Nhân viên giữ trật tự an ninh ở thủ đô Phnom Penh sáng ngày 21/1 đã bắt giữ 11 nhà hoạt động tích cực trong các lĩnh vực đất đai, nhân quyền và đấu tranh vì quyền lợi công nhân. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình:
Cấm tụ tập, biểu tình
Gần 200 người, đại diện nhà hoạt động chính trị, đất đai, công nhân và công đoàn từ 181 Tổ chức phi chính phủ ở Campuchia tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ, Pháp, Anh tại Phnom Penh để phản đối chính phủ phạt tù 23 công nhân bị đánh đập và bắt giam hồi đầu tháng này.
Những người biểu tình bị các nhân viên an ninh Quận Daun Penh đội mũ bảo hiểm màu đen bao quanh bắt trước Đại sứ quán Mỹ và kéo vào xe, sau đó chở về trụ sở cảnh sát Phnom Penh vào lúc 8 giờ 30 phút, bao gồm cả ông Rong Chhun, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên độc lập, kiêm Chủ tịch Liên đoàn Lao động và là đại diện của Hội đồng giám sát Campuchia thường lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Hun Sen nhượng bộ Việt Nam lấn cột mốc biên giới, và nhà hoạt động đất đai nổi tiếng Tep Vanny cùng một người dân khác khi nhóm người biểu tình gửi thư kiến nghị Đại sứ quán Mỹ can thiệp thả người.
Chúng tôi đòi giải quyết đất đai theo giá thị trường; thứ hai yêu cầu tăng lương cho công nhân nhưng nhà nước không giúp gì mà lại bắt chúng tôi. <br/> -Bà Sơn Thị Kê
Nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã đàm phán với các nhân viên an ninh để người biểu tình được diễu hành tự do đến kiến nghị thư các Đại sứ quán còn lại. Nhưng khi nhóm này tiến gần đến Đại sứ quán Pháp, các nhân viên an ninh đã ngăn cản lần nữa và bắt thêm 8 người phụ nữ. Những người biểu tình còn lại khóc, cầu cứu. Sau đó, họ tiếp tục hướng đến các Đại sứ quán Pháp, Anh.
Bà Sơn Thị Kê, một người Campuchia gốc Việt tham gia cuộc biểu tình cho biết: "Chúng tôi đến đây để nhờ Đại sứ Mỹ giúp can thiệp thả 23 người bị bắt vừa qua nhưng bây giờ bắt thêm tụi tôi 11 người. Họ bắt vì muốn dọa không để chúng tôi ra biểu tình, tụ tập. Chúng tôi đòi giải quyết đất đai theo giá thị trường; thứ hai yêu cầu tăng lương cho công nhân nhưng nhà nước không giúp gì mà lại bắt chúng tôi."
Sau gửi thư kiến nghị cho Đại sứ quán Anh, nhóm người biểu kéo nhau đến khiếu nại trước trụ sở Cảnh sát Phnom Penh để đòi thả 11 người vừa bị bắt. Đến lúc 1 giờ 45 phút, cảnh sát đồng ý thả người.
Ông Rong Chhun cho biết: "Cảnh sát bắt buộc chúng tôi ký vào bảng ghi nhớ không tham gia tụ tập hay làm loạn xã hội nhưng chúng tôi không quan tâm vì không làm gì sai. Tôi thấy tình hình nhân quyền, dân chủ ở Campuchia ngày càng tồi tệ."
Cảnh sát trưởng Phnom Penh, Trung tướng Chuon Sovann trả lời phỏng vấn với chúng tôi rằng do nhóm người biểu tình giải tán, còn người bị bắt không có liên quan đến tội ác hình sự cho nên cảnh sát trả tự do. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc biểu tình của các tổ chức dân sự là phi pháp và gây mất trật tự.
Ông Chhuon Sovann nói: "Nếu cuộc biểu tình được pháp luật cho phép, họ không cố ý làm ảnh hưởng đến giữ trật tự an ninh thì lực lượng cảnh sát sẽ giúp bảo vệ."
Đầu tháng Giêng, cảnh sát đã nổ súng giết chết 5 công nhân may mặc biểu tình đòi tăng mức lương tối thiểu lên 160$ mỗi tháng, làm 37 người bị thương và bắt giữ 23 người.
Sau đó chính phủ ra lệnh cấm tụ tập, biểu tình chống chính phủ. Đồng thời sẽ đàn áp, bắt giữ người tụ tập đến khi nào tình hình chính trị Campuchia ổn định trở lại mới họ được phép biểu tình.