khai như một số nhân chứng đã làm chứng chống lại ông trước phiên xử. Đồng thời, tòa án đã kết án ông dựa trên bằng chứng cụ thể.
Ông Koy Kuong, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia cho rằng: "Vụ án ông Mam Sonando là một vụ án riêng lẻ không liên quan gì đến tự do ngôn luận. Thực tế, Đài phát thanh của ông vẫn hoạt động bình thường, còn Hiệp hội Dân chủ cũng vậy.
Các tổ chức quốc tế đã ra thông cáo báo chí thiếu thông tin xác đáng. Nhiều thông cáo thiếu bằng chứng làm ảnh hưởng đến hệ thống tư pháp, tính độc lập và minh bạch của tòa án. Campuchia không cho phép có khu vực tự trị.”
Tòa án Phnom Penh đã kết án 20 năm tù và phạt tiền 2.500 USD đối với ông Mam Sonando vào ngày 1/10. Tòa tìm thấy ông đứng đầu phong trào ly khai ở tỉnh Kratie. Phong trào này bị chính phủ đàn áp bằng bạo lực hồi ngày 16/5 khiến một em gái 14 tuổi thiệt mạng.
Tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng trong hơn 20 năm qua tòa án Phnom Penh chịu nhiều áp lực của Thủ tướng Hun Sen. Không có bằng chứng đáng tin cậy để cáo buộc ông Mam Sonando đứng đầu một phong trào ly khai. Ông Mam Sonando và các nhà hoạt động khác bị giam cầm chỉ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách hòa bình.
Ông Brad Adam, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch phát biểu với phóng viên Quốc Việt của RFA rằng: "Chúng ta đều biết Mam Sonando là một người rất uy tín vì ông ấy không chỉ là Giám đốc của Đài phát thanh Tổ Ong mà còn là Chủ tịch Hiệp hội Dân chủ. Mọi người đủ hiểu rằng chính phủ không thích ông ấy vì đã cho phép bày tỏ quan điểm chính trị và tiếng nói dân chủ trên Đài phát thanh. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc khi chính phủ đàn áp và khủng bố tinh thần dân thường ở tỉnh Kratie.
Ông Koy Kuong
Đối với thông cáo của Bộ Ngoại giao, đó là lời giải thích không cần thiết. Không có bằng chứng nào để chứng minh Mam Sonando đứng đầu phong trào ly khai. Do đó, chính phủ phải trả tự do cho ông này ngay lập tức.
Song, chính đảng đang cầm quyền (CPP) là người phát động phong trào ly khai hồi năm 1993 sau khi đảng này thất bại trong cuộc bầu cử. Và phong trào đó cũng có liên quan đến Thủ tướng Hun Sen.”
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đã ra thông cáo kêu gọi chính phủ Phnom Penh trả tự do cho ông này để chứng tỏ tòa án không chịu áp lực chính trị.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là bà Victoria Nuland viết trong thông cáo công bố ngày 2/10 việc Phnom Penh tuyên phạt 20 năm tù bởi ông này thường có ý kiến chỉ trích chính phủ. Hoa Kỳ thúc giục Campuchia tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quan điểm chính trị. Hoa Kỳ còn kêu gọi Campuchia tôn trọng Hiệp ước quốc tế về quyền công dân, chính trị và tuyên ngôn nhân quyền quốc tế bằng cách không trả đũa, hăm dọa hoặc đàn áp dân.
Ông Ou Virak, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Campuchia phát biểu: "Tôi rất thất vọng khi thấy ông Mam Sonando bị kết án rất bất công. Tôi thất vọng vì chính phủ biến vụ tranh chấp đất đai thành phong trào ly khai. Và thứ ba, tôi thất vọng vì tòa án không thể xử lý minh bạch, đảm bảo công lý cho dân.
Đồng thời tôi rất tiếc hệ thống tư pháp Campcuhia chưa được cải thiện và được người dân tôn trọng. Tôi mong muốn quốc tế và nhà tài trợ thúc giục chính phủ để cải thiện hệ thống tư pháp.”
Chống lại chính phủ
Trong khi đó, Phó văn phòng báo chí và phản ứng nhanh thuộc Hội đồng Bộ trưởng Campuchia là ông Keo Remy cho rằng những thông tin đăng tải trên báo chí và một số thông cáo của tổ chức quốc tế kêu gọi thả ông Mam Sonando cho thấy họ đang bao che cho tội phạm, chống lại chính phủ. Ông Keo Remy:
“Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ Surya Subedi và Brad Adam đều lợi dụng nhân quyền chống đối chính phủ. Vừa qua, bất cứ người nào phạm tội, không tôn trọng luật pháp thì được họ bảo hộ. Bây giờ, đã trở thành truyền thống ủng hộ và bao che cho tội phạm, chống đối chính phủ được bầu cử bởi dân.”
Ông Keo Remy
Tuy nhiên ông Brad Adam nói: "Ủng hộ tội phạm ư! Chúng tôi ủng hộ bất cứ người nào bị tước đoạt nhân quyền trên thế giới. Human Rights Watch là tổ chức nhân quyền quốc tế có công tác theo dõi nhân quyền trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan… ; chúng tôi đều ủng hộ quyền lợi công dân và những người bị chính phủ cáo buộc trắng trợn. Lý do, vì tòa án không có đủ bằng chứng chẳng hạn như vụ án ông Mam Sonando ở Campuchia.
Chúng tôi kêu gọi thả người vì chính phủ đã vi phạm nhân quyền và tòa án làm việc thiếu trách nhiệm. Chúng tôi lên tiếng vì người có quyền lực ở Campuchia đang lạm quyền, đàn áp dân.”
Lâu nay, các tổ chức hoạt động cho nhân quyền Campuchia và người dân bản xứ không còn tin tưởng vào hệ thống tư pháp ở xứ này. Người dân bị cưỡng chế đất đai, nhà cửa và bày tỏ quan điểm chính trị đối lập thường bị chính phủ hăm dọa, truy tố ra tòa một cách bất công.
Human Rights Watch kêu gọi các nhà tài trợ, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Liên Hiệp Quốc và các đối tác phát triển phải cùng lên tiếng yêu cầu Phnom Penh thả ông Mam Sonando và các nhà hoạt động đất đai khác bị kết án về tội vu cáo.