Campuchia rút quân khỏi khu phi quân sự tạm thời

Sáng 18/07/2012, Campuchia đã rút quân khỏi khu phi quân sự tạm thời ở biên giới Thái Lan nhằm thực hiện yêu cầu của Tòa án Công lý Quốc tế.

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia là ông Tea Banh cho biết Campuchia đã rút 485 binh sỹ ra khỏi khu phi quân sự tạm thời xung quanh đền Preah Vihear. Nước này cũng sẽ tiếp tục bố trí lại quân sự tại khu vực tranh chấp này nhằm đánh dấu một năm ngày Tòa án công lý quốc tế (ICJ) ra lệnh yêu cầu hai bên rút quân.

Quân đội được thay thế bằng cảnh sát

Ông Tea Banh tuyên bố tại buổi lễ rút quân rằng việc xứ chùa Tháp rút các binh sỹ tại khu phi quân sự tạm thời có nghĩa nước này đã và đang đóng vai trò là một thành viên tốt của Liên Hiệp Quốc, thực thi yêu cầu của ICJ, đồng thời đã có ý chí đóng góp cho những bước đi tích cực nhằm cải thiện và phát triển quan hệ giữa Campuchia – Thái Lan.

Phát biểu trước khoảng 500 binh sỹ, giới ngoại giao, các tùy viên quân sự, học sinh, sinh viên và người dân địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh khẳng định trong đợt 485 binh sỹ được rút khỏi khu phi quân sự tạm thời đã được thay thế bằng 250 cảnh sát và 100 nhân viên bảo vệ ở khu

Quân đội Campuchia trên đường rút khỏi vùng tranh chấp biên giới với Thái Lan, ngày 18 tháng 7, 2012. RFA/Mom Sophon
Quân đội Campuchia trên đường rút khỏi vùng tranh chấp biên giới với Thái Lan, ngày 18 tháng 7, 2012. RFA/Mom Sophon (RFA/Mom Sophon)

đền để ngăn chặn các tội phạm chặt cây bất hợp pháp, trộm cắp đồ cổ và chiếm đất trái phép. Ngoài ra, nhóm cảnh sát và nhân viên này sẽ cùng phía Thái Lan đảm bảo an ninh cho ngôi đền xứng danh là một di sản văn hóa thế giới.

Ông Tea Banh: "Việc bố trí lại lực lượng quân sự hôm nay chứng tỏ rằng Campuchia có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp quốc tế. Đặc biệt là tôn trọng quyền chủ nhà có trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa và tôn trọng phán quyết của ICJ ra ngày 18/7/2011. Sự căng thẳng ở biên giới vừa qua là do Thái Lan tự mình xây dựng bản đồ vi phạm phán quyết của ICJ chứ không phải vì UNESCO công nhận đền Preah Vihear."

Trong buổi họp báo ngày 13/7 tại tỉnh Siem Reap, Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhất trí rút quân khỏi khu phi quân sự tạm thời (PDZ). Cả hai gọi hành động trên là hành động thiện chí và sẽ làm dịu đi căng thẳng, tiến tới hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới của hai nước.

Trong khí đó, báo The Nation của Thái Lan loan tin cùng ngày dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sukumpol Suwanatat rằng việc Thái Lan đồng ý bố trí lại quân sự là thực hiện

Đền Preah Vihear, nguyên nhân của cuộc tranh chấp biên giới.AFP photo
Đền Preah Vihear, nguyên nhân của cuộc tranh chấp biên giới.AFP photo (AFP photo)

theo lệnh của ICJ. Cơ quan an ninh đã xem xét cẩn thận và lượng trước hậu quả trước khi đưa ra kết luận về kế hoạch tái bố trí.

Theo ông, Thái Lan sẽ gửi khoảng 1.000 cảnh sát đến khu vực xung đột thay thế cho quân đội được rút lui. Ông nói các nhà phê bình không nên vội vàng giải thích rằng sự vắng mặt của các binh sĩ Thái Lan ở khu phi quân sự sẽ dẫn đến mất chủ quyền.

Ngày 18/7/2011, Tòa án công lý quốc tế đã ra lệnh yêu cầu Campuchia và Thái Lan rút quân và không làm tăng thêm căng thẳng tại khu vực đền Preah Vihear, đồng thời ICJ cũng yêu cầu hai nước cho phép quan sát viên Indonesia tiếp cận khu vực để giám sát ngừng bắn.

Campuchia và Thái Lan đã bắt đầu có xung đột biên giới từ tháng 7/2008 kể từ khi Ủy ban di sản thế giới của UNESCO công nhận đền cổ Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới ngày 7/7/2008.

Theo dòng thời sự: