Campuchia thu hồi đất tô nhượng từ Công ty Việt Nam?

Chính phủ Campuchia vừa loan tin đã thu hồi đất tô nhượng làm kinh tế từ các Công ty trồng cây công nghiệp. Do nhiều công ty đầu tư phát triển trong nước và quốc tế chưa bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng cam kết khai hoang rừng.

Chính quyền tỉnh Kampong Thom vừa chỉ đạo một Công ty Việt Nam ngừng khai hoang đất tô nhượng làm kinh tế và kêu gọi các cơ quan chức năng quản lý tất cả diện tích đất tô nhượng đã cấp.

Tranh chấp đất canh tác

Sự việc xảy ra sau khi Công ty Cao su Chư Sê Kampong Thom (CRCK) của Việt Nam nhận giấy phép đất tô nhượng làm kinh tế đã và đang chặt rừng, lấn chiếm đất canh tác của người dân địa phương.

Phó tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom là ông Uth Sam An cho biết đã có khoảng 300 người dân địa phương phản đối quyết liệt sau khi Công ty vừa nói khai hoang lấn chiếm đất của họ khoảng 30ha thuộc huyện Sandan, tỉnh Kampong Thom.

Sau khi có sự cố, nhóm công tác của chính phủ đang đến can thiệp và phân ranh. Chúng tôi sẽ tăng tốc cho sinh viên tự nguyện của chính phủ đến đo đạt để giải quyết vấn đề. <br/> Ô. Uth Sam An

Vẫn theo ông, chính quyền và người dân địa phương đã đến tận khu vực để kiểm tra và xem xét tranh chấp. Song đó, yêu cầu Công ty ngừng khai hoang mở rộng đầu tư trồng cao su trước khi chính quyền xác nhận quyền sở hữu đất tô nhượng.

Ông Uth Sam An phát biểu: "Chúng tôi thừa nhận, đó là khu vực chưa làm ranh và có đường biên. Thì ra, chúng tôi phải làm ranh trước khi cho phép Công ty khai hoang lấy đất trồng cao su. Nhưng sau khi có sự cố, nhóm công tác của chính phủ đang đến can thiệp và phân ranh. Chúng tôi sẽ tăng tốc cho sinh viên tự nguyện của chính phủ đến đo đạt để giải quyết vấn đề."

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết hồi cuối tháng 2 năm 2013, tính đến năm 2012, Chính phủ đã cấp đất tô nhượng làm kinh tế 1,5 triệu hécta cho các Công ty tư nhân trong và ngoài nước. Chính phủ cũng thu hồi đất tô nhượng làm kinh tế từ 34 Công ty với tổng diện tích 268.696 hécta do không triển khai theo thỏa thuận, và có hoạt động chặt cây lấy gỗ, bán một phần đất tô nhượng, thăm dò tìm kiếm khoáng sản trái phép hoặc lấn chiếm đất của dân.

Ông Hun Sen còn cho biết, chính phủ có kế hoạch giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai trên tổng diện tích 1,8 triệu hécta cho người dân ở 20 tỉnh. Cho đến nay, đã giải quyết được 480 ngàn hộ gia đình và sẽ hoàn thành kế hoạch vào cuối năm 2013. Ông Hun Sen còn tuyên bố, những Công ty không thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị số 01 quy định về việc tạm ngưng cấp mới đất tô nhượng để rà soát tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư ký ngày 7/5/2012 sẽ bị thu hồi đất.

Lãnh đạo Campuchia thăm nơi trồng cao su do Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG) đầu tư trồng ở Campuchia. Photo courtesy of nongnghiep.vn
Lãnh đạo Campuchia thăm nơi trồng cao su do Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG) đầu tư trồng ở Campuchia. Photo courtesy of nongnghiep.vn

Trưởng đại diện Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, kiêm Trưởng đại diện Hội phát triển hợp tác kinh tế Campuchia – Việt Nam – Lào là ông Chan Long thừa nhận có một số dự án và doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có một số dự án và doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật của Campuchia.

Ông Chan Long nói: "Có một số làm không đúng quy định. Chẳng hạn rừng cao su, rừng nguyên sinh nhưng quy hoạch chính phủ cho khai thác. Ví dụ, cho diện tích 1.000 hécta nhưng mỗi năm chỉ cho khai thác 200 hécta. Sau khi phủ kín xong mới chúng ta có thể tiếp tục khai hoang địa điểm khác. Nhưng trong khi họ khai hoang, thấy gỗ tốt nhiều quá, họ khai hoang luôn. Vi phạm trong vấn đề đó. Một số đã lợi dụng mặt pháp lý Campuchia nhưng chỉ có một số ít thôi."

Muốn trồng lại rừng

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tính đến hết năm 2012, toàn Tập đoàn có 21 dự án đang được triển khai tại xứ chùa Tháp. Trong đó, có 19 dự án trồng cao su và 2 dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su. Hiện tại, Tập đoàn đã trồng được khoảng 70.000 ha cao su; trong đó, một số diện tích cao su của Công ty Tân Biên-Kampong Thom đang được khai thác.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam còn giao nhiệm vụ cho các công ty thuộc thành viên phải khai hoang được 30.000 ha, trồng mới thêm 25.000 ha cao su trong năm 2013. Đặc biệt, các Công ty phải hoàn thành mục tiêu trồng 100.000 ha cao su vào năm 2014.

Chúng tôi không đòi Công ty đền bù nhưng muốn Công ty trồng lại rừng. Muốn chính phủ theo dõi các hoạt động khai thác rừng của Công ty Việt Nam và Trung Quốc. <br/> Ô. Sith Seng

Trong khi đó, ông Sith Seng, đại diện dân địa phương đến phản đối Công ty CRCK nói rằng Công ty đã vi phạm các điều khoản trong Hợp đồng đã ký với Chính phủ. Công ty được phép đầu tư trồng cao su 6.000 ha nhưng Công ty lại khai hoang thêm rừng nguyên sinh và đất ruộng của dân.

Ông Sith Seng cho biết: "Chúng tôi muốn chính phủ, tỉnh trưởng, các bộ ngành hữu quan, chính quyền địa phương phối hợp với Ban kiểm tra đất vườn, hoa màu, xem xét lại Công ty. Chúng tôi không đòi Công ty đền bù nhưng muốn Công ty trồng lại rừng. Muốn chính phủ theo dõi các hoạt động khai thác rừng của Công ty Việt Nam và Trung Quốc. "

Tuy nhiên, Phó tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom cho rằng đối với các Công ty Việt Nam nhận giấy phép đất tô nhượng làm kinh tế ở Campuchia đã và đang góp phần tăng trưởng kinh tế Nhà nước.

Theo ông, nhiều Công ty đã đền bù thỏa đáng, cam kết hỗ trợ di dời, khai hoang và làm đường giao thông, giúp xây dựng trường học, trung tâm y tế, đường xá, chùa chiền. Các nhà đầu tư Việt Nam còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân tại chỗ.

Được biết, phần lớn các Công ty Việt Nam sang Campuchia đầu tư trong lĩnh vực trồng cây công nông nghiệp như trồng cao su, mía đường, trồng khoai mì…v.v. tại các tỉnh Ratanakiri, Mondolkiri, Kratie, Kampong Cham, Stung Treng, Kampong Speu, Kampong Thom, Preah Vihear, Kampot.

Một số Công ty trồng cao su tại các tỉnh vừa nêu thường bị người dân địa phương biểu tình phản đối vì khai hoang ngoài diện tích cho phép, phá hoại gỗ quí, phân biệt công nhân và nhân viên chuyên nghiệp.