Đảng đối lập Campuchia vừa phát đi một thông cáo báo chí ngày 5/3 gọi vụ một người Việt bị giết chết tại Campuchia được báo chí lá cải Campuchia và Việt Nam đưa tin trong những ngày qua, đã và đang làm ngược vấn đề. Liệu chính phủ Campuchia và Việt Nam cố gắng làm lớn chuyện để quốc tế tố cáo đối lập chủ mưu kích động kỳ thị người Việt?
Cô lập đảng đối lập?
Thông cáo báo chí của đảng đối lập Sam Rainsy cho biết đảng này đã bác bỏ việc chính phủ Hoàng gia Campuchia và Sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh chụp mũ vụ một người Việt bị đám đông đánh chết do phân biệt sắc tộc.
Thông cáo nói Campuchia hồi sinh sau chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, người Khmer đã đứng lên đoàn kết, đấu tranh chống lại âm mưu và hoài bảo của Việt Nam quản lý xứ chùa Tháp. Việc Việt Nam và chính phủ của ông Hun Sen cáo buộc người Khmer và đảng Cứu quốc kích động bài Việt, phân biệt sắc tộc vì muốn quốc tế hiểu lầm, cô lập đảng đối lập và người Khmer yêu nước.
Thông cáo này còn nhấn mạnh sự việc bắt đầu từ Sứ quán Việt Nam và chính phủ Campuchia đã cố gắng tuyên truyền và biến mâu thuẫn tai nạn giao thông thành vụ giết người do thù địch sắc tộc.
Ông Sam Rainsy, Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia nói rằng từ ‘Yuon’ mà ông và người dân Campuchia nói ở đây không mang ý nghĩa kích động phân biệt, đồng thời cũng không phải là nguyên nhân khiến một người Việt bị đám đông đánh chết.
Việt Nam là tên nước Việt Nam, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Còn họ dùng từ Yuon là từ miệt thị, từ đó không được tôn trọng. <br/> -Ông Trần Văn Thông
Ông Sam Rainsy viết: "Nhiều báo chí phát đi thông tin người Việt bị giết do kích động phân biệt sắc tộc, nhưng đó là một cường điệu bởi những báo cáo không chính xác và giật gân. Càng vô lý hơn khi người phát ngôn đảng Nhân dân Campuchia cáo buộc từ Yuon này được sử dụng rộng rãi hơn kể từ khi tôi trở về vào tháng 7/2013, sau bốn năm bị buộc phải sống lưu vong."
Tối ngày 15/2, một người Việt bị đám đông đánh thiệt mạng tại quận Meanchey, thuộc thủ đô Phnom Penh. Sau đó, chính quyền địa phương tung tin mâu thuẫn xảy ra do người Khmer phân biệt sắc tộc, hô vang ‘Yuon đánh người Khmer’. Sau đó, nhiều báo chí và Truyền hình ủng hộ chính phủ đã phát đi nhiều tin bài cho thấy bạo lực này xuất phát từ đảng đối lập kích động.
Căn cứ vào phát biểu trên của chính quyền địa phương, Sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh và Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó cùng lên án và gọi là hành vi kích động bạo lực sắc tộc nhằm vào người Việt ở Campuchia. Còn báo chí Việt Nam có vẻ coi đó là cơ hội để cáo buộc đảng đối lập, vốn lâu nay đưa ra cương lĩnh chính trị trục đuổi người Việt nhập cư bất hợp pháp khỏi Campuchia nếu đảng này thắng cử. Nhiều báo chí Việt Nam đua nhau đưa nhiều tin bài, châm thêm lửa và giải thích ‘Yuon’ là từ một số người Khmer dùng để chỉ người Việt với hàm ý xấu, miệt thị và khẳng định cộng đồng người Việt ở Campuchia đang bị người Khmer kỳ thị bởi âm mưu kích động dân tộc…v.v.
Ông Trần Văn Thông, Tham tán phụ trách chính trị đối ngoại và phát ngôn viên của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh nói với RFA: "Việt Nam là tên nước Việt Nam, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Còn họ dùng từ Yuon là từ miệt thị, từ đó không được tôn trọng. Hai nước láng giềng gần gũi với nhau, trong quan hệ ngoại giao, hay quan hệ quốc tế và trong cuộc sống thì cũng phải tôn trọng lẫn nhau. Nước Việt Nam chưa bao giờ có tên là Yuon hay người Việt là Yuon hết. Còn cái từ Yuon đó nó gắn với cái gì xấu xa…"
Phần đông người Việt mà RFA được tiếp xúc cho biết chính quyền địa phương đã quan tâm đến cộng đồng người Việt giống người bản xứ nhưng vấn đề trắc trở là một phần tử nhỏ người Khmer gọi họ là ‘Yuon’ dù họ có giấy tờ hợp pháp và sống ở đây lâu đời.
Ông Nguyễn Bảo Đặng, một cựu quân tình nguyện Việt Nam sống tại quận Russey Keo chia sẻ: "Người Campuchia phân biệt Yuon là chửi Yuon không. Theo tôi, Yuon có nghĩa xấu, chửi người Việt mà tùy phần tử thôi. Còn chính quyền, người nào làm sai pháp luật sẽ bị bắt. Người làm ăn bình thường thì họ không làm khó làm dễ đâu."
Còn bà Bùi Thị Ba, người Việt sống ở quận Chamkamor nói: "Ở đây thì người Campuchia không có phân biệt nhưng chỗ khác thì không biết, tùy theo khu vực. Người Việt ở đây có giấy tờ; phần lớn họ làm hồ, kẻ thì buôn bán…Nói chung khu vực này nếu mình không làm gì người ta thì không ai phân biệt gì đâu, công an cũng vậy."
Trong khi đó, ông Phay Siphan, người phát ngôn văn phòng chính phủ Campuchia nói rằng từ ‘Yuon’ không có vấn đề gì trong xã hội Campuchia tuy nhiên giộng điệu, thời gian, địa điểm và cách phát biểu của lãnh đạo đối lập gần đây đã chứa hàm ý kích động người Khmer ghét người Việt.
Ông Phay Siphan: "Chính phủ cũng như các tổ chức nhân quyền không thể chấp nhận những luận điệu phân biệt sắc tộc của ông Sam Rainsy và Kem Sokha. Chúng tôi nhìn nhận anh em Việt Nam là đối tác phát triển, giữ gìn hòa bình, an sinh cho công dân hai nước. Còn việc đối lập nói chính phủ cáo buộc họ chỉ là chuyện bịa đặt và đổi hướng quan tâm từ quốc tế."
Từ ‘Yuon’ có kỳ thị chủng tộc?
Vấn đề ngôn ngữ và người Khmer dùng từ ‘Yuon’ để chỉ người Việt không phải hàm chứa bản chất kỳ thị chủng tộc. Nhiều tài liệu lịch sử và các sử gia của Campuchia đã cho biết từ ‘Yuon’ có thể bắt nguồn từ chữ ‘Yueh’, trong tiếng quan thoại người Trung Quốc dùng để gọi Việt Nam (Yueh Nam). Người Khmer đã gọi người Việt là ‘Yuon’ và người ta tìm thấy chữ ‘Yuon’ khắc bằng tiếng Khmer trên một tấm bia thời Vua Khmer Suryavarman I (1002-1050).
Từ Yuon không phải là ngôn từ mang ý miệt thị và phân biệt người Việt trong thời đại mới này. Từ này ám chỉ người Việt có truyền thống hùng mạnh. <br/> -Giáo sư Manara
Trong từ điển Khmer của Đức Tăng Vương Chuon Nath, lãnh đạo tối cao của Phật giáo Campuchia xuất bản năm 1967 cũng viết rằng ‘Yuon’ là danh từ chỉ người Việt ở Hà Nội, người Việt ở Huế, người Việt ở TP.HCM.
Giáo sư Sambo Manara, một sử gia Campuchia và Phó Giám đốc bộ phận Lịch sử tại Trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh nói người Khmer từng sống dưới mối đe dọa tuyệt chủng, đã chứng kiến lãnh thổ Khmer mất vào tay các nước láng giềng hùng mạnh là Việt Nam và Thái Lan, và chứng kiến những lực lượng Việt Nam chiếm đóng Campuchia.
Giáo sư Manara khẳng định: "Từ Yuon không phải là ngôn từ mang ý miệt thị và phân biệt người Việt trong thời đại mới này. Từ này ám chỉ người Việt có truyền thống hùng mạnh. Các chính trị gia không nên lợi dụng từ này và làm xấu đi tình hình đất nước, làm quốc tế hiểu sai và đưa ra báo cáo người Khmer kỳ thị sắc tộc. Campuchia không phải là nước có truyền thống phân biệt sắc tộc mặc dù từ có trong lịch sử và từ Điển Campuchia."
Ngày 27/2, phúc trình nhân quyền thế giới 2013 mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố cũng nói xã hội Campuchia chỉ chấp nhận người dân Trung Quốc, còn dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn đứng trước tình trạng thù địch vì được xem là một mối đe dọa cho đất nước và văn hóa. Nhiều nhóm hoạt động tại Campuchia, gồm các đảng phái chính trị đã mạnh mẽ phàn nàn Việt Nam kiểm sóat chính trị bằng cách giậc dây đảng Nhân dân Campuchia, nhượng bộ chiếm biên giới.
Thực tế, trong ngôn ngữ Khmer không phải không có ngôn từ khiếm nhã, hoặc thiếu kính trọng. Để tỏ ý kỳ thị người Việt, thì người Khmer và Khmer Krom đã dùng từ ‘A Katop’ đánh đồng một người Việt với cái tã lót; ‘A Popus Tek’ đánh đồng một người Việt với bọt nước; ‘A Srakei Daung’ đánh đồng một người Việt với cái vỏ dừa.
Để người Khmer và Khmer Krom từ bỏ từ ‘Yuon’ là một việc rất khó, thậm chí đòi hỏi phải phá hủy các câu khắc trên tấm bia của Vua Khmer Suryavarman I đã tồn tại hơn 1000 năm, tài liệu lịch sử và từ điển Khmer nhưng để người Việt hiểu rằng từ này không mang ý xấu, miệt thị có lẽ sẽ dễ hơn nhiều.