Việt Nam hiện đang theo xu hướng chung của toàn thế giới là khuyến khích người dân giảm sử dụng loại túi nylon khó phân hủy khiến môi trường bị ô nhiễm. Vậy hoạt động đó đến nay tiến triển đến đâu? Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.
Bảo vệ môi trường
Thành phố Hội An là địa phương đi đầu trong cả nước Việt Nam với chiến dịch “Nói không với túi nylon” được khởi sự cách đây hai năm. Cho đến thời điểm này, một trong những đơn vị hành chính thuộc thành phố này là Cù Lao Chàm, được cho biết không còn bóng dáng túi ny long trong sinh hoạt thường ngày của người dân trên đảo cũng như du khách đến với cù lao này.
Ông Nguyễn Sự, hiện là chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hội An, cho biết về điều này:
Trước đây do túi nylon quấn vào nên san hô chết hết, nay san hô mọc sát vào trong bờ. Đây là một thành công của việc không sử dụng túi ny lon tại Cù Lao Chàm. <br/> Nguyễn Sự
"Đến bây giờ có thể nói nhân dân Cù Lao Chàm không sử dụng túi nylon nữa; họ sử dụng những vật liệu khác ví dụ như giấy, hay các loại lá môn, lá chuối để gói đồ, đựng thức ăn. Đi chợ, người ta dùng giỏ chứ không dùng túi ny lon để đi chợ nữa. Điều đó trở thành ý thức thường xuyên trong người dân Cù Lao Chàm. Sau hai năm thực hiện, tôi có thể nói môi trường Cù Lao Chàm nay đã sạch hẳn. Biển sạch, san hô đến bây giờ mọc trở lại. Trước đây do túi nylon quấn vào nên san hô chết hết, nay san hô mọc sát vào trong bờ. Đây là một thành công của việc không sử dụng túi ny lon tại Cù Lao Chàm.
Riêng đối với Cù Lao Chàm, những người đến đó kể cả khách du lịch khi mang túi ny lon chúng tôi yêu cầu thay túi khác và để lại túi ny lon trong này. Việc này chúng tôi thực hiện khá triệt để.”
Có thể nói, Cù Lao Chàm có lợi thế dễ thực hiện việc không sử dụng túi ny long vì đây là cụm đảo nằm cách bờ chừng 20 kilomet về phía đông bắc. Khung cảnh hoang sơ, dân cư chưa đông đúc. Chính quyền thành phố có nhận thức và quyết tâm bảo vệ môi trường cho khu dự trữ sinh quyển này của Việt Nam. Ý thức này được ông Nguyễn Sự trình bày:
“Mọi người phải ý thức được điều việc sử dụng túi ny lon không chỉ gây hậu quả bây giờ mà lâu dài về mặt môi trường. Có nhiều loại túi ny lon chon 50-60 năm nay đào lên vẫn không phân hủy. Chính quyền cần phải giúp cho người dân thấy tác hại của việc sử dụng túi ny lon tràn lan như hiện nay.”
Còn thực tế ngay tại phố cổ Hội An, việc ‘Nói không với túi ny long’ được thực hiện đến đâu?
Ông Nguyễn Sự có đánh giá:
"Đến bây giờ chúng tôi phát động vào toàn thành phố. Phát động trong dân đi đến hạn chế sử dụng túi ny lon. Các doanh nghiệp phải gương mẫu trong việc này. Khi họ trao hàng cho khách phải dùng túi giấy, túi tái sử dụng, chứ không được dùng túi ny long. Hầu hết các doanh nghiệp đều tự giác hưởng ứng việc này. Vấn đề còn lại là phát động trong dân, mà để dân triệt để không sử dụng túi nylon không phải là vấn đề đơn giản, mà khó. Chúng tôi vận động người dân thứ gì mà không sử dụng túi ny long có thể đựng được thì không nên, trừ trường hợp không có gì thay thế cả. Có thể nói môi trường thành phố sạch hơn thời kỳ còn để sử dụng túi ny lon một cách tràn lan và tự do."
Một người dân hiện sống tại phố cổ Hội An nói về việc hạn chế sử dụng loại túi mà họ biết khó phân hủy và làm ô nhiễm môi trường như sau:
“Có nhưng mà ít lắm, có nghĩa là triển khai nhưng ít người dùng, vẫn dùng bao ny lon. Lý do nếu dùng bao giấy đi trời mưa bỏ đồ bị ướt. Có nhiều công ty làm nhưng người ta vẫn dùng bao ny lon, hình như tiện hơn nên người ta vẫn dùng.”
Doanh nghiệp & chính quyền phối hợp
Theo ông Nguyễn Sự thì vấn đề nguời từ nơi khác mang túi ny lon đến phố cổ chủ yếu là du khách trong nước, chứ du khách nước ngoài, mà đa số là khách Châu Âu thì họ rất ý thức và ít sử dụng túi ny lon khi đến phố cổ. Tuy vậy, thành phố vẫn có kế hoạch thu gom, phân loại, xử lý và chế biến số túi nylon vẫn còn sử dụng và thải ra tại đó. Ông Nguyễn Sự trình bày về công tác thu gom, xử lý loại này hiện nay ở đó như sau:
Có nhưng mà ít lắm, có nghĩa là triển khai nhưng ít người dùng, vẫn dùng bao ny lon. Lý do nếu dùng bao giấy đi trời mưa bỏ đồ bị ướt. <br/> Người dân Hội An
“Du khách được mang túi ny lon đến Hội An nên vấn đề thu gom, phân loại riêng ra để xử lý cũng được chúng tôi tiến hành. Chúng tôi đưa nhà máy xử lý rác vào hoạt động được 1 năm nay rồi. Nhà máy phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ. Rác hữu cơ chế biến thành phân, rác vô cơ thì đóng lại chuyển đi nơi khác để người ta chế biến tái sử dụng trở lại.”
Ông Nguyễn Sự nói đến biện pháp mà chính quyền thành phố này triển khai đối với các doanh nghiệp để họ cùng tham gia trong chiến dịch giảm thiểu sử dụng các loại túi ny long tại khu phố cổ, một địa chỉ du lịch nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước đến tham quan Hội An:
“Chúng tôi mời nói chuyện về yêu cầu việc không sử dụng túi ny lon, nói chung doanh nghiệp người ta hưởng ứng ngay. Người ta làm cam kết với chính quyền không sử dụng túi ny lon đưa cho khách hàng nữa. Người ta tự đặt những túi tự phân hủy, túi sử dụng lại. Họ cũng quảng cáo thương hiệu trên những túi đó luôn. Nếu vi phạm chúng tôi xử lý, mức cao nhất là đóng cửa đến khi làm tốt việc này mới cho mở cửa kinh doanh trở lại.”
Ông cho biết doanh nghiệp và chính quyền phối hợp với nhau rất tốt trong vấn đề này chứ không phải chính quyền nói một đường, doanh nghiệp làm một nẻo.
Bài học Hội An cũng được một số khu dự trữ sinh quyển đến tìm hiểu và học hỏi. Ông Nguyễn Sự nói về điều này:
“Nhiều nơi đến Hội An hỏi cách làm, như khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Chúng tôi cũng trình bày cho họ cách làm của Hội An. Họ đưa cả đoàn ra học hỏi và về áp dụng; dù rằng kết quả cũng chưa thể triệt để như Cù Lao Chàm, nhưng cũng có hiệu quả tích cực, số lượng túi ny lon sử dụng hằng ngày ít đi, hạn chế tối đa. Riêng chúng tôi cũng phải tích cực để làm tốt hơn ở thành phố Hội An.”
Ngoài thành phố du lịch Hội An, chiến dịch kêu gọi người dân giảm thiểu sử dụng túi ny lon còn được triển khai mạnh ở hai thành phố lớn của Việt Nam là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên hiệu quả tại hai nơi nó vẫn chưa được là bao.
Chính một cư dân sinh sống tại Hà Nội cho biết thực tiễn của chương trình kêu gọi giảm thiểu sử dụng túi ny lon trong cuộc sống như sau:
“Đi chợ vẫn dùng túi ny lon bình thường, còn các túi khác ở siêu thị có sử dụng nhưng chỉ những siêu thị lớn ở khu vực Hà Nội thôi. Người bán hàng đưa cho túi gì thì lấy thôi; đó là thói quen. Việc sử dụng túi một lần nói chung là không quen và mất tiền nên trở thành xa xỉ.”
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại túi tự phân hủy nhằm có thể thay thế túi ny lon, cho biết khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa được hỗ trợ để có thể phát triển mặt hàng nhằm thay thế loại nylon khó phân hủy đang được sử dụng nhiều ở Việt Nam lâu nay:
“Tình hình sử dụng chưa mạnh, tại vì giá thành hàng tự hủy cao nên chưa mạnh. Bên tui chưa được hỗ trợ.”
Có thể nói đến nay, ngay cả tại nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ vẫn chưa thể triệt tiêu loại túi ny long khó phân hủy. Để giải quyết vấn đề người ta có loại túi ny long thân thiện môi trường, tức có thể phân hủy trong thời gian ngắn một vài năm.
Hồi tháng bảy vừa qua, Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam cho công bố tiêu chí, trình tự và thủ tục công nhận một loại túi ny long thân thiện môi trường.
Một số tiêu chí được nêu rõ là độ dày lớp màng lớn hơn 30 micromet, kích thước nhỏ nhất lớn hơn 20 cm. Đơn vị hay cá nhân sản xuất loại túi này phải có kế hoạch thu hồi tái chế, và có khả năng phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian không quá hai năm. Bộ cũng có qui định về hàm lượng tối đa kim loại nặng cho phép trong loại túi ny lon được nói là thân thiện môi trường đó.
Một sản phẩm tiêu dùng nhỏ trong cuộc sống như túi ny lon lại là vấn đề môi trường lớn toàn cầu. Các nhà nghiên cứu thuộc đại học British Columbia ở Vancouver, Canada hồi tháng bảy vừa qua công bố nghiên cứu cho thấy vùng bở biển tây bắc khu vực Bắc Mỹ có mức ô nhiễm plastic kỷ lục. Các nhà nghiên cứu phát hiện trong dạ dày của loài chim sống tại vùng biển luợng mẩu plastic rất lớn. Mức độ được cho là kỷ lục trong vòng 40 năm qua.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.