Nhìn Crimea, châu Á phải lo mối nguy Trung Quốc?

Các nhà ngoại giao Trung Quốc có đủ mọi lý do để hài lòng về phương cách họ ứng xử với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Một mặt, Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, như ngụ ý thống trách Liên Bang Nga trong việc chiếm giữ Crimea. Nhưng cùng lúc, Bắc Kinh lại vắng mặt trong các cuộc biểu quyết chống Nga tại Liên Hiệp Quốc, để ai cũng biết là Trung Quốc không ủng hộ những việc trừng phạt, cấm vận Nga về kinh tế.

Chính sách nước đôi này, để cả hai phía phương Tây và Nga không ai bắt bẻ được, dựa trên nhận thức ước đoàn là Trung Quốc sẽ thủ lợi, cho dù cuộc khủng hoảng được giải quyết cách nào chăng nữa.

Nhận thức ấy sai từ căn bản. Màn kịch Ukraine là sự bất hạnh cho toàn thể châu Á. Trung Quốc có thể sớm nhìn ra rằng thay vì đem lại lợi ích gián tiếp, cuộc khủng hoảng ở xứ Ukraine xa xôi sẽ khiến Bắc Kinh phải đương đầu với những thách đố mới về an ninh, với chi phí tốn kém.

Thật dễ thấy vì sao Trung Quốc có thể thủ lợi qua những sự kiện diễn tiến ở Ukraine, ít nhất là trong ngắn hạn. Nước Nga bị cô lập và bị phương Tây trừng phạt, sẽ rất sẵn lòng bán cho Trung Quốc dầu khí và vũ khí với những điều kiện ưu đãi. Đó là điều đã được cố vấn thân cận của Tổng thống Putin, ông trùm dầu khí Nga Igor Sechin, nguyên phó Thủ tướng, chủ tịch công ty quốc doanh dầu khí Rosneft, nhìn nhận với giới truyền thông hồi tuần trước.

Trung Quốc sẽ sao chép kiểu mẫu Nga?

Nước Mỹ phải chú tâm đối phó với một cuộc khủng hoảng ở châu Âu sẽ không thể có đủ thời gian chăm lo chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á. Trong khi đó thì, tuy không ai nói đến việc Bắc Kinh sẽ theo gương nước Nga trong hành động lấn chiếm lãnh thổ, hành động của Moscow không gặp phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ hẳn phải kích thích các nhà chiến lược Trung Quốc rộn lên mối hy vọng xứ sở của họ một ngày nào đó sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo cùng đường lối với Liên Bang Nga.

Nếu Nga có thể chiếm giữ lãnh thổ Crimea rộng lớn với 2 triệu dân chỉ trong mấy ngày không cần một phát súng chiến tranh nào, thì tại sao Trung Quốc không thể làm như vậy với mấy dải đất đá không người cư ngụ?

Hệ thống đường ống dẫn dầu khí ở biên giới Nga-Kazakhstan do Trung Quốc đầu tư - Courtesy of EPA
Hệ thống đường ống dẫn dầu khí ở biên giới Nga-Kazakhstan do Trung Quốc đầu tư - Courtesy of EPA (Courtesy of EPA)

Tất cả nghe đều rất thật, nhưng chỉ là một phần câu chuyện. Càng nhìn sâu vào cuộc phân rẽ của Ukraine, người ta càng lo sợ rằng mọi quốc gia châu Á, kể cả Trung Quốc, sẽ chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở châu Âu.

Việc dùng võ lực để thay đổi biên giới ở châu Âu có thể không làm Trung Quốc cảnh giác đúng lúc, nhưng những biện pháp được Nga sử dụng để chiếm lấy Crimea cùng với những điều biện minh của họ cho hành động này phải gợi nên mối quan ngại sâu xa cho mọi nước, ngay cả tại Bắc Kinh.

Người Nga tự cho quyền sử dụng võ lực với bất kỳ lân bang nào có người thuộc sắc tộc Nga cư ngụ mà có thể chịu nguy hiểm, và phân phát hộ chiếu Nga cho tất cả cộng đồng ấy để củng cố quyền tự nhận như vậy. Moscow cũng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý chớp nhoáng để biện minh cho sự sáp nhập một tỉnh thành của Ukraine vào nước Nga, nâng cao điều mà họ thích gọi là "tự quyết" thành một nguyên tắc biện minh cho sự đổi thay lãnh thổ.

Cả hai ý tưởng ấy, tự quyền dùng võ lực và tự quyết để tách ra, đều độc hại cho nền an ninh châu Á. Khuôn mẫu "bảo vệ cho đồng chủng" của Nga có thể hấp dẫn một số người Hoa có tinh thần "quốc gia" sẳn sàng biện luận rằng Bắc Kinh đã không hành động đủ để bảo vệ người Hoa ở các nước khác. Tuy nhiên khi Bắc Kinh càng bị lôi cuốn để sao chép khuôn mẫu Nga, càng thêm nhiều người sắc tộc Trung Hoa ở khắp châu Á bị các nước nơi họ cư trú đối xử với nhiều nghi ngại; mối quan hệ nhân quả giữa các cộng đồng sắc tộc thiểu số với xứ sở gọi là "tổ quốc" của họ đã phải mang trách nhiệm cho hai cuộc chiến tranh thế giới phát khởi từ châu Âu.

Thêm vào đó, tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định biên giới là loại nguyên tắc mà Trung Quốc không muốn có. Có thể thấy trước kết quả chắc chắn nếu trưng cầu dân ý được tổ chức ở Tân Cương hay Tây Tạng. Và trong khi Bắc Kinh có đủ điều kiện cần thiết để bảo đảm những cuộc bỏ phiếu như vậy không bao giờ xảy ra, liệu họ có thể làm gì nếu kiểu cách "trưng cầu" như thế được Đài Loan và Hồng Kông chọn lựa?

Thách đố chiến lược cho Bắc Kinh

Không phải những lợi ích chiến lược mà Trung Quốc cho là có thể chiếm được từ vụ khủng hoảng Ukraine đều là thật.

Thừ nhìn qua viễn ảnh Nga chuyển nhượng dầu khí nhiều hơn sang phía Trung Quốc làm ví dụ. Quả là khi châu Âu tìm cách chuyển hướng nguồn cung cấp ra khỏi nước Nga thù nghịch, thì người Nga sẽ buộc phải bán các sản phẩm năng lượng cho Trung Quốc, là thị trường lớn thứ nhì sau châu Âu. Và kế đó, cũng đúng là người Trung Quốc sẽ là phía định giá trong một thị trường của người mua. Đó là hai điều lợi lập tức cho xứ khát dầu này.

Song song với những điều lợi đó, chuyển mối cung cấp khỏi châu Âu sang châu Á là cả một trách vụ khổng lồ. Nga-Trung Quốc sẽ phải kiến tạo mạng lưới đường ống y như họ đã có với châu Âu. Phí tổn sẽ không dưới 50 tỉ đô la, thời gian hoàn tất đòi hỏi nhiều năm, nếu không phải là hằng chục năm.

Dân số Nga Slavic tại miền Bắc Kazakhstan, màu đỏ đậm là trên 50%, giảm dần đến màu trắng là 0% - Courtesy of Wikipedia
Dân số Nga Slavic tại miền Bắc Kazakhstan, màu đỏ đậm là trên 50%, giảm dần đến màu trắng là 0% - Courtesy of Wikipedia (Courtesy of Wikipedia)

Cùng lúc, Trung Quốc có thể bị thôi thúc phải bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng họ đã bảo đảm cho mình ở Trung Á. Đến nay Bắc Kinh đang thắng thế trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Trung Á với Nga, người chủ thực dân cũ của khu vực, bằng một đường lối kiên nhẫn, ôn hòa, với những cơ hội thương mại cho Trung Á mà nước Nga không thể nào sánh kịp.

Thế nhưng chiến thắng ở Ukraine có thể khuyến khích người Nga tiến tới xác định thêm nữa ảnh hưởng ở Trung Á, nơi có những người thuộc sắc tộc Nga sống quây quần trong những cộng đồng lớn rải rác ở nhiều nơi.

Lãnh thổ phía bắc Kazakhstan, xứ sở lớn nhất và giàu nhất Trung Á, là vùng hoàn toàn do người sắc tộc Nga chi phối, rất dễ bị sáp nhập vào Liên Bang Nga theo đúng cách thức như với Crimea. Người Nga có thể sử dụng những căn cứ quân sự họ đã có trên khắp khu vực này vào mục đích đó, hệt như sử dụng căn cứ hải quân ở Crimea. Nói vắn tắt, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến biên giới giữa Trung Quốc với Trung Á bị mất an ninh hơn thay vì an ninh được bảo đảm hơn.

Tác động vào chính sách chuyển trục?

Thực ra sai lầm quan trọng nhất mà Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác ở châu Á có thể phạm phải là dự toán rằng cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Hoa Kỳ phải giảm đi sự hiện diện ở châu Á, hay khiến tiếng tăm trên toàn cầu của người Mỹ bị suy kém.

Dù không để xảy ra chiến tranh với Nga như mọi người không ai trông đợi, Hoa Kỳ vãn có thể kiềm chế sức mạnh của Liên Bang Nga ở châu Âu mà không cần tuôn vào đó những tài nguyên quân sự mới. Người Mỹ chỉ cần khuyến khích đồng minh châu Âu trong khối NATO thay đổi một vài sách lược. Chuyển những căn cứ và binh đội của NATO đang ở Tây Âu sang lãnh thổ Trung Âu và Đông Âu sẽ là một kế hoạch nhanh chóng và không mấy tốn kém, mà vẫn đủ để ghìm chân lực lượng quân sự Nga trong nhiều năm sắp tới.

Rốt cuộc vụ Ukraine-Crimea chẳng tác động gì đến chiến lược tái cân bằng lực lượng Hoa Kỳ sang châu Á; người Mỹ vẫn có thể tiếp tục thực hiện nó. Trên thực tế, chiến lược này còn có thể được củng cố vững mạnh hơn. Thế đối đầu với Nga hiện nay có thể khiến Quốc hội Hoa Kỳ bác bỏ những khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng mà Tổng thống Obama đã phác họa.

Châu Á nhích lại gần Mỹ hơn

Một số nhà phân tích Trung Quốc kín đáo cho rằng quyết định của Hoa Kỳ không phản ứng quân sự với cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine đã làm giảm uy tín của Washington trong lời cam kết bảo đảm an ninh cho các nước khác.

Thực ra Ukraine không phải thành viên của NATO hay EU. Sự cam kết của Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho xứ ấy có tính cách yểm trợ về tinh thần nhiều hơn tính pháp lý.

Siêu cường Hoa Kỳ với sức mạnh hiện nay đã không cam kết đầy đủ cho nền an ninh của Ukraine bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự vô song để bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn cho xứ ấy. Tuy nhiên, bài học mà các nước châu Á có thể rút ra từ sự kiện này là không phải sự bảo đảm an ninh của Mỹ nay trở thành vô giá trị. Để đạt mục đích chắc chắn sự bảo đảm đó có hiệu lực, các quốc gia châu Á đối tác của người Mỹ phải làm sao củng cố mạnh mẽ lời cam kết của Washington đối với nền an ninh của họ. Đó chính là điều mà Nhật Bản và Nam Hàn, trong số các nước châu Á, đang làm.

Người ta chỉ nên coi sự kiện Ukraine như một điều không may, và phản ứng có thể là siết chặt mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ song song với sự tìm tòi cho ra những kế hoạch an ninh chung cho toàn khu vực. Đó là kiến trúc an ninh duy nhất có thể ngăn ngừa Trung Quốc lặp lại kịch bản Ukraine ở châu Á.

Điều này đã trở nên sáng sủa rõ ràng thêm nhiều, khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tuần trước đã chấp thuận nghị quyết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chỉ một nước duy nhất bỏ phiếu ủng hộ Nga: Bắc Hàn. Bạn bè đồng minh như Bắc Hàn quá đủ để Liên Bang Nga chẳng cần có một kẻ thù nào khác!