Campuchia: Cảnh sát ngăn chặn biểu tình ngày Quốc tế phụ nữ

Đòi cải thiện điều kiện làm việc

Tại Campuchia, trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, các công nhân đã xuống đường biểu tình đòi cải thiện điều kiện làm việc và phản đối quyết định nâng mức lương tối thiểu của chính phủ bất chấp lệnh cấm tụ tập, biểu tình.

Hàng trăm cảnh sát chống bạo động, công an và nhân viên an ninh đã dùng hàng rào chắn đường không để khoảng 600 công nhân ngành may mặc từ nhiều nhà máy khác nhau tuần hành trên đường phố; còn quảng trường tự do khu vực mà chính phủ chuẩn bị để người dân tụ tập bày tỏ ý kiến cũng bị cảnh sát dùng rào sắt bao vậy và canh giữ khắc khe.

Trước đó, 18 lãnh đạo Công đoàn, Liên đoàn và Hiệp hội lao động Campuchia đã xin phép tòa thị chính Phnom Penh để tổ chức biểu tình với khoảng 30.000 người tham gia nhưng bị chính quyền từ chối.

Ông Ath Thorn, Chủ tịch Liên minh của Liên hợp Dân chủ Công nhân ngành Dệt may Campuchia cho biết mục đích biểu tình đòi chính phủ nâng mức lương tối thiểu lên 160$ một tháng; thả 21 công nhân và lãnh đạo công đoàn đang bị giam cầm; thúc giục các chủ xưởng may mặc trả lương công nhân đều đặn và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn.

Nếu chính phủ giải quyết các vấn đề nêu trên thì chúng tôi sẽ không khiếu nại. Hiện dù chính phủ kiện chúng tôi, bắt chúng tôi mà công nhân vẫn tiếp tục biểu tình. <br/> -Ông Ath Thorn

Ông Ath Thorn cho biết thêm: "Nếu chính phủ giải quyết các vấn đề nêu trên thì chúng tôi sẽ không khiếu nại. Hiện dù chính phủ kiện chúng tôi, bắt chúng tôi mà công nhân vẫn tiếp tục biểu tình. Các nhà kinh doanh quốc tế giảm các đơn đặt hàng, nhà đầu tư rút lui. Không chỉ riêng công nhân gặp khó khăn mà chính phủ cũng sẽ bị quốc tế cô lập và không cấp viện trợ…"

Kể từ khi cảnh sát nổ súng bắn chết 5 công nhân, 37 người bị thương, 21 người bị bắt bỏ tù vào đầu tháng Giêng, quốc tế đã lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ xứ chùa Tháp tuy nhiên Phnom Penh đã không quan tâm bằng cách đáp lại ra lệnh cấm người dân tụ tập, biểu tình.

Các phụ nữ Campuchia bị cưỡng chế nhà cửa khóc đòi cảnh sát mở đường cho biểu tình ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2014 tại Phnom Penh. RFA PHOTO/Quốc Việt.
Các phụ nữ Campuchia bị cưỡng chế nhà cửa khóc đòi cảnh sát mở đường cho biểu tình ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2014 tại Phnom Penh. RFA PHOTO/Quốc Việt.

Trong ngày Quốc tế phụ nữ, các cảnh sát chống bạo động và an ninh Campuchia cũng xô xát với nhóm công nhân kiên quyết đến tập trung tại quảng trường tự do. Còn nhóm người phụ nữ bị cưỡng chế đất cùng hàng chục nhà sư cũng bị cảnh sát chống bạo động chắn đường không cho tuần hành. Lực lượng cảnh sát bao vây, ép buộc nhóm phụ nữ này trở về nhà cho dù họ năng nỉ, khóc lóc xin phép được đi trên đường để bày tỏ quyền của họ.

Trong khi đó, ông Long Dimanche, người phát ngôn tòa thị chính Phnom Penh nói rằng chính phủ không cho phép biểu tình và tuần hành nhằm khôi phục trật tự công cộng và bảo đảm an toàn cho người dân. Chính phủ quan ngại các cuộc biểu tình có động cơ chính trị dễ phát sinh bạo lực. Ông Dimanche nói thêm quyết định trên không vi phạm lệnh dỡ bỏ cấm biểu tình của Thủ tướng.

Ông Long Dimanche: "Người biểu tình và cảnh sát đã không tránh khỏi xô xát và va chạm. Tôi đã chứng kiến nhiều người biểu tình kích động cảnh sát dùng bạo lực khi họ cố ý đẩy hàng rào cấm. Vì dễ bị kích động dẫn đến xung đột nên chúng tôi không cho phép biểu tình và tôi không nghĩ chính phủ vi phạm nhân quyền hoặc quyền phụ nữ."

Được biết, công nghiệp may mặc là ngành xuất khẩu lớn nhất Campuchia với tổng trị giá hơn 5 tỉ USD, tuyển dụng hơn 600.000 công nhân. Các cuộc biểu tình của công nhân vừa qua đã khiến ngành này thiệt hại 200 triệu USD.

Còn đối tác nước ngoài đã đe dọa hủy hợp đồng gia công hoặc kiện phía Campuchia vì thiệt hại tài chính, giảm các đơn đặt hàng; và cắt mối quan hệ hoàn toàn với các nhà máy nếu nước này không giải quyết triệt để vấn đề điều kiện làm việc, đình công và tiền lương…v.v.

Các liện đoàn lao động Campuchia cũng cho biết họ sẽ tổ chức biểu tình với quy mô lớn trên toàn quốc vào ngày 12/3.