Những nỗ lực tìm kiếm người Thượng tỵ nạn của Liên Hiêp Quốc liên tục thất bại do không nhận được sự hợp tác của Campuchia, trong khi chính quyền tỉnh Ratanakiri vẫn tiếp tục truy bắt những người này giao cho Việt Nam, cùng lúc đó những người đang ẩn trốn phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói và bệnh tật.
Chỉ 23 người được LHQ giúp đỡ
Tính từ cuối năm 2014 đến tháng 2 năm 2015 đã có hơn 70 người Thượng trốn sang Campuchia để xin được tỵ nạn chính trị. Tuy nhiên, chỉ có 23 người được Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách người tỵ nạn giúp đỡ, số còn lại vẫn đang lẫn trốn trong rừng và một số khác đã bị chính quyền Campuchia bắt đưa về Việt Nam.
Ông Chhay Thy, đại diện tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc phụ trách tỉnh Ratanakiri cho biết, từ đầu năm 2015, chính quyền địa phương này tiến hành truy lùng, tìm bắt những người Thượng trốn từ Việt Nam sang. Không những thế giới chức địa phương này còn đe dọa bắt giữ những người Jarai nào che dấu người từ Việt Nam sang.
Cơ quan chức năng đã đến đe dọa người dân ở phum Khveng, buộc người dân phải lăn tay thừa nhận hành vi che dấu người tỵ nạn là sai trái và cáo buộc họ đã từng giúp đỡ những người Thượng tỵ nạn hồi năm 2001 – 2005. <br/> -Ông Chhay Thy
Cũng theo ông Thy, cảnh sát và thẩm phán tòa án tỉnh Ratanakiri đã nhiều lần bao vây, kiểm nhà người dân để tìm bắt người Thượng Việt Nam lẫn trốn và buộc người dân phải cam kết không chứa chấp người Jarai Việt Nam. Ông Thy cho biết: "Cơ quan chức năng đã đến đe dọa người dân ở phum Khveng, buộc người dân phải lăn tay thừa nhận hành vi che dấu người tỵ nạn là sai trái và cáo buộc họ đã từng giúp đỡ những người Thượng tỵ nạn hồi năm 2001 – 2005."
Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 26 tháng 2, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguon Koeun, trưởng công an tỉnh Ratanakiri nhưng ông này không thể tiếp chuyện vì cho biết điện thoại mất sóng.
Ông Nguon Koeun: "Tôi không nghe được gì cả. Điện thoại tôi mất sóng."
Chúng tôi đã cố gắng nhiều lần nhưng vẫn không thể liên lạc được vì điện thoại báo bận.
Hồi tuần trước, đoàn công tác của Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách người tỵ nạn đã đến tỉnh Ratanakiri nhưng phải trở về Phnom Penh vì không nhận được sự hợp tác từ giới chức địa phương do Bộ nội vụ Campuchia chưa bật đèn xanh cho cuộc tìm kiếm. Có thể thấy rằng chính quyền Phnom Penh thiếu thiện chí trong việc giúp đỡ những người Thượng Việt Nam này.
Giữa tháng 10 năm 2014, Chính quyền của ông Hun Sen đã đạt được thỏa thuận về người tỵ nạn với chính phủ Úc.Theo đó, Campuchia đồng ý cho người tỵ nạn được gửi từ Úc định cư tại Campuchia để đổi lấy 40 triệu Đô-la viện trợ.
Ông Long Visalo, người Phát ngôn bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia từng nhận định, tiếp nhận người tỵ nạn này là một hành vi nhân đạo và phù hợp với các công ước quốc tế mà Campuchia là thành viên. Tuy nhiên đối với người Thượng vừa trốn chạy khỏi Việt Nam thì chính quyền Campuchia dường như không quan tâm lắm đến vấn đề nhân đạo.
Hôm 10 tháng 2 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia, ông Sar Kheng từng tuyên bố rằng dù có quốc gia thứ ba nào tiếp nhận hay không thì vẫn không thể thiết lập một trại tỵ nạn nào cho người Thượng tại Campuchia. Khi được hỏi về thái độ khác nhau nhữa hai đối tượng là người tỵ nạn, ông Phay Siphan, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia cho biết hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, việc người Thượng trốn sang Campuchia không đơn thuần là tỵ nạn mà là những người chính trị.
Ông Phay Siphan: "Chúng tôi không cho phép ai sử dụng Campuchia để tiến hành các hoạt động chính trị để chống lại quốc gia khác. Những người được gửi từ Úc đơn thuần là những người tỵ nạn và được Liên Hiệp Quốc bảo hộ, còn những người Thượng, họ là những người tỵ nạn chính trị."
Việt Nam tiếp tục đàn áp
Về phía những người Thượng, họ cho biết họ phải trốn chạy khỏi quê hương do không chịu nỗi sự đàn áp và theo dõi từ chính quyền Việt Nam.Qua điện thoại của một người Jarai Campuchia, đêm 25 tháng 2 năm 2014, chúng tôi tiếp xúc với một người Thượng, 67 tuổi, quê ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, đang cùng 4 người khác lẫn trốn trong một khu rừng thuộc huyện O'Yadaw tỉnh Ratanakiri. Ông này cho biết, ông phải chạy khỏi Việt Nam do bị chính quyền theo dõi và đàn áp, không thế tiếp tục sinh sống và làm ăn được nữa.
Ông cho biết: "Người ta nói mình theo đạo Pháp, đạo Mỹ, đạo Hoa Kỳ. Mình không biết đạo của ai đâu, mình chỉ theo linh hồn mình thôi. Người ta theo dõi liên tục, mình không thể làm ăn gì được cả. Mình không chịu nỗi nữa phải chạy thôi. Sống ở đâu cũng được, sống ở Campuchia cũng được, mình không sống ở Việt Nam được nữa ".
Cho đến nay, hơn 40 Jarai Tây Nguyên vẫn đang lẫn trốn và được người dân tộc bản địa Jarai của Campuchia che giấu và cung cấp lương thực tuy nhiên họ đang phải đối mặt với bệnh tật, thiếu đói và nguy cơ bị chính quyền Campuchia bắt và đưa về Việt Nam bất cứ lúc nào.
Ngày 25 tháng 2 năm 2015, ông Ming Sineath, người phát ngôn tòa Thị chính Ratanakiri cũng xác nhận với Đài Á Châu Tự Do rằng cảnh sát có bắt giữ những người Việt Nam đang trốn trong rừng thuộc huyện Lum Phat, tỉnh Ratanakiri và giao cho phía Việt Nam xử lý về vấn đề nhập cảnh bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông này không đưa ra thông tin gì về số lượng người bị bắt và giao cho phía Việt Nam.
Chúng tôi không ai dám mang thức ăn họ vào ban ngày cả vì bị theo dõi. Chỉ dám đi vào ban đêm thôi. Không thể kéo dài hơn được nữa. Bây giờ họ đang rất đói khát và lo sợ lắm. Mong Liên Hiệp Quốc khẩn trương cứu giúp họ nếu không kịp họ có thể bị bắt về Việt Nam. <br/> -Một người Jarai Campuchia
Tiếp xúc với chúng tôi, những người bản địa Jarai Campuchia cho biết họ không dám tiếp xúc với những người tỵ nạn từ Việt Nam sang vào ban ngày vì sợ lực lượng chức năng theo dõi và có thể theo đó bắt những người đang trốn trong rừng. Một người Jarai Campuchia thường xuyên cung cấp thức ăn và nước uống cho người Thượng tỵ nạn xin được giấu tên cho biết những người đang ẩn trốn đang rất lo sợ bị bắt về Việt Nam.
Không những thế, do không được giúp đỡ thường xuyên, những người này đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh nặng do thiếu thức ăn và nước uống.
Anh này chia sẻ: "Chúng tôi không ai dám mang thức ăn họ vào ban ngày cả vì bị theo dõi. Chỉ dám đi vào ban đêm thôi. Không thể kéo dài hơn được nữa. Bây giờ họ đang rất đói khát và lo sợ lắm. Mong Liên Hiệp Quốc khẩn trương cứu giúp họ nếu không kịp họ có thể bị bắt về Việt Nam. Họ khổ lắm".
Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách người tỵ nạn tại Campuchia cho biết họ đã nhiều lần yêu cần sự hợp tác từ bộ Nội vụ Campuchia, tuy nhiên cho đến nay chính quyền Phnom Penh vẫn làm ngơ trước số phận của những người Thượng này.
Tin mới nhận hồi chiều 26 tháng 2 năm 2015, có thêm 8 người Thượng nữa chạy sang Campuchia. Tổng số người Thượng chạy qua Campuchia là 81 người, trong đó 23 người đang ở Phnom Penh và được UNHCR bảo vệ, 9 người đã bị bắt giao cho phía Việt Nam, 49 người đang trốn trong rừng.
Sơn Trung tường trình từ Campuchia.