Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua khi tiếp xúc cử tri Hà Nội lại có phát biểu về công tác chống tham nhũng tại Việt Nam. Ý kiến mới đưa ra đó tiếp tục gây nhiều phản ứng trong dân chúng về vấn nạn bị cho là ‘chưa có thuốc chữa’ này.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố năm 2013, thì Việt Nam xếp hạng 116/177 quốc gia và bị coi là quốc gia có tình trạng tham nhũng cao.
“Chữa ung thư bằng thuốc nhức đầu”
Đánh giá về thực trạng tham nhũng ở VN, TS. Đinh Văn Minh Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra – Thanh tra Chính phủ thấy rằng ở VN tham nhũng là tình trạng phổ biến ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Tuy vậy theo ông Đảng và nhà nước VN đã hết sức coi trọng và có nhiều biện pháp cụ thể để xử lý vấn nạn này.
Từ Hà nội, TS. Đinh Văn Minh nói:
“Ở VN tham nhũng có rất nhiều, đã gây ra sự bức xúc cho người dân, bởi vì tham nhũng nhỏ đa số ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong việc liên hệ với các cơ quan công quyền. Cái đó làm cho hình ảnh cơ quan hành chính công bị méo mó và người dân thiếu sự tin tưởng, thậm chí là họ rất khó chịu. Nguyên nhân không phải do nhà nước không quan tâm đến cái đó đâu, mà vấn đề là thiếu giải pháp đồng bộ.”
Ông TBT có nhầm một chút khi coi đó là cái bình quý, nhưng tôi và người dân nghĩ đấy là cái bình vôi. Mà trong cái bình vôi ấy đầy rẫy lũ ma quỷ và chính cái lũ ma quỷ do cái bình vôi ấy sinh ra nó đã hoành hành, không chỉ tham nhũng mà chúng nó còn làm đủ các điều tác oai tác quái khác
TS. Nguyễn Quang A
Nói về những hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng, ngày 6.10.2014, khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội TBT Nguyễn Phú Trọng nói rằng: "Chống tham nhũng đòi hỏi khôn ngoan, cần có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm."
Đánh giá về phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng, TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS thấy rằng đây là việc đáng mừng, theo ông đó là việc thú nhận sự thất bại hoàn toàn của việc chống tham nhũng từ người đứng đầu Đảng CSVN.
Từ Hà nội, TS. Nguyễn Quang A nói:
“Ở đây ông TBT có nhầm một chút khi coi đó là cái bình quý, nhưng tôi và người dân nghĩ đấy là cái bình vôi. Mà trong cái bình vôi ấy đầy rẫy lũ ma quỷ và chính cái lũ ma quỷ do cái bình vôi ấy sinh ra nó đã hoành hành , không chỉ tham nhũng mà chúng nó còn làm đủ các điều tác oai tác quái khác. Cho nên theo tôi nên tìm cách vứt cái bình vôi đó đi là cách hay nhất. Rất đáng tiếc là ông TBT tuy đã chân thành thừa nhận sự thất bại của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhưng ông ấy vẫn cố bám vào cái bình vôi ấy thì vô phương cứu chữa”.
Khi được hỏi về những nguyên nhân khiến cho việc chống tham nhũng ở VN không có hiệu quả, tình trạng tham nhũng ngày càng tăng, không có dấu hiệu suy giảm.
Có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ: phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng, vì nếu còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho. Càng không nên phát biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì vạch áo cho người xem lưng
ông Lê Như Tiến
TS. Đinh Văn Minh thấy rằng đây là vấn đề nhạy cảm vì có liên quan đến tiền bạc và quyền lực. Theo ông người tham nhũng hầu hết là người có chức vụ, có quyền lực và cả một hệ thống nên không dễ có thể làm được. Song theo ông quan trọng là nhà nước chưa có các biện pháp xử lý thích đáng.
TS. Đinh Văn Minh nói:
“Chúng tôi dưới góc độ nghiên cứu trong quá trình cải cách thể chế và tình hình thực tế diễn ra thì có một nhận xét là hiện nay chúng ta chống tham nhũng nhưng tham nhũng “chay”nhiều quá. Tham nhũng thực chất là hành vi hướng tới chiếm đoạt tiền và tài sản, cho nên chống tham nhũng là chúng ta phải hướng tới việc đòi lại hay giành lại những cái tài sản mà những kẻ tham nhũng lấy lại của nhầ nước và nhân dân. Mục đích của nó phải là như vậy và điều đó phải được nhấn mạnh, nhưng tiếc rằng do các thiết chế từ trước tới nay của chúng ta chưa được quan tâm đến một cách đúng mức và thỏa đáng cho nên kết quả hết sức hạn chế.”
Không thể chống tham nhũng trong chế độ độc đảng
Theo báo Tuổi trẻ, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa , giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho biết: "Có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ: phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng, vì nếu còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho. Càng không nên phát biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì vạch áo cho người xem lưng. Vậy là cuộc chiến chống tham nhũng có nguy cơ triệt tiêu trên diễn đàn Quốc hội".
Muốn chống tham nhũng thì phải có tự do ngôn luận, phải có sự kiềm chế quyền lực từ bên ngoài hoặc là giữa các bên ở bên trong, như các bên trong nội bộ của Đảng. Nhưng kiềm chế thì phải cương quyết, chứ không phải là sợ vỡ cái bình vôi. Và những người ấy phải được lựa chọn theo tài năng và đức độ
TS. Nguyễn Quang A
TS. Nguyễn Quang A cho rằng trong chế độ độc đảng cai trị như ở VN, thì một khi bản thân thể chế chính trị đã tạo điều kiện sinh ra và khuyến khích tham nhũng thì không bao giờ có thể chống tham nhũng được.
TS. Nguyễn Quang A nhận định:
“Muốn chống tham nhũng thì phải có tự do ngôn luận, phải có sự kiềm chế quyền lực từ bên ngoài hoặc là giữa các bên ở bên trong, như các bên trong nội bộ của Đảng. Nhưng kiềm chế thì phải cương quyết, chứ không phải là sợ vỡ cái bình vôi. Và những người ấy phải được lựa chọn theo tài năng và đức độ chứ không phải theo tiêu chuẩn vừa Hồng vừa Chuyên. Các điều kiện như thế đã không có ở chính quyền hiện nay ở VN thì làm sao mà chống tham nhũng được? Do vậy những hô hào chống tham nhũng từ trước đến nay chỉ là mị dân mà thôi.”
Nói về giải pháp nhằm diệt trừ vấn nạn tham nhũng ở VN, TS. Nguyễn Quang A thấy rằng, ở một thể chế chính trị tương đối độc đoán như Singapore ngay từ đầu họ đã đào tạo và lựa chọn một đội ngũ quan chức có trình độ, tài năng, có trách nhiệm, liêm khiết và coi việc được phục vụ nhân dân là một vinh dự. Còn ở VN với thể chế như hiện nay thì vô phương.
TS. Nguyễn Quang A nói:
“60 năm vừa qua Đảng CSVN không có một sự lựa chọn con người như thế, những kẻ leo lên đỉnh chót của quyền lực không phải là người tinh hoa thì làm sao có thể. Trừ khi có một người thực sự có tài năng và uy quyền, nhưng khả năng ấy chỉ có thể khi người ta bắt đầu xây dựng một chính quyền. Chứ còn ở một chính quyền đã tồn tại 60 năm nay và ngày càng thối nát ra thì tôi nghĩ là vô phương cứu chữa. Chính vì vậy tôi nói Đảng CSVN không còn tương lai ở đất nước này nữa ”.
Ở VN hiện nay, Đảng CSVN cho rằng tham nhũng là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tuy vậy, điều đó chỉ là sự biện hộ cho sự không trong sáng của chính quyền hiện tại trong thể chế chính trị độc đoán và độc đảng lãnh đao. Không thể chống tham nhũng nếu không có các thiết chế cần thiết để tăng cường sự kiểm soát sự công khai và minh bạch của một nhà nước pháp quyền.